backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Octreotide

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Quyên Thảo · Ngày cập nhật: 11/05/2020

Octreotide

Tên gốc: octreotide

Tên biệt dược: Austretide®, Sandostatin®

Phân nhóm: hormone dinh dưỡng & các thuốc tổng hợp có liên quan

Tác dụng của octreotide

Tác dụng của octreotide là gì?

Thuốc octreotide được sử dụng để điều trị tiêu chảy nặng, tái đỏ đột ngột ở mặt và cổ do một số loại khối u nhất định (ví dụ như các khối u carcinoid, u peptit hoạt hóa của ruột non) thường được tìm thấy trong ruột và tuyến tụy. Các triệu chứng xảy ra khi những khối u này sản xuất quá nhiều một số chất tự nhiên (hormone). Thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn việc sản xuất các hormone này. Công dụng giảm tiêu chảy của thuốc octreotide giúp giảm thiểu sự mất nước và khoáng chất của cơ thể.

Octreotide cũng được sử dụng để điều trị bệnh to đầu chi (acromegaly), xảy ra khi cơ thể tạo ra quá nhiều hormone tăng trưởng. Điều trị bệnh to đầu chi giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng như bệnh tiểu đường và bệnh tim. Octreotide hoạt động bằng cách làm giảm lượng hormone tăng trưởng, đưa nồng độ về mức bình thường.

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý khác khi có chỉ định của bác sĩ.

Liều dùng octreotide

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc octreotide cho người lớn như thế nào?

Đối với dạng thuốc tiêm tác động kéo dài, bạn dùng liều lượng như sau:

  • Để điều trị bệnh bệnh to đầu chi, bác sĩ sẽ tiêm liều khởi đầu là 20mg vào cơ mỗi 4 tuần trong vòng 3 tháng. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều thuốc khi cần thiết.
  • Để điều trị bệnh tiêu chảy nặng và một số triệu chứng do những khối u ở ruột, bác sĩ sẽ tiêm liều khởi đầu là 20mg vào cơ mỗi 4 tuần trong vòng 2 tháng. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều thuốc khi cần thiết.

Đối với dạng thuốc tiêm tác động ngắn, bạn dùng theo liều lượng như sau:

  • Để điều trị bệnh to đầu chi, bác sĩ sẽ tiêm 50mcg dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch mỗi ngày 3 lần. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều thuốc khi cần thiết.
  • Để điều trị triệu chứng do khối u carcinoid, bác sĩ sẽ dùng 100–600mcg chia thành 2 hoặc 4 liều tiêm dưới da mỗi ngày trong 2 tuần đầu tiên. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều thuốc khi cần thiết. Tuy nhiên, liều thuốc thường không quá 1.500mcg mỗi ngày.
  • Để điều trị bệnh tiêu chảy nặng và một số triệu chứng do những khối u ở ruột, bác sĩ sẽ tiêm 200–300mcg chia thành 2 hoặc 4 liều tiêm dưới da mỗi ngày trong 2 tuần đầu tiên. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều thuốc khi cần thiết.

Liều dùng octreotide cho trẻ em như thế nào?

Liều dùng cho trẻ em vẫn chưa được nghiên cứu và quyết định. Bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn định dùng thuốc này cho trẻ.

Cách dùng octreotide

Bạn nên dùng octreotide như thế nào?

Bạn cần sử dụng thuốc octreotide chính xác theo chỉ định của bác sĩ. Bạn không sử dụng thuốc này với liều lượng lớn hơn hoặc nhỏ hơn hoặc kéo dài hơn so với khuyến cáo.

Bác sĩ sẽ tiêm thuốc octreotide dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch cho bạn.

Không sử dụng thuốc octreotide nếu thuốc đã đổi màu hoặc có những hạt không tan trong dung dịch thuốc.

Trong thời gian sử dụng thuốc octreotide, bạn có thể cần theo dõi và xét nghiệm thường xuyên. Mỗi ống tiêm chỉ sử dụng một lần. Vứt bỏ sau mỗi lần sử dụng, ngay cả khi vẫn còn lại một ít thuốc trong ống sau khi tiêm xong.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Bạn không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ của octreotide

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng octreotide?

Thuốc octreotide có thể gây ra những tác dụng phụ, chẳng hạn như:

  • Đau bụng dữ dội, táo bón nặng
  • Nhịp tim chậm hoặc không đều
  • Đau nhiều ở vùng bụng phía trên lan ra sau lưng, buồn nôn và nôn mửa, nhịp tim nhanh
  • Đường huyết cao – khát nước, đi tiểu nhiều, đói, khô miệng, hơi thở có mùi trái cây, buồn ngủ, khô da, mờ mắt, giảm cân
  • Đường huyết thấp – nhức đầu, đói, suy nhược, đổ mồ hôi, lú lẫn, khó chịu, chóng mặt, nhịp tim nhanh hoặc cảm thấy bồn chồn
  • Tuyến giáp giảm hoạt năng – cảm giác mệt mỏi, khô da, đau khớp hoặc cứng khớp, đau cơ hay yếu cơ, giọng nói khàn khàn, cảm giác nhạy cảm hơn với nhiệt độ lạnh, tăng cân
  • Tiêu chảy, táo bón, đầy hơi
  • Nhức đầu, chóng mặt
  • Đau khi tiêm thuốc.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo khi dùng octreotide

Trước khi dùng octreotide, bạn nên lưu ý những gì?

Trước khi dùng thuốc, bạn nên báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:

  • Bạn đang mang thai hoặc cho con bú. Bởi vì nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú, bạn chỉ nên dùng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ.
  • Bạn đang dùng bất cứ loại thuốc khác, kể cả những thuốc kê đơn hoặc thuốc không kê đơn, sản phẩm thảo dược hoặc thực phẩm chức năng.
  • Bạn dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc octreotide hoặc bất kỳ thuốc nào khác.
  • Bạn đang mắc bất kỳ bệnh nào như bệnh tiểu đường, bệnh túi mật, bệnh tim, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, các vấn đề về tuyến giáp, viêm tụy, bệnh gan, bệnh thận (hoặc nếu bạn đang chạy thận nhân tạo).

Thuốc này có thể làm cho bạn chóng mặt và sử dụng cùng rượu hoặc cần sa có thể khiến bạn chóng mặt hơn. Bạn không nên lái xe, sử dụng máy móc hoặc làm bất cứ điều gì cần sự tỉnh táo cho đến khi bạn có thể làm điều đó một cách an toàn. Hạn chế đồ uống có cồn. Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn đang sử dụng cần sa.

Cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho trẻ em. Việc sử dụng thuốc này trong thời gian dài (dài hơn 1 năm) có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của trẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng bắt kịp sau khi điều trị bằng thuốc đã ngưng hẳn. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng octreotide trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật…)

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

Tương tác thuốc octreotide

Thuốc octreotide có thể tương tác với những thuốc nào?

Thuốc octreotide có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Những thuốc có thể tương tác với thuốc octreotide bao gồm thuốc chẹn beta (ví dụ như metoprolol, propranolol), các giải pháp dinh dưỡng được cung cấp đường tĩnh mạch, pegvisomant.

Octreotide có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến octreotide?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc octreotide

Bạn nên bảo quản octreotide như thế nào?

Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

Dạng bào chế của octreotide

Octreotide có những dạng và hàm lượng nào?

Octreotide có ở dạng:

  • Ống thuốc tiêm 0,05mg/ml
  • Ống thuốc tiêm 0,1mg/ml
  • Ống thuốc tiêm 0,2mg/ml
  • Ống thuốc tiêm 0,5mg/ml
  • Ống thuốc tiêm 1mg/ml.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Quyên Thảo · Ngày cập nhật: 11/05/2020

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo