Tên biệt dược: Partamol 250, Partamol Tab 500, Partamol F, Partamol-Codein, Partamol C, Partamol-Caffein, Partamol Extra.
Tên hoạt chất: Paracetamol.
Tác dụng
Partamol là thuốc gì?
Paracetamol (Partamol) là thuốc có tác dụng giảm đau hạ sốt được sử dụng rộng rãi cho trẻ em và người lớn để điều trị các tình trạng:
- Đau từ nhẹ đến vừa như đau đầu, đau lưng, đau cơ, đau răng, đau bụng kinh, đau họng, đau do cảm cúm. Thuốc có hiệu quả nhất trên những cơn đau nhẹ không có nguồn gốc nội tạng.
- Giảm thân nhiệt ở người bệnh sốt do mọi nguyên nhân nhưng không làm giảm thân nhiệt ở người bình thường.
- Sử dụng thay thế salicylat để giảm đau nhẹ hoặc hạ sốt ở người bệnh chống chỉ định hoặc không dung nạp salicylat.
Một số tác dụng khác của thuốc Partamol không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng.
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Thuốc Partamol có những dạng và hàm lượng nào?
- Viên nén: Partamol 500mg, Partamol F 500mg, Partamol-Codein 500mg.
- Thuốc bột sủi bọt: Partamol 250mg.
- Viên nén sủi bọt: Partamol C 330mg, Partamol-Caffein 500mg.
- Viên nén bao phim: Partamol Extra 325mg.
Bài viết này chỉ đề cập đến các biệt dược Partamol chứa paracetamol đơn độc.
Liều dùng thuốc Partamol cho người lớn như thế nào?
Liều khuyến cáo của paracetamol cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi là 500 – 1000 mg/lần mỗi 4 – 6 giờ khi cần thiết nhưng không được quá 4 g/ngày.
Bệnh nhân suy gan hoặc suy thận chỉ nên dùng tối đa 2 – 3 g/ngày.
Liều dùng thuốc Partamol cho trẻ em như thế nào?
Thuốc Partamol không thích hợp dùng cho trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Trẻ em dưới 12 tuổi có thể sử dụng thuốc bột sủi bọt Partamol 250 theo liều lượng như sau:
- Từ 1 – 6 tuổi: 120 – 50 mg (1⁄4 – 1 gói)/lần.
- Từ 6 – 12 tuổi: 250 – 500 mg (1 – 2 gói)/lần.
Mỗi lần dùng cách nhau từ 4 – 6 giờ, tối đa không quá 4 lần/ ngày.
Cách dùng
Bạn nên dùng thuốc Partamol như thế nào?
Viên nén Partamol Tab 500 được sử dụng trực tiếp bằng đường uống. Đối với dạng thuốc sủi bọt (Partamol Eff), bạn cần hòa tan trong một lượng nước vừa đủ, sau đó uống khi thuốc đã tan hoàn toàn.
Lưu ý bạn không được tự ý dùng paracetamol để giảm đau quá 10 ngày với người lớn, 5 ngày đối với trẻ em, cũng như không được tự ý dùng paracetamol để hạ sốt trong những trường hợp sốt kéo dài trên 3 ngày, sốt quá cao (trên 39,5°C) hoặc sốt tái phát.
Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều thuốc Partamol?
Quá liều paracetamol có thể do uống liều đơn gây độc tính hoặc sử dụng lặp lại liều cao nhiều lần (7,5 – 10 g/ngày trong 1 – 2 ngày) hoặc do dùng thuốc thường xuyên. Hoại tử tế bào gan phụ thuộc liều là độc tính cấp nguy hiểm nhất khi ngộ độc paracetamol và có thể gây tử vong.
Các triệu chứng quá liều bao gồm: xanh xao, buồn nôn, nôn, chán ăn, đau bụng, nhiễm toan chuyển hóa, bất thường chuyển hóa glucose. Sau 12 – 48 giờ uống, tổn thương gan có thể trở nên rõ ràng dẫn đến bệnh não, xuất huyết, hạ đường huyết, hạ huyết áp, phù não, rối loạn nhịp tim và viêm tụy.
Để đảm bảo an toàn trong trường hợp khẩn cấp hoặc nghi ngờ quá liều, bạn cần gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất để được xử trí kịp thời.
Ngoài ra, bạn cũng cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều thuốc Partamol?
Nếu bạn quên uống một liều thuốc Partamol, hãy dùng càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Sau đó, bạn nên đợi khoảng 4 đến 6 tiếng rồi mới dùng liều tiếp theo nếu cần thiết. Không dùng gấp đôi liều đã quy định và phải đảm bảo rằng tổng liều dùng hằng ngày không được vượt quá liều tối đa cho phép.
Tác dụng phụ
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Partamol?
Các tác dụng phụ sau khi dùng thuốc Partamol hiếm xảy ra và thường nhẹ. Hay gặp phải có thể bao gồm:
- Buồn nôn, nôn.
- Táo bón.
- Nhức đầu, mất ngủ.
- Phản ứng quá mẫn: ngứa da, ban đỏ, mày đay,…
- Giảm tiểu cầu.
- Giảm bạch cầu.
- Giảm toàn thể huyết cầu.
- Giảm bạch cầu trung tính.
- Mất bạch cầu hạt.
- Thiếu máu.
- Hen suyễn.
- Nhiễm độc gan.
- Hoại tử ống thận cấp tính.
- Phản ứng da nghiêm trọng: hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell, hoại tử biểu bì nhiễm độc, mụn mủ ban đỏ toàn thân cấp.
Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ của thuốc Partamol và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Thận trọng/Cảnh báo
Trước khi dùng thuốc Partamol, bạn nên lưu ý những gì?
Chống chỉ định sử dụng thuốc Partamol trong các trường hợp sau:
- Người mẫn cảm với paracetamol hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Bệnh nhân thiếu hụt glucose – 6 – phosphat dehydrogenase (G6PD).
- Suy gan nặng.
Thận trọng khi dùng thuốc cho bệnh nhân suy gan, suy thận, người nghiện rượu, chán ăn, mất nước, suy dinh dưỡng mạn tính hoặc mắc các tình trạng có thể gây giảm glutathion ở gan.
Paracetamol tương đối không độc với liều điều trị. Tuy nhiên, dùng quá liều paracetamol là nguyên nhân chính gây suy gan cấp. Do đó, không nên dùng đồng thời nhiều sản phẩm thuốc có chứa paracetamol để tránh dẫn đến quá liều.
Các phản ứng da nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong bao gồm hội chứng Stevens – Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc (TEN), hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân (AGEP), hội chứng Lyell tuy hiếm nhưng đã xảy ra với paracetamol. Bệnh nhân cần phải ngừng dùng thuốc Partamol và đến gặp bác sĩ ngay nếu thấy phát ban hoặc các biểu hiện bất thường khác xuất hiện trên da.
Bệnh nhân có thiếu máu từ trước nên thận trọng khi sử dụng thuốc Partamol, bởi vì chứng xanh tím có thể không biểu lộ rõ, mặc dù nồng độ methemoglobin trong máu đang ở mức độ cao nguy hiểm.
Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)
Paracetamol là thuốc giảm đau thường được lựa chọn dùng cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, việc sử dụng paracetamol thường xuyên vào giai đoạn cuối thai kỳ có liên quan đến vấn để thở khò khè dai dẳng của trẻ sơ sinh. Do đó, khuyến cáo phụ nữ có thai chỉ nên dùng thuốc Partamol khi thật cần thiết.
Chưa thấy thuốc Partamol 500mg và Partamol 250mg có tác dụng gì gây nguy hại đến trẻ nhỏ bú mẹ. Lượng thuốc bài tiết qua sữa mẹ tương đối ít nên nguy cơ xảy ra các tác dụng không mong muốn là rất thấp.
Tương tác thuốc
Thuốc có thể tương tác với Partamol là thuốc gì?
Thuốc Partamol có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của các thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Những thuốc có thể tương tác với thuốc Partamol bao gồm:
- Warfarin và các coumarin khác.
- Phenothiazin.
- Rifampicin.
- Phenytoin.
- Barbiturat.
- Phenobarbital.
- Carbamazepine.
- Primidone.
- Isoniazid.
- Probenecid
- Metoclopramid.
- Domperidon.
- Cholestyramin.
- Cloramphenicol.
Thuốc Partamol có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?
Uống quá nhiều rượu bia trong thời gian sử dụng các thuốc Partamol có thể làm tăng nguy cơ gây độc cho gan.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Partamol?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt đã được đề cập trong mục Thận trọng/Cảnh báo.
Bảo quản thuốc
Bạn nên bảo quản Partamol như thế nào?
Bảo quản nơi khô mát, nhiệt độ không quá 30°C.
Tránh ẩm và ánh sáng trực tiếp.
Để xa tầm tay trẻ em.