backup og meta

Buprenorphine

Tác dụng

Tác dụng của buprenorphine là gì?

Buprenorphine được sử dụng để làm giảm cơn đau liên tục và nghiêm trọng (chẳng hạn như do viêm khớp, đau lưng mãn tính). Buprenorphine thuộc nhóm thuốc giảm đau gây nghiện. Thuốc tác động lên não để thay đổi cách cơ thể bạn cảm nhận và phản ứng với cơn đau.

Các hàm lượng cao hơn của buprenorphine (miếng dán mỗi giờ 7,5, 10, 15, hoặc 20 mg) chỉ nên được sử dụng nếu bạn đã thường xuyên dùng các thuốc giảm đau gây nghiện liều vừa phải. Những hàm lượng mạnh này có thể gây quá liều (thậm chí tử vong) nếu bạn không dùng thuốc giảm đau  gây nghiện thường xuyên.

Không dùng thuốc để giảm đau đối với những cơn đau nhẹ và vừa phải, hoặc có thể biến mất sau vài ngày. Buprenorphine không phải là thuốc có thể sử dụng thỉnh thoảng khi cần thiết.

Bạn nên dùng buprenorphine như thế nào?

Miếng dán lên da buprenorphine

Dùng thuốc đều đặn theo lịch như chỉ dẫn của bác sĩ, không đợi đến khi đau mới dùng thuốc. Nếu bạn đang dùng thuốc giảm đau  gây nghiện khác, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ liệu bạn nên ngừng hoặc thay đổi liều lượng loại thuốc giảm đau bạn đang dùng trước khi bắt đầu sử dụng buprenorphine hay không. Có thể mất 24 giờ hoặc lâu hơn để miếng dán buprenorphine phát huy tác dụng. Để giảm đau thêm, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn dùng thuốc giảm đau  gây nghiện tác dụng nhanh hoặc các thuốc giảm đau không gây nghiện (như acetaminophen, ibuprofen). Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn có bất kỳ thắc mắc về việc sử dụng với các loại thuốc khác.

Dán miếng dán lên da theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không áp miếng dán lên vết thương do bỏng, vết cắt, khu vực da bị tấy rát, hoặc da đã tiếp xúc với bức xạ (Điều trị bằng tia X). Chọn một khu vực da không có lông, khô, bằng phẳng chẳng hạn như ngực trên, hai bên ngực, lưng trên, phía trên bên ngoài cánh tay. Ở những người không thể suy nghĩ rõ ràng (như do mất trí nhớ), đặt miếng dán trên lưng để giảm nguy cơ người bệnh gỡ miếng dán và cho vào miệng. Nếu có lông trên da, dùng kéo để cắt phần lông càng sát da càng tốt. Không cạo lông vì điều này có thể gây kích ứng da. Nếu cần thiết, sử dụng nước để làm sạch khu vực da này. Không sử dụng xà phòng, dầu, sữa dưỡng da hoặc các chất chứa cồn lên khu vực da dùng miếng dán. Để da thật khô trước khi dán các miếng dán.

Các miếng dán thường được thay mỗi 7 ngày. Để tránh kích ứng, dán miếng dán vào các khu vực khác nhau mỗi khi thay, và không dán trong cùng một vùng trong vòng 3 tuần. Gỡ miếng cũ trước khi dán miếng dán mới. Các miếng dán đã qua sử dụng phải được gấp làm đôi với hai bên dính lại với nhau và loại bỏ đúng cách. Nếu nhà sản xuất đã hướng dẫn cách loại bỏ, hãy làm theo đúng cách.

Không sử dụng các miếng dán nếu bị rách, cắt, hoặc bị hư hỏng. Gỡ miếng dán khỏi túi kín, bóc lớp viền bảo vệ, và áp lên da ngay. Dùng lòng bàn tay áp chặt miếng dán trên da trong khoảng 15-30 giây, đảm bảo đủ lực và độ tiếp xúc để miếng đắp bám chặt hoàn toàn vào da. Nếu phải dùng nhiều hơn 1 miếng dán cho mỗi liều, áp các miếng dán ngay cạnh nhau nhưng chắc chắn rằng các cạnh của các miếng dán không chạm hoặc chồng chéo lên nhau. Chỉ cần rửa tay bằng nước sau khi áp miếng dán.

Bạn có thể tắm, hoặc bơi lội trong khi mang các miếng dán. Nếu các miếng dán không bám vào vùng da cần dán, bạn có thể dùng băng keo trong (loại chuyên dụng) để dán các cạnh của miếng dán vào da. Nếu vấn đề này vẫn tiếp diễn, hãy hỏi bác sĩ của bạn để được tư vấn. Nếu miếng dán rơi ra trước 7 ngày, hãy dán một miếng dán khác lên một vùng da khác và báo cho bác sĩ.

Nếu bạn vô tình chạm lớp dính vào da hoặc cầm phải các miếng dán bị cắt hoặc bị hỏng, rửa sạch vùng da bằng nước sạch. Nếu các miếng dán rơi ra và vô tình dính vào da của người khác, ngay lập tức gỡ bỏ các miếng dán, rửa sạch vùng da với nước, và gọi bác sĩ ngay. Không sử dụng xà phòng, cồn, hoặc các sản phẩm khác để rửa vùng da.

Liều lượng được dựa trên tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng điều trị của bạn. Đừng dùng các miếng dán nhiều hơn chỉ dẫn, không thay các miếng dán nhiều hơn, hoặc dùng trong một thời gian dài hơn so với quy định, vì điều này sẽ gây nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ.

Buprenorphine có thể gây ra các triệu chứng khi ngừng thuốc, đặc biệt khi bạn đã sử dụng thuốc thường xuyên trong một thời gian dài hoặc với liều lượng cao. Triệu chứng ngừng thuốc cũng có thể xảy ra nếu bạn chuyển từ một loại thuốc giảm đau  gây nghiện khác sang buprenorphine. Các triệu chứng ngừng thuốc bao gồm bồn chồn, chảy nước mắt, sổ mũi, buồn nôn, ra mồ hôi, hoặc đau nhức cơ bắp. Để phòng ngừa các triệu chứng ngừng thuốc, bác sĩ có thể giảm liều dần dần cho bạn. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm chi tiết và báo cáo bất kỳ các triệu chứng ngừng thuốc ngay lập tức.

Khi dùng thuốc này trong một thời gian dài, thuốc có thể không còn hoạt động hiệu quả. Nói chuyện với bác sĩ nếu thuốc không còn tác dụng hiệu quả với bạn.

Bên cạnh các lợi ích, mặc dù hiếm nhưng thuốc có thể gây nghiện. Nguy cơ này có thể được tăng lên nếu bạn có tiền sử lạm dụng rượu hoặc ma túy. Sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ để làm giảm nguy cơ nghiện.

Hãy báo với bác sĩ nếu cơn đau của bạn không thuyên giảm hoặc trở nên nghiêm trọng hơn.

Viên ngậm dưới lưỡi buprenorphine

Sử dụng thuốc này theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường là một lần một ngày. Đặt thuốc dưới lưỡi từ 5 đến 10 phút và để thuốc tan hoàn toàn. Nếu bạn được chỉ định nhiều hơn một viên thuốc mỗi ngày, bạn có thể đặt tất cả các viên nén dưới lưỡi của bạn hoặc hai viên cùng một lúc. Đừng nuốt hoặc nhai thuốc này, vì thuốc sẽ không còn hoạt động hiệu quả.

Buprenorphine thường được sử dụng trong 2 ngày đầu sau khi bạn đã ngừng tất cả các thuốc giảm đau gây nghiện khác. Bạn thường sẽ được dùng thuốc tại phòng mạch của bác sĩ. Sau đó, bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc buprenorphine/naloxone để duy trì quá trình điều trị. Thuốc kết hợp với naloxone – hoạt động tương tự như khi sử dụng buprenorphine đơn độc – dùng để ngăn chặn các triệu chứng ngừng thuốc.

Buprenorphine đạt tác dụng cao nhất khi bạn dùng liều đầu tiên ngay khi các triệu chứng ngừng thuốc bắt đầu xuất hiện, hoặc ít nhất 4 giờ sau khi bạn dùng liều giảm đau gây nghiện gần nhất. Buprenorphine có thể gây ra các triệu chứng ngừng thuốc nếu bạn dùng buprenorphine quá sớm sau khi dùng liều giảm đau gây nghiện gần nhất (dưới 4 giờ). Thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Liều lượng được dựa trên tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng điều trị của bạn. Không tăng liều, dùng thuốc thường xuyên hơn, hoặc dùng thuốc trong một thời gian kéo dài hơn so với quy định.

Dùng thuốc thường xuyên để thuốc phát huy tác dụng cao nhất. Để giúp bạn nhớ, sử dụng thuốc tại cùng một thời điểm mỗi ngày.

Buprenorphine có thể gây ra các triệu chứng ngừng thuốc, đặc biệt nếu bạn đã sử dụng thường xuyên trong một thời gian dài hoặc với liều lượng cao. Các triệu chứng ngừng thuốc bao gồm bồn chồn, chảy nước mắt, sổ mũi, buồn nôn, ra mồ hôi, hoặc đau nhức cơ bắp. Để phòng ngừa các triệu chứng ngừng thuốc, bác sĩ có thể giảm liều dần dần cho bạn. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm chi tiết và báo cáo bất kỳ các triệu chứng ngừng thuốc ngay lập tức.

Báo với bác sĩ nếu bạn bị bất kỳ triệu chứng ngừng thuốc nào.

Bạn nên bảo quản buprenorphine như thế nào?

Bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm. Không bảo quản trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Không vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng buprenorphine cho người lớn là gì?

Liều dùng thông thường cho người lớn bị phụ thuộc opiate (chất gây nghiện)

Liều khởi đầu:

  • Ngày1: 8mgngậm dưới lưỡimột lần một ngày.
  • Ngày2: 16mgngậm dưới lưỡimột lần một ngày.

Liều duy trì: 4-24 mg/ngày; điều chỉnh liều có thể được thực hiện tăng/giảm khoảng 2 hoặc 4 mg đến một liều có thể ngăn chặn triệu chứng ngừng thuốc opioid và bạn vẫn có thể tiếp tục quy trình điều trị.

Liều dùng thông thường cho người lớn bị đau mãn tính

Miếng dán liều 7,5 mg, 10 mg, 15 mg, 20 mg chỉ được chỉ định nếu bạn đã từng dùng các thuốc opioid.

Nếu đây là lần đầu bạn dùng thuốc opiod: Khởi đầu với miếng dán 5 mcg/giờ, lặp lại mỗi 7 ngày.

Liều dùng buprenophine cho trẻ em là gì?

Liều dùng thông thường cho trẻ em để điều trị các cơn đau

13 tuổi trở lên:

  • Liều khởi đầu:0,3mgtiêm bắp sâu hoặctiêm tĩnh mạch chậm; có thể lặp lạiliềukhởi đầumột lần sau30 đến 60phútnếu cần.
  • Liều duy trì: 0,3mgtiêm bắp sâu hoặctiêm tĩnh mạch chậm lên đếnkhoảng mỗi 6giờkhi cần thiết.
  • Liều tối đa: 0,3

2-12 tuổi: 2-6 mcg/kg tiêm bắp sâu hoặc tiêm tĩnh mạch chậm mỗi 4-6 giờ.

Buprenorphine có những dạng và hàm lượng nào?

Buprenorphine có những dạng và hàm lượng sau:

  • Miếng dán, dùng ngoài da : 5mcg/hr(4 ea); 10mcg/hr(4 ea); 15mcg/hr(4 ea); 20mcg/hr(4 ea).
  • Dung dịch, thuốc tiêm: 0,3mg/ml(1 ml).
  • Viên ngậmdưới lưỡi: 2mg, 8

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng buprenorphine?

Gọi cấp cứu nếu bạn có bất cứ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng: phát ban; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi, hoặc họng.

Giống như các loại thuốc gây nghiện khác, buprenorphine có thể làm chậm hơi thở của bạn. Hơi thở quá yếu có thể dẫn đến tử vong.

Hãy gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng như:

  • Hơi thở yếu hoặc nông, cảm thấy choáng váng, ngất xỉu.
  • Môi hoặc móng tay chuyển màu xanh.
  • Lẫn lộn, cảm giác hạnh phúc tột cùng.
  • Nhịp tim nhanh hoặc chậm.
  • Đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không đi tiểu.

Tác dụng phụ ít nghiêm trọng có thể bao gồm:

  • Chóng mặt, cảm giác quay cuồng, suy nhược, cảm giác mệt mỏi.
  • Buồn nôn, nôn mửa, táo bón.
  • Tăng đổ mồ hôi, cảm giác tê hoặc ngứa ran.
  • Đau đầu, tâm trạng chán nản.
  • Nhìn mờ, nhìn đôi.

Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng buprenorphine bạn nên biết những gì?

Trước khi dùng buprenorphine hoặc buprenorphine và naloxone, bạn nên:

  • Báo với bác sĩ và dược sĩ nếu bạn bị dị ứng với buprenorphine, naloxone, hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác.
  • Không dùng thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau gây nghiện, thuốc ngủ, thuốc an thần trong khi dùng buprenorphine hoặc buprenorphine và naloxone.
  • Báo với bác sĩ và dược sĩ những loại thuốc kê toa hoặc không kê toa, các vitamin, thực phẩm chức năng và thảo dược bạn đang dùng. Đặc biệt là các thuốc sau: acetaminophen (Tylenol); thuốc kháng nấm như fluconazole (Diflucan), itraconazole (Sporanox), và ketoconazole (Nizoral); carbamazepine (Tegretol); các thuốc hạ cholesterol (statin); cimetidine (Tagamet); clarithromycin (Biaxin); cyclosporine (Neoral, SANDIMUNE); danazol (Danocrine); delavirdine (Rescriptor); dexamethasone (Decadron); diltiazem (Cardizem, Dilacor, Tiazac); erythromycin (E.E.S., E-Mycin, Erythrocin); ethosuximide (Zarontin); fluoxetine (Prozac, Sarafem); fluvoxamine (Luvox); các chất ức chế protease HIV như indinavir (Crixivan), nelfinavir (Viracept), và ritonavir (Norvir); thuốc sắt; isoniazid (INH, Nydrazid); thuốc điều trị trầm cảm, bệnh tâm thần, và co giật; methotrexate (Rheumatrex); metronidazole (Flagyl); nefazodone (Serzone); niacin (acid nicotinic); thuốc tránh thai dạng uống, phenobarbital (Luminal, Solfoton); phenytoin (Dilantin); rifabutin (Mycobutin); rifampin (Rifadin, Rimactane); troglitazone (Rezulin); troleandomycin (TAO); verapamil (Calan, Covera, Isoptin, Verelan); và zafirlukast (Accolate). Bác sĩ có thể cần phải thay đổi liều thuốc của bạn hoặc theo dõi các tác dụng phụ ở bạn một cách cẩn thận.
  • Báo với bác sĩ nếu bạn uống nhiều rượu và nếu bạn đang hoặc đã từng có vấn đề về tuyến thượng thận như bệnh Addison; phì đại tuyến tiền liệt lành tính (BPH); tiểu khó; chấn thương đầu; ảo giác (nhìn thấy những vật hay nghe tiếng nói không có thật); cột sống bị cong gây khó thở, bệnh về túi mật; các tình trạng về dạ dày; tuyến giáp, bệnh thận, gan, hoặc phổi.
  • Báo với bác sĩ của bạn nếu bạn đang mang thai, dự định có thai, hoặc đang cho con bú. Nếu bạn có thai trong khi dùng buprenorphine hoặc buprenorphine và naloxone, báo ngay với bác sĩ.
  • Nếu bạn đang có phẫu thuật, kể cả phẫu thuật nha khoa, hãy nói cho bác sĩ hoặc nha sĩ rằng bạn đang dùng buprenorphine hoặc buprenorphine và naloxone.
  • Hãy nhớ rằng buprenorphine hoặc buprenorphine và naloxone có thể khiến bạn buồn ngủ. Đừng lái xe hay vận hành máy móc cho đến khi bạn biết được mức độ ảnh hưởng của thuốc đến bạn.
  • Hãy nhớ rằng rượu có thể khiến triệu chứng khó thở gây ra bởi thuốc này trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Bạn nên biết rằng buprenorphine hoặc buprenorphine và naloxone có thể gây chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu và khi bạn đứng dậy quá nhanh từ tư thế nằm. Triệu chứng này phổ biến hơn khi bạn lần đầu tiên dùng buprenorphine hoặc buprenorphine và naloxone. Để hạn chế, hãy ra khỏi giường từ từ, thả lỏng đôi chân của bạn trên sàn nhà vài phút trước khi đứng dậy.

Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Các nghiên cứu ở phụ nữ cho con bú đã chứng minh tác hại của buprenorphine đối với trẻ sơ sinh bú sữa mẹ. Bạn nên ngừng cho con bú trong khi sử dụng thuốc này, hoặc chọn một loại thuốc khác thay thế nếu quyết định cho con bú.

Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Thuốc này thuộc nhóm thuốc C đối với thai kỳ.

Ghi chú: Phân loại thuốc dùng cho phụ nữ có thai:

  • A= Không có nguy cơ;
  • B = Không có nguy cơ trong vài nghiên cứu;
  • C = Có thể có nguy cơ;
  • D = Có bằng chứng về nguy cơ;
  • X = Chống chỉ định;
  • N = Vẫn chưa biết.

Tương tác thuốc

Buprenorphine có thể tương tác với thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng buprenorphine kèm với thuốc ngủ, thuốc an thần, các thuốc giảm đau gây nghiện khác, thuốc giãn cơ, thuốc trầm cảm hoặc động kinh.

Thức ăn và rượu bia có tương tác tới buprenorphine không?

Những loại thuốc nhất định không được dùng trong bữa ăn hoặc cùng lúc với những loại thức ăn nhất định vì có thể xảy ra tương tác. Rượu và thuốc lá cũng có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Dùng buprenorphine với các thực phẩm sau không được khuyến khích trừ một vài trường hợp đặc biệt. Nếu phải dùng, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng và mức độ thường xuyên dùng thuốc, và hướng dẫn bạn cách sử dụng thức ăn, rượu bia hợp lý.

  • Rượu.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến buprenorphine?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có những vấn đề sức khỏe, đặc biệt là:

  • Bệnh Addison (vấn đề về tuyến thượng thận).
  • Lạm dụng rượu, hoặc có tiền sử lạm dụng rượu.
  • Hen suyễn mức độ nặng.
  • Có tiền sử bị u não.
  • Vấn đề về thở, nghiêm trọng (ví dụ, tăng carbonic máu, giảm oxy máu).
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
  • Bệnh tim do phổi (một tình trạng về tim nghiêm trọng).
  • Phì đại tuyến tiền liệt lành tính (BPH).
  • Bệnh túi mật hoặc sỏi mật.
  • Có tiền sử bị thương vùng đầu.
  • Bệnh tim.
  • Có tiền sử viêm gan B hoặc C.
  • Nhược giáp (tuyến giáp hoạt động kém).
  • Giảm thể tích tuần hoàn.
  • Gù vẹo cột sống (cột sống cong dẫn đến vấn đề về hô hấp).
  • Vấn đề về tiểu tiện – Sử dụng một cách thận trọng. Nếu mắc phải tình trạng này, bạn có thể có nguy cơ tăng các tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng thuốc.
  • Hạ huyết áp.
  • Suy hô hấp (thở rất chậm).
  • Các bệnh dạ dày – Sử dụng một cách thận trọng. Thuốc có thể khiến bệnh nặng hơn.
  • Bệnh thận.
  • Bệnh gan – Sử dụng một cách thận trọng. Các tác dụng của thuốc có thể tăng lên do quá trình đào thải diễn ra chậm hơn.

Khẩn cấp/Quá liều

Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Phiên bản hiện tại

25/11/2020

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: anh.nguyen


Bài viết liên quan

Trẻ uống thuốc hạ sốt, sau 30 phút nhưng nhiệt độ vẫn chưa giảm thì phải làm gì?

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Tác dụng phụ và biến chứng khi dùng thuốc | Hello Bacsi x SANOFI


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 25/11/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo