backup og meta

Thuốc ambroxol là thuốc gì, có phải kháng sinh không? Liều dùng ra sao?

Thuốc ambroxol là thuốc gì, có phải kháng sinh không? Liều dùng ra sao?

Ambroxol là một hoạt chất có tác dụng làm tiêu đờm, dịch nhầy. Chúng giúp cho đờm trở nên loãng hơn để người bệnh dễ dàng loại bỏ ra ngoài qua động tác ho, khạc. Vì thế, thuốc thường hay có mặt trong các đơn thuốc điều trị bệnh hô hấp. Khi bào chế thành thuốc, người ta thường sử dụng dạng muối ambroxol hydrochloride 30mg.

Loại thuốc: Thuốc long đờm.

Dạng thuốc và hàm lượng: Thuốc dùng dưới dạng muối ambroxol hydroclorid:

  • Viên nén: 30 mg.
  • Dung dịch uống: 30 mg/5 ml, lọ 50 ml; 30mg/10ml, ống 10ml.
  • Khí dung: 15 mg/2 ml.
  • Sirô: 15 mg/5 ml, 30 mg/5 ml.
  • Nang giải phóng kéo dài: 75 mg.

Biệt dược: Ambroxol, Mucosolvan, AT Ambroxol, Arolox, Habroxol, Muspect 30,…

Tác dụng

Ambroxol là thuốc gì?

Ambroxol là loại thuốc có tác dụng làm loãng đờm và làm tiêu chất nhầy nhưng chưa được chứng minh đầy đủ. Thuốc được dùng để làm thông tắc nghẽn trong điều trị các bệnh về đường hô hấp có đờm đặc hoặc quá nhiều đờm. Ambroxol cũng được sử dụng làm thuốc giảm đau cho bệnh viêm họng vì nó có tác dụng gây tê cục bộ.

Ambroxol có tác dụng khá đối với người bệnh có tắc nghẽn phổi nhẹ và trung bình, nhưng không có lợi ích rõ rệt cho những người bị bệnh phổi tắc nghẽn nặng.

Ambroxol hydrochloride có phải kháng sinh không? Không. Thuốc thường được kê đơn trong các trường hợp ho có đờm nên nhiều người tưởng nhầm đây là kháng sinh. Tuy nhiên đây không phải kháng sinh, nó là thuốc long đờm.

Chỉ định

Thuốc được kê đơn trong điều trị rối loạn tiết dịch nhầy phế quản, đặc biệt trong bệnh cấp và trong đợt cấp của viêm phế quản mạn tính.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng sản phẩm.

uống thuốc

Liều dùng ambroxol cho người lớn

Đường uống:

  • Liều từ 30–60mg, 2 lần/ngày.
  • Dùng dạng viên phóng thích kéo dài: uống 75mg/ngày, 1 liều duy nhất.
  • Dạng viên ngậm 15mg: tối đa 2 viên/lần (ngậm lần lượt từng viên), 3 viên/ngày.
  • Dạng viên ngậm 20mg: 1 viên/lần, tối đa 6 viên/ngày.

Khí dung: 15 mg/lần, ngày 1 – 2 lần.

Liều dùng ambroxol cho trẻ em

Đường uống:

  • Trẻ em từ 2–5 tuổi: 7,5–15mg x 3 lần/ngày.
  • Trẻ em từ 6–12 tuổi: 15–30mg/lần, dùng 2–3 lần/ngày.
  • Trẻ em > 12 tuổi: dùng liều giống với liều cho người lớn.
  • Dạng viên ngậm 15mg: trẻ em 6-12 tuổi ngậm 1 viên/lần x 3 lần/ngày.
  • Dạng viên ngậm 20mg: chỉ dùng cho trẻ từ 12 tuổi, 1 viên/lần, tối đa 6 viên/ngày.

Khí dung:

  • Trẻ em 6 – 10 tuổi: 7,5 mg/lần, ngày 2 – 3 lần.
  • Trẻ em > 10 tuổi: 15 mg/lần, ngày 1 – 2 lần.

Cách dùng

Cách dùng thuốc ambroxol như thế nào?

Bạn nên uống thuốc với nước sau khi ăn. Đọc kỹ tất cả hướng dẫn sử dụng thuốc trên bao bì thuốc trước khi dùng. Nếu bạn không chắc chắn về bất cứ thông tin nào, hãy tham khảo ý kiến tư vấn từ bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thông báo với bác sĩ nếu tình trạng bệnh vẫn tiếp diễn hay trở nặng hơn hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng mới. Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang gặp một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, hãy đến bệnh viện ngay lập tức.

Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?

Chưa có báo cáo về dấu hiệu quá liều thuốc này. Khi có quá liều xảy ra, cần dùng các biện pháp cơ bản để loại trừ thuốc chưa được hấp thu như than hoạt hay rửa dạ dày. Bệnh nhân cũng cần được điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên uống một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn có thể gặp các tác dụng phụ nào khi dùng ambroxol?

Tác dụng phụ trên đường tiêu hóa thường gặp khi uống thuốc ambroxol. Các triệu chứng có thể gặp phải gồm: 

  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Khó tiêu
  • Ợ nóng
  • Khô miệng hoặc cổ họng, tăng transaminase
  • Thay đổi vị giác

Ngoài ra, bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ trên các cơ quan khác nhưng ít hơn, bao gồm:

  • Nhức đầu, chóng mặt
  • Dị ứng, phát ban
  • Phù mạch, ngứa
  • Sốc phản vệ
  • Phản ứng da nghiêm trọng (hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson, nhiễm độc hoại tử biểu bì)
  • Miệng khô

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Xử trí: Dừng điều trị và thông báo với bác sĩ ngay.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng ambroxol, bạn nên biết những gì?

Ambroxol

Bạn nên thông báo với bác sĩ những vấn đề sau nếu cần phải sử dụng ambroxol:

  • Dị ứng với ambroxol hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác
  • Các loại thuốc kê toa hoặc không kê toa đang dùng, kể cả các loại vitamin, thực phẩm chức năng, dược liệu.
  • Đang mang thai, dự định có thai hoặc đang cho con bú. Cần thận trọng khi sử dụng thuốc trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu bạn có thai trong thời gian đang dùng ambroxol, hãy thông báo với bác sĩ. Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Tốt nhất không nên sử dụng thuốc này cho phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Cần chú ý với người bị loét đường tiêu hóa và các trường hợp ho ra máu, vì ambroxol có thể làm tan các cục đông fibrin và làm xuất huyết trở lại. Chỉ điều trị bằng ambroxol một đợt ngắn, nếu không đỡ phải thăm khám trở lại.

Chống chỉ định

Thuốc chống chỉ định cho các trường hợp sau:

  • Quá mẫn với ambroxol hoặc các thành phần của thuốc
  • Loét dạ dày tá tràng tiến triển
  • Trẻ em dưới 2 tuổi.

Thuốc ảnh hưởng không đáng kể đến việc lái xe và vận hành máy móc.

Tương tác thuốc

Ambroxol có thể tương tác với thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ xem qua. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Ambroxol có thể xảy ra tương tác với một số thuốc như:

  • Thuốc ức chế cơn ho (ví dụ: codein) hoặc thuốc làm khô đờm (ví dụ: atropin). Không phối hợp ambroxol với các thuốc này. 
  • Thuốc kháng sinh (như amoxicillin, cefuroxime, doxycycline, erythromycin). Ambroxol làm tăng nồng độ kháng sinh trong nhu mô phổi.

Thức ăn và rượu bia có ảnh hưởng tới ambroxol không?

Những loại thuốc nhất định không được dùng trong bữa ăn hoặc cùng lúc với những loại thức ăn nhất định vì có thể xảy ra tương tác. Rượu và thuốc lá cũng có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Bảo quản

Bạn nên bảo quản ambroxol như thế nào?

Bạn nên bảo quản thuốc ambroxol trong bao bì kín, ở nhiệt độ dưới 30ºC, tránh ánh sáng mặt trời. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Giá bán

Ambroxol giá bao nhiêu?

Giá của thuốc này thay đổi tùy thuộc vào dạng bào chế, hàm lượng, nhà sản xuất, nhà bán hàng và thời điểm bán. Thuốc có bán tại tất cả các nhà thuốc, quầy thuốc trên toàn quốc. Bạn nên đến trực tiếp nơi gần nhất để hỏi về giá và mua thuốc.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ambroxol. https://www.mims.com/vietnam/drug/info/ambroxol?mtype=generic. Ngày truy cập: 14/03/2024

Ambroxol. https://go.drugbank.com/drugs/DB06742. Ngày truy cập: 13/05/2022

Ambroxol: A CNS Drug? https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6494067/. Ngày truy cập: 13/05/2022

Ambroxol. https://drugbank.vn/thuoc/Ambroxol&VD-31358-18. Ngày truy cập: 13/05/2022

Ambroxol in the 21st century: pharmacological and clinical update. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18680446/. Ngày truy cập: 14/02/2023

An overview of efficacy and safety of ambroxol for the treatment of acute and chronic respiratory diseases with a special regard to children. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7137760/. Ngày truy cập: 14/02/2023

Ambroxol Hydrochloride. https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fphar.2019.00883/full. Ngày truy cập: 14/02/2023

Ambroxol for the treatment of children with acute and chronic respiratory diseases: an overview of efficacy and safety. https://mrmjournal.org/mrm/article/view/511. Ngày truy cập: 14/02/2023

Strepsils kiểm soát ho. https://www.strepsils.com.vn/san-pham/kiem-soat-ho/strepsils-throat-cough-2x12s/. Ngày truy cập: 14/03/2024

Thuốc ngậm ho Long đờm Ambroxol (Lingasol Lozenge). https://vppharm.vn/thuoc-ngam-ho-long-dom-ambrocxol-lingasol-lozenge-. Ngày truy cập: 14/03/2024

Ambroxol. Dược thư quốc gia Việt Nam 2022. https://trungtamthuoc.com/hoat-chat/ambroxol. Ngày truy cập: 14/03/2024

Phiên bản hiện tại

14/05/2024

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn chuyên môn: Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Mách bạn 7 cách tiêu đờm hiệu quả, dễ thực hiện tại nhà

Mucinex® - viên uống trị ho có đờm tác dụng kéo dài


Tham vấn chuyên môn:

Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 14/05/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo