backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Đi tìm lời giải cho việc người bệnh tiểu đường có được ăn chuối không

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 16/07/2020

    Đi tìm lời giải cho việc người bệnh tiểu đường có được ăn chuối không

    Chuối là một trong những loại hoa quả quen thuộc với người dân Việt. Không những thế, loại trái cây này còn được ví như “siêu thực phẩm”, nguồn cung dưỡng chất dồi dào dưỡng chất cho cơ thể. Tuy nhiên, khi chín, chuối thường có vị ngọt nên làm cho nhiều người lo ngại không biết bệnh nhân tiểu đường có được ăn chuối không?

    Với người bệnh tiểu đường, điều quan trọng là phải làm mọi cách để giữ mức đường huyết luôn ở mức ổn định nhất có thể. Đây cũng là phương án hữu hiệu trong việc phòng ngừa hoặc kìm hãm sự tiến triển của một vài biến chứng của bệnh đái tháo đường. 

    Vì lý do đó mà bạn cần nhận thức rõ đâu là những loại thực phẩm có khả năng làm thay đổi chỉ số đường huyết của mình. Như đã đề cập ở trên, mặc dù tốt cho sức khỏe, nhưng chuối vẫn nằm trong danh mục các loại trái cây có hàm lượng carbohydrate (carb) và đường khá cao. Nếu vẫn muốn nhận được những lợi ích từ loại thực phẩm này, người mắc bệnh tiểu đường type 2 nên tham khảo bài viết dưới đây.

    Tác dụng của chuối ảnh hưởng thế nào đến người có bệnh đái tháo đường?

    Nếu không cẩn thận, việc tiêu thụ các loại thực phẩm giàu carbohydrate có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao đột ngột, điều này thực sự không tốt cho sức khỏe của người bệnh . 

    Để phòng tránh tình trạng trên xảy ra, thông thường người ta sẽ dùng chỉ số đường huyết (GI) làm tiêu chí để lựa chọn thực phẩm cho đối tượng này. Theo đó, họ cần ưu tiên dùng những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (dưới 55) chứ không loại bỏ hoàn toàn chúng khỏi thực đơn hằng ngày. 

    Tuy được xếp vào nhóm trái cây giàu carb nhưng chỉ số đường huyết trung bình của chuối vẫn ở mức thấp. Vậy nên, loại quả này vẫn an toàn cho người bệnh đái tháo đường, miễn là bạn tiêu thụ với lượng thích hợp.

    Về cơ bản, bạn cần phải kiểm soát kỹ lưỡng lượng carb mình tiêu thụ. Nếu lỡ ăn quá nhiều chuối trong một bữa, bạn buộc phải hạn chế hoặc tránh dùng các loại thực phẩm giàu carb khác trong ngày. 

    [mc4wp_form id=’290304″]

    Lợi ích của chuối với người bệnh tiểu đường không phải ai cũng rõ

    Hầu hết các hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường đều có khuyến cáo nên cân đối khẩu phần ăn hằng ngày, bao gồm cả việc tiêu thụ trái cây. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), việc ăn chuối điều độ và hợp lý sẽ góp phần kiểm soát đường huyết tốt. Chính vì thế, câu trả lời cho thắc mắc “tiểu đường có được ăn chuối không” là “có” vì những lý do sau:

    1. Chuối là nguồn dồi dào chất xơ

    tiểu đường có được ăn chuối không

    Không chỉ có tinh bột và đường, một quả chuối cỡ vừa còn chứa khoảng 3 gram chất xơ. Thành phần này khá quan trọng giúp kiểm soát các vấn đề ở đường tiêu hóa, ổn định cân nặng, phòng ngừa bệnh tim mạch và nhiều bệnh mãn tính khác.

    Riêng với người bệnh tiểu đường, chất xơ có tác dụng làm chậm quá trình tiêu hóa nên kéo theo việc hấp thụ carb cũng bị hạn chế, từ đó làm giảm nguy cơ đường huyết tăng vọt đột ngột.

    2. Vitamin B6 (Pyridoxin)

    Bệnh thần kinh đái tháo đường là tình trạng tổn thương dây thần kinh xảy ra do glucose huyết tăng cao trong máu. Lúc này, glucose sẽ gây tổn hại đến các dây thần kinh ở mọi vị trí trên cơ thể, đặc biệt là ở các dây thần kinh chi trên và dưới. Theo đó, một trong những nguyên nhân đưa đến biến chứng nguy hiểm này là sự thiếu hụt vitamin B6 trong chế độ dinh dưỡng.

    May mắn thay, chuối lại là thực phẩm giàu dưỡng chất này nên đem lại hiệu quả đối với bệnh thần kinh đái tháo đường. Một nghiên cứu được tiến hành ở Mexico cũng cho biết, việc thiếu vitamin B6 làm thúc đẩy bệnh đái tháo đường tiến triển nhanh hơn. Không những thế, vitamin nhóm B này còn giữ vai trò ngăn ngừa chứng trầm cảm ở bệnh nhân tiểu đường. 

    3. Kháng tinh bột

    Kháng tinh bột là thành phần chủ yếu có mặt trong chuối xanh. Đó là loại carb không tiêu hóa được và đóng vai trò như chất xơ. Chuối càng xanh thì lượng kháng tinh bột càng nhiều. Chính vì không thể tiêu hóa được nên thành phần này khi vào cơ thể sẽ không giải phóng glucose ở ruột non, mà đi thẳng xuống ruột già để các vi khuẩn tại đây lên men, tiêu hóa. Nhờ vậy mà chuối xanh không những không làm tăng đường huyết mà còn kiểm soát lượng đường trong máu lâu dài.

    Trên thực tế, một nghiên cứu gần đây về ổn định đường huyết trên nhóm phụ nữ mắc bệnh tiểu đường loại 2 đã thu về kết quả khả quan. Theo đó, những người có bổ sung kháng tinh bột trong chế độ ăn lại kiểm soát đường huyết tốt hơn hẳn so với nhóm không dùng thuốc trong thời gian 8 tuần.

    Nhiều nghiên cứu khác lại phát hiện ra kháng tinh bột giúp cải thiện độ nhạy với insulin, giảm nồng độ glucose huyết. Người bình thường nếu chịu khó bổ sung các loại thực phẩm giàu kháng tinh bột sẽ phòng ngừa được khá nhiều bệnh mạn tính, bao gồm cả bệnh tiểu đường.

    Tuy nhiên, những vai trò trên của kháng tinh bột vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể ở đối tượng bệnh nhân đái tháo đường type 1

    Những yếu tố ảnh hưởng đến tác dụng của chuối với đường huyết

    Những lợi ích trên cũng phần nào giúp bạn có câu trả lời rõ hơn cho việc “người bệnh tiểu đường có được ăn chuối không”. Điều quan trọng hơn cả là bạn cần phải tiêu thụ loại quả này một cách cẩn trọng để tránh làm ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết.

    Có 2 yếu tố tác động trực tiếp đến vấn đề này bạn cần biết:

    1. Độ chín của chuối

    Chuối chín chứa ít lượng kháng tinh bột và có nhiều đường hơn so với chuối xanh. Điều này đồng nghĩa với chuối chín sẽ có chỉ số đường huyết (GI) cao hơn (60), trong khi chỉ số này của một quả chuối xanh rơi vào tầm 40.

    2. Kích thước quả chuối

    Độ chín không phải là yếu tố duy nhất quyết định lượng đường có trong chuối. Theo đó, quả chuối càng to thì lượng carb sẽ càng nhiều. Do vậy, việc tiêu thụ nhiều chuối hay dùng một quả lớn trong một lần ăn sẽ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. 

    Để an tâm, bạn có thể áp dụng tải lượng đường huyết (Glycemic load) để ước tính khẩu phần ăn phù hợp. Glycemic load (GL) được tính bằng cách nhân chỉ số đường huyết (GI) của thực phẩm với lượng carb của thực phẩm đó trong một khẩu phần ăn rồi chia cho 100. GL dưới 10 được coi là thấp, từ 11 đến 19 là trung bình và hơn 20 được gọi là cao. 

    Bạn có thể tham khảo lượng carb của chuối theo kích cỡ dưới đây:

    • Quả dưới 15cm: 18,5gram
    • Quả từ 15 – dưới 18cm: 23 gram
    • Quả từ 18 – dưới 20cm: 27gram
    • Quả trên 20cm: 31 gram

    Trong trường hợp nếu chuối chín hoàn toàn thì chỉ số đường huyết quy định sẽ là 62. Lúc này, tải lượng đường huyết sẽ dao động từ 11 (chuối nhỏ) đến 22 (chuối lớn). Lời khuyên là bạn nên chọn những thực phẩm có chỉ số tải lượng đường huyết từ thấp đến trung bình để hạn chế tác dụng của chuối đến đường huyết.

    Bệnh nhân tiểu đường có được ăn chuối không, mách bạn cách bổ sung thực phẩm này hiệu quả

    ăn chuối cùng yaourt không đường

    Nếu lỡ trót “nghiện” loại quả này, những lời khuyên sau đây có thể sẽ hữu ích với bạn:

    • Dùng chuối chung với thực phẩm giàu chất béo không bão hòa hoặc đạm tốt cho sức khỏe như hạnh nhân, bơ đậu phộng, sữa chua không đường để tăng thêm hương vị, làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm cảm giác thèm ăn trong ngày
    • Ưu tiên sử dụng chuối gần chín tới để giảm hấp thu carb 
    • Theo dõi kích thước khẩu phần ăn hằng ngày, nên ăn một đến hai quả chuối nhỏ mỗi lần 
    • Trải đều lượng trái cây tiêu thụ trong suốt cả ngày, không ăn tập trung nhiều cùng lúc để giảm tải lượng đường huyết và giữ mức glucose máu luôn ổn định
    • Nên ăn cách xa bữa ăn, nếu ăn kèm bữa chính thì phải đảm bảo bữa ăn đó ít đường và tinh bột
    • Tuyệt đối không ăn chung với thức ăn có nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt
    • Lượng tiêu thụ mỗi ngày còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Nếu chưa chắc chắn, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để rõ hơn. 

    Mong rằng qua bài viết trên bạn đã gỡ rối được thắc mắc “người bệnh tiểu đường có được ăn chuối không”. Để bảo đảm sức khỏe, bạn hãy chú ý hơn nữa đến chế độ ăn uống hằng ngày. Đừng để bệnh diễn tiến nặng hơn và gây ra những biến chứng khôn lường bạn nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 16/07/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo