backup og meta

Thuốc cầm máu Transamin: Tác dụng, liều dùng, cách dùng

Thuốc cầm máu Transamin: Tác dụng, liều dùng, cách dùng

Transamin chứa thành phần hoạt chất là axit tranexamic, được sử dụng cầm máu trong các trường hợp chảy máu bất thường. Thuốc có ở dạng viên nén, viên nang và dung dịch tiêm. Thuốc có nhiều hàm lượng nên cần lưu ý về hàm lượng của sản phẩm để tránh quá liều.

Cùng tìm hiểu các thông tin cơ bản của thuốc Transamin qua bài viết sau.

Transamin là thuốc gì?

Biệt dược: Transamin

Hoạt chất: Axit tranexamic

Dạng bào chế và hàm lượng:

  • Viên nang Transamin 250mg: chứa 250mg axit tranexamic
  • Viên nén Transamin 500mg: chứa 500mg axit tranexamic
  • Dung dịch tiêm Transamin injection: chưa 250mg axit tranexamic/5ml dung dịch

Loại thuốc: Thuốc chống tiêu fibrin

Thương hiệu: Daiichi Sankyo

Nhà sản xuất: OLIC (Thailand) Limited

Tác dụng

Chỉ định của Transamin

Transamin được chỉ định trong các trường hợp có xu hướng chảy máu do tăng tiêu fibrin toàn thân trong:

Dùng điều trị chảy máu bất thường do tăng tiêu fibrin tại chỗ trong những trường hợp sau:

  • Chảy máu phổi
  • Chảy máu cam
  • Chảy máu âm đạo, rong kinh
  • Chảy máu thận
  • Chảy máu bất thường trong hoặc sau phẫu thuật tuyến tiền liệt

tác dụng của thuốc transamin

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lí chỉ khi có chỉ định của bác sĩ.

Chống chỉ định

Transamin được chống chỉ định với những bệnh nhân sau:

  • Những bệnh nhân có huyết khối.
  • Những bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Thuốc Transamin có tác dụng gì?

Tác dụng cầm máu của Transamin là do khả năng kháng plasmin của axit tranexamic. Axit tranexamic gắn mạnh vào vị trí liên kết lysin (LBS), vị trí có ái lực với fibrin của plasmin và plasminogen, và ức chế sự liên kết của plasmin và plasminogen vào fibrin.

Plasmin là enzym phân giải protein có tác dụng tiêu hoá các sợi fibrin – protein cần thiết cho quá trình đông máu. Plasmin tăng quá mức gây ra ức chế kết tụ tiểu cầu, sự phân hủy của các tác nhân đông máu,… Do đó, trong những trường hợp chảy máu bình thường, sự có mặt của acid tranexamic tạo ra sự cầm máu bằng cách loại bỏ sự phân hủy fibrin đó. Với sự có mặt của các kháng plasmin như α2-macroglobulin, trong huyết tương, tác dụng kháng tiêu fibrin của acid tranexamic còn được tăng cường thêm.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc Transamin cho người lớn như thế nào?

Liều dùng thuốc Transamin đường uống:

  • Liều thông thường: uống từ 750–2000mg mỗi ngày, chia làm 3 hoặc 4 lần. Với viên nén Transamin 500mg, bạn dùng 1-4 viên mỗi ngày. Với viên nang Transamin 250mg, bạn dùng 3-8 viên mỗi ngày.
  • Liều có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào tuổi và triệu chứng bệnh.

Ức chế tiêu fibrin (tại chỗ): Người lớn, uống 1 – 1,5 g/lần.

Rong kinh (liều đầu tiên khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt): Uống 1 g/lần, ngày 3 lần, tới 4 ngày. Tối đa mỗi ngày 4 g.

Chảy máu mũi: Uống 1,0 g/lần, ngày 3 lần, trong 7 ngày.

Liều dùng thuốc Transamin đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp:

  • Bệnh bạch huyết, thiếu máu không tái tạo, ban xuất huyết, chảy máu ở phổi/mũi/thận/bộ phận sinh dục: Thông thường, dùng 250 – 500 mg axit tranexamic/ngày, một lần hoặc chia làm hai lần.
  • Chảy máu bất thường được coi như liên quan tới tăng tiêu fibrin tại chỗ: Có thể dùng 500 – 1000 mg tiêm tĩnh mạch hoặc 500 – 2500 mg tiêm truyền nhỏ giọt mỗi lần theo yêu cầu trong khi hoặc sau khi phẫu thuật.
  • Chảy máu bất thường trong khi hoặc sau phẫu thuật tuyến tiền liệt: Có thể dùng 500 – 1000 mg tiêm tĩnh mạch hoặc 500 – 2500 mg tiêm truyền nhỏ giọt mỗi lần theo yêu cầu trong khi hoặc sau khi phẫu thuật.

Liều dùng thuốc cho trẻ em như thế nào?

Liều dùng cho trẻ em vẫn chưa được nghiên cứu và xác định. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn định dùng thuốc này cho trẻ.

Chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận

Điều chỉnh liều dùng và khoảng cách dùng dựa trên nồng độ creatinin huyết thanh:

  • Clcr: 120 – 250 micromol/lít: Uống 15 mg/kg/lần, ngày 2 lần, hoặc dùng đường tĩnh mạch 10 mg/kg/lần, ngày 2 lần (cách nhau 12 giờ).
  • Clcr : 250 – 500 micromol/lít: Uống 15 mg/kg, mỗi ngày 1 lần hoặc dùng đường tĩnh mạch 10 mg/kg, mỗi ngày một lần.
  • Clcr > 500 micromol/lít: Uống 7,5 mg/kg, mỗi ngày 1 lần hoặc 15 mg/kg cách mỗi 48 giờ; hoặc dùng đường tĩnh mạch 5 mg/kg, mỗi ngày 1 lần hoặc 10 mg/kg, cách mỗi 48 giờ (một số chế phẩm chống chỉ định ở người suy thận nặng).

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc Transamin như thế nào?

Bạn nên sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và kiểm tra thông tin trên nhãn để được hướng dẫn dùng thuốc chính xác. Đặc biệt, bạn không sử dụng thuốc với liều lượng thấp, cao hoặc kéo dài hơn so với thời gian được chỉ định. Thuốc có thể dùng cùng hoặc không cùng thức ăn.

Thuốc tiêm sẽ được nhân viên y tế thực hiện tiêm hoặc truyền thuốc cho bạn theo chỉ định của bác sĩ. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng thuốc, hãy hỏi bác sĩ.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, bạn nên gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất. Chưa có thông báo về trường hợp quá liều axit tranexamic. Những triệu chứng quá liều có thể là: Buồn nôn, nôn, các triệu chứng và/hoặc hạ huyết áp tư thế đứng.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn nên bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như chỉ dẫn, không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Transamin?

Những tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng Transamin bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Chán ăn
  • Ợ nóng
  • Buồn ngủ
  • Ngứa, phát ban, viêm da
  • Suy giảm thị lực, rối loạn thị giác
  • Co giật, hạ huyết áp, khó chịu

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác động không mong muốn nào khi dùng thuốc, hay thông báo ngay cho bác sĩ.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Giảm liều khi có các rối loạn tiêu hóa. Ngừng dùng thuốc khi có các rối loạn về thị giác.

lưu ý khi dùng thuốc transamin
Cần giảm liều khi có các rối loạn tiêu hóa hoặc ngừng dùng thuốc khi có các rối loạn về thị giác.

Thận trọng/ Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc Transamin, bạn nên lưu ý những gì?

Thuốc chống chỉ định cho:

  • Bệnh nhân có huyết khối
  • Người có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc

Những trường hợp cần thận trọng khi sử dụng thuốc này là:

  • Bệnh nhân có huyết khối (như huyết khối não, nhồi máu cơ tim, viêm tĩnh mạch huyết khối…) và ở những bệnh nhân huyết khối có thể xảy ra
  • Bệnh nhân có bệnh đông máu do dùng thuốc (đồng thời sử dụng với heparin…)
  • Bệnh nhân hậu phẫu, nằm bất động và bệnh nhân đang được băng bó cầm máu
  • Bị suy thận, người cao tuổi
  • Người bị bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh mạch máu não hoặc phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo, phụ nữ kinh nguyệt không đều
  • Người đái ra máu (tránh dùng nếu có nguy cơ tắc nghẽn niệu quản)

Cần kiểm tra chức năng gan và thị giác thường xuyên khi điều trị dài ngày.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

Tương tác thuốc

Thuốc Transamin có thể tương tác với những thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Những thuốc có thể tương tác với thuốc Transamin bao gồm:

  • Chất làm loãng máu hoặc thuốc chống đông máu như warfarin, heparin
  • Thuốc ngăn ngừa chảy máu (bao gồm phức hợp yếu tố IX, thuốc ức chế đông tụ)
  • Thuốc gây đông máu
  • Batroxobin
  • Estrogen, ngừa thai nội tiết như viên thuốc, miếng dán, vòng ngừa thai

Thuốc Transamin có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Thuốc Transamin có thể tương tác với tình trạng sức khỏe nào?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản Transamin như thế nào?

Bảo quản thuốc Transamin theo đúng hướng dẫn ghi trên nhãn từ nhà sản xuất. Đối với thuốc dùng đường uống, bạn để thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ dưới 30ºC. Dạng thuốc tiêm sẽ được bảo quản tại các cơ sở y tế theo đúng quy định.

Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em.

Một số câu hỏi thường gặp

Thuốc Transamin 500mg giá bao nhiêu?

Giá tham khảo là 4.200 đồng/viên, 420.000 đồng/hộp 100 viên.

Thuốc Transamin 250mg giá bao nhiêu?

Giá tham khảo là 2.400 đồng/viên, 240.000 đồng/hộp 100 viên.

Thuốc transamin 500mg có dùng được cho bà bầu?

Thuốc qua được nhau thai. Không có bằng chứng về tác dụng gây quái thai trên động vật thí nghiệm. Tài liệu về dùng axit tranexamic cho người mang thai rất ít, do đó chỉ dùng thuốc trong thời kỳ mang thai khi lợi ích lớn hơn nguy cơ thuốc có thể gây ra.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tranexamic Acid. http://www.webmd.com/drugs/2/drug-32677-9199/tranexamic-acid-oral/tranexamic-acid-500-milligram-tablet—oral/details#precautions. Ngày truy cập 24/9/2016

Tranexamic Acid. http://reference.medscape.com/drug/lysteda-tranexamic-acid-oral-999903. Ngày truy cập 25/9/2016

Transamin. http://www.mims.com/vietnam/drug/info/transamin. Ngày truy cập 25/9/2016

Acid Tranexamic. https://trungtamthuoc.com/hoat-chat/acid-tranexamic. Ngày truy cập 15/4/2024

Tranexamic Acid Tablet. https://www.drugs.com/pro/tranexamic-acid-tablet.html. Ngày truy cập 15/4/2024

Phiên bản hiện tại

03/12/2024

Tác giả: Hoàng Kim

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: SEO Team


Bài viết liên quan

Những điều cần biết khi sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu trên bệnh nhân nhồi máu cơ tim

Axit Aminocaproic


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Hoàng Kim · Ngày cập nhật: Tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo