Nhắc đến sự phong phú của ẩm thực Việt Nam thì không thể bỏ qua những món bún. Thế nhưng, đây lại là thực phẩm giàu tinh bột nên khiến cho nhiều người phải lo lắng không biết bệnh tiểu đường có ăn được bún không?
Nếu bạn đang quan tâm đến vấn đề này, hãy cùng tìm hiểu ngay!
Chỉ số đường huyết của bún
Chỉ số đường huyết của thực phẩm (GI) là thước đo mức độ làm tăng đường trong máu của một loại thực phẩm. Phân loại dựa trên chỉ số GI, thực phẩm được chia thành 3 nhóm:
- GI ≤ 55: Thấp
- 55 < GI < 70: Trung bình
- GI ≥ 70: Cao
Chỉ số đường trong bún là bao nhiêu, cao hay thấp? Theo một số tài liệu, bún tươi có chỉ số GI là 51.2, thuộc nhóm GI thấp.
Bệnh tiểu đường có ăn được bún không?
Trong chế độ ăn cho người tiểu đường, không có một loại thực phẩm nào phải kiêng hoàn toàn. Do đó, bệnh tiểu đường có ăn được bún không thì chắc chắn là CÓ.
Người bệnh tiểu đường được khuyên nên chọn thực phẩm có chỉ số GI thấp, trung bình vì chúng ít tác động đến đường huyết sau khi ăn. Và bún cũng là một trong những loại thực phẩm nằm trong danh sách này. Những lợi ích khi nạp vào thực phẩm có chỉ số GI thấp có thể kể đến như:
- Nhóm thực phẩm này đã được chứng minh là giúp kiểm soát bệnh tiểu đường típ 2 và giúp cải thiện cân nặng.
- Một nghiên cứu vào năm 2014 đánh giá về chất lượng carbohydrate và nguy cơ mắc bệnh mạn tính cho thấy chế độ ăn với chỉ số đường huyết của thực phẩm thấp có thể mang lại lợi ích chống viêm.
- Ăn nhiều thực phẩm có chỉ số GI cao là nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường típ 2, bệnh tim mạch và thừa cân. Ngoài ra, có một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy mối liên hệ giữa chế độ ăn có chỉ số GI cao với thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, vô sinh do rụng trứng và ung thư đại trực tràng.
Tiểu đường ăn bún có việc gì không? Thực tế, bạn ăn nhiều một món có chỉ số GI thấp cũng có thể làm tăng đường huyết như khi ăn một lượng nhỏ món có chỉ số GI cao. Vậy nên, điều quan trọng hơn cả là kiểm soát lượng bún nạp vào.
Lưu ý khác bên cạnh người bệnh tiểu đường có ăn được bún không
Khi đã có câu trả lời cho việc bị bệnh tiểu đường có ăn được bún không, bạn cũng nên biết thêm về những mẹo để ăn bún “lành mạnh” hơn, tốt hơn trong hành trình kiểm soát bệnh. Chúng bao gồm:
- Uống 1 ly nước trước khi ăn: Điều này giúp bạn cảm thấy no hơn, từ đó giảm lượng thực phẩm nạp vào.
- Ăn các thực phẩm đi kèm bún nhiều hơn: Các món bún đều được ăn kèm với rau, giá, thịt, cá, tôm, cua, đậu… Bạn nên ăn nhiều những thực phẩm này và giảm lượng bún xuống. Rau nên chiếm một nửa lượng thực phẩm nạp vào và nên được ăn đầu tiên, sau đó đến thực phẩm giàu đạm và bún là cuối cùng.
- Có thể chọn bún gạo lứt cho người tiểu đường thay vì bún trắng. Bún làm từ gạo lứt có lượng chất xơ nhiều hơn sẽ hấp thu chậm hơn, từ đó hạn chế gây tăng đường huyết, đồng thời giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Ngoài ra, các loại bún rau củ cũng được khuyên dùng cho người bệnh tiểu đường.
- Tính toán bún như một bữa ăn chính, giống như cơm, phở, mì.
- Hạn chế ăn cùng các loại nước hầm xương vì chúng chứa nhiều các loại chất béo không lạnh mạnh
- Tránh sử dụng quá nhiều các loại nước chấm như nước mắm, nước tương, tương cà, tương ớt, các loại mắm,… vì người bệnh tiểu đường cần giảm muối để bảo vệ tim mạch.
Như vậy, bạn không cần quá lo lắng về việc người bệnh tiểu đường có ăn được bún không. Hãy cứ thưởng thức những món bún ngon nhưng đừng quên áp dụng các mẹo trong bài viết để nhận được nhiều lợi ích hơn cho sức khỏe.