backup og meta

Pitavastatin

Pitavastatin

Tác dụng

Tác dụng của pitavastatin là gì?

Pitavastatin được sử dụng kèm với một chế độ ăn uống hợp lý để làm giảm cheloesterol và chất béo “xấu” (như LDL, triglyceride) và tăng cholesterol “tốt” (HDL) trong máu. Pitavastatin thuộc nhóm thuốc statin. Pitavastatin hoạt động bằng cách làm giảm lượng cholesterol do gan tạo ra. Việc làm giảm cholesterol “xấu” và  triglyceride, làm tăng cholesterol “tốt” giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh timngăn ngừa đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Ngoài việc thực hiện chế độ ăn uống thích hợp (ví dụ chế độ ăn uống ít chất béo/ cholesterol), những thay đổi khác trong lối sống có thể giúp thuốc này hoạt động hiệu quả hơn bao gồm: luyện tập thể thao, uống ít rượu, giảm cân nếu thừa cân và ngưng hút thuốc lá. Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để biết thêm chi tiết.

Bạn nên dùng pitavastatin như thế nào?

Uống thuốc kèm hoặc không kèm với thức ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường mỗi ngày một lần.

Liều lượng thuốc dựa trên tình trạng sức khỏe, đáp ứng đối với thuốc của bạn, và các loại thuốc khác mà bạn đang dùng. Hãy chắc chắn thông báo với bác sĩ và dược sĩ về tất cả loại thuốc mà bạn dùng (bao gồm thuốc kê toa, không kê toa, và các sản phẩm thảo dược).

Nếu bạn cũng đang dùng một số loại thuốc khác để làm giảm cholesterol (nhựa gắn axit mật như cholestyramine hoặc colestipol), dùng pitavastatin ít nhất 1 giờ trước hoặc 4 giờ sau khi dùng các loại thuốc này. Các loại thuốc này có thể tương tác với pitavastatin, ngăn cản hấp thu hoàn toàn pitavastatin.

Dùng thuốc này thường xuyên để có được lợi ích tốt nhất từ thuốc. Nhớ dùng thuốc vào cùng thời điểm mỗi ngày. Điều quan trọng là vẫn phải tiếp tục dùng thuốc này cho dù là bạn đã cảm thấy khỏe hơn. Hầu hết những người bị tăng cholesterol hoặc triglyceride  đều không cảm thấy bị bệnh.

Điều quan trọng là vẫn phải tiếp tục thực hiện theo các lời khuyên của bác sĩ về chế độ ăn và tập luyện thể thao. Có thể mất đến 4 tuần trước khi bạn nhận được lợi ích đầy đủ của thuốc này.

Bạn nên bảo quản pitavastatin như thế nào?

Bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm. Không bảo quản trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Không vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng pitavastatin cho người lớn là gì?

Liều dùng thông thường cho người lớn bị tăng lipid máu:

Liều khởi đầu: uống 2 mg mỗi ngày một lần kèm hoặc không kèm với thức ăn.

Liều duy trì: uống 1 đến 4 mg mỗi ngày một lần kèm hoặc không kèm với thức ăn.

Liều tối đa: 4 mg mỗi ngày một lần kèm hoặc không kèm với thức ăn.

Liều dùng pitavastatin cho trẻ em là gì?

Liều dùng dành cho trẻ em hiện vẫn chưa được xác định. Tham khảo ý kiến tư vấn từ bác sĩ để biết thêm thông tin.

Pitavastatin có những dạng và hàm lượng nào?

Pitavastatin có những dạng và hàm lượng sau:

  • Thuốc viên nén, đường uống: 1 mg, 2 mg, 4 mg.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng pitavastatin?

Hãy nhờ đến sự trợ giúp y tế khẩn cấp nếu bạn mắc phải bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng sau đây: phát ban; khó thở; sưng tấy ở mặt, môi, lưỡi, họng.

Ngưng sử dụng pitavastatin và gọi bác sĩ ngay lập tức nếu bạn mắc bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào sau đây:

  • Đau cơ, nhạy cảm, hoặc suy nhược không rõ nguyên nhân;
  • Lẫn lộn, có các vấn đề về trí nhớ;
  • Sốt, mệt mỏi bất thường, và nước tiểu đậm màu;
  • Tăng khát nước, tăng tiểu tiện, đói bụng, khô miệng, hơi thở có mùi trái cây, buồn ngủ, khô da, nhìn mờ, sụt cân;
  • Buồn nôn, đau ở vùng bụng phía trên, ngứa, chán ăn, nước tiểu có đậm màu, phân có màu đất sét, vàng da.

Các tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Đau cơ nhẹ;
  • Đau lưng, đau cánh tay hoặc cẳng chân;
  • Tiêu chảy, táo bón;
  • Phát ban nhẹ ở da.

Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/ Cảnh báo

Trước khi dùng pitavastatin bạn nên biết những gì?

Trước khi dùng pitavastatin, bạn những biết những điều sau:

  • Báo với bác sĩ và dược sĩ nếu bạn bị dị ứng với pitavastatin, với bất kỳ loại thuốc khác, hoặc với bất kỳ thành phần nào của pitavastatin. Hỏi dược sĩ để biết danh sách các thành phần của thuốc.
  • Báo với bác sĩ nếu bạn đang dùng cyclosporine (Gengraf, Neoral, Sandimmune). Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn không nên dùng pitavastatin nếu bạn đang dùng thuốc này.
  • Báo với bác sĩ và dược sĩ về các loại thuốc kê toa và không kê toa, các vitamin, thực phẩm chức năng, và các sản phẩm thảo dược mà bạn đang dùng hoặc dự định dùng. Chắc chắn đề cập đến bất kỳ thuốc nào sau đây: erythromycin (E.E.S., E-Mycin, Erythrocin); các loại thuốc hạ cholesterol khác như fenofibrate (Tricor), gemfibrozil (Lopid), và niacin (nicotinic acid, Niacor, Niaspan); rifampin (Rifadin, có trong Rifamate, có trong Rifater, Rimactane); ritonavir (Norvir) được dùng chung với atazanavir (Reyataz); hoặc warfarin (Coumadin, Jantoven). Bác sĩ có thể cần thay đổi liều lượng thuốc của bạn và theo dõi cẩn thận các tác dụng phụ. Các loại thuốc khác cũng có thể tương tác với pitavastatin, vì vậy hãy báo với bác sĩ về tất cả loại thuốc mà bạn đang dùng, thậm chí những loại thuốc không được liệt kê trong danh sách này.
  • Báo với bác sĩ nếu bạn bị bệnh gan. Bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm để đánh giá chức năng của gan cho dù bạn nghĩ rằng mình không mắc bệnh gan. Bác sĩ có thể khuyên bạn không nên dùng pitavastatin nếu bạn bị bệnh gan hoặc nếu kết quả xét nghiệm cho thấy rằng bạn có thể sẽ tiến triển bệnh gan.
  • Báo với bác sĩ nếu bạn uống nhiều rượu, nếu bạn 65 tuổi hoặc trên 65 tuổi, nếu bạn đã từng bị bệnh gan, hoặc nếu bạn đang hoặc đã từng bị co giật, đau nhức hoặc suy nhược, hạ huyết áp, bệnh thận hoặc bệnh tuyến giáp.
  • Báo với bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai. Bạn không nên mang thai trong khi thời gian dùng pitavastatin. Tham khảo ý kiến tư vấn từ bác sĩ về biện pháp tránh thai tốt nhất dành cho bạn. Nếu bạn mang thai trong khi thời gian dùng pitavastatin, hãy liên hệ ngay với bác sĩ. Pitavastatin có thể gây hại cho thai nhi.
  • Không được cho con bú trong khi thời gian dùng thuốc này.
  • Nếu bạn đang trong quá trình phẫu thuật, báo với bác sĩ rằng bạn đang dùng pitavastatin. Nếu bạn bị nhập viện do bị chấn thương hoặc nhiễm trùng nặng, hãy thông báo với bác sĩ rằng bạn đang dùng pitavastatin.
  • Tham khảo ý kiến tư vấn từ bác sĩ về việc sử dụng an toàn các thức uống chứa cồn trong khi thời gian dùng pitavastatin. Rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc này.

Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Thuốc này thuộc nhóm thuốc X đối với thai kỳ, theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Ghi chú: Phân loại thuốc dùng cho phụ nữ có thai:

  • A= Không có nguy cơ;
  • B = Không có nguy cơ trong vài nghiên cứu;
  • C = Có thể có nguy cơ;
  • D = Có bằng chứng về nguy cơ;
  • X = Chống chỉ định;
  • N = Vẫn chưa biết.

Tương tác thuốc

Pitavastatin có thể tương tác với thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Thức ăn và rượu bia có tương tác tới pitavastatin không?

Những loại thuốc nhất định không được dùng trong bữa ăn hoặc cùng lúc với những loại thức ăn nhất định vì có thể xảy ra tương tác. Rượu và thuốc lá cũng có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến pitavastatin?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:

  • Lạm dụng rượu, hoặc có tiền sử lạm dụng rượu;
  • Tiểu đường;
  • Bệnh gan, tiền sử – Dùng thuốc thận trọng. Bệnh gan có thể làm cho các tác dụng phụ trở trầm trọng hơn;
  • Tình trạng co giật, không được kiểm soát tốt;
  • Tình trạng mất nước;
  • Rối loạn điệngiải, nặng;
  • Rối loạn nội tiết, nặng;
  • Hạ huyết áp;
  • Suy giảm chức năng tuyến giáp (tuyến giáp hoạt động dưới mức bình thường), không được điều trị thích hợp;
  • Bệnh thận, nặng;
  • Phẫu thuật lớn, gần đây;
  • Chấn thương nặng, gần đây;
  • Rối loạn chuyển hóa, nặng;
  • Nhiễm trùng máu (nhiễm trùng máu nghiêm trọng) – Bệnh nhân mắc các tình trạng này có thể có nguy cơ mắc các vấn đề về thận và cơ;
  • Bệnh gan;
  • Men gan ở nồng độ cao liên tục – Bệnh nhân mắc các tình trạng này không nên dùng pitavastatin.

Khẩn cấp/ Quá liều

Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Livalo. http://www.mims.com/thailand/drug/info/livalo Ngày truy cập 01/11/2015

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Thương Trần

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Hoàng Trí


Bài viết liên quan

Scar Gel có tác dụng gì và có tốt không? Cách dùng và liều dùng

Uống thuốc Concor lâu dài có tốt không?


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Thương Trần · Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo