backup og meta

Các loại thuốc hạ huyết áp nhanh nhất trong trường hợp khẩn cấp

Các loại thuốc hạ huyết áp nhanh nhất trong trường hợp khẩn cấp

Cơn tăng huyết áp nặng là tình trạng nguy hiểm nếu không được kiểm soát tốt, tiềm ẩn các nguy cơ xảy ra biến chứng nghiêm trọng trên tim mạch. Đặc biệt trong trường hợp xuất hiện cơn tăng huyết áp cấp cứu, bệnh nhân cần được sử dụng các thuốc hạ huyết áp nhanh, thường là qua đường tiêm truyền tĩnh mạch. Những thuốc này phải được dùng tại bệnh viện và theo dõi sát liều lượng.

Những nhóm thuốc hạ huyết áp nhanh nào thường được chỉ định trong trường hợp khẩn cấp? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!

Các loại thuốc hạ huyết áp nhanh nhất dùng trong cơn tăng huyết áp cấp cứu

Tăng huyết áp cấp cứu là một tình trạng nguy kịch, khi huyết áp tâm thu (chỉ số huyết áp trên) cao hơn 180mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (chỉ số huyết áp dưới) cao hơn 120mmHg với các biểu hiện đe dọa hoặc tổn thương cơ quan đích đang tiến triển.

Những trường hợp này cần nhập viện để điều trị bằng thuốc hạ huyết áp nhanh qua đường tiêm truyền tĩnh mạch để giảm thiểu các rủi ro tim mạch.

Trừ trường hợp có bóc tách động mạch chủ cấp tính, thuốc hạ huyết áp khẩn cấp cần được chỉ định giúp hạ huyết áp trung bình không quá 25% trong 1 giờ đầu. Nếu sau đó bệnh nhân ổn định có thể giảm dần đến mức 160/100 mmHg trong vòng 2 đến 6 giờ tiếp theo.

1. Thuốc hạ huyết áp nhanh: Labetalol

  • Labetalol là thuốc chẹn beta giao cảm tiêm tĩnh mạch được chỉ định điều trị tăng huyết áp thai kỳ, tăng huyết áp cấp cứu (trừ suy tim cấp) hoặc không thể điều trị thuốc bằng đường uống.
  • Liều dùng là 20-80mg tiêm tĩnh mạch (IV) mỗi 10 phút hoặc 0,5-2mg/phút truyền tĩnh mạch.
  • Không dùng thuốc này cho bệnh nhân có tiền căn hen suyễn, viêm phế quản tắc nghẽn mãn tính, suy tim, hạ huyết áp nặng, nhịp tim chậm dưới 50 nhịp/phút, block nhĩ thất, hội chứng Raynaud, suy gan.
  • Tác dụng phụ có thể gặp phải bao gồm buồn nôn, nôn, ngứa da đầu, nóng cổ họng, chóng mặt, block dẫn truyền trong tim, hạ huyết áp tư thế.

2. Thuốc hạ huyết áp khẩn cấp Nitroprusside 

thuốc hạ huyết áp nhanh nitroprusside

Thuốc hạ huyết áp nhanh nitroprusside

  • Nitroprusside tiêm tĩnh mạch là thuốc hạ huyết áp nhanh dùng được ở cả người lớn và trẻ em. Do có tác dụng giãn mạch mạnh, nitroprusside còn được chỉ định trong các trường hợp suy tim mất bù hoặc giúp hạ huyết áp chu phẫu (nhằm giảm mất máu). 
  • Liều dùng là 0,25-10mg/kg/phút truyền tĩnh mạch (liều tối đa chỉ 10 phút). Thuốc có tác dụng tức thì ngay khi dùng.
  • Tác dụng phụ có thể gặp phải gồm buồn nôn, nôn, giật cơ, đổ mồ hôi, nhiễm độc thiocyanate và cyanide. 
  • Cẩn thận khi dùng thuốc trong những trường hợp áp lực nội sọ tăng cao hoặc tăng ure máu. Trong thực tiễn hiện nay, do tác dụng phụ và độc tính tiềm ẩn, nitroprusside có thể được thay thế bằng nicardipine, nitroglycerine hoặc clevidipine.

3. Thuốc hạ huyết áp cấp tốc Nicardipine 

  • Nicardipine là một thuốc trong nhóm chẹn kênh canxi có tác dụng chính là giãn mạch, cho tác dụng khởi phát hạ huyết áp nhanh nên còn được ứng dụng điều trị trong các tình huống cần hạ huyết áp khẩn cấp. Tương tự như nitroprusside tiêm tĩnh mạch, nicardipine tiêm tĩnh mạch cũng là thuốc hạ huyết áp nhanh có vai trò kiểm soát tăng huyết áp cấp tính ở bệnh nhân sau phẫu thuật.
  • Liều dùng: 5-15mg/phút truyền tĩnh mạch.
  • Tác dụng phụ: Nhịp nhanh, nhức đầu, đỏ mặt, phù mạch khu trú.
  • Lưu ý: Nicardipine tiêm tĩnh mạch là thuốc hạ huyết áp cấp tốc được chỉ định trong hầu hết các trường hợp khẩn cấp trừ trường hợp suy tim cấp, thận trọng khi bệnh nhân có bệnh lý thiểu năng vành kèm theo.

4. Nitroglycerine

  • Nitroglycerine tiêm tĩnh mạch là thuốc hạ huyết áp nhanh được dùng trong khi phẫu thuật hoặc để kiểm soát suy tim sung huyết ở những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, thuốc nitroglycerin đường tiêm cũng được dùng để điều trị cơn đau thắt ngực ở bệnh nhân kháng trị với những loại thuốc khác.
  • Liều dùng: 5-100 microgam/phút truyền tĩnh mạch.
  • Tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc: Nhịp tim nhanh, nhức đầu, buồn nôn, đỏ mặt, methemoglobin máu, dung nạp thuốc khi dùng kéo dài.
  • Thuốc không dùng cho bệnh nhân có tiền căn tăng nhãn áp.

5. Các thuốc hạ huyết áp nhanh dạng đặt dưới lưỡi 

thuốc hạ huyết áp nhanh đặt dưới lưỡi

Ở nước ta, có những hoàn cảnh không thể xử trí tăng huyết áp cấp cứu bằng cách dùng thuốc huyết áp cao tiêm tĩnh mạch tức thì. Lúc này, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng thay thế với các loại thuốc hạ huyết áp ngậm dưới lưỡi (hay thường được gọi là viên ngậm hạ huyết áp) với điều kiện phải đảm bảo liều lượng thích hợp và theo dõi huyết áp liên tục.

Mục tiêu khi dùng viên ngậm hạ huyết áp khẩn cấp là hạ huyết áp trong 2 giờ đầu không quá 25% mức huyết áp trung bình ban đầu và đạt mức huyết áp 160/100 mmHg sau 2-6 giờ.

Tên các loại thuốc ngậm hạ huyết áp này bao gồm:

  • Nitroglycerine xịt hoặc ngậm dưới lưỡi: 0,4 mg, 0,8 mg, 0,12 mg.
  • Captopril ngậm dưới lưỡi: 6,5 mg – 50 mg, tác dụng nhanh sau 15 phút.
  • Clonidine: 0,2 mg – 0,8 mg, tác dụng sau 30-60 phút
  • Labetalol: 100 – 200 mg, tác dụng sau 30 phút.

Một số phương pháp phòng tránh tăng huyết áp đột ngột

Ngăn chặn cơn tăng huyết áp xảy ra quan trọng hơn việc dùng thuốc hạ huyết áp nhanh để khống chế tình trạng này. Tinh thần như “phòng cháy hơn chữa cháy”, bên cạnh việc dùng thuốc huyết áp đúng chỉ định, người bệnh còn cần lưu ý những điều sau đây trong cuộc sống hằng ngày: 

  • Duy trì chế độ ăn uống ít chất béo, nhiều rau xanh và hạn chế muối, thức ăn nhiều muối hay thực phẩm chế biến sẵn. 
  • Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 150 phút với các bài tập vừa sức hoặc 75 phút với các bài tập nặng.
  • Tập hít sâu, thở chậm kết hợp với thiền định hoặc yoga để thư giãn, giảm huyết áp.
  • Tìm cách giảm căng thẳng về cảm xúc.
  • Quản lý cân nặng và giảm cân khi cần thiết. 
  • Không hút thuốc. 
  • Hạn chế uống rượu, bia. 
  • Ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi ngày.
Hi vọng những thông tin Hello Bacsi cung cấp đến bạn có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại thuốc hạ huyết áp nhanh, đồng thời biết cách bảo vệ sức khỏe tim mạch tối ưu để ngăn ngừa các cơn tăng huyết áp bất thường.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cơn tăng huyết áp cấp cứu và khẩn cấp – Hội Tim mạch học Việt Nam

http://vnha.org.vn/detail.asp?id=272

Ngày truy cập 13/1/2023

Treatment of hypertensive emergencies – PMC.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5440310/#:~:text=Except%20for%20acute%20aortic%20dissection,to%2048%20h%20(1).

Ngày truy cập 13/1/2023

LABETALOL injectable | MSF Medical Guidelines

https://medicalguidelines.msf.org/en/viewport/EssDr/english/labetalol-injectable-16682859.html

Ngày truy cập 13/1/2023

Sodium Nitroprusside – StatPearls – NCBI Bookshelf

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557487/

Ngày truy cập 13/1/2023

Intravenous nicardipine: its use in the short-term treatment of hypertension and various other indications

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16978041/

Ngày truy cập 13/1/2023

Nitroglycerin (Intravenous Route) Description and Brand Names – Mayo Clinic

https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/nitroglycerin-intravenous-route/description/drg-20072938

Ngày truy cập 13/1/2023

High blood pressure (hypertension) – Diagnosis and treatment – Mayo Clinic

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/diagnosis-treatment/drc-20373417

Ngày truy cập 13/1/2023

Phiên bản hiện tại

20/11/2024

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Cập nhật bởi: Dang Tran


Bài viết liên quan

Người bị tăng huyết áp cấp cứu cần phải làm gì?

Chăm sóc sức khỏe người già mùa Tết: Đau xương khớp và tăng huyết áp


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo