backup og meta

Betaloc Zok

Betaloc Zok

Tên biệt dược: Betaloc Zok 25mg, Betaloc Zok 50mg

Tên hoạt chất: Metoprolol succinate 23,75mg hoặc 47,5mg (tương đương với 25mg hoặc 50mg metoprolol tartrate)

Tác dụng

Tác dụng của thuốc Betaloc Zok là gì?

Betaloc Zok với hoạt chất metoprolol là chất ức chế chọn lọc thụ thể beta-1 được chỉ định trong:

  • Điều trị tăng huyết áp: làm giảm huyết áp và giảm nguy cơ tử vong do tim mạch và bệnh mạch vành (kể cả đột tử) và tỉ lệ tổn thương cơ quan.
  • Điều trị đau thắt ngực.
  • Điều trị bổ sung cho liệu pháp điều trị suy tim cơ bản ở những bệnh nhân suy tim mạn tính có triệu chứng đã ổn định do suy chức năng tâm thu thất trái.
  • Phòng ngừa tử vong do tim và tái nhồi máu sau cơn nhồi máu cơ tim cấp.
  • Điều trị loạn nhịp tim đặc biệt là nhịp nhanh trên thất, giảm nhịp thất trong rung nhĩ và trong ngoại tâm thu thất.
  • Điều trị rối loạn chức năng tim có kèm đánh trống ngực.
  • Phòng ngừa đau nửa đầu migraine.

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này khi có chỉ định của bác sĩ.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Thuốc Betaloc Zok có dạng bào chế viên nén bao phim, với 2 hàm lượng là 25mg và 50mg.

Liều dùng thuốc Betaloc Zok 25mg, 50mg cho người lớn

Điều trị tăng huyết áp: Liều khuyến cáo cho bệnh nhân tăng huyết áp từ nhẹ đến vừa là 50mg/ lần/ ngày. Nếu không đáp ứng với liều này, bác sĩ có thể tăng liều lên đến 100–200mg/ lần/ ngày hoặc kết hợp với các thuốc điều trị tăng huyết áp khác.

Điều trị đau thắt ngực: Liều khuyến cáo là 100–200mg/ lần/ ngày. Nếu cần, bệnh nhân có thể được dùng kết hợp với các thuốc trị đau thắt ngực khác.

Điều trị bổ sung cho liệu pháp điều trị suy tim cơ bản ở những người suy tim mạn tính có triệu chứng đã ổn định do suy chức năng tâm thu thất trái:

Thuốc này dùng cho bệnh nhân có tình trạng suy tim mạn tính ổn định, không có biểu hiện cấp trong 6 tuần gần nhất và đang dùng một liệu pháp điều trị cơ bản cần thiết không thay đổi trong 2 tuần gần nhất.

  • Bệnh nhân suy tim ổn định độ II: liều khởi đầu khuyến cáo cho 2 tuần đầu là 25mg/ lần/ ngày. Sau 2 tuần, liều lượng có thể tăng lên 50mg/ lần/ ngày và sau đó có thể gấp đôi liều mỗi 2 tuần. Liều đích cho điều trị dài hạn là 200mg/ lần/ ngày.
  • Bệnh nhân suy tim ổn định độ III – IV: liều khởi đầu khuyến cáo là 12,5mg (nửa viên Betaloc Zok 25mg)/ lần/ ngày. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều theo từng người và theo dõi chặt chẽ trong suốt thời gian tăng liều vì các triệu chứng suy tim có thể trầm trọng hơn ở một số trường hợp. Sau 1–2 tuần, liều dùng có thể tăng lên 25mg/ lần/ ngày. Hai tuần tiếp theo, liều có thể tăng tiếp đến 50mg/ lần/ ngày. Ở những bệnh nhân dung nạp được liều cao hơn, bác sĩ có thể dùng gấp đôi liều mỗi 2 tuần cho đến mức liều tối đa là 200mg/ ngày.

Trường hợp bị hạ huyết áp và/ hoặc chậm nhịp tim, người bệnh cần được giảm các thuốc dùng phối hợp hay giảm liều dùng của Betaloc Zok. Khi đó, liều dùng không được tăng lên cho đến khi tình trạng bệnh đã ổn định và cần tăng cường kiểm soát chức năng thận.

Điều trị rối loạn nhịp tim: Liều khuyến cáo là 50mg x 2 – 3 lần/ngày, nếu cần có thể tăng liều lên 300mg/ngày chia thành nhiều lần.

Điều trị nhồi máu cơ tim: Can thiệp sớm dùng 50mg mỗi 6 giờ, sau khi tiêm 15 phút và trong vòng tối đa 48 giờ (tốt nhất là 12 giờ) kể từ khi có triệu chứng đau ngực đầu tiên; nếu bệnh nhân không dung nạp có thể dụng nửa liều. Điều trị sau nhồi máu dài ngày với liều 200mg/ lần/ ngày sẽ giảm nguy cơ tử vong (bao gồm đột tử) và giảm nguy cơ tái nhồi máu cơ tim (thường gặp ở người bệnh đái tháo đường).

Điều trị rối loạn chức năng tim có kèm đánh trống ngực: Liều khuyến cáo 100mg/ lần/ ngày. Nếu cần, liều dùng có thể tăng đến 200mg.

Khi ngừng điều trị phải giảm liều lượng một cách từ từ trước khi ngưng hẳn, vì ngưng Betaloc Zok đột ngột có thể gây đau ngực hoặc nhồi máu cơ tim. Bạn cần giảm liều từ từ với liều bằng phân nửa ở mỗi bước trong vòng ít nhất 2 tuần, đến liều sau cùng là 25mg. Liều này nên được dùng tối thiểu trong 4 ngày trước khi dừng hẳn. Tốc độ giảm liều nên chậm hơn nếu có triệu chứng tái hiện.

Điều trị nhiễm độc tuyến giáp: 50mg x 4 lần/ngày, sau khi ổn định tuyến giáp thì giảm liều từ từ.

Dự phòng đau nửa đầu: 50 – 100mg x 2 lần/ngày.

Liều dùng thuốc Betaloc Zok cho trẻ em

Không khuyến cáo sử dụng thuốc này cho trẻ em vì kinh nghiệm dùng thuốc trên đối tượng này còn hạn chế.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc Betaloc Zok 25mg hay Betaloc Zok 50mg như thế nào?

cách dùng Betaloc Zok

Thuốc được dùng với liều duy nhất trong ngày và tốt nhất là uống vào buổi sáng. Bạn nên uống nguyên viên hoặc bẻ nửa viên theo đường kẻ chia vạch sẵn cùng một ít nước, không nhai hay nghiền nát viên thuốc. Thức ăn không ảnh hưởng đến khả năng được hấp thu và tác dụng của thuốc.

Để tránh tác dụng gây chậm nhịp tim, bác sĩ sẽ cần theo dõi và điều chỉnh liều cho bạn. Hãy đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn cần trao đổi thêm với bác sĩ. Tuân thủ đầy đủ đợt điều trị, không tự ý ngưng hay sử dụng thuốc kéo dài mà không có chỉ định từ bác sĩ.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên uống một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn có thể gặp phải tác dụng phụ nào khi uống thuốc Betaloc Zok?

Betaloc Zok 50mg hay 25mg thường được dung nạp tốt và nếu có tác dụng không mong muốn cũng không nặng nề, có khả năng hồi phục.

Một số tác dụng phụ được ghi nhận trong các thử nghiệm lâm sàng và khi sử dụng thuốc hàng ngày

– Hệ tim mạch: 

  • Thường gặp: chậm nhịp tim, hạ huyết áp tư thế, lạnh tay chân và đánh trống ngực.
  • Ít gặp: các triệu chứng suy tim thoáng qua, sốc tim ở những bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, block nhĩ thất độ I, phù, đau vùng trước tim.
  • Hiếm gặp: rối loạn dẫn truyền cơ tim, rối loạn nhịp tim.
  • Rất hiếm gặp: hoại thư ở những bệnh nhân có rối loạn tuần hoàn ngoại biên nặng trước đó.

– Hệ thần kinh trung ương:

  • Rất thường gặp: mệt mỏi.
  • Thường gặp: choáng váng, nhức đầu.
  • Ít gặp: dị cảm, chuột rút.

– Hệ tiêu hóa:

  • Thường gặp: buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, táo bón.
  • Ít gặp: nôn mửa.
  • Hiếm gặp: khô miệng.

Một số tác dụng phụ ít hay hiếm gặp khác:

  • Giảm tiểu cầu
  • Viêm gan, bất thường khi xét nghiệm chức năng gan
  • Đau khớp, tăng cân
  • Trầm cảm, mất tập trung, ngủ gà hay mất ngủ, bồn chồn, lo lắng, giảm trí nhớ, lú lẫn, ảo giác
  • Khó thở khi gắng sức, co thắt phế quản, viêm mũi
  • Rối loạn thị giác, kích ứng mắt, viêm kết mạc, ù tai, rối loạn vị giác
  • Nổi ban, tăng tiết mồ hôi, rụng tóc, nhạy cảm với ánh sáng…

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.

Thận trọng/ Cảnh báo

Bạn nên lưu ý gì khi dùng thuốc Betaloc Zok?

thận trọng khi dùng Betaloc Zok

Thuốc này chống chỉ định cho các trường hợp:

  • Block nhĩ nhất độ 2 hoặc 3, suy tim mất bù không ổn định (phù phổi, giảm tưới máu hoặc hạ huyết áp)
  • Điều trị liên tục hay ngắt quãng với thuốc tăng co bóp cơ tim loại chủ vận thụ thể beta
  • Chậm nhịp xoang trên lâm sàng (< 45 – 50bpm), hội chứng suy nút xoang (trừ khi có đặt máy tạo nhịp tim dài hạn)
  • Sốc do tim, rối loạn tuần hoàn động mạch ngoại vi nặng
  • Huyết áp thấp
  • Bệnh nhân nghi ngờ có nhồi máu cơ tim cấp với nhịp tim < 45 lần/ phút, khoảng P-Q > 0,24 giây hoặc huyết áp tâm thu < 100mmHg
  • Bệnh hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, tiền sử co giật, nhiễm toan chuyển hóa
  • Bệnh nhân tiểu đường có hạ đường huyết thường xuyên
  • Bệnh nhân suy gan thận
  • Nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc hay với các thuốc ức chế thụ thể beta khác.

Lưu ý, không sử dụng chung thuốc chẹn kênh canxi loại verapamil đường tĩnh mạch khi đang điều trị với các thuốc ức chế thụ thể beta nói chung.

Bệnh nhân suy tim sung huyết chưa được điều trị cần phải giải quyết tình trạng sung huyết trước khi dùng Betaloc Zok. Nếu đang dùng cùng với Digoxin thì phải theo dõi thật cẩn thận vì hai thuốc này đều làm chậm dẫn truyền. Khi thấy có biểu hiện chậm nhịp tim nhiều, liều dùng thuốc nên được giảm xuống hoặc ngưng thuốc từ từ. Tránh ngưng dùng thuốc đột ngột vì có thể gây ra nguy hiểm.

Bên cạnh đó, khi dùng thuốc có thể gặp hiện tượng giảm chức năng tim nghiêm trọng, nhất là những bệnh nhân có hoạt động tim phụ thuộc nhiều vào hệ thống giao cảm. Phần lớn là vì thuốc làm giảm hoạt động của hệ giao cảm, khiến khả năng chịu đựng của tim những người này giảm đi. Thuốc scungx có nguy cơ gây ra hoặc làm nặng thêm chậm nhịp tim, rối loạn tuần hoàn ngoại biên và sốc phản vệ. Phải theo dõi cẩn thận và điều chỉnh thuốc nếu cần thiết.

Ngoài ra, Betalok Zok có thể che giấu triệu chứng của nhiễm độc giáp, vì vậy khi sử dụng thuốc cho những người bệnh này cần phải thận trọng, theo dõi chặt chẽ chức năng tuyến giáp; đôi khi làm nặng thêm bệnh vảy nến nên cần cân nhắc trước khi dùng.

Bên cạnh đó, bệnh nhân không dung nạp galactose, thiếu men Lapp lactase hoặc kém hấp thu glucose galactose không nên dùng thuốc này.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Trước khi phẫu thuật, kể cả làm thủ thuật nha khoa, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ biết nếu đang sử dụng thuốc Betaloc Zok. Không tự ý ngưng điều trị khi sắp được phẫu thuật. Bệnh nhân sắp phẫu thuật ngoài tim nên tránh điều trị khởi đầu ngay với Betaloc Zok liều cao vì có thể gây chậm nhịp tim, hạ huyết áp và đột quỵ dẫn đến tử vong trên người có các yếu tố nguy cơ tim mạch.

Không nên sử dụng thuốc này trong thai kỳ và trong thời gian cho con bú trừ khi việc sử dụng thật sự cần thiết. Các thuốc điều trị tăng huyết áp, trong đó có thuốc ức chế beta có khả năng gây ra tác động ngoài ý muốn như chậm nhịp tim ở thai nhi, trẻ sơ sinh, trẻ bú mẹ.

Tương tác thuốc

Thuốc Betaloc Zok có thể tương tác với những thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Một số thuốc cần thận trọng khi dùng chung với Betaloc Zok vì có khả năng xảy ra tương tác gồm:

  • Thuốc ức chế hạch giao cảm, thuốc ức chế thụ thể beta khác
  • Thuốc ức chế men MAO (IMAO)
  • Thuốc chẹn kênh canxi nhóm verapamil và diltiazem
  • Thuốc chống loạn nhịp tim (nhóm quinidine và amiodaron)
  • Thuốc nhóm digitalis glycoside
  • Thuốc mê đường thở
  • Indomethacin hay thuốc ức chế men tổng hợp prostaglandin
  • Thuốc điều trị đái tháo đường đường uống (cần điều chỉnh liều)

Thuốc này có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn không ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc. Vì vậy bạn có thể uống trước, trong hay sau bữa ăn đều được. Bên cạnh đó, uống rượu bia trong thời gian sử dụng Betaloc Zok sẽ gây buồn ngủ. Người bệnh tim mạch được khuyên nên ăn nhạt, ít đường và dầu mỡ, nhất là nguồn gốc từ động vật. Vì vậy bạn nên điều chỉnh chế độ ăn uống để tốt hơn cho sức khỏe và kiêng hẳn đồ có cồn nếu được.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc này?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc Betaloc Zok. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là các vấn đề được đề cập ở trên.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc Betaloc Zok như thế nào?

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ không quá 30ºC. Để thuốc tránh xa tầm tay trẻ em.

Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Betaloc Zok. https://www.mims.com/vietnam/drug/info/betaloc%20zok. Ngày truy cập: 03/04/2021

Metoprolol succinate. https://www.accessdata.fda.gov/drugsatfda_docs/label/2006/019962s032lbl.pdf. Ngày truy cập: 03/04/2021

Metoprolol. https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a682864.html. Ngày truy cập: 24/06/2021

Metoprolol (Oral Route). https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/metoprolol-oral-route/description/drg-20071141. Ngày truy cập: 24/06/2021

Betaloc Zok 25mg. https://www.benhvien108.vn/huong-dan-su-dung-thuoc/betaloc-zok-25mg-vn-17243-13.htm. Ngày truy cập: 21/04/2023

Betaloc Zok 50mg. https://drugbank.vn/thuoc/Betaloc-Zok-50mg&VN-17244-13. Ngày truy cập: 21/04/2023

Metoprolol. https://go.drugbank.com/drugs/DB00264. Ngày truy cập: 21/04/2023

Metoprolol Tartrate. https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/metoprolol-tartrate. Ngày truy cập: 21/04/2023

Phiên bản hiện tại

21/04/2023

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Người bị rối loạn nhịp tim nên ăn gì?

Các giai đoạn suy tim và cách điều trị, quản lý bệnh


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 21/04/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo