Levofloxacin thuộc nhóm thuốc kháng sinh quinolon có tác dụng diệt khuẩn phổ rộng, có thể tiêu diệt được nhiều loài vi khuẩn, gồm cả Gram âm và Gram dương.
Để biết công dụng và cách sử dụng hiệu quả loại thuốc này thì đừng bỏ qua bài viết này của Hello Bacsi nhé!
Tác dụng
Thuốc levofloxacin có tác dụng gì?
Levofloxacin là thuốc gì? Levofloxacin là một loại kháng sinh phổ rộng được chỉ định để điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm với nó như:
- Viêm phổi cộng đồng, viêm phổi bệnh viện
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp, bao gồm cả viêm thận – bể thận
- Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm thể nhẹ và thể nặng
- Viêm xoang cấp tính do vi khuẩn trong trường hợp không có lựa chọn điều trị thay thế
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu không phức tạp khi không có lựa chọn điều trị thay thế
- Viêm phế quản cấp và viêm phế quản mạn tính đang trong đợt cấp
- Nhiễm khuẩn ở mắt: viêm bờ mi, túi lệ, lẹo, viêm kết mạc, viêm sụn mi, viêm giác mạc, loét giác mạc…
- Dự phòng nhiễm khuẩn trước và sau khi phẫu thuật mắt
- Phối hợp điều trị với các thuốc kháng lao
- Phòng và điều trị bệnh than lây truyền qua đường hô hấp
- Phòng và điều trị bệnh dịch hạch, bao gồm dịch hạch thể hạch và thể phổi do vi khuẩn Yersinia pestis.
Kháng sinh levofloxacin sẽ không hiệu quả trong các trường hợp nhiễm virus (như cảm lạnh thông thường, cúm). Việc sử dụng khi không cần thiết hoặc lạm dụng kháng sinh có thể giảm hiệu quả của thuốc sau này.
Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị bệnh chỉ khi có chỉ định của bác sĩ.
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Thuốc levofloxacin có những dạng và hàm lượng nào?
- Thuốc nhỏ mắt: levofloxacin 25mg/5ml
- Viên nén bao phim: levofloxacin 250mg, 500mg, levofloxacin 750mg
- Dung dịch tiêm truyền: levofloxacin 500mg/ 100ml, 500mg/ 20ml, 250mg/ 50ml, 750mg/ 150ml, dung dịch đậm đặc để pha tiêm truyền levofloxacin 500mg/ 10ml.
Liều dùng thuốc levofloxacin cho người lớn như thế nào?
Tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của nhiễm khuẩn, độ nhạy với kháng sinh mà bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng dùng phù hợp cho từng người bệnh.
Liều dùng khuyến cáo cho người có chức năng thận bình thường:
– Thuốc nhỏ mắt levofloxacin 25mg/ 5ml:
- Ngày 1 và 2: nhỏ 1–2 giọt vào mắt nhiễm trùng cứ mỗi 2 giờ khi thức. Không nhỏ quá 8 lần/ ngày.
- Ngày 3 đến ngày 7: nhỏ 1–2 giọt vào mắt nhiễm trùng cứ mỗi 4 giờ khi thức. Không nhỏ quá 4 lần/ ngày.
– Thuốc dùng đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch chậm:
Tùy theo tình trạng của bệnh nhân và khả năng dùng thuốc, bác sĩ sẽ quyết định dùng thuốc đường uống hay tiêm. Nếu phải kéo dài liệu trình điều trị, đường uống sẽ được ưu tiên dùng hơn.
Liều dùng cần điều chỉnh cho người có chức năng thận suy giảm (hệ số thanh thải creatinin dưới 50 mL/phút) vì thuốc chủ yếu được bài tiết qua thận.
Bệnh nhân suy gan, người cao tuổi có chức năng thận bình thường không cần chỉnh liều.
Liều dùng thuốc levofloxacin cho trẻ em như thế nào?
Không khuyến cáo dùng cho trẻ em dưới 18 tuổi, trừ trường hợp dùng cho trẻ trên 6 tháng để điều trị một số loại nhiễm khuẩn với liều lượng khuyến cáo như sau:
– Bệnh than lây truyền qua đường hô hấp (sau khi phơi nhiễm):
- Trẻ em > 50kg: dùng liều thuốc levofloxacin 500mg trong 24 giờ, thời gian dùng 60 ngày.
- Trẻ em < 50kg: dùng 8mg/ kg (không vượt quá 250mg mỗi liều) trong 12 giờ, thời gian dùng 60 ngày.
– Bệnh dịch hạch:
- Trẻ em > 50kg: dùng 500mg mỗi 24 giờ, thời gian dùng 60 ngày.
- Trẻ em < 50kg: dùng 8mg/ kg (không vượt quá 250mg mỗi liều) mỗi 12 giờ, thời gian dùng 60 ngày.
Cách dùng
Bạn nên dùng thuốc levofloxacin như thế nào?
Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định từ bác sĩ. Đối với đường uống, không dùng các antacid chứa nhôm và magie, chế phẩm có kim loại nặng như sắt, kẽm, sucralfat, didanosin trong vòng 2 giờ trước và sau khi uống levofloxacin.
Dạng tiêm truyền tĩnh mạch sẽ được các nhân viên y tế thực hiện theo đúng liều lượng quy định theo chỉ định từ bác sĩ. Người bệnh không tự ý sử dụng thuốc ở dạng này.
Nếu có bất kỳ thắc mắc trong việc sử dụng thuốc, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?
Theo các nghiên cứu độc tính ở động vật hoặc nghiên cứu dược lý lâm sàng với liều cao, các dấu hiệu quan trọng nhất có thể xảy ra sau khi dùng quá liều cấp tính Levofloxacin là các triệu chứng của hệ thần kinh trung ương như lú lẫn, chóng mặt, suy giảm ý thức và co giật, kéo dài khoảng QT. Các tác động lên hệ thần kinh trung ương bao gồm trạng thái lú lẫn, co giật, ảo giác, run rẩy đã được quan sát thấy trong các dữ liệu hậu mãi.
Trong trường hợp lỡ uống quá liều, cần xử trí bằng cách gây nôn hoặc rửa dạ dày. Bên cạnh đó, cần theo dõi bệnh nhân và điều trị hỗ trợ như kiểm tra chức năng thận, cho uống các chế phẩm kháng acid chứa nhôm, magie hay canxi để giảm hấp thu levofloxacin. Cần duy trì bù dịch, theo dõi điện tâm đồ ECG vì có nguy cơ kéo dài khoảng QT.
Với levofloxacin dạng nhỏ mắt, việc quá liều hiếm khi xảy ra. Nếu có, quá liều sẽ gây triệu chứng tương tự như tác dụng phụ và cần được xử trí bằng cách rửa mắt với nước muối sinh lý hoặc nước sạch, đồng thời điều trị triệu chứng.
Với levofloxacin tiêm truyền, quá liều gây các triệu chứng trên hệ thần kinh trung ương như nhầm lẫn, chóng mặt, suy giảm ý thức, co giật; kéo dài khoảng QT. Trong trường hợp này, bệnh nhân cũng cần được điều trị triệu chứng, theo dõi ECG, bù nước đầy đủ.
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.
Tác dụng phụ
Bạn có thể gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc levofloxacin?
Levofloxacin nhỏ mắt có thể gây tác dụng phụ gồm kích ứng, ngứa mắt. Hiếm gặp hơn là buồn nôn, lạnh tay chân, khó thở (cần ngưng thuốc), phát ban, nổi mề đay, mí mắt đỏ và sưng, sung huyết kết mạc, viêm giác mạc.
Một số tác dụng không mong muốn có thể xuất hiện khi sử dụng thuốc này đường uống bao gồm:
– Thường gặp:
- Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, táo bón, khó tiêu
- Tăng men gan
- Mất ngủ, đau đầu
- Ngứa, phát ban da
– Ít gặp:
- Hoa mắt, căng thẳng, kích động, lo lắng
- Đau bụng, đầy hơi, khó tiêu
- Tăng bilirubin huyết
- Viêm âm đạo, nhiễm nấm Candida sinh dục
– Hiếm gặp:
- Tăng hoặc hạ huyết áp, loạn nhịp
- Viêm đại tràng màng giả, khô miệng, viêm dạ dày, phù lưỡi
- Đau khớp, yếu cơ, đau cơ, viêm tủy xương, viêm gân gót chân
- Co giật, trầm cảm, rối loạn tâm thần
- Choáng phản vệ, hội chứng Stevens-Johnson và hội chứng Lyell, phù Quinck
Với levofloxacin đường tiêm tĩnh mạch, thuốc dung nạp tốt khi dùng trong liều khuyến cáo. Đôi khi, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như:
- Phổ biến: mất ngủ, đau đầu, chóng mặt; viêm tĩnh mạch; tiêu chảy, buồn nôn, nôn; tăng men gan; đau đỏ chỗ tiêm.
- Không phổ biến: nhiễm nấm, kháng thuốc, tăng bạch cầu ái toan, giảm số lượng bạch cầu, giảm tiểu cầu; chán ăn; lo lắng, bối rối, căng thẳng; buồn ngủ, run, rối loạn vị giác; khó thở; phát ban, ngứa, mày đay, tăng tiết mồ hôi; đau khớp, đau cơ; tăng nồng độ creatinin huyết thanh; suy nhược.
- Không rõ tần suất: mất bạch cầu hạt, thiếu máu tan máu, giảm toàn thể huyết cầu; tăng đường huyết, hôn mê do hạ đường huyết; bệnh thần kinh ngoại vi, rối loạn khứu giác, mất điều hòa vận động, mất vị giác, ngất, tăng áp lực nội sọ lành tính; mất thị lực thoáng qua; giảm thính lực thoáng qua; rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến ngừng tim; loạn nhịp thất và xoắn đỉnh, khoảng QT kéo dài; co thắt phế quản, viêm phổi dị ứng; tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa; vàng da và tổn thương gan nghiêm trọng; hoại tử thượng bì nhiễm độc, hội chứng Stevens-Johnson, hồng ban đa dạng, phản ứng nhạy cảm với ánh sáng, viêm mạch hủy bạch cầu, viêm loét miệng; tiêu cơ vân, đứt gân, đứt dây chằng, đứt cơ, viêm khớp; đau.
- Hiếm gặp: co giật, dị cảm; nhìn mờ; chóng mặt; ù tai; đánh trống ngực, nhịp tim nhanh; hạ huyết áp; đau bụng, khó tiêu, đầy hơi, táo bón; rối loạn gân, yếu cơ; sốt cao; ảo giác, hoang tưởng, trầm cảm, kích động, mơ những giấc mơ bất thường, có ý định tự tử.
- Rất hiếm gặp: suy thận cấp.
Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có những biểu hiện bất thường trong quá trình dùng thuốc, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.
Thận trọng/Cảnh báo
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc levofloxacin
Chống chỉ định dùng thuốc này cho các đối tượng:
- Có tiền sử quá mẫn với kháng sinh nhóm quinolon hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc
- Bị động kinh
- Thiếu hụt G6PD
- Có tiền sử bệnh ở gân cơ
- Phụ nữ mang thai và cho con bú
- Trẻ em và thanh thiếu niên đang lớn (dưới 18 tuổi) trừ trường hợp phòng và điều trị bệnh than lây qua đường hô hấp, bệnh dịch hạch cho trẻ trên 6 tháng tuổi.
Ngoài ra, khi sử dụng kháng sinh levofloxacin cũng cần lưu ý một số vấn đề:
- Liên quan đến tăng nguy cơ viêm gân và đứt gân (hiếm xảy ra), thường liên quan đến gân gót chân (gân Achille)
- Bệnh liên quan đến Clostridium difficile
- Bệnh nhân suy thận
- Rối loạn đường huyết
- Có yếu tố nguy cơ kéo dài khoảng QT, tăng nguy cơ phình và bóc tách động mạch chủ, hở van tim
- Làm trầm trọng thêm bệnh nhược cơ
- Ảnh hưởng lên hệ thần kinh trung ương gây rối loạn tâm thần, tăng áp lực nội sọ, kích thích thần kinh trung ương gây co giật, run rẩy, bồn chồn…
- Bệnh lý thần kinh ngoại biên: Đã có báo cáo bệnh lý thần kinh cảm giác ngoại vi và thần kinh vận động cảm giác ngoại vi khởi phát nhanh ở bệnh nhân điều trị bằng kháng sinh nhóm fluoroquinolon bao gồm cả levofloxacin.
- Mẫn cảm ánh sáng từ mức độ trung bình đến nặng
- Phản ứng ban đỏ mụn mủ nặng
- Rối loạn gan mật
- Rối loạn thị lực
- Bội nhiễm: có thể dẫn đến sự phát triển quá mức các vi khuẩn không nhạy cảm hoặc kháng thuốc khi dùng levofloxacin, đặc biệt nếu sử dụng kéo dài.
- Có khả năng gây tàn tật và không hồi phục trên các hệ cơ quan khác nhau
- Ảnh hưởng đến các xét nghiệm cận lâm sàng.
- Cần theo dõi các xét nghiệm đông máu khi dùng đồng thời với các thuốc kháng vitamin K.
- Không được khuyến cáo trong điều trị nhiễm khuẩn do tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA).
Khi có bất kỳ phản ứng phụ gây hại nghiêm trọng nào xuất hiện, người bệnh cần ngừng dùng thuốc ngày. Tránh sử dụng thuốc kháng sinh nhóm này khi đã từng gặp phản ứng nghiêm trọng liên quan đến fluoroquinolon.
Thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như chóng mặt, buồn ngủ, rối loạn thi giác nên có khả năng gây suy giảm khả năng tập trung và phản ứng. Do đó, không nên dùng thuốc khi cần lái xe, vận hành máy móc.
Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc levofloxacin trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)
Không sử dụng thuốc này cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
Tương tác thuốc
Thuốc levofloxacin có thể tương tác với thuốc nào?
Một thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Dưới đây là một vài thuốc có khả năng gây ra tương tác khi dùng chung với levofloxacin đường uống hoặc tiêm truyền:
- Antacid, sucralfat, didanosin, thuốc chứa ion kim loại như muối sắt, muối kẽm, multivitamin
- Theophyllin
- Warfarin
- Cyclosporin
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)
- Các thuốc hạ đường huyết
- Probenecid, cimetidin
- Thuốc đối kháng vitamin K.
Với thuốc nhỏ mắt levofloxacin, cần dùng cách thuốc nhỏ mắt khác 15 phút để tránh tương tác.
Thức ăn và rượu bia có tương tác với thuốc levofloxacin không?
Levofloxacin không bị ảnh hưởng bởi thức ăn nên bạn có thể uống thuốc trong hoặc xa bữa ăn.
Rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng rượu và thuốc lá.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc levofloxacin?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.
Bảo quản thuốc
Bạn nên bảo quản thuốc levofloxacin như thế nào?
Bảo quản theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc. Đối với thuốc nhỏ mắt hay thuốc uống (viên nén bao phim), bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, trong bao bì kín, tránh ánh sáng, nhiệt độ không quá 30ºC. Thuốc tiêm truyền sẽ được bảo quản tại cơ sở y tế theo quy định và được sử dụng bởi nhân viên y tế.
Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em.