Nhiệt miệng là một tình trạng khó chịu mà bất cứ ai cũng đều từng trải qua. Để “đối phó” với tình trạng này, nhiều người chọn dùng các loại thuốc bôi nhiệt miệng. Đây được xem là một giải pháp đem lại hiệu quả cao ở nhiều đối tượng từ trẻ nhỏ đến người lớn.
Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về các loại thuốc bôi trị nhiệt miệng hiện đang phổ biến trên thị trường nhé!
Nên dùng thuốc bôi nhiệt miệng khi nào?
Nhiệt miệng là những vết loét nông, nhỏ thường thấy ở niêm mạc miệng, má, lưỡi, nướu,… Những vết loét này sẽ gây đau và khó chịu khiến người bệnh khó nói chuyện, ăn uống như bình thường.
Mặc dù đa số tình trạng vết loét miệng là bệnh lý lành tính và không nguy hiểm cho tính mạng nhưng nó lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hằng ngày. Để làm giảm bớt những triệu chứng này, bạn có thể dùng các loại thuốc bôi nhiệt miệng. Có rất nhiều loại thuốc bôi trị nhiệt miệng khác nhau dưới dạng thuốc mỡ, gel, kem,… phục vụ nhu cầu sử dụng của bệnh nhân. Tuy nhiên, thuốc bôi nhiệt miệng dùng tại nhà chỉ hiệu quả khi vết loét thông thường, có kích thước nhỏ và không có dấu hiệu tái phát thường xuyên. Trường hợp vết loét miệng nghiêm trọng và tái phát nhiều lần trong năm, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo bạn kết hợp các biện pháp điều trị nhiệt miệng khác như: sử dụng nước súc miệng có chứa hydrogen peroxide, chlorhexidine hoặc dexamethasone,… và các loại thuốc uống điều trị loét miệng. Đặc biệt những trường hợp nhiệt miệng tái phát nhiều lần, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh, kháng nấm và kiểm tra miễn dịch của cơ thể để điều trị.
Lưu ý rằng dùng thuốc bôi nhiệt miệng chỉ là biện pháp “chữa cháy” nhằm giúp bạn giảm đau rát và sinh hoạt dễ dàng hơn nhưng thường không có tác dụng trị dứt điểm nhiệt miệng. Trong quá trình này, vẫn cần kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh kết hợp với chỉ định điều trị của bác sĩ (nếu có).
Thuốc bôi trị nhiệt miệng nào tốt? Gợi ý 5 loại thuốc phổ biến nhất
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc bôi nhiệt miệng khác nhau, dành cho trẻ em lẫn người lớn. Sau đây Hello Bacsi sẽ chia sẻ đến bạn 5 loại thuốc phổ biến nhất, hãy cùng tham khảo nhé!
1. Thuốc bôi nhiệt miệng Oracortia
Oracortia là dòng thuốc bôi trị nhiệt miệng của Thái Lan phổ biến tại Việt Nam. Với thành phần hoạt chất triamcinolone acetonide – một loại glucocorticoid có chứa flour giúp kháng viêm, giảm sưng đau tại vết loét miệng và ngăn ngừa vết loét lây lan. Sản phẩm này được bôi trực tiếp lên vết loét 2-3 lần/ngày, sau bữa ăn. Không nên dùng Oracortia cho phụ nữ mang thai, người bị nhiễm virus Herpes, nhiễm nấm, loét hạch hoặc nổi mụn trứng cá đỏ.
2. Thuốc bôi nhiệt miệng cho trẻ em – Mouthpaste
Cũng với thành phần triamcinolone acetonide, Mouthpaste là loại thuốc bôi ngoài dùng điều trị và phòng ngừa tình trạng viêm loét miệng, lợi và môi,… do nhiệt miệng, mọc răng, nắn chỉnh răng ở cả trẻ em và người lớn. Thuốc bôi trị nhiệt miệng này thường được dùng theo liệu trình 8 ngày sau đó ngừng để theo dõi tiến triển của bệnh. Trong đó, mỗi ngày bôi từ 2-3 lần lên vết loét miệng. Lưu ý không thoa thuốc trên diện rộng mà chỉ tập trung chấm vào các vết loét ở niêm mạc.
3. Gel bôi chữa nhiệt miệng Urgo
Gel bôi Urgo là một dòng sản phẩm chữa nhiệt miệng đến từ Pháp, được tin dùng trên khắp thế giới. Với thành phần dẫn xuất cellulose giúp hình thành màng bảo vệ, acid carboxylic và acid mineral kháng viêm giảm đau cùng với alcohol sát khuẩn, gel Urgo làm giảm triệu chứng của nhiệt miệng dựa trên cơ chế tạo màng mỏng bảo vệ vết loét khỏi các tác nhân gây kích ứng. Mặc dù giúp giảm đau tức thời nhưng gel bôi Urgo chỉ phù hợp dùng điều trị các tình trạng vết loét nhẹ đến trung bình, không cho hiệu quả tốt với các trường hợp loét nặng.
Lưu ý: không nên dùng gel bôi chữa nhiệt miệng Urgo cho người có vết thương hở, đang chảy máu, phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em dưới 6 tuổi và người dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
4. Thuốc Oral NanoSilver Gel
Oral NanoSilver Gel là sản phẩm thuốc bôi nhiệt miệng an toàn, dùng được cho cả phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ nhỏ nhờ vào bảng thành phần chủ yếu là chiết xuất tự nhiên như: kim ngân hoa, hoa hòe, cam thảo, mật ong,… Thuốc bôi này sẽ giúp giảm đau rát do nhiệt miệng đồng thời làm sạch khoang miệng, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý về răng miệng.
5. Xịt nhiệt miệng của Nhật Bản – Traful
Xịt nhiệt miệng Traful là một dòng thuốc chữa nhiệt miệng từ Nhật Bản với thành phần chính là tinh dầu bạc hà giúp kháng khuẩn, làm dịu cơn đau do loét trong khoang miệng, nóng bỏng rát lưỡi và giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiệt miệng khác. Bên cạnh có tác dụng giảm đau rát, sưng, lở loét nhanh chóng, Traful còn giúp làm lành vết thương và kháng khuẩn hiệu quả cho khoang miệng. Khi dùng, bạn chỉ cần xịt trực tiếp vào vùng bị nhiệt miệng từ 3-4 lần mỗi ngày.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn “bỏ túi” cho mình những giải pháp hiệu quả để đối phó với nhiệt miệng nhé! Lưu ý rằng khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cũng cần tuân thủ chỉ dẫn trên bao bì hoặc từ nhân viên y tế. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đi khám bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời.