backup og meta

Những điều bạn nên biết về sơ cấp cứu

Những điều bạn nên biết về sơ cấp cứu

Nếu sơ cấp cứu đúng cách, bạn có thể giúp bản thân và mọi người xung quanh ngăn ngừa tình trạng chấn thương hoặc bệnh tật trở nên tồi tệ. Đối với trường hợp bệnh khẩn cấp và nguy hiểm, bạn thậm chí có thể cứu sống người bị nạn đấy.

Vì tính quan trọng của sơ cấp cứu đối với tính mạng của con người nên bạn cần biết các kỹ năng sơ cứu cơ bản. Bạn có thể học các khóa học sơ cấp cứu thường được tổ chức tại Hội Chữ Thập Đỏ để thực hành trong tình huống nguy cấp.

Bạn hãy cùng tìm hiểu sơ cấp cứu là gì, phương pháp sơ cấp cứu, cách sơ cấp cứu cơ bản, bộ sơ cứu y tế và những lưu ý khi sơ cứu nhé.

Sơ cấp cứu là gì?

sơ cấp cứu là gì

Sơ cấp cứu có nghĩa là bạn hỗ trợ ngay lúc ban đầu cho nạn nhân bị chấn thương nặng, gặp sự cố hay mắc bệnh đột ngột nào đó trước khi có sự can thiệp từ đội ngũ y tế chuyên nghiệp. Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp tăng khả năng cứu sống một người.

Sơ cấp cứu cũng bao gồm cả việc bạn giúp đỡ những người bị chấn thương nhẹ như vết bỏng, vết cắt hay vết cắn và đốt của côn trùng. Điều này giúp ngăn chặn vết thương trở nên nặng hơn.

Phương pháp sơ cấp cứu DRSABC

phương pháp sơ cấp cứu

Khi biết được phương pháp DRSABC, bạn sẽ bình tĩnh áp dụng các bước cứu người theo đúng trình tự.

DRSABC là tên viết tắt của các từ dưới đây:

• D – Danger (nguy hiểm): Bạn nên luôn kiểm tra cảnh vật xung quanh người bị nạn có an toàn hay không. Thứ tự đầu tiên là sự an toàn cho bạn, kế đến là những người xung quanh và sau đó là người bị thương. Bạn không nên liều mình vào chỗ nguy hiểm khi trợ giúp người khác.

• R – Response (phản ứng): Bạn hãy để ý xem họ có còn tỉnh táo không? Họ có trả lời khi bạn nói chuyện, chạm vào tay hay siết chặt vai họ không?

• S – Send for help (gọi sự giúp đỡ): Bạn hãy gọi cho các bên chuyên môn để giúp đỡ người bị nạn, đặc biệt là gọi số điện thoại cấp cứu y tế 115 và làm theo những lời hướng dẫn từ bác sĩ.

• A – Airway (đường thở): Bạn hãy để ý đường thở của người bị nạn có rõ ràng và họ có còn thở không? Nếu một người bị bất tỉnh, bạn nên mở miệng của họ và nhìn vào bên trong.

Nếu trong cổ họ có những thứ làm tắc nghẽn đường thở như đờm hoặc vật lạ, bạn hãy làm sạch đường thở bằng cách cẩn thận đặt nạn nhân nằm thẳng với lưng chạm đất. Sau đó, bạn nhẹ nhàng ngửa đầu nạn nhân ra sau và làm sạch đờm hoặc vật lạ. Nếu nạn nhân bị chấn thương đầu, cổ hoặc chấn thương lưng thì bạn chỉ nên nâng hàm lên trước và tránh di chuyển đầu hoặc cổ.

• B- Breathing (Hô hấp): Bạn hãy kiểm tra dấu hiệu của hơi thở bằng cách quan sát sự chuyển động của ngực hoặc đặt tai bạn gần mũi và miệng người đó. Bạn cũng có thể cảm nhận hơi thở bằng cách đặt tay lên phần dưới ngực.

Nếu người đó bất tỉnh nhưng đang thở, bạn hãy xoay người họ sang một bên, giữ đầu, cổ và cột sống thẳng hàng rồi theo dõi hơi thở của họ. Nếu nạn nhân không thở, bạn hãy tiến hành thực hiện hồi sức tim phổi (CPR).

• C- Cardiopulmonary Resuscitation (hồi sức tim phổi CPR): Nếu một người bất tỉnh và không thở, bạn hãy đặt họ nằm ngửa và sau đó thực hiện hồi sức tim phổi CPR.

Cách sơ cấp cứu cơ bản

cách sơ cấp cứu

Cách sơ cấp cứu cơ bản sẽ giúp bạn cứu người với những tình huống thường dễ gặp phải trong cuộc sống.

1. Sơ cứu vết thương khi bị bỏng

Nếu bạn nghi ngờ một người bị bỏng độ III thì bạn nên khẩn cấp gọi số điện thoại cấp cứu 115. Bỏng độ III thường là vết bỏng lan rộng trên một vùng da lớn, nằm ở trên mặt người, mông, tay hoặc chân. Loại bỏng này cũng thường là bỏng do hóa chất hoặc do giật điện gây nên.

Để điều trị vết bỏng nhẹ, bạn có thể thực hiện các cách sau:

• Chườm đá trên khu vực bị ảnh hưởng: Bạn hãy chườm đá trên vết bỏng nhẹ trong tối đa 15 phút. Tuy nhiên, bạn nên tránh chườm đá vào mô bị bỏng vì điều này có thể gây ra thiệt hại nhiều hơn.

• Bôi thuốc giảm đau không kê đơn: Bạn có thể sử dụng lidocaine, kem hoặc gel lô hội trên vết bỏng để làm giảm cơn đau nhức.

• Bôi thuốc mỡ kháng sinh: Để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, bạn có thể bôi thuốc mỡ kháng sinh và che phủ vết bỏng bằng gạc y tế sạch.

Nếu vết bỏng không có dấu hiệu giảm sau khi đã sơ cứu, bạn nên đưa người bị nạn đến gặp bác sĩ để điều trị bỏng.

2. Sơ cấp cứu bằng băng cuộn

sơ cứu bằng băng cuộn

Với nhiều trường hợp, bạn có thể sử dụng băng keo cá nhân để che vết cắt nhỏ, vết trầy xước hoặc vết bỏng. Tuy nhiên, bạn có thể cần phải dùng đến một miếng gạc y tế hoặc băng cuộn để bảo vệ vết thương lớn hơn.

Bạn có thể sử dụng băng cuộn để che vết thương bằng các bước sau:

• Cố định vùng bị chấn thương

• Nhẹ nhàng quấn băng chắc chắn xung quanh bộ phận bị thương để che vết thương lại

• Cố định băng lại bằng băng dính hoặc ghim an toàn

Băng phải được quấn đủ chắc chắn để cố định vết thương, nhưng không chặt đến mức ngăn chặn lưu thông máu.

Bạn có thể kiểm tra sự lưu thông máu ở các bộ phận được quấn băng bằng cách bấm chặt móng tay của nạn nhân cho đến khi màu ở ngón tay chuyển thành màu trắng và buông tay ra. Nếu màu ở ngón tay không quay trở lại màu sắc như ban đầu thì có nghĩa là bạn đã băng vết thương quá chặt và cần phải điều chỉnh lại.

3. Sơ cấp cứu hồi sức tim phổi CPR

Nếu bạn thấy một người ngã quỵ hoặc bất tỉnh thì nên gọi số điện thoại cấp cứu 115, sau đó thực hiện sơ cấp cứu hồi sức tim phổi CPR.

Ngay cả khi bạn chưa học kỹ năng hồi sức tim phổi thì bạn vẫn có thể sử dụng cách này bằng tay để giúp ai đó sống sót cho đến khi có sự giúp đỡ chuyên nghiệp.

Cách hồi sức tim phổi bằng tay được thực hiện theo các bước dưới đây:

  • Đặt một tay lên giữa ngực và chồng tay còn lại lên trên
  • Đè ép và ấn chặt tay xuống khoảng 4-5 cm và nhanh chóng thả ra
  • Thực hiện lại với tốc độ khoảng 80-100 lần mỗi phút
  • Tiếp tục ấn ngực cho đến khi có sự giúp đỡ từ những người chuyên môn

Nếu là người có kỹ năng thì sau khi thực hiện 15 lần ép, bạn hãy hô hấp nhân tạo bằng cách bóp mũi, mở miệng người bị nạn và thổi hơi mạnh vào miệng họ 2 lần. Bạn tiếp tục nhấn ép và hô hấp nhân tạo rồi kiểm tra hơi thở và mạch đập cho đến khi nạn nhân thở lại hoặc nhân viên cứu thương đến.

4. Sơ cứu khi sốc nhiệt

sơ cấp cứu khi sốc nhiệt

Một người có thể bị kiệt sức khi cơ thể quá nóng. Nếu không được sơ cứu kịp thời, tình trạng kiệt sức do nhiệt có thể dẫn đến sốc nhiệt. Đây là một tình trạng có khả năng đe dọa tính mạng và cần được cấp cứu.

Nếu một người cảm thấy quá nóng do đi dưới nắng quá lâu, bạn có thể khuyên họ nghỉ ngơi ở một nơi mát mẻ, gỡ bỏ bớt quần áo và làm mát cơ thể bằng các cách sau:

  • Lau người cho họ bằng nước mát
  • Phủ lên người họ một tấm vải mát và ẩm ướt
  • Đắp một chiếc khăn ướt và mát vào phía sau cổ

Bạn hãy gọi số điện thoại cấp cứu 115 nếu họ có các dấu hiệu sốc nhiệt dưới đây:

  • Co giật
  • Ngất xỉu
  • Không tỉnh táo
  • Sốt 40°C hoặc cao hơn
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa

Nếu người bị nhiệt không nôn mửa hoặc bất tỉnh, bạn nên cho họ uống nước mát hoặc đồ uống thể thao.

5. Sơ cứu khi bị chảy máu cam

Để sơ cứu cho một người bị chảy máu cam, bạn hãy thực hiện các bước dưới đây:

• Cho người bị chảy máu cam ngồi xuống và ngả đầu về phía trước

• Sử dụng ngón tay cái và ngón trỏ, bóp chặt hai cánh mũi trong vòng 5 phút và thở bằng miệng để giúp máu ngừng chảy

• Nếu sau 20 phút mà máu không ngừng chảy thì cần được đến các cơ sở y tế để xử lý.

Bộ sơ cứu y tế tiêu chuẩn

bộ sơ cứu y tế

Bạn nên chuẩn bị bộ dụng cụ sơ cấp cứu đặt ở trong nhà hoặc nơi làm việc để dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp.

Một bộ dụng cụ sơ cứu tiêu chuẩn nên bao gồm:

  • Nhiệt kế
  • Kim băng
  • Bông gòn
  • Băng cuộn
  • Kéo và nhíp
  • Thuốc aspirin
  • Găng tay y tế
  • Băng tam giác
  • Túi chườm lạnh
  • Băng keo cá nhân
  • Miếng gạc vô trùng
  • Sáp dưỡng ẩm vaseline
  • Xà phòng và nước rửa tay
  • Khăn giấy ướt kháng khuẩn
  • Sách hướng dẫn sơ cấp cứu
  • Thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da
  • Thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen

Nếu nhà có trẻ nhỏ, bạn cũng có thể chuẩn bị thêm bộ dụng cụ y tế cho trẻ như nhiệt kế cho trẻ, thuốc siro ho, thuốc hạ sốt, thuốc tiêu chảy, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, kem chống muỗi…

Những lưu ý khi sơ cứu cho người khác

những lưu ý khi sơ cứu

Khi sơ cấp cứu cho người khác, bạn cần bảo vệ bản thân mình khỏi các bệnh truyền nhiễm và các mối nguy hiểm khác. Để giúp bảo vệ chính mình, bạn hãy lưu ý các bước sau:

• Luôn kiểm tra xung quanh có an toàn hay không: Điều này giúp bạn bảo vệ bản thân trước khi bạn tiếp cận người bị bệnh hoặc bị thương.

• Tránh tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch từ người bị nạn: Bạn không nên tiếp xúc trực tiếp máu, chất nôn và các chất dịch từ nạn nhân.

• Mang thiết bị bảo vệ: Bạn nên mang thiết bị bảo vệ như đeo găng tay y tế khi sơ cứu cho người có vết thương hở hoặc đeo đồ bảo hộ khuôn mặt khi thực hiện hô hấp nhân tạo để tránh nguy cơ lây bệnh.

• Rửa tay bằng xà phòng: Bạn hãy rửa tay bằng xà phòng và nước ngay sau khi sơ cấp cứu.

Các kỹ năng sơ cấp cứu không chỉ giúp ngăn chặn một tình huống nhỏ trở nên tồi tệ hơn mà thậm chí còn có thể cứu sống người đang nguy cấp. Tuy nhiên, bạn phải đảm bảo mình và những người xung quanh an toàn trước khi sơ cứu cho một người nhé.

Hoa Vũ HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Introduction to First Aid
https://www.healthline.com/health/first-aid#outlook
Ngày truy cập: 06.05.2020

10 Basic First Aid Procedures
https://www.verywellhealth.com/basic-first-aid-procedures-1298578
Ngày truy cập: 06.05.2020

First aid basics and DRSABCD
https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/first-aid-basics-and-drsabcd
Ngày truy cập: 06.05.2020

Phiên bản hiện tại

26/06/2020

Tác giả: Hoa Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

“Giải mã” 5 hiểu lầm thường gặp khi chăm sóc vết thương

Cách xử lý khi bị ong đốt để tránh bị sưng và hết đau nhức


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoa Vũ · Ngày cập nhật: 26/06/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo