backup og meta

Băng hay để hở: Cách nào giúp vết thương nhanh lành hơn?

Băng hay để hở: Cách nào giúp vết thương nhanh lành hơn?

Chắc hẳn khi bị thương, dù là vết cắt sâu, vết thương hở, trầy xước hay các loại vết thương khác, bạn đều băn khoăn không biết nên để vết thương hở hay nên băng kín vết thương bằng băng y tế hoặc băng gạc. Cách nào là tối ưu để thúc đẩy quá trình lành vết thương?

Việc điều trị vết thương có thể gây nhiều lo lắng vì nếu bạn chăm sóc không đúng, quá trình lành vết thương có thể chậm đi. Nhưng đừng lo, hãy đọc tiếp bài viết bên dưới nếu băn khoăn chưa biết làm sao để chăm sóc vết thương đúng cách nhé. Trong bài viết này, chúng tôi đã tổng hợp một hướng dẫn “siêu” hữu ích về cách chăm sóc, điều trị vết thương sao cho mau lành nhất!

Vết thương được băng kín bằng băng gạc hay để hở sẽ lành nhanh hơn?

Điều gì xảy ra khi bạn để vết thương hở?

Nhiều người cho rằng tốt nhất là nên để vết cắt hoặc vết thương hở tiếp xúc với không khí. Điều này có thể là do họ nghĩ rằng phương pháp này sẽ giúp thúc đẩy quá trình lành vết thương bởi khi được tiếp xúc với không khí (oxy), vết thương có thể “thở”.

Tuy nhiên, việc để vết thương tiếp xúc với không khí chưa hẳn đã có lợi. Điều này là do nếu không băng vết thương đúng cách còn có thể khiến vết thương dễ bị nhiễm bẩn bởi bụi và vi khuẩn. Dù chỉ là một vết cắt hoặc vết xước nhỏ thì việc này cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Ngoài ra, vết thương cũng cần có độ ẩm mới có thể lành [3] nhưng việc để vết thương hở lại có thể khiến bề mặt da bị khô (2). Điều này có thể làm tăng cảm giác đau hoặc làm chậm quá trình lành vết thương.

Hơn nữa, việc để vết thương hở sẽ làm tăng nguy cơ bạn vô tình đụng, cọ xát hoặc chà vào vết thương và gây đau. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương và dẫn đến chảy máu hoặc bong vảy sớm trước khi vết thương lành tự nhiên.

Tại sao vết thương được băng lại nhanh lành hơn?

Việc băng vết thương sẽ tạo môi trường ẩm. Các nghiên cứu [3] cho thấy môi trường ẩm vừa đủ sẽ thúc đẩy quá trình lành vết thương hiệu quả, giảm viêm và giảm thiểu sự hình thành sẹo. Do đó, phương pháp dán băng ý tế hoặc băng gạc lên vết thương có thể giúp duy trì độ ẩm cần thiết.

Khi điều trị vết thương, chuyên gia y tế có thể bôi một lớp kem hoặc thuốc mỡ kháng sinh mỏng nếu thấy vết thương có nguy cơ nhiễm trùng. Tiếp theo là dán gạc hoặc băng y tế để tránh vết thương bị khô.

Để vết thương nhanh lành, điều quan trọng là cần duy trì môi trường ẩm thích hợp cho vết thương. Việc tạo môi trường ẩm sẽ kích thích tăng sinh tế bào sừng và nguyên bào sợi. Qua đó, giúp quá trình tái tạo và lên da non diễn ra dễ dàng. 

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cách băng vết thương tối ưu

Băng gạc và bộ dụng cụ sơ cứu trên bàn trắng

Theo Học viện Da liễu Mỹ (AAD) [1], bạn hoàn toàn có thể điều trị các vết cắt và vết thương nhỏ tại nhà. Dưới đây là các bước chăm sóc vết thương bạn nên thực hiện:

  • Để cầm máu, bạn hãy lấy khăn giấy, băng gạc hoặc vải sạch và ấn chặt vào vết thương trong vài phút. Lúc này, tình trạng chảy máu sẽ bớt hoặc dừng lại. Nếu máu thấm quá nhiều, bạn có thể dùng thêm băng gạc hoặc vải và tiếp tục ấn mạnh. Tránh việc mở băng gạc để kiểm tra vết thương quá sớm vì điều này có thể làm gián đoạn quá trình hình thành cục máu đông. Nếu máu không ngừng chảy sau 10-15 phút ấn, bạn hãy tìm sự trợ giúp y tế.
  • Khi đã cầm máu, hãy rửa vết thương bằng nước sạch, nước muối sinh lý. Tránh để xà phòng tiếp xúc với vết thương vì điều này có thể gây kích ứng. Lưu ý, không bôi oxy già hoặc iốt trực tiếp lên vết thương vì việc này có thể gây hại cho tế bào sống.
  • Sau khi làm sạch vết thương, bạn có thể sử dụng các loại gel có thành phần hydrocolloid dạng hydrogel, có tác dụng cân bằng độ ẩm bằng cách cung cấp ẩm cho vết thương khô hoặc thấm hút dịch ở vết thương rỉ dịch ít đến vừa. [5]
  • Băng vết thương bằng băng y tế. Bạn không cần phải băng những vết thương nhỏ. Đối với vết xước hoặc vết cắt nhỏ, bạn chỉ cần làm sạch vết thương và có thể dùng thêm gel hydrocolloid. Đây là dạng hydrogel có vai trò như lớp băng mỏng giúp giữ ẩm cho những vết thương nhỏ, làm mát, làm dịu và ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, với vết thương lớn, bạn cần vệ sinh rồi băng lại bằng băng y tế sạch, vô trùng. Điều này sẽ giúp ngừa nhiễm trùng.
  • Bạn cần thay băng gạc ít nhất một lần mỗi ngày hoặc khi băng bị thấm dịch hay bị bẩn.

Sau khi vết thương lành và bong vảy, bạn có thể bôi gel silicone như loại có CPX Silicone (cyclopentasiloxane) và VItamin C Ester để tránh hình thành sẹo. Cách này cũng có thể giúp bạn làm sáng, làm mềm và làm phẳng các vết sẹo. [6 – 8]

Khi nào cần đi khám?

Bạn có thể điều trị vết thương nhỏ tại nhà trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp có thể cần gặp bác sĩ như [4]:

  • Vết thương hở lớn
  • Không thể cầm máu bằng bằng cách đè chặt vết thương
  • Chảy máu liên tục
  • Bạn cảm thấy không khỏe hoặc bị sốt.

Bác sĩ có thể thực hiện nhiều phương pháp khác nhau để điều trị vết thương hở.

Ngoài ra, bạn cũng nên đi khám nếu thấy vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng như bị đỏ hoặc sưng nặng hơn, đau hơn, vết thương có mùi khó chịu khi bạn vệ sinh, sốt hoặc ớn lạnh!

Miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này không nhằm mục đích tư vấn y tế cụ thể. Nếu bạn lo lắng về tình trạng vết thương và sẹo, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia y tế.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. American Academy of Dermatology Association (n.d.). Proper Wound Care: How to minimize a scar. Accessed November 2023. 

2. Don Lalonde, et. al., Plast Reconstr Surg Glob Open. 2019 Oct; 7(10): e2471. 

3. Junker, et. al., Adv Wound Care (New Rochelle). 2013 Sep; 2(7): 348–356.

4. NHS. (2022, June 6). Cuts and grazes. Accessed November 2023. 

5. C. Weller, Advanced Textiles for Wound Care, 2009, Accessed November 21, 2023.

6. Yun IS, et al. Aesth Plast Surg (2013) 37:1176-1181

7. Chernoff WG, et al. Aesth Plast Surg 2007;31:495-500

8. Fulton JE. Silicone gel sheeting for the prevention and management of evolving hypertrophic and keloid scars. Dermatol Surg 1995;21:947-951

Phiên bản hiện tại

03/06/2024

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Hỏi đáp Dược sĩ: Vết thương hở nên bôi thuốc gì?

Khử trùng liệu đã đủ? Cách điều trị vết thương, vết cắt và vết bỏng nhẹ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 03/06/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo