Biệt dược: Levothyrox
Hoạt chất: Levothyroxine natri 50mcg hoặc 100mcg
Dạng bào chế: Viên nén
Tác dụng, công dụng
Tác dụng, công dụng thuốc Levothyrox là gì?
Levothyroxine tổng hợp trong thuốc này có tác dụng tương tự như hormone tự nhiên của tuyến giáp. Do đó, thuốc được chỉ định với những công dụng sau:
- Điều trị bướu giáp đơn thuần lành tính
- Điều trị dự phòng tái phát sau khi phẫu thuật bướu giáp đơn thuần, tùy thuộc vào tình trạng hormone sau phẫu thuật
- Điều trị thay thế trong suy giáp
- Điều trị ức chế trong ung thư giáp
- Phối hợp với thuốc kháng giáp trong điều trị cường giáp
Riêng thuốc Levothyrox 100mcg còn được dùng để chẩn đoán trong xét nghiệm ức chế tuyến giáp.
Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này khi có chỉ định của bác sĩ.
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Liều dùng thuốc Levothyrox cho người lớn như thế nào?
Liều dùng ở mỗi cá nhân cần được xác định dựa trên kết quả xét nghiệm và thăm khám lâm sàng. Điều trị hormone tuyến giáp nên bắt đầu với liều thấp rồi tăng dần cho mỗi 2–4 tuần cho đến khi đạt được liều thay thế đầy đủ.
Người cao tuổi, người có bệnh mạch vành, bệnh nhân suy giáp nặng hay kéo dài nên thận trong khi bắt đầu điều trị với hormone tuyến giáp. Liều khởi đầu nên ở liều thấp, sau đó tăng liều chậm và cách khoảng dài, đồng thời thường xuyên theo dõi nồng độ hormone tuyến giáp.
Liều khuyến cáo hàng ngày cho một số trường hợp như sau:
- Điều trị bướu giáp đơn thuần lành tính: 75–200 mcg/ ngày
- Điều trị dự phòng tái phát sau khi phẫu thuật bướu giáp đơn thuần: 75–200mcg/ ngày
- Điều trị thay thế trong suy giáp ở người lớn: liều khởi đầu là 25–50mcg/ ngày, liều duy trì 100–200mcg/ ngày
- Điều trị ức chế trong ung thư giáp: 150–300mcg/ ngày
- Sử dụng trong chẩn đoán cho xét nghiệm ức chế tuyến giáp: 200mcg (dùng viên levothyrox 100mcg),
Liều dùng thuốc Levothyrox cho trẻ em
Điều trị thay thế trong suy giáp ở trẻ em với liều khởi đầu 12,5–50mcg/ ngày, sau đó liều duy trì 100–150mcg/ m² bề mặt cơ thể.
Các trường hợp sẽ được bác sĩ đánh giá và chỉ định liều lượng phù hợp.
Cách dùng
Bạn nên dùng thuốc Levothyrox như thế nào?
Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Liều khuyến cáo hàng ngày có thể dùng 1 lần/ ngày. Khi dùng liều đơn, bạn nên uống thuốc với khoảng nửa ly nước vào buổi sáng khi bụng rỗng, trước giờ ăn sáng 30 phút.
Trẻ em dùng toàn bộ liều một lần vào ít nhất 30 phút trước bữa ăn đầu tiên trong ngày. Bạn có thể hòa tan viên thuốc với một ít nước thành hỗn dịch cho trẻ uống. Lưu ý, chỉ hòa tan thuốc ngay trước khi uống và uống với nhiều nước hơn.
Thời gian điều trị thường là suốt đời đối với trường hợp thay thế trong suy giáp và sau khi cắt bỏ bướu giáp hoặc cắt bỏ tuyến giáp, trong dự phòng tái phát sau khi cắt bỏ bướu giáp đơn thuần. Đối với bướu giáp đơn thuần lành tính, thời gian điều trị cần thiết thường từ 6 tháng đến 2 năm. Nếu chưa đủ, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật hoặc xạ trị i-ốt.
Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.
Tác dụng phụ
Bạn có thể gặp phải tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Levothyrox?
Khi vượt mức giới hạn dung nạp cá nhân hoặc quá liều dùng thuốc, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng lâm sàng điển hình của cường giáp, đặc biệt trong trường hợp tăng liều quá nhanh khi bắt đầu điều trị. Triệu chứng cường giáp gồm:
- Loạn nhịp tim (như rung nhĩ và ngoại tâm thu)
- Nhịp tim nhanh
- Đánh trống ngực
- Tình trạng đau ngực, đau đầu
- Yếu cơ và chuột rút
- Đỏ bừng
- Sốt
- Nôn
- Rối loạn kinh nguyệt
- Run, bồn chồn
- Mất ngủ
- Tăng tiết mồ hôi
- Sụt cân
- Tiêu chảy
Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào khi dùng thuốc, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.
Thận trọng/ Cảnh báo
Bạn nên lưu ý gì khi dùng thuốc Levothyrox?
Không sử dụng thuốc trong các trường hợp sau:
- Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc
- Suy tuyến thượng thận chưa điều trị
- Suy tuyến yên chưa điều trị
- Nhiễm độc giáp chưa điều trị
- Nhồi máu cơ tim cấp, viêm cơ tim, viêm toàn tim cấp
- Không phối hợp với các tác nhân kháng giáp cho cường giáp trong thời kỳ mang thai
Trước khi bắt đầu điều trị bằng hormon tuyến giáp hoặc trước khi tiến hành xét nghiệm ức chế tuyến giáp, phải loại trừ hoặc điều trị các bệnh và tình trạng sau: suy mạch vành, đau thắt ngực, xơ cứng tiểu động mạch, cao huyết áp, suy tuyến yên, suy tuyến thượng thận. Bệnh tuyến giáp tự chủ cũng nên được loại trừ hoặc điều trị trước khi bắt đầu điều trị với hormon tuyến giáp.
Thận trong khi điều trị bằng thuốc Levothyrox ở những người bệnh:
- Có nguy cơ rối loạn tâm thần
- Suy mạch vành, suy tim, rối loạn nhịp tim nhanh
- Phụ nữ mãn kinh và có nguy cơ loãng xương
- Không dung nạp galactose do di truyền, thiếu men Lapp lactase hoặc kém hấp thu glucose-galactose
- Bị đái tháo đường hay đang điều trị bằng thuốc chống đông máu
Không nên dùng chung Levothyrox trong tình trạng cường giáp, trừ khi dùng chung với thuốc kháng giáp khi điều trị cường giáp.
Lưu khi khi dùng thuốc cho những trường hợp đặc biệt như mang thai, cho con bú…
Việc điều trị bằng levothyroxine nên được đảm bảo trong suốt thời gian mang thai và cho con bú. Liều dùng có thể tăng lên trong lúc mang thai. Không có đủ bằng chứng cho thấy thuốc có khả năng gây quái thai hay ngộ độc thai khi dùng ở liều điều trị khuyến cáo.
Tuy nhiên, liều rất cao của levothryroxine trong thai kỳ có thể gây tác dụng bất lợi cho sự phát triển của bào thai và trẻ sơ sinh.
Không chỉ định điều trị cường giáp phối hợp với thuốc này và thuốc kháng giáp trong thai kỳ. Sự phối hợp này cần liều cao thuốc kháng giáp trong khi các thuốc ấy có thể đi qua nhau thai và gây suy giáp ở trẻ sơ sinh.
Không nên tiến hành xét nghiệm chẩn đoán ức chế tuyến giáp trong thời gian mang thai vì sử dụng i-ốt phóng xạ.
Tương tác thuốc
Thuốc Levothyrox có thể gây ra tương tác với những thuốc nào?
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Một số tương tác có thể xảy ra khi dùng chung Levothyrox với:
- Thuốc đái tháo đường
- Thuốc chống đông máu dẫn chất coumarin
- Chất ức chế protease như ritonavir, indinavir, lopinavir
- Phenytoin
- Cholestyramine, colestipol
- Thuốc chứa nhôm, sắt, canxi carbonat
- Salicylat, dicumarol, furosemid, clofibrate
- Orlistat
- Sevelamer
- Thuốc ức chế tyrosine kinase như imatinib, sunitinib
- Propylthiouracil, glucocorticoid, chất ức chế thần kinh giao cảm, amiodarone và chất cản quang có chứa i-ốt
- Sertraline, chloroquin/ proguanil
- Các thuốc gây cảm ứng enzyme
- Estrogen, các chất có chứa đậu nành
Thuốc này có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?
Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc này?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.
Bảo quản
Bạn nên bảo quản thuốc Levothyrox như thế nào?
Bảo quản ở nhiệt độ không 30ºC, để trong bao bì gốc, tránh ánh sáng. Để xa tầm tay trẻ em.