backup og meta

Insulin isophane

Insulin isophane

Tên hoạt chất: Insulin isophane

Phân nhóm: Insulin

Tác dụng

Tác dụng của insulin isophane là gì?

Insulin isophane, hay insulin NPH, là loại insulin có tác dụng trung gian dùng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người bệnh đái tháo đường (tiểu đường). Chúng thường được sử dụng cùng với chế độ ăn kiêng thích hợp và chương trình tập thể dục để kiểm soát đường huyết.

Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng thận hư, mù, bệnh thần kinh đái tháo đường, mất chi và vấn đề về chức năng tình dục. Ngoài ra, kiểm soát bệnh còn làm giảm nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ.

Sản phẩm insulin nhân tạo này cũng tương tự như insulin người. Insulin isophane thay thế insulin mà cơ thể bạn thường tạo ra, có tác dụng trung gian. Insulin isophane bắt đầu hoạt động chậm hơn nhưng kéo dài hơn insulin thông thường, giúp đường (glucose) trong máu xâm nhập vào tế bào để cơ thể bạn có thể sử dụng năng lượng. Loại insulin này thường được sử dụng kết hợp với insulin tác dụng ngắn hơn. Tuy nhiên, chúng cũng có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với các loại thuốc uống điều trị tiểu đường khác (như metformin).

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc insulin isophane cho người lớn như thế nào?

– Liều thông thường dành cho người lớn bệnh tiểu đường loại 1

Bác sĩ sẽ phân biệt liều lượng dựa trên nhu cầu chuyển hóa và theo dõi thường xuyên lượng đường trong máu; tham khảo hướng dẫn hiện tại cho các phạm vi mục tiêu tối ưu.

Bạn sẽ được tiêm dưới da 1-2 lần một ngày.

– Liều thông thường dành cho người lớn bị bệnh tiểu đường loại 2

Liều khởi đầu: 0,1 đến 0,2 đơn vị/kg dưới da, 1-2 lần một ngày.

Liều dùng insulin isophane cho trẻ em như thế nào?

Bác sĩ sẽ phân biệt liều lượng dựa trên nhu cầu chuyển hóa và theo dõi thường xuyên lượng đường trong máu; tham khảo hướng dẫn hiện tại cho các phạm vi mục tiêu tối ưu.

Con bạn sẽ được tiêm dưới da 1-2 lần một ngày.

Cách dùng

Bạn nên dùng insulin isophane như thế nào?

Bạn sẽ được tiêm thuốc dưới da, thường là 1-2 lần một ngày. Sản phẩm insulin này có thể được tiêm vào dưới da, vùng dạ dày, đùi, mông hoặc phía sau cánh tay trên. Không tiêm tĩnh mạch hoặc bắp thịt vì có thể gây hạ đường huyết. Bạn cũng không chà xát vùng da sau khi tiêm. Không tiêm vào da có màu đỏ, sưng lên hoặc ngứa. Đừng tiêm insulin lạnh vì có thể gây đau đớn.

Không bao giờ tiêm một hỗn hợp các insulin khác vào tĩnh mạch. Tham khảo ý kiến ​​chuyên gia chăm sóc sức khoẻ của bạn về sản phẩm có thể trộn lẫn, phương pháp trộn insulin thích hợp và cách pha tiêm insulin hợp lý. Không trộn insulin nếu bạn đang sử dụng bơm insulin.

tiêm insulin dưới da

Kiểm tra lượng đường trong máu (đo đường huyết tại nhà) thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bạn cần theo dõi kết quả và chia sẻ với bác sĩ. Điều này rất quan trọng để xác định đúng liều insulin.

Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Để không quên dùng thuốc, bạn nên tiêm insulin isophane cùng một thời điểm mỗi ngày.

Nói với bác sĩ nếu tình trạng của bạn không cải thiện hoặc nếu nó xấu đi (lượng đường trong máu bạn quá cao hoặc quá thấp).

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng thuốc, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng insulin isophane?

Phản ứng tại chỗ tiêm (như đau, đỏ, kích ứng) có thể xảy ra. Nếu bất kỳ phản ứng nào tiếp diễn hoặc trầm trọng hơn, bạn hãy thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

Nói với bác sĩ ngay nếu bạn có bất kỳ phản ứng phụ nghiêm trọng, bao gồm: hạ kali máu (gây ra các triệu chứng như chuột rút cơ, suy nhược, nhịp tim không đều).

Thuốc này có thể khiến lượng đường trong máu hạ thấp (hạ đường huyết)

Các triệu chứng của lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết) bao gồm khát, tăng tiểu, nhầm lẫn, buồn ngủ, đỏ bừng, thở nhanh. Nếu các triệu chứng này xảy ra, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ ngay lập tức. Liều lượng của bạn có thể cần phải tăng lên.

Phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc này rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, hãy đi khám bác sĩ ngay nếu thấy bất kỳ triệu chứng nào của phản ứng dị ứng trầm trọng, bao gồm: phát ban, ngứa/ sưng (đặc biệt là mặt/ lưỡi/ cổ họng), chóng mặt nghiêm trọng, khó thở.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng insulin isophane, bạn nên lưu ý những gì?

Không sử dụng insulin isophane khi bạn có lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết).

Trước khi sử dụng insulin isophane, hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết bệnh sử, đặc biệt là các vấn đề về tuyến thượng thận /tuyến yên, bệnh thận, bệnh gan, các vấn đề về tuyến giáp.

Bạn có thể bị thị lực mờ, chóng mặt hoặc buồn ngủ do lượng đường trong máu rất thấp hoặc cao. Không lái xe, sử dụng máy móc hoặc làm bất cứ hoạt động nào đòi hỏi sự cảnh giác hoặc tầm nhìn rõ ràng cho đến khi bạn chắc chắn rằng mình có thể thực hiện các hoạt động như vậy một cách an toàn.

Hạn chế uống rượu trong khi sử dụng thuốc này bởi vì nó có thể làm tăng nguy cơ bị tụt đường huyết.

Có thể khó kiểm soát lượng đường trong máu khi cơ thể bị căng thẳng (chẳng hạn như sốt, nhiễm trùng, thương tích hoặc phẫu thuật). Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ vì có thể yêu cầu thay đổi kế hoạch điều trị, thuốc hoặc kiểm tra lượng đường trong máu.

Trước khi phẫu thuật, hãy nói với bác sĩ hoặc nha sĩ về tất cả các sản phẩm bạn sử dụng (bao gồm thuốc theo toa, thuốc không kê đơn, và các sản phẩm thảo dược).

Kiểm tra lượng đường trong máu trước và sau khi tập luyện. Bạn có thể cần một bữa ăn nhẹ trước khi tập thể dục.

Nếu đi du lịch qua các múi giờ, hãy hỏi bác sĩ để điều chỉnh lịch trình sử dụng insulin.

Người lớn tuổi và trẻ em có thể nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc này, đặc biệt là lượng đường trong máu thấp.

Nói với bác sĩ ngay nếu bạn đang mang thai. Mang thai có thể gây ra hoặc làm tồi tệ hơn bệnh tiểu đường. Thảo luận kế hoạch với bác sĩ để kiểm soát lượng đường trong máu trong khi mang thai. Bác sĩ có thể thay đổi cách điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ (chẳng hạn như chế độ ăn uống và thuốc bao gồm insulin).

Thuốc truyền vào sữa mẹ, nhưng không gây hại cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ. Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi cho con bú. Nhu cầu insulin của bạn có thể thay đổi trong thời gian cho con bú

Tương tác thuốc

Thuốc insulin isophane có thể tương tác với những thuốc nào?

Thuốc insulin isophane có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Tương tác thuốc và những điều bạn nên biết

Một số sản phẩm có thể tương tác với thuốc này bao gồm: repaglinide, rosiglitazone.

Thuốc chẹn beta (như metoprolol, propranolol, thuốc nhỏ mắt trị glaucom mắt như timolol) có thể ngăn ngừa nhịp tim đập nhanh khi lượng đường trong máu quá thấp. Các triệu chứng khác của lượng đường trong máu thấp, như chóng mặt, đói, hoặc đổ mồ hôi, không bị ảnh hưởng bởi các thuốc này.

Nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn, làm khó kiểm soát lượng đường trong máu. Trước khi bắt đầu, dừng lại hoặc thay đổi bất cứ loại thuốc nào, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ về việc thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn như thế nào. Kiểm tra lượng đường trong máu của bạn thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nói với bác sĩ về kết quả và các triệu chứng của lượng đường trong máu cao hoặc thấp. Bác sĩ có thể cần phải điều chỉnh thuốc tiểu đường, tập thể dục hoặc chế độ ăn uống.

Insulin isophane có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến insulin isophane?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản insulin isophane như thế nào?

Bạn cất giữ insulin isophane trong hộp của thuốc để bảo vệ khỏi hơi nóng và ánh sáng. Không đóng băng insulin hoặc cất giữ thuốc gần phần làm mát trong tủ lạnh. Bạn nên vứt bỏ bất kỳ loại insulin nào đã bị đông lạnh.

Lưu trữ insulin chưa sử dụng

  • Lưu trữ trong tủ lạnh và sử dụng cho đến ngày hết hạn;
  • Lưu trữ ở nhiệt độ phòng và sử dụng trong vòng 31 ngày.

Lưu trữ insulin đã mở (sử dụng)

  • Lưu trữ lọ trong tủ lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng và sử dụng trong vòng 31 ngày.
  • Lưu trữ bút tiêm ở nhiệt độ phòng (không làm lạnh) và sử dụng trong vòng 14 ngày.
  • Thuốc insulin isophane trông rất đục sau khi trộn. Không sử dụng hỗn hợp nếu bạn thấy có các hạt trong đó. Gọi cho dược sĩ để mua thuốc mới.

Dạng bào chế

Insulin isophane có những dạng và hàm lượng nào?

Insulin isophane có ở dạng hỗn dịch tiêm dưới da.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Insulin Isophane Dosage. https://www.drugs.com/dosage/insulin-isophane.html. Ngày truy cập 23/02/2018

Insulin NPH Human Recomb Suspension. https://www.webmd.com/drugs/2/drug-6158/insulin-nph-isophane-u-100-human-subcutaneous/details. Ngày truy cập 23/02/2018

Phiên bản hiện tại

22/06/2020

Tác giả: Quyên Thảo

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Trẻ uống thuốc hạ sốt, sau 30 phút nhưng nhiệt độ vẫn chưa giảm thì phải làm gì?

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Tác dụng phụ và biến chứng khi dùng thuốc | Hello Bacsi x SANOFI


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Quyên Thảo · Ngày cập nhật: 22/06/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo