Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Hội chứng QT kéo dài

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 15/04/2022

Hội chứng QT kéo dài
Quảng cáo

Tìm hiểu chung

Hội chứng QT kéo dài là bệnh gì?

Hội chứng QT kéo dài (LQTS) là một bệnh lý về nhịp tim khi hệ thống điện tim trở nên bất thường. Trong đó, cơ tim cần nhiều thời gian hơn bình thường để nạp điện giữa các nhịp đập. Điều này làm xáo trộn điện ở tim và thường có thể nhìn thấy trên điện tâm đồ (ECG) qua khoảng thời gian kéo dài giữa sóng Q và T.

Hội chứng này có khả năng gây ra nhịp tim nhanh, hỗn loạn. Những nhịp tim nhanh này có thể khiến bạn đột ngột ngất xỉu. Một số người bị chứng co giật. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, LQTS có thể gây đột tử.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng QT kéo dài là gì?

hội chứng QT kéo dài là gì?

Nhiều người mắc hội chứng QT kéo dài không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Bạn có thể biết về tình trạng của mình chỉ vì:

  • Kết quả của điện tâm đồ (ECG) được thực hiện vì một lý do không liên quan
  • Tiền sử gia đình mắc hội chứng QT kéo dài
  • Kết quả xét nghiệm di truyền

Dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng QT kéo dài thường liên quan đến chứng rối loạn nhịp tim và bao gồm:

  • Ngất xỉu không rõ nguyên nhân xảy ra bởi tim không bơm đủ máu đến não.
  • Ngất xỉu do quá vui mừng, tức giận hoặc sợ hãi hoặc khi tập thể dục.
  • Ngất xỉu cũng có thể xảy ra do bị giật mình, bởi tiếng điện thoại hoặc chuông báo thức.
  • Choáng váng, tim đập nhanh, suy nhược hoặc mờ mắt.
  • Tim ngừng đập đột ngột không rõ nguyên nhân và có thể khiến bệnh nhân tử vong sau vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời.
  • Co giật.

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng QT kéo dài có thể xảy ra trong khi ngủ.

Cứ 10 người thì có 1 người bị ngừng tim hoặc đột tử là dấu hiệu đầu tiên của LQTS. Ngừng tim là tình trạng tim đột ngột ngừng đập mà không có lý do rõ ràng. Bệnh nhân có thể tử vong trong vòng vài phút trừ khi họ được cấp cứu kịp thời.

Triệu chứng bệnh cũng có liên quan đến các vấn đề ở các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như điếc, yếu cơ, các vấn đề với cấu trúc của khuôn mặt, ngón tay, ngón chân và cột sống hoặc các vấn đề về hành vi, học tập và trí nhớ.

Hầu hết những người có các triệu chứng của hội chứng QT kéo dài xuất hiện đầu tiên ở tuổi 40. Tuy nhiên, các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng QT kéo dài bẩm sinh có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh trong những tuần đầu tiên đến vài tháng sau khi sinh, hoặc sau đó. Một số người mắc hội chứng QT kéo dài bẩm sinh không bao giờ có các dấu hiệu hoặc triệu chứng.

Đôi khi hội chứng QT kéo dài không gây ra bất cứ dấu hiệu hay triệu chừng nào. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn đột nhiên ngất xỉu trong khi hoạt động thể chất hoặc cảm xúc hưng phấn hoặc sau khi dùng bất kỳ loại thuốc mới nào. Nếu bạn có người thân trong gia đình, chẳng hạn như cha mẹ, anh chị em hoặc con cái mắc hội chứng QT kéo dài, điều quan trọng là phải thăm khám với bác sĩ sớm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra hội chứng QT kéo dài là gì?

Hội chứng QT kéo dài là một rối loạn nhịp tim do bất thường trong hệ thống nạp điện của tim. Cấu trúc của tim là bình thường.

Trong hội chứng QT kéo dài, hệ thống điện trong tim của bạn mất nhiều thời gian hơn bình thường để sạc lại giữa các nhịp đập. Sự chậm trễ này, thường có thể thấy trên điện tâm đồ (ECG), được gọi là khoảng QT kéo dài.

Hội chứng QT kéo dài thường được chia làm 2 nhóm chính, tùy thuộc vào nguyên nhân. Cụ thể như sau:

  • Hội chứng QT kéo dài bẩm sinh. Nguyên nhân của hội chứng QT kéo dài có thể do đột biến di truyền, gây ra bởi đột biến gen điều khiển hệ thống điện tim. Ít nhất 12 gen và hàng trăm đột biến gen đã được xác định có liên quan với hội chứng QT kéo dài bẩm sinh.
  • Hội chứng QT kéo dài mắc phải. Nguyên nhân gây bệnh là một số loại thuốc, sự mất cân bằng khoáng chất (mức độ kali, canxi hoặc magiê trong máu thấp) hoặc các tình trạng bệnh lý khác gây ra. Một số loại thuốc có thể là nguyên nhân gây bệnh chẳng hạn như: một số loại thuốc kháng sinh thông thường như erythromycin, azithromycin, thuốc chống nấm, thuốc lợi tiểu, thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc chống trầm cảm và chống loạn thần, thuốc chống buồn nôn.

Những người phát triển hội chứng QT kéo dài do thuốc cũng có thể có một số khiếm khuyết di truyền phức tạp trong tim, làm cho nhịp tim dễ bị chậm lại khi uống một số loại thuốc và dẫn đến hội chứng QT kéo dài.

nguyên nhân gây hội chứng QT kéo dài

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng QT kéo dài?

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc hội chứng QT kéo dài, bao gồm:

  • Người có tiền sử ngưng tim.
  • Có người thân trong gia đình như cha mẹ, anh chị em ruột mắc hội chứng QT kéo dài.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc.
  • Những người có nồng độ kali, magie, canxi trong máu thấp.
  • Là phụ nữ và đang dùng thuốc tim.
  • Nôn mửa hoặc tiêu chảy nhiều.
  • Rối loạn ăn uống, chẳng hạn như chán ăn tâm thần, gây mất cân bằng điện giải.

Những ai thường mắc phải hội chứng QT kéo dài?

Hội chứng QT kéo dài xuất hiện ở cả trẻ em và thanh niên. Bệnh thường bắt đầu ở độ tuổi từ 8 đến 20. Theo thống kê hội chứng QT kéo dài có tỷ lệ mắc bệnh vào khoảng 1/5.000 người. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Biến chứng

Hội chứng QT kéo dài có nguy hiểm không?

Các biến chứng của hội chứng QT kéo dài bao gồm:

  • Rối loạn nhịp thất xoắn. Đây là một dạng rối loạn nhịp thất đe dọa tính mạng. Hai ngăn dưới của tim (tâm thất) đập nhanh và hỗn loạn, làm cho các sóng trên màn hình điện tâm đồ trông như bị xoắn. Tim bơm ít máu hơn. Việc thiếu máu lên não khiến bạn bị ngất xỉu đột ngột và thường xuyên mà không có dấu hiệu báo trước. Nếu không được điều trị có thể gây co giật toàn thân, dẫn đến rung thất.
  • Rung thất. Tình trạng này khiến tâm thất đập quá nhanh khiến tim run lên và ngừng bơm máu. Trừ khi tim của bạn bị sốc trở lại nhịp bình thường bằng máy khử rung tim, nếu không thì rung thất có thể dẫn đến tổn thương não và đột tử.
  • Đột tử. Hội chứng QT kéo dài là nguyên nhân dẫn đến một số trường hợp đột tử ở những người trẻ tuổi, trẻ em, thanh niên và những người có vẻ ngoài khỏe mạnh. Ngất không rõ nguyên nhân, chết đuối, co giật hoặc tai nạn khác có thể gây tử vong.

Điều trị y tế thích hợp và thay đổi lối sống có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến hội chứng QT kéo dài.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng QT kéo dài?

chẩn đoán hội chứng QT kéo dài

Hội chứng QT kéo dài có thể được chẩn đoán thông qua:

  • Điện tâm đồ (EKG) là một xét nghiệm đơn giản giúp phát hiện và ghi lại các hoạt động điện của tim. Xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ thấy được khoảng thời gian kéo dài giữa sóng Q và T và các dấu hiệu khác của hội chứng QT kéo dài. Tuy nhiên, QT có thể thay đổi theo thời gian. Do đó, bệnh nhân có thể cần theo dõi điện tâm đồ trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần.
  • Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ có thể hỏi về các triệu chứng và loại thuốc mà bạn đã sử dụng để chẩn đoán và tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh.

  • Xét nghiệm di truyền có thể giúp bác sĩ phát hiện các yếu tố di truyền của hội chứng QT kéo dài.
  • Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng QT kéo dài?

    Bệnh nhân sẽ không cần điều trị nếu không xuất hiện triệu chứng hoặc không có tiền sử gia đình bị đột tử. Tuy nhiên, cần tránh các môn thể thao nặng, tập thể dục quá mức và các loại thuốc có khả năng gây bệnh.

    Nếu các triệu chứng bệnh xuất hiện hoặc tiền sử gia đình có người từng đột tử, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị nhằm ngăn ngừa nhịp tim thất thường và giảm nguy cơ đột tử trong tương lai.

    Nếu bạn bị hội chứng QT kéo dài do dùng thuốc, ngừng thuốc gây ra bệnh là điều cần thiết. Bác sĩ có thể cho bạn biết cách ngừng thuốc an toàn.

    Đối với các trường hợp khác, việc điều trị có thể bao gồm magiê hoặc các chất lỏng khác được truyền qua đường tĩnh mạch để điều chỉnh sự mất cân bằng điện giải.

    Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng những phương pháp sau:

    Thuốc men

    Thuốc sẽ không chữa khỏi hội chứng QT kéo dài, nhưng chúng có thể giúp bảo vệ bạn khỏi những thay đổi nhịp tim có thể đe dọa tính mạng.

    Thuốc được sử dụng để điều trị hội chứng QT kéo dài có thể bao gồm:

    • Thuốc chẹn beta. Thuốc giúp làm chậm nhịp tim và ít xảy ra các đợt QT dài. Thuốc chẹn beta được sử dụng bao gồm nadolol và propranolol.
    • Mexiletine. Dùng thuốc điều hòa nhịp tim này kết hợp với thuốc chẹn beta có thể giúp rút ngắn khoảng QT và giảm nguy cơ ngất xỉu, co giật hoặc đột tử.

    Luôn dùng các loại thuốc bác sĩ kê đơn theo chỉ dẫn.

    Thiết bị cấy ghép

    Máy tạo nhịp tim và máy khử rung tim (ICD) là các thiết bị nhỏ giúp kiểm soát nhịp tim bất thường. Cả hai thiết bị này sẽ sử dụng dòng điện để phục hồi nhịp tim bình thường khi tim bắt đầu hoạt động bất thường. Bệnh nhân sẽ được cấy máy tạo nhịp và máy khử rung tim ở ngực hoặc bụng thông qua một ca tiểu phẫu.

    Phẫu thuật

    Bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao do hội chứng QT kéo dài đôi khi có thể được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ các dây thần kinh làm tim đập nhanh hơn khi có sự căng thẳng về thể chất và cảm xúc.

    Phòng ngừa

    Những biện pháp nào giúp bạn phòng ngừa hội chứng QT kéo dài?

    Hội chứng QT kéo dài bẩm sinh là do đột biến gen. Không có biện pháp nào để phòng ngừa. Tuy nhiên, với điều trị thích hợp, bạn có thể ngăn ngừa nhịp tim nguy hiểm có thể dẫn đến biến chứng hội chứng QT kéo dài.

    Bạn có thể ngăn ngừa các tình trạng sức khỏe dẫn đến một số loại hội chứng QT kéo dài mắc phải bằng cách kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Điều đặc biệt quan trọng là tránh các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến nhịp tim và gây bệnh.

    Bên cạnh đó, bạn nên:

    • Phải báo ngay cho nhân viên y tế nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh này và bị đột tử.
    • Đảm bảo tham giá các môn thể thao một cách an, bao gồm cả các môn thể thao cạnh tranh, sau khi xem xét cẩn thận các rủi ro và lợi ích với bác sĩ.
    • Giảm âm lượng chuông của các thiết bị khác (chẳng hạn như điện thoại) có thể khiến bạn giật mình, đặc biệt là khi đang ngủ.
    • Cố gắng điều hòa cảm xúc, tránh xúc động mạnh bởi điều này có thể gây ra những thay đổi về nhịp tim.
    • Tránh các loại thuốc có thể gây ra khoảng QT kéo dài. Nếu bạn không chắc chắn, hãy hỏi bác sĩ.
    • Kiểm tra sức khỏe thường xuyên với bác sỹ chuyên khoa tim mạch, chuyên gia tham vấn di truyền, bác sỹ tâm thần hoặc bác sỹ tâm lý.
    • Thông báo tình trạng của mình cho những người xung quanh biết để có biện pháp hỗ trợ kịp thời khi bạn xuất hiện triệu chứng.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 15/04/2022

    Quảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo