backup og meta

Viên uống giảm nguy cơ tim mạch men gạo đỏ Red yeast rice có an toàn?

Viên uống giảm nguy cơ tim mạch men gạo đỏ Red yeast rice có an toàn?

Men gạo đỏ là một loại thực phẩm vô cùng quen thuộc với người châu Á. Nó cũng đã có mặt trong nhiều loại thực phẩm chức năng từ những năm 1970. Viên uống giảm nguy cơ tim mạch men gạo đỏ Red Yeast Rice là trong những loại thực phẩm chức năng được nhiều người tin dùng.

Cùng tìm hiểu về tác dụng, liều dùng và cách dùng của loại thực phẩm chức năng này với Hello Bacsi nhé!

Tìm hiểu chung

Men gạo đỏ có tác dụng gì?

Men gạo đỏ là sản phẩm thu được từ quá trình lên men gạo của một loại nấm men (Monascus purpureus). Nó có tên như vậy là do loài nấm men này có khả năng tạo sắc tố biến gạo thành màu tím đỏ. Đây là một loại thực phẩm được sử dụng lâu đời ở các nước châu Á và là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền Trung Quốc.

Sau khi phát hiện monacolin K – một chất có cấu trúc tương tự thuốc hạ mỡ máu lovastatin có trong men gạo đỏ, loại thực phẩm này nhận được sự quan tâm lớn và bắt đầu được nghiên cứu ứng dụng làm thực phẩm chức năng bổ sung giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Lovastatin là một loại thuốc thuộc nhóm statin có tác dụng giúp làm chậm quá trình sản xuất cholesterol trong cơ thể để giảm lượng cholesterol tích tụ trên thành động mạch và ngăn chặn lưu lượng máu đến tim, não và các bộ phận khác của cơ thể.

Nghiên cứu cho thấy, men gạo đỏ có thể làm giảm mức cholesterol toàn phần trong máu, cholesterol LDL (lipoprotein mật độ thấp – hay cholesterol có hại) và triglyceride. Ngoài ra, nó cũng được báo cáo là có nhiều đặc tính sinh học khác như hạ đường huyết, chống ung thư, bảo vệ tế bào thần kinh, bảo vệ gan, chống loãng xương, giảm mệt mỏi, chống tiểu đường, chống béo phì, điều hòa miễn dịch, chống viêm, chống tăng huyết áp và kháng khuẩn.

men gạo đỏ

Thành phần trong viên uống Red Yeast Rice

  • Men gạo đỏ (Monascus purpureus): 1200 mg
  • Plant Phytosteroids 850 mg
  • Microglgae 1 mg.

Viên uống giảm nguy cơ tim mạch men gạo đỏ Red Yeast Rice có tác dụng gì?

Người ta sử dụng viên uống giảm nguy cơ tim mạch men gạo đỏ Red Yeast Rice để hỗ trợ điều trị cholesterol cao và bệnh tim. Những tác dụng được các nhà sản xuất công bố cho sản phẩm gồm:

  • Làm giảm cholesterol xấu, giúp ngăn chặn rối loạn mỡ máu
  • Giúp giữ cholesterol ở mức khỏe mạnh, giảm nguy cơ gây xơ vữa động mạch, đột quỵ, tắc nghẽn mạch máu não, đau tim
  • Cải thiện lưu thông tuần hoàn máu
  • Làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim và tử vong ở những người mắc hội chứng chuyển hóa
  • Làm giảm lượng đường trong máu và điều hòa huyết áp.

Đối tượng sử dụng

Một số nhà sản xuất khuyến cáo các đối tượng nên sử dụng viên uống giảm nguy cơ tim mạch men gạo đỏ Red Yeast Rice bao gồm:

  • Người trưởng thành bị thừa cân, béo phì
  • Người có cholesterol trong máu cao
  • Người có nguy cơ mắc xơ vữa mạch máu và các bệnh về tim mạch.

Lưu ý

Các đối tượng sau không nên sử dụng viên uống gạo men đỏ: 
  • Phụ nữ mang thai, đang cố gắng mang thai hoặc đang cho con bú
  • Người dưới 20 tuổi
  • Bệnh nhân mắc bệnh gan, suy thận
  • Người có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong sản phẩm
  • Bệnh nhân đang điều trị bằng các loại thuốc khác mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ.

Cách dùng, liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Cách dùng 

Thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe giảm nguy cơ tim mạch men gạo đỏ Red Yeast Rice được bào chế dưới dạng viên uống. Cách dùng là uống cả viên với một ly nước. Bạn có thể uống cùng bữa ăn để dưỡng chất được hấp thụ tốt hơn.

Liều dùng

viên uống giảm nguy cơ tim mạch men gạo đỏ red yeast rice

Tùy hàm lượng mà mỗi sản phẩm sẽ có khuyến cáo khác nhau về liều dùng. Đọc kỹ hướng dẫn hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

  • Liều khuyến cáo từ nhà sản xuất: 2 viên/lần x 2 lần/ngày
  • Không dùng quá 4 viên trong 24 giờ.

Thận trọng/Cảnh báo

Những lưu ý khác khi dùng viên uống giảm nguy cơ tim mạch men gạo đỏ Red Yeast Rice

  • Sản phẩm không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác (đặc biệt là những thuốc nhằm làm giảm cholesterol).
  • Thận trọng khi dùng sản phẩm cho người đang nghiện bia rượu.
  • Hiện chưa có thông tin về tương tác thuốc giữa Red Yeast Rice với các loại thuốc khác. Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ về các loại sản phẩm đang dùng để được tư vấn cụ thể.
  • Không sử dụng sản phẩm khi hết hạn sử dụng hoặc viên có tình trạng chảy nước, mốc, đổi màu.

Tác dụng phụ của men gạo đỏ

Mặc dù men gạo đỏ thường được coi là an toàn nhưng nó có thể mang lại những tác dụng phụ tiềm ẩn tương tự như thuốc statin điều trị cholesterol cao.

Men gạo đỏ có thể gây ra tác dụng phụ nhẹ, bao gồm:

  • Khó chịu ở bụng
  • Ợ nóng
  • Đầy hơi
  • Đau đầu
  • Chóng mặt.

Ngoài ra, men gạo đỏ có chứa monacolin K có cấu trúc tương tự lovastatin nên nó cũng có thể gây ra các tác dụng phụ bao gồm tổn thương gan, thận và rối loạn cơ, cũng như các vấn đề tiêu hóa khác (như buồn nôn, tiêu chảy, đau dạ dày).

Trước đây, các chuyên gia đã nêu lên mối lo ngại rằng một số sản phẩm men gạo đỏ có chứa chất gây ô nhiễm gọi là citrinin, có thể gây suy thận. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây hơn đã phân tích 14 loại thực phẩm chức năng chứa men gạo đỏ không tìm thấy citrinin trong bất kỳ loại nào trong số đó.

Tương tác của men gạo đỏ

Các tương tác có thể xảy ra bao gồm:

  • Rượu bia. Đừng uống rượu nếu đang dùng men gạo đỏ. Sự kết hợp có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan.
  • Cyclosporine. Dùng thuốc ức chế miễn dịch này cùng với men gạo đỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ.
  • Thuốc ức chế Cytochrome P450 3A4 (CYP3A4). Dùng men gạo đỏ cùng với các loại thuốc ức chế enzyme này như erythromycin có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ có hại.
  • Bưởi. Uống nước ép bưởi và dùng men gạo đỏ có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ có hại.
  • Gemfibrozil. Dùng thuốc điều trị cholesterol này cùng với men gạo đỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ.
  • Thuốc gây độc gan, thảo dược và chất bổ sung khác. Gạo men đỏ có thể chứa monacolin K, chất có thể gây tổn thương gan ở một số người. Dùng gạo men đỏ cùng với các loại thuốc, thảo mộc và chất bổ sung khác có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan.
  • Niacin. Dùng gạo men đỏ với niacin liều cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ.
  • John’s wort. Dùng chất bổ sung này cùng với gạo men đỏ có thể làm giảm hiệu quả của gạo men đỏ.
  • Statin. Dùng gạo men đỏ với các thuốc statin khác có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ có hại.
Theo báo Tuổi Trẻ, vào cuối tháng 3/2024, đã có 5 ca tử vong được ghi nhận liên quan tới loại thực phẩm bổ sung chứa gạo men đỏ của Công ty dược phẩm Kobayashi (Nhật Bản). Sau khi điều tra, kết quả cho thấy không phát hiện độc tố nấm citrinin như vấn đề trước đó gặp phải ở các sản phẩm chứa men gạo đỏ khác mà nghi ngờ liên quan đến acid puberulic, một hợp chất tự nhiên được tạo ra bởi nấm mốc xanh. Chất này là một chất kháng khuẩn và chống sốt rét mạnh, có thể gây độc. Nấm mốc xanh là một loại nấm dạng sợi, khác với nấm tạo ra gạo men đỏ là nấm men Monascus purpureus (nấm đơn bào). Vụ việc vẫn đang được các bên điều tra để làm rõ nguyên nhân.

Hi vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích về một loại thực phẩm chức năng chứa men gạo đỏ, giúp giảm nguy cơ tim mạch là Red Yeast Rice. Khi lựa chọn sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung bảo vệ sức khỏe, hãy là một người tiêu dùng thông minh để hưởng được lợi ích tối đa từ sản phẩm mà vẫn đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Red yeast rice. https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements-red-yeast-rice/art-20363074. Ngày truy cập 02/04/2024

Red Yeast Rice: What You Need To Know. https://www.nccih.nih.gov/health/red-yeast-rice. Ngày truy cập 02/04/2024

Red Yeast Rice: A Systematic Review of the Traditional Uses, Chemistry, Pharmacology, and Quality Control of an Important Chinese Folk Medicine. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6901015/. Ngày truy cập 02/04/2024

Kobayashi Pharma factory inspected amid red yeast rice pill scare. https://www.japantimes.co.jp/news/2024/03/30/japan/science-health/kobayashi-pharma-factory-inspected/. Ngày truy cập 02/04/2024

Kobayashi reports 5th supplements-linked death, finds puberulic acid. https://english.kyodonews.net/news/2024/03/ae4a28c9bde9-urgent-kobayashi-pharma-confirms-5th-death-linked-to-its-supplements.html. Ngày truy cập 02/04/2024

Red yeast rice. https://www.mountsinai.org/health-library/supplement/red-yeast-rice. Ngày truy cập 05/04/2024

Phiên bản hiện tại

15/04/2024

Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

4 chất giúp tăng cường sức khỏe tự nhiên không cần thuốc

Chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu nên lưu ý gì?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 15/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo