backup og meta

Thuốc Aerius trị dị ứng dùng ra sao và những lưu ý đặc biệt khi sử dụng

Thuốc Aerius trị dị ứng dùng ra sao và những lưu ý đặc biệt khi sử dụng

Thuốc Aerius có hoạt chất là Desloratadine thuộc nhóm thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2 chống dị ứng. Thuốc thế hệ mới nên không gây buồn ngủ giống như các thuốc thuộc nhóm kháng histamin H1 thế hệ 1.

Thuốc có ở dạng viên và dạng siro dùng đường uống với nhiều hàm lượng hoạt chất:

  • Viên nén rã trong miệng: desloratadine 5 mg và 2,5 mg
  • Viên nén giải phóng kéo dài: desloratadine 2,5 mg và pseudoephedrine 120 mg
  • Viên nén bao phim: desloratadine 5 mg
  • Siro: desloratadine 0,5mg/ 1mL.

Tác dụng

Thuốc Aerius có tác dụng gì?

Thuốc Aerius được chỉ định để giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, sung huyết, nghẹt mũi hay ngứa, chảy nước mắt, đỏ mắt, ngứa họng và ho.

Thuốc này cũng được dùng để giảm triệu chứng mề đay như giảm ngứa, giảm kích thước và số lượng phát ban.

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lí chỉ khi có chỉ định của bác sĩ.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

liều dùng aerius

Liều dùng thuốc Aerius cho người lớn như thế nào?

Người lớn và thanh thiếu niên (≥ 12 tuổi): uống một viên nén bao phim Aerius 5mg hoặc 10ml Aerius siro, uống 1 lần/ ngày.

Liều dùng thuốc Aerius cho trẻ em như thế nào?

  • Trẻ từ 6 tháng – 11 tháng tuổi: uống 2ml Aerius siro, 1 lần/ ngày.
  • Trẻ từ 1 – 5 tuổi: uống 2,5ml Aerius siro, uống 1 lần/ ngày.
  • Trẻ 6 – 11 tuổi: uống 5ml Aerius siro, uống 1 lần/ ngày.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc Aerius như thế nào?

Bạn có thể uống thuốc cùng hoặc không cùng bữa ăn để giảm các triệu chứng liên quan đến viêm mũi dị ứng và mề đay. Với dạng thuốc siro, bạn nên dùng muỗng đong đúng liều lượng dùng theo chỉ định.

Với viêm mũi dị ứng gián đoạn (triệu chứng xuất hiện < 4 ngày/ tuần hoặc < 4 tuần) nên điều trị dựa trên đánh giá tiền sử bệnh và ngừng điều trị khi hết triệu chứng, tái điều trị khi xuất hiện lại triệu chứng.

Với viêm mũi dị ứng kéo dài (triệu chứng xuất hiện ≥ 4 ngày/ tuần và kéo dài > 4 tuần), có thể điều trị liên tục trong thời gian tiếp xúc với dị nguyên.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng thuốc, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Trên một nghiên cứu lâm sàng đa liều ở người lớn và thanh thiếu niên sử dụng desloratadine lên đến 45 mg (gấp 9 lần liều điều trị) vẫn không quan sát thấy biểu hiện quá liều.

Khi có quá liều, cần phải cân nhắc dùng các biện pháp chuẩn để loại bỏ phần hoạt chất chưa được hấp thu, sau đó điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.

Thuốc này không được loại trừ qua thẩm phân máu, chưa rõ liệu có loại trừ được qua thẩm phân phúc mạc hay không.

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Aerius?

thuốc dị ứng aerius

Một số tác dụng không mong muốn được ghi nhận khi dùng thuốc này gồm:

Thường gặp:

  • Đau đầu
  • Mất ngủ (thường gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi)
  • Khô miệng
  • Tiêu chảy (thường gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi)
  • Mệt mỏi
  • Sốt (thường gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi)

Rất hiếm gặp:

  • Ảo giác
  • Chóng mặt, buồn ngủ, mất ngủ, tâm lý hiếu động thái quá, co giật
  • Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực
  • Đau bụng, buồn nôn, nôn, khó tiêu, tiêu chảy
  • Tăng cao men gan, tăng bilirubin, viêm gan
  • Đau cơ
  • Phản ứng quá mẫn như sốc phản vệ, phù mạch, khó thở, ngứa, phát ban và mày đay.

Chưa rõ tần suất:

  • Kéo dài khoảng QT
  • Vàng da
  • Chứng da nhạy cảm ánh sáng
  • Suy nhược.

Với trẻ em, các tác dụng không mong muốn của Aerius đã được báo cáo trong giai đoạn sau điều trị, với tần suất chưa biết bao gồm kéo dài khoảng QT, loạn nhịp tim và chậm nhịp tim. Các tác dụng bất lợi thường gặp nhất được báo cáo trong các nghiên cứu lâm sàng bao gồm: tiêu chảy, sốt, mất ngủ, đau đầu.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng bất thường nào, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.

Thận trọng/ Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc Aerius bạn nên lưu ý những gì?

Thuốc chống chỉ định đối với các trường hợp quá mẫn với bất kì thành phần nào của thuốc.

Chưa có đánh giá về độ an toàn và hiệu quả của thuốc này đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Một số đối tượng cần thận trọng khi dùng thuốc Aerius gồm:

  • Suy thận nặng
  • Có vấn đề di truyền hiếm gặp như không dung nạp fructose, kém hấp thu glucose-galactose hoặc thiếu hụt sucrose-isomaltase, không dung nạp galactose, thiếu hụt Lapp lactase vì một số biệt dược có chứa sorbitol.

Không quan sát thấy ảnh hưởng của thuốc Aerius đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Aerius cho những trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật…)

Chưa xác định được tính an toàn của thuốc này trong thời kỳ mang thai nên không sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai trừ khi lợi ích vượt trội nguy cơ.

Đối với phụ nữ cho con bú không được dùng thuốc Aerius do có thể bài tiết vào sữa mẹ.

Tương tác thuốc

Thuốc Aerius có thể tương tác với thuốc nào?

Một thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ.

Trong các thử nghiệm lâm sàng, chưa quan sát thấy tương tác có ý nghĩa của desloratadine với các thuốc khác. Tuy nhiên, để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Thuốc Aerius có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn không ảnh hưởng đến thuốc này. Trong một thử nghiệm dược lý lâm sàng, uống viên nén Aerius không khởi phát tác hại của rượu. Tuy nhiên, đã có báo cáo hậu mãi về các trường hợp không dung nạp rượu và ngộ độc. Vì vậy, cần thận trọng khi uống rượu trong thời gian dùng thuốc. 

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Aerius?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe đặc biệt nào.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc Aerius như thế nào?

Bạn bảo quản thuốc theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì. Đối với viên nén, bạn nên để thuốc ở nơi thoáng mát, nhiệt độ dưới 30ºC, tránh ẩm. Với thuốc Aerius siro nên bảo quản trong bao bì gốc, để ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ dưới 30ºC.

Giá bán

Thuốc Aerius hiện có bán tại các nhà thuốc, quầy thuốc trên toàn quốc với giá khoảng 102.000đ một hộp. Bạn nên chọn nơi uy tín để tránh mua phải thuốc giả kém chất lượng nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Aerius. https://www.drugs.com/sfx/aerius-side-effects.html. Ngày truy cập: 24/02/2017

Aerius. http://www.mims.com/vietnam/drug/info/aerius . Ngày truy cập: 24/02/2017

Aerius 5mg. https://benhvien108.vn/huong-dan-su-dung-thuoc/aerius-5mg-vn-18026-14.htm. Ngày truy cập: 21/04/2023

Aerius. https://drugbank.vn/thuoc/Aerius&VN-22025-19. Ngày truy cập: 21/04/2023

Desloratadine. https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a602002.html. Ngày truy cập: 21/04/2023

Desloratadine (Oral Route). https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/desloratadine-oral-route/side-effects/drg-20067466?p=1. Ngày truy cập: 21/04/2023

Phiên bản hiện tại

19/06/2023

Tác giả: Vân Anh

Tham vấn chuyên môn: Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Bác sĩ bật mí các loại Thuốc Trị Viêm Mũi Dị Ứng hiệu quả nhất

[Infographic] Nhận biết các dấu hiệu thường gặp của viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ


Tham vấn chuyên môn:

Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


Tác giả: Vân Anh · Ngày cập nhật: 19/06/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo