backup og meta

Vitamin 3B

Vitamin 3B

Vitamin 3B là sự kết hợp của 3 thành phần vitamin B cần thiết cho cơ thể, gồm: vitamin B1, B6 và B12. Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi giải đáp vitamin 3B có tác dụng gì và cách sử dụng loại vitamin này nhé!

Biệt dược: Vitamin 3B, 3B-Soft vitamin, Vitamin 3B Plus, Vitamin 3b Gold…

Tên hoạt chất: Vitamin B1, B6 và B12.

Tác dụng

Vitamin 3B có tác dụng gì?

Vitamin 3B là sự kết hợp giữa 3 vitamin nhóm B gồm B1, B6 và B12. Sản phẩm có thể được đăng ký dưới dạng thuốc hoặc thực phẩm chức năng với hàm lượng các loại vitamin B khác nhau, dùng để bổ sung vitamin thiết yếu cho cơ thể.

Khi xét đến từng thành phần riêng lẻ thì:

  • Vitamin B1 (thiamin) có thể giúp cơ thể phá vỡ và giải phóng năng lượng từ thức ăn, đồng thời giữ cho hệ thống thần kinh luôn khỏe mạnh. Ngoài ra, loại vitamin này còn được biết đến với tên gọi là “vitamin chống căng thẳng” vì có thể tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện khả năng chống lại các điều kiện căng thẳng của cơ thể.
  • Vitamin B6 (pyridoxin) giúp cơ thể sử dụng và dự trữ năng lượng từ protein và carbohydrate, đồng thời góp phần trong quá trình hình thành hemoglobin trong hồng cầu.
  • Trong khi đó, vitamin B12 (cobalamin) giúp sản xuất và duy trì myelin xung quanh tế bào thần kinh. Vitamin này cũng có vai trò trong quá trình hình thành tế bào hồng cầu cũng như phá vỡ một số acid béo và acid amin để sản xuất năng lượng.

Thuốc vitamin 3B có tác dụng gì?

Hàm lượng của các loại vitamin B1, B6 và B12 trong dạng thuốc uống thường cao hơn nên tác dụng của thuốc vitamin 3B có thể là:

Viên uống vitamin 3B có tác dụng gì?

Các sản phẩm thực phẩm chức năng chứa 3 vitamin nhóm B này với hàm lượng thấp hơn và có tác dụng:

  • Bổ sung vitamin cho cơ thể
  • Cải thiện tình trạng suy nhược do thiếu vitamin B1, B6 và B12
  • Bổ sung các axit amin thiết yếu, giúp hỗ trợ chức năng gan mật, giúp ăn ngon
  • Giúp nâng cao sức khỏe, chống mệt mỏi, tăng cường hoạt động của hệ thần kinh

Đặc biệt, thuốc vitamin 3B dạng tiêm chỉ được sử dụng khi có yêu cầu của bác sĩ. Với dạng này, bạn cần đặc biệt chú ý cách tiêm vào cơ thể sao cho an toàn nhất.

Một số tác dụng của vitamin 3B (B1, B6, B12) khác không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý khi có chỉ định của bác sĩ.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Chế phẩm vitamin 3B trên thị trường có những dạng và hàm lượng nào?

Các chế phẩm vitamin 3B trên thị trường được sản xuất dưới nhiều dạng bào chế khác nhau như viên nén bao phim, viên nang mềm, thuốc tiêm và cả sản phẩm thực phẩm chức năng với hàm lượng khác nhau. Bạn cần lưu ý đến hàm lượng của sản phẩm trước khi mua và sử dụng.

Bạn có thể tham khảo hàm lượng các vitamin nhóm B có trong một vài chế phẩm dưới đây:

 Thành phần  Thuốc (viên nén bao phim)  Thực phẩm chức năng
 Vitamin B1  125mg  3mg
 Vitamin B6  125mg  3mg
 Vitamin B12  125mcg  6mcg

Liều dùng vitamin 3B cho người lớn như thế nào?

Tuy vào hàm lượng của các chế phẩm mà liều dùng vitamin 3B sẽ khác nhau

  • Đối với sản phẩm thuốc: Uống theo chỉ dẫn của bác sĩ, có thể uống 1–2 viên/lần, ngày uống 2 lần. Để điều trị các chứng đau nhức: uống 2 viên/ lần, ngày 3–4 lần.
  • Đối với thực phẩm chức năng: uống mỗi lần 1 viên, ngày uống 2 lần.

Liều dùng vitamin 3B cho trẻ em như thế nào?

Trẻ em có thể dùng với liều bằng 1/2 liều người lớn, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

Cách dùng

Cách dùng vitamin 3B như thế nào?

Vitamin 3B dùng trước và trong bữa ăn

Bạn nên uống vitamin 3B trước hoặc trong bữa ăn. Với dạng thuốc uống, không được nhai, bẻ viên thuốc khi uống.

Các chế phẩm thuốc tiêm vitamin 3B được khuyến cáo nên tiêm bắp, không tiêm tĩnh mạch. Các thuốc dạng này chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và cần chú ý cách đưa chúng vào cơ thể sao cho an toàn nhất. Việc sử dụng thuốc dạng tiêm phải được thực hiện trong các cơ sở y tế có đội ngũ nhân viên, bác sĩ được đào tạo và các phương tiện cấp cứu có sẵn để đề phòng tình trạng quá mẫn cảm (sốc phản vệ) với thuốc.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Triệu chứng quá liều vitamin B1 hiếm khi xảy ra, tuy nhiên có thể gây ra thừa vitamin B1 như ngộ độc, khó thở, dị ứng da, chóng mặt.

Liều cao và kéo dài vitamin B6 có thể gây hội chứng về thần kinh cảm giác, mất điều phối, biểu hiện ở mất ý thức về vị trí và run các đầu chi, mất phối hợp động tác giác quan dần dần

Quá liều vitamin B12 có thể gây triệu chứng thở khò khè, mẩn ngứa, nổi mề đay, phù mặt, loạn nhịp tim.

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách các loại thuốc đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Tác dụng phụ của vitamin 3B (B1, B6, B12) là gì?

Khi sử dụng kết hợp vitamin B1, B6 và B12, nước tiểu của bạn có thể có màu hồng.

Bạn cũng có thể gặp phải các phản ứng dị ứng với các triệu chứng như phát ban, nổi mề đay, ngứa, khó thở, tức ngực, sưng miệng, mặt, môi hoặc lưỡi, tê hoặc ngứa ran. Thuốc bổ thần kinh B1, B6, B12 cũng có thể gây tiêu chảy nhẹ, buồn nôn và đau dạ dày.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả tác dụng phụ của vitamin 3B. Bạn vẫn có thể gặp phải những tác dụng phụ khác không được đề cập phía trên. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào khi dùng thuốc, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng vitamin 3B, bạn nên lưu ý những gì?

Thận trọng khi dùng thuốc vitamin 3B

Thuốc chống chỉ định cho các đối tượng sau đây:

  • Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc
  • Những người đang bị bướu ác tính hoặc đang mắc các bệnh ung thư
  • Có tiền sử dị ứng với vitamin B12
  • Người có cơ địa dị ứng
  • Đang sử dụng thuốc levodopa
Lưu ý, bạn không được dùng quá 2g vitamin B6 trong một ngày.

Sự hấp thu vitamin B12 cần phải có yếu tố nội tại (glycoprotein) do dạ dày tiết ra, vì vậy dạng thuốc uống không có tác dụng bổ sung B12 cho những người cắt bỏ hoàn toàn dạ dày.

Nếu không thật sự cần thiết, bạn không nên sử dụng chế phẩm phối hợp vitamin 3B mà hãy dùng dạng thuốc riêng lẻ của mỗi loại vitamin.

Một số người khó hấp thụ vitamin 3B hơn thông thường, bao gồm bệnh Crohn, bệnh Celiac, người mắc bệnh ung thư và và lạm dụng rượu. Với những đối tượng này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng các loại viên uống chứa vitamin 3B nhé!

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc cho những trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật…)

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Bạn chỉ nên dùng khi thực sự cần thiết hoặc khi lợi ích của việc dùng thuốc được xác định cao hơn nguy cơ.

Tương tác

Vitamin 3B có thể tương tác với những thuốc nào?

Vitamin 3B có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, bạn tốt nhất nên viết một danh sách những thuốc đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Vitamin 3B có thể tương tác với các thuốc:

  • LevodopaVitamin B6 gây kích hoạt enzyme dopadecarboxylase ngoại biên, do đó không được dùng sản phẩm có vitamin B6 chung với levodopa nếu như chất này không phối hợp chung với chất ức chế enzyme dopadecarboxylase.
  • Thuốc tránh thai dạng uống, isoniazid, penicilamine có thể làm tăng nhu cầu về vitamin B6 và B12.
  • Neomycin, acid aminosalicylic, thuốc kháng histamin H2 và colchicine làm giảm hấp thu vitamin B12 qua dạ dày – ruột.
  • Chloramphenicol dạng tiêm có thể làm giảm hiệu quả của vitamin B12.

Vitamin 3B có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến tác dụng của các vitamin này?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản

Bạn nên bảo quản chế phẩm vitamin 3B như thế nào?

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ không quá 30ºC, tránh ánh sáng trực tiếp.

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về câu hỏi vitamin 3B có tác dụng gì và cách sử dụng các chế phẩm vitamin 3B nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Vitamin B1 (Thiamine) https://www.mountsinai.org/health-library/supplement/vitamin-b1-thiamine Ngày truy cập: 31/08/2021

Vitamin 3B https://drugbank.vn/thuoc/Vitamin-3B&VD-28401-17 Ngày truy cập: 31/08/2021

B Vitamins in the nervous system: Current knowledge of the biochemical modes of action and synergies of thiamine, pyridoxine, and cobalamin https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6930825/ Ngày truy cập: 31/08/2021

B vitamins and folic acid https://www.nhs.uk/conditions/vitamins-and-minerals/vitamin-b/ Ngày truy cập: 31/08/2021

Vitamin B https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/vitamin-b Ngày truy cập: 31/08/2021

Vitamin B https://www.nhs.uk/conditions/vitamins-and-minerals/vitamin-b/ Ngày truy cập 28/03/2023

B Vitamins https://medlineplus.gov/bvitamins.html Ngày truy cập 28/03/2023

Phiên bản hiện tại

28/03/2023

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Vi Quỳnh


Bài viết liên quan

14 vitamin bạn cần bổ sung khi mang thai

Con của bạn có bị thiếu vitamin B không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 28/03/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo