backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Arginin

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 05/07/2021

Arginin

Tên hoạt chất: Arginin (hay arginine).

Phân loại: Thuốc chuyển hóa nội tiết/ Thuốc chẩn đoán chức năng tuyến yên/ Bổ sung acid amin.

Tác dụng

Tác dụng của thuốc arginine gì?

Thuốc arginin đường uống được dùng để:

  • Điều trị duy trì tăng amoniac ở người thiếu omithin transcarbamylase và thiếu carbamoylphosphat synthetase.
  • Bổ sung dinh dưỡng cho người bị rối loạn chu trình ure như tăng amoniac máu tuýp I và II, tăng citrulin máu, arginosuccinic niệu và thiếu men N-acetyl glutamate synthetase; nhiễm trùng máu; tăng cường quá trình chữa lành vết thương cho người bị chấn thương hoặc ung thư.
  • Hỗ trợ điều trị chứng khó tiêu.
  • Cải thiện khả năng tập luyện ở những người bệnh tim đã điều trị ổn định.

Arginin thuốc tiêm được sử dụng trong chẩn đoán bệnh tuyến yên. Nó có tác dụng kích thích tuyến yên sản xuất hormone tăng trưởng, từ đó đánh giá được chức năng tuyến này.

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lí chỉ khi có chỉ định của bác sĩ.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Dạng và hàm lượng của thuốc arginin

Trên thị trường có rất nhiều biệt dược có chứa hoạt chất này ở nhiều dạng bào chế cũng như với hàm lượng khác nhau:

  • Viên nang cứng/ nang mềm/viên nén: Arginin HCl 200mg, 300mg, 400mg, 500mg
  • Dung dịch uống, siro: Arginin HCl 200mg/ 5ml, 400mg/ 10ml, 800mg/ 10ml, 1g/ 5ml, 1000mg/ 10ml
  • Dung dịch tiêm truyền: 60% Arginin HCl
  • Bột: 100g.

liều dùng thuốc arginin

Người lớn dùng arginin với liều lượng như thế nào?

Sử dụng liều lượng theo bác sĩ chỉ định cho từng trường hợp bệnh cụ thể. Liều dùng tham khảo như sau:

  • Điều trị hỗ trợ các rối loạn khó tiêu: 3–6g/ ngày.
  • Bổ sung dinh dưỡng: uống 3–20g/ ngày tùy theo tình trạng bệnh.
  • Điều trị hỗ trợ nhằm cải thiện khả năng luyện tập ở những người bị bệnh tim mạch ổn định: Uống 6–21g mỗi ngày, mỗi lần dùng 8g
  • Đánh giá tuyến yên: dung dịch arginin 10%: liều duy nhất 30g tiêm truyền chậm trong 30 phút, có thể lặp lại xét nghiệm sau 24h.

Liều dùng thuốc arginin cho trẻ em

  • Điều trị duy trì tăng amoniac máu ở người bệnh thiếu carbamylphosphate synthetase, thiếu ornithine carbamyl transferase: Trẻ sơ sinh cho tới 18 tháng tuổi: 0.5ml/kg mỗi ngày, chia làm 3 – 4 lần. Trẻ trên 18 tháng: 100mg/kg mỗi ngày, chia làm 3–4 lần dùng.
  • Điều trị duy trì cho người bệnh tăng amoniac máu bị citrulin máu, arginosuccinic niệu: Trẻ dưới 18 tháng: 0,5 – 0,875ml/kg/lần; trẻ trên 18 tháng dùng 100–175mg/ kg/ lần. Uống 3–4 lần mỗi ngày, cùng thức ăn và hiệu chỉnh liều theo đáp ứng.
  • Đánh giá tuyến yên: trẻ trên 60kg dùng liều như người lớn, trẻ dưới 60g dùng 0.5g/kg dung dịch 10%, truyền chậm trong 30 phút. Có thể lặp lại xét nghiệm sau 24h.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc arginin như thế nào?

Mỗi dạng bào chế có thể có những lưu ý khác nhau khi sử dụng. Viên nén hoặc nang nên được uống cùng với nước lọc, không nhai hay nghiền thuốc. Dạng bột cần khuấy đều trong nước, sữa chua hoặc đồ ăn cho bé. Thuốc dạng tiêm truyền cần được pha loãng với natri clorid 0.9% để đạt nồng độ 10%.

Bạn phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không được dùng nhiều hơn hoặc ít hơn so với liều chỉ định, không được tự ý ngưng thuốc nếu không có sự cho phép của bác sĩ.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Quá liều arginin có thể gây ra triệu chứng buồn ngủ, chóng mặt kèm thở sâu và nhanh, hoang mang, bồn chồn, run cơ, tê tay chân và quanh miệng, dạ dày co thắt.

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Thuốc arginin có thể gây ra những tác dụng phụ nào?

Tác dụng phụ của arginin là gì

Tác dụng phụ ít gặp là đau đầu, buồn nôn, nôn, tê; vết tiêm có vấn đề bất thường (đổi màu da, phát ban, châm chích, sứng tấy, lở loét, viêm, nổi cục u, sẹo, đau đớn, hoại tử da…); tiểu ra máu; giảm tiểu cầu.

Arginine có thể gây một số tác dụng phụ hiếm gặp như làm da đỏ hoặc đổi màu, sưng tay và mặt; tăng kali máu nặng; sốc phản vệ. Bên cạnh đó còn các phản ứng phụ chưa xác định được tỷ lệ gặp phải như đi tiểu ra máu, ho, khó nuốt, chóng mặt, tìm đập nhanh, bất thường tại vị trí tiêm (đỏ, đau hoặc da nhợt nhạt), ngứa và phát ban trên da, sưng phù (mắt, mặt, môi hoặc lưỡi), tức ngực, mệt mỏi hoặc suy nhược bất thường.

Khi nhận thấy bất kỳ tác dụng phụ nào kể trên, bạn nên gọi cho bác sĩ hoặc tới ngay bệnh viện để được hỗ trợ.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.

Thận trọng/ Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc arginin, bạn nên lưu ý những gì?

Thuốc chống chỉ định cho người bị nhiễm toan chuyển hóa, hạ huyết áp, các bệnh liên quan đến sản xuất NO hoặc dị ứng với các thành phần có trong thuốc.

Việc sử dụng arginin trong điều trị hỗ trợ các bệnh lý cần phải có chỉ định của bác sĩ, người bệnh không được tự ý sử dụng.

Thận trọng trong các trường hợp sau:

  • Thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp tính.
  • Bổ sung trong thời gian dài có thể khiến bệnh động mạch ngoại vi nặng hơn.
  • Có nguy cơ làm tăng sự phát triển của khối u vú.
  • Nên ngừng nếu đang dùng bị tiêu chảy.
  • Thận trọng với bệnh nhân bị thận hoặc khó đi tiểu.
  • Chú ý đến hàm lượng đường có trong siro uống (nếu sử dụng dạng này) ở bệnh nhân tiểu đường.

Thận trọng khi dùng cho những đối tượng đặc biệt

Không nên dùng thuốc cho phụ nữ mang thai và cho con bú, suy thận vừa, suy gan nặng, mất cân bằng điện giải, vô niệu

Tương tác thuốc

Thuốc arginin có thể tương tác với thuốc nào?

Thuốc này có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ.

Bạn tránh kết hợp arginin với các thuốc hạ huyết áp (captopril, losartan, amlodipin…), các thuốc nhóm nitrat (nitroglycerin, isosorbid dinitrat, isosorbid mononitrat) và các thuốc điều trị rối loạn cương dương (sildenafil, tadalafil, vardenafil) vì gây ra các tương tác thuốc.

Khi dùng thuốc cùng với amiloride, spironolactone hoặc triamterene, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng và khoảng cách liều của một hoặc cả hai thuốc.

Tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Thuốc arginin có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Bạn không nên uống rượu trong thời gian dùng thuốc vì rượu có thể gây hại cho gan.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc này?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là dị ứng, bệnh gan, bệnh thận, huyết áp và tim mạch.

Bảo quản

Bạn nên bảo quản thuốc Arginin hydroclorid như thế nào?

Bảo quản nơi khô, mát, nhiệt độ dưới 30ºC, tránh ánh sáng. Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 05/07/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo