backup og meta

Vắc-xin MMR

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Thương Trần · Ngày cập nhật: 29/01/2021

Vắc-xin MMR

Tác dụng

Tác dụng của vắc xin MMR là gì?

Vắc-xin MMR là vắc-xin phối hợp tác nhân gây miễn dịch chủ động dùng để ngăn ngừa nhiễm virus bệnh sởi, quai bị và rubella (bệnh sởi Đức). Thuốc hoạt động bằng cách giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus.

Bệnh sởi (còn gọi là sởi ho, sởi cứng, morbilli, sởi đỏ, rubeola và sởi 10 ngày) là một bệnh truyền nhiễm dễ lây lan từ người này sang người khác. Nhiễm trùng sởi có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng chẳng hạn như các vấn đề về dạ dày, viêm phổi, nhiễm trùng tai, vấn đề về xoang, co giật (động kinh), tổn thương não và có thể gây tử vong. Nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng và tử vong ở người lớn và trẻ sơ sinh lớn hơn so với trẻ em và thanh thiếu niên.

Quai bị là bệnh truyền nhiễm có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến não như viêm não và viêm màng não. Bên cạnh đó, nam thanh niên và đàn ông dễ bị viêm tinh hoàn, gây đau và sưng tinh hoàn và bìu, trong trường hợp hiếm gặp có thể dẫn đến vô sinh. Ngoài ra, mắc bệnh quai bị có thể gây sẩy thai tự nhiên ở phụ nữ trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Rubella (còn gọi là bệnh sởi Đức) là bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng gây sẩy thai, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh ở thai nhi khi phụ nữ mang thai mắc bệnh.

Việc tiêm phòng bệnh sởi, quai bị, rubella được khuyến cáo cho tất cả mọi người từ 12 tháng tuổi trở lên, đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh nở và những người đi du lịch đến các vùng lãnh thổ khác.

Nếu tiêm vắc-xin MMR cho trẻ em, trẻ nên được ít nhất 12 tháng tuổi, nhằm đảm bảo vắc-xin sởi có tác dụng. Ở trẻ nhỏ tuổi hơn, kháng thể từ mẹ có thể ảnh hưởng hiệu quả của vắc-xin.

Vắc-xin MMR nên được tiêm dưới sự giám sát của bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Bạn nên bảo quản vắc xin MMR  như thế nào?

Bảo quản thuốc

Để duy trì hiệu lực, MMR phải được lưu trữ trong khoảng -50°C đến +8°C. Dùng đá khô có thể điều chỉnh nhiệt độ MMR II xuống dưới -50 ° C.

Luôn bảo quản vắc-xin tránh ánh sáng, vì tiếp xúc với ánh sáng có thể làm bất hoạt virus.

Trước khi pha chế, bảo quản vắc-xin đông khô từ 2°C đến 8°C. Chất pha loãng có thể được bảo quản trong tủ lạnh chung với vắc-xin đông khô hoặc bảo quản riêng ở nhiệt độ phòng. Không đông lạnh chất pha loãng.

Khuyến cáo dùng vắc-xin càng sớm càng tốt sau khi pha chế. Bảo quản vắc-xin đã pha chế trong lọ đựng vắc-xin ở nơi tối, nhiệt độ từ 2°C đến 8°C và bỏ nếu không sử dụng trong vòng 8 giờ.

Liều dùng

cách dùng thuốc mmr

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng vắc xin MMR

Không tiêm vào tĩnh mạch.

Liều dùng cho mọi lứa tuổi: tiêm dưới da liều 0,5 ml, tốt nhất nên tiêm ở mặt ngoài của cánh tay.

Độ tuổi khuyến cáo tiêm chủng là từ 12-15 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại vắc-xin MMR được khuyến cáo trước khi trẻ bắt đầu học trung học cơ sở.

Bạn có thể quan tâm: Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Bạn nên dùng vắc-xin MMR như thế nào?

Vắc-xin này được tiêm dưới da. Bạn sẽ được tiêm vắc-xin này tại bệnh viện hoặc phòng khám.

Vắc-xin bệnh sởi, quai bị và rubella được tiêm theo một chu trình nhiều mũi. Mũi tiêm đầu tiên thường được tiêm cho trẻ từ 12-15 tháng tuổi. Những mũi tiêm nhắc sau đó được tiêm khi trẻ từ 4 đến 6 tuổi. Liều tiêm vắc-xin đầu tiên và thứ hai cần cách nhau ít nhất 28 ngày (4 tuần).

Người lớn sinh sau năm 1956 cần tiêm ít nhất một liều vắc-xin MMR nếu họ chưa từng mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc-xin MMR từ bé đến lớn.

Lịch trình tiêm nhắc của bạn có thể khác với các hướng dẫn trên đây. Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc lịch trình được khuyến cáo bởi cơ quan y tế tại địa phương.

Bác sĩ có thể khuyên bạn nên điều trị sốt và đau nhức bằng thuốc giảm đau không chứa aspirin như paracetamol hay ibuprofen sau khi tiêm thuốc và trong vòng 24 giờ tiếp theo. Thực hiện theo các chỉ dẫn trên nhãn thuốc hoặc của bác sĩ về lượng thuốc cần dùng.

Đặc biệt cần phải ngăn ngừa xảy ra sốt nếu bạn mắc chứng rối loạn co giật như động kinh.

Vắc-xin này có thể khiến sai lệch kết quả xét nghiệm da cho bệnh lao trong vòng 6 tuần. Báo cho bác sĩ điều trị nếu bạn đã tiêm vắc-xin MMR trong vòng 4-6 tuần vừa qua.

Tác dụng phụ

trẻ có thể sốt cao sau khi tiêm vacxin

Tác dụng phụ khi tiêm vắc xin MMR là gì?

Bạn không nên tiêm vắc-xin nhắc nếu bạn từng mắc phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng sau lần tiêm đầu tiên.

Việc bị nhiễm bệnh sởi, quai bị, rubella nguy hiểm hơn nhiều cho sức khỏe của bạn so với việc tiêm vắc-xin này. Tuy nhiên, giống như bất kỳ loại thuốc nào khác, vắc-xin này có thể gây ra các tác dụng phụ nhưng nguy cơ mắc tác dụng phụ nghiêm trọng cực kỳ thấp.

Những dấu hiệu dị ứng sau đây có thể xuất hiện và kết thúc sau vài giờ hay vài ngày:

  • Phát ban;
  • Khó thở;
  • Sưng mặt, môi, lưỡi, hoặc họng.

Hãy gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn mắc bất cứ tác dụng phụ nghiêm trọng nào sau đây:

  • Vấn đề về thính giác hoặc thị giác;
  • Cực kỳ buồn ngủ, mệt mỏi, ngất xỉu;
  • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu, suy nhược bất thường;
  • Động kinh (ngất hoặc co giật);
  • Sốt cao (trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau khi tiêm vắc-xin).

Tác dụng phụ ít nghiêm trọng bao gồm:

  • Đỏ, đau, sưng hoặc nổi u tại nơi tiêm;
  • Đau đầu, chóng mặt;
  • Sốt nhẹ;
  • Đau khớp hoặc đau bắp thịt;
  • Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy.

Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/ Cảnh báo

những điều cần biết trước khi tiêm vacxin mmr là gì

Trước khi dùng vắc xin MMR bạn nên biết những gì?

Khi quyết định sử dụng một loại thuốc, phải cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích khi dùng thuốc. Bạn và bác sĩ sẽ xem xét và đưa ra quyết định. Đối với thuốc này, các điều sau đây cần được xem xét:

Dị ứng

Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đã từng bị bất kỳ phản ứng bất thường hoặc dị ứng với vắc-xin này hoặc bất kỳ loại vắc-xin khác. Nói với bác sĩ nếu bạn bị bất kỳ bệnh dị ứng khác, chẳng hạn như dị ứng các loại thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản, hoặc động vật. Đối với sản phẩm không kê toa, đọc kĩ thành phần thuốc ghi trên nhãn hoặc bao bì.

Trẻ em

Không khuyến cáo dùng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp có nguy cơ nhiễm bệnh sởi cao. Đợi đến khi trẻ được ít nhất 12 tháng tuổi vì các kháng thể mà trẻ nhận được từ người mẹ trước khi sinh có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc-xin. Có thể có các lý do đặc biệt để trẻ em từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi cần phải tiêm phòng bệnh sởi.

Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Thuốc này thuộc nhóm thuốc C đối với thai kỳ, theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Ghi chú: Phân loại thuốc dùng cho phụ nữ có thai:

  • A= Không có nguy cơ;
  • B = Không có nguy cơ trong vài nghiên cứu;
  • C = Có thể có nguy cơ;
  • D = Có bằng chứng về nguy cơ;
  • X = Chống chỉ định;
  • N = Vẫn chưa biết.

Tương tác thuốc

tương tác thuốc

Vắc-xin MMR có thể tương tác với thuốc nào?

Mặc dù một số loại thuốc hoàn toàn không nên dùng chung, trong các trường hợp khác hai loại thuốc khác nhau có thể được dùng chung ngay cả khi có thể xảy ra tương tác thuốc. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể phải thay đổi liều dùng hoặc đưa ra biện pháp phòng ngừa khi cần thiết.

Sử dụng vắc-xin này với bất kỳ các loại thuốc sau đây thường không được khuyến cáo, nhưng có thể được yêu cầu trong một số trường hợp. Nếu cả hai loại thuốc được kê đơn cùng nhau, bác sĩ có thể thay đổi liều hoặc tần suất dùng của một hoặc cả hai loại thuốc.

  • Aclarubicin;
  • Adalimumab;
  • Aldesleukin;
  • Alemtuzumab;
  • Altretamine;
  • Amonafide;
  • Amsacrine;
  • Asparaginase;
  • Abatacept;
  • Leflunomide, v.v…

Thức ăn và rượu bia

Những loại thuốc nhất định không được dùng trong bữa ăn hoặc cùng lúc với những loại thức ăn nhất định vì có thể xảy ra tương tác. Rượu và thuốc lá cũng có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến Vắc-xin MMR?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:

  • Tình trạng suy giảm miễn dịch (hoặc có tiền sử gia đình) – tình trạng này có thể gia tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ trong vắc-xin và/hoặc có thể làm giảm tác dụng hữu ích của vắc-xin.
  • Bệnh nặng kèm sốt cao – các triệu chứng của tình trạng này có thể bị nhầm lẫn với các tác dụng phụ có thể có của vắc-xin.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Vaccine MMR. http://www.webmd.com/children/vaccines/chickenpox-varicella-vaccine. Ngày truy cập 29/1/2021

Phiên bản hiện tại

29/01/2021

Tác giả: Thương Trần

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Ngà Trương

Bài viết này có hữu ích với bạn?


Bài viết liên quan

Vắc-xin HPV

Những điều cần biết về bệnh quai bị ở người lớn