backup og meta

Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II

Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II

Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II được sử dụng trong điều trị huyết áp cao. Nhóm này có một số thuốc khác nhau và loại nào là tốt nhất cho bạn sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể. Cùng tìm hiểu kỹ hơn nhé!

Tìm hiểu chung

Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II là gì?

Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) là một nhóm các thuốc có tác dụng làm giãn mạch máu và được dùng trong điều trị bệnh tăng huyết áp, bệnh thận mạn tính, suy tim hoặc bệnh thận ở người bị đái tháo đường.

Angiotensin II là một chất gây co mạch. Khi mạch máu bị thu hẹp lại có thể khiến cho huyết áp tăng lên và lưu lượng máu qua thận giảm xuống. Angiotensin II còn ảnh hưởng đến noradrenalin (một chất góp phần gây co mạch và tăng nhịp tim), sự bài tiết aldosterone từ vỏ thượng thận và quá trình tái hấp thu natri (Na+), giữ nước của thận.

Các thuốc ức chế thụ thể angiotensin II sẽ cạnh tranh vị trí gắn trên các thụ thể của angiotensin II nằm trong các cơ xung quanh mạch máu. Khi angiotensin II không gắn kết được với thụ thể, chúng sẽ không biểu hiện được các tác động trên, mạch máu được giãn ra, huyết áp giảm xuống. Từ đó, các triệu chứng suy tim và tiến triển của bệnh thận do đái tháo đường được cải thiện.

Khi nào thuốc ức chế thụ thể angiotensin II được chỉ định?

Các thuốc ức chế thụ thể angiotesin II (ARB) được dùng để:

  • Kiểm soát tăng huyết áp, điều trị suy tim và ngăn ngừa suy thận (đặc biệt ở những người bệnh đái tháo đường).
  • Ngăn ngừa nhồi máu cơ tim hoặc hạn chế tổn thương tim sau một cơn nhồi máu.
  • Ngăn ngừa đột quỵ
  • Dùng trong bệnh gan nhiễm mỡ để ngăn chặn viêm trong gan.

Nhóm thuốc ARB có tác dụng tương tự như các thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) nên chúng thường được sử dụng khi người bệnh không dung nạp hoặc gặp tác dụng phụ với nhóm ACE, chẳng hạn như bị ho khan.

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý khi có chỉ định của bác sĩ.

Các thuốc thuộc nhóm ức chế thụ thể angiotensin II

Một số thuốc thuộc nhóm này đang được lưu hành trên thị trường gồm:

  • Azilsartan
  • Candesartan
  • Eprosartan
  • Irbesartan
  • Losartan
  • Olmesartan
  • Telmisartan
  • Valsartan

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Các thuốc ức chế thụ thể angiotensin II được dùng với liều như thế nào?

Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng phù hợp cho từng người bệnh, tùy theo loại thuốc sử dụng, bệnh lý điều trị và một số yếu tố liên quan khác. Hãy uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Liều dùng ban đầu của các thuốc này cho từng chỉ định như sau:

Azilsartan

  • Tăng huyết áp: uống 20mg/ngày.

Candesartan

  • Tăng huyết áp: uống 8mg/ngày.
  • Suy tim: uống 4mg/ngày.

Eposartan

  • Tăng huyết áp: uống 600mg/ngày.

Ibesartan

Losartan

  • Tăng huyết áp: uống 25mg/ngày.
  • Bệnh thận đái tháo đường uống 50mg/ngày.
  • Suy tim (ở người trên 60 tuổi): uống 12,5mg/ngày.

Olmesartan

  • Tăng huyết áp: uống 20mg/ngày.

Telmisartan

  • Tăng huyết áp: uống 40mg/ngày.
  • Giảm nguy cơ bệnh tim mạch: uống 80mg/ngày.

Valsartan

  • Tăng huyết áp: uống 80mg/ngày.
  • Suy tim: uống 40mg x 2 lần/ngày.
  • Sau cơn nhồi máu cơ tim: bắt đầu ít nhất trong 12 giờ sau cơn nhồi máu cơ tim, dùng 20mg x 2 lần/ngày nếu triệu chứng lâm sàng ổn định và theo dõi huyết áp cẩn thận.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc ức chế thụ thể angiotensin II như thế nào?

Các thuốc thuộc nhóm này được dùng đường uống. Bạn uống từ 1-2 lần mỗi ngày tùy vào loại thuốc ức chế thụ thể angiotensin II nào.

Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khi uống thuốc, hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn.

Có nên uống thuốc khi đang cho con bú không?
Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và thông tin trên nhãn thuốc để sử dụng được an toàn

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc ức chế thụ thể angiotensin II?

Rất ít người bệnh gặp phải tác dụng phụ khi dùng nhóm thuốc này. Tuy nhiên, một vài tác dụng phụ có khả năng xảy ra gồm:

  • Chóng mặt (thuờng gặp nhất)
  • Tăng kali máu
  • Sưng phù dưới da do giữ nước (phù mạch)
  • Tiêu chảy, sụt cân nhiều

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc ức chế thụ angiotensin II, bạn nên lưu ý những gì?

Mặc dù thuốc ARB có thể giúp bảo vệ thận nhưng những người có một số vấn đề ở thận nhất định, chẳng hạn như hẹp động mạch thận hoặc chức năng thận kém, thì không nên dùng nhóm thuốc này.

Không dùng các thuốc này nếu:

  • Bị dị ứng với hoạt chất hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc
  • Có nồng độ natri trong máu thấp
  • Suy tim sung huyết nghiêm trọng

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc ức chế thụ thể angiotensin II trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật…)

Tất cả các thuốc ức chế thụ thể angiotensin II đều được cảnh báo về tác hại đến thai nhi. Thuốc làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, tăng kali máu, suy thận, huyết áp thấp, thai chết lưu. Phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai chống chỉ định dùng các thuốc này.

Tương tác thuốc

Thuốc ức chế thụ thể angiotesin II có thể tương tác với những thuốc nào?

Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Nhóm thuốc này ít gây tương tác với thuốc khác nhưng không nên dùng chúng chung với các thuốc sau:

  • Chất bổ sung kali, thuốc làm tăng kali máu
  • Lithium
  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin
  • Aliskiren

Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Nếu bạn đang dùng ARB và tuân theo chế độ ăn ít natri, bạn nên tránh các thuốc thay thế muối có chứa kali clorua.

Sử dụng rượu nặng, thường xuyên có thể làm trầm trọng thêm bệnh cao huyết áp, nhưng uống say có thể gây hạ huyết áp nghiêm trọng, khiến bạn ngất xỉu. Bạn tốt nhất nên kiêng rượu hoặc chỉ uống với lượng vừa phải.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc ức chế thụ thể angiotensin II?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản

Bạn nên bảo quản thuốc ức chế thụ thể angiotensin II như thế nào?

Bảo quản thuốc theo hướng dẫn được ghi trên nhãn. Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Angiotensin II receptor blockers https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/23327-angiotensin-ii-receptor-blockers Ngày truy cập: 21/08/2023

Angiotensin II receptor blockers https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1200815/ Ngày truy cập: 21/08/2023

Angiotensin II receptor blockers (ARBs), plain https://go.drugbank.com/categories/DBCAT004594 Ngày truy cập: 21/08/2023

Điều trị cụ thể tăng huyết áp https://tanghuyetap.vn/nhiem-vu/dieu-tri-cu-tang-huyet-ap Ngày truy cập: 21/08/2023

Lưu ý đặc biệt khi dùng thuốc hạ huyết áp https://syt.thuathienhue.gov.vn/?gd=62&cn=28&tc=1090 Ngày truy cập: 21/08/2023

Phiên bản hiện tại

04/12/2024

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: SEO Team


Bài viết liên quan

Các cách tự kiểm tra huyết áp tại nhà chính xác

Các loại thuốc hạ huyết áp nhanh nhất trong trường hợp khẩn cấp


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 04/12/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo