Rất nhiều bạn sở hữu thân hình mảnh khảnh nhưng lại có mỡ tích tụ nhiều ở vùng bụng dưới và đùi. Tạng người như vậy được gọi là skinny fat. Những ảnh hưởng sức khỏe ở người có vóc dáng skinny fat là gì? Làm sao để khắc phục?
Thuật ngữ skinny fat dần trở nên phổ biến trong vài năm trở lại đây. Dáng người gầy nhưng lại có nhiều mỡ bụng tưởng chừng vô hại, nhưng nếu không sớm cải thiện bạn sẽ dễ đối mặt với nhiều rủi ro sức khỏe.
Skinny fat là gì?
Skinny fat là thuật ngữ chỉ những người có chỉ số khối cơ thể BMI rơi vào mức 18,5 – 24,9 – theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO nhưng lại có tỷ lệ mỡ tương đối cao, tập trung nhiều ở vùng bụng và thân trên.
Nhìn bề ngoài, cơ thể của tạng người skinny fat không săn chắc nên trông có vẻ ốm yếu.
Những nguyên nhân khiến một người có tạng người skinny fat
Tạng người ốm nhưng vẫn béo bụng không hiếm gặp. Do vậy ngoài việc quan tâm skinny fat là gì, bạn cũng cần hiểu rõ vì đâu dẫn đến cơ địa như vậy. Theo các chuyên gia, bụng to bất thường trong khi thân hình mảnh khảnh thường do hai nguyên nhân chính là chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học và lịch trình luyện tập chưa hợp lý. Cụ thể:
- Về dinh dưỡng: Tạng người skinny fat xảy ra do tiêu thụ ít protein nhưng lại dư thừa tinh bột, mỡ động vật làm ngăn sự phát triển của các nhóm cơ bắp dẫn đến mức năng lượng chuyển hóa quá nhiều không được các mô cơ sử dụng sẽ tích lũy ở bụng, đùi.
- Về chế độ luyện tập: Lối sống lười vận động lâu ngày khiến cơ thể gặp phải các thay đổi nội tiết tố gây mất cân bằng trong tái cấu trúc cơ thể và hậu quả là sự xuất hiện của vòng eo “bánh mì”.
Một số yếu tố nguy cơ góp phần dẫn đến body skinny fat bao gồm:
- Tuổi tác (sự giảm cơ, tăng mỡ ở người lớn tuổi)
- Rối loạn nội tiết tố (nữ giới vào thời kỳ mãn kinh mức estrogen giảm kéo theo việc tăng mỡ nội tạng).
Những ảnh hưởng sức khỏe do skinny fat là gì?
Những người skinny fat tuy trọng lượng cơ thể vẫn ở mức bình thường nhưng phần mỡ nội tạng tiềm ẩn có thể gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe, điển hình như:
- Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch: Một nghiên cứu thực hiện trên đối tượng phụ nữ từ 45 – 79 tuổi cho thấy người có vòng bụng lớn dễ mắc bệnh tim mạch gấp đôi người thường (cứ tăng khoảng 5cm vòng eo thì tỷ lệ mắc bệnh sẽ tăng thêm 10%).
- Ung thư: Mỡ nội tạng được cho là có liên quan đến ung thư đại tràng và ung thư vú. Nghiên cứu tại Hàn Quốc báo cáo nguy cơ mắc ung thư đại tràng tăng gần gấp đôi ở phụ nữ sau mãn kinh bị mỡ nội tạng. Tương tự, nghiên cứu tại Hà Lan cho kết quả những người tham gia giảm khả năng mắc ung thư vú khi kích thước vòng eo giảm. Người quan tâm skinny fat là gì cũng nên lưu ý những thông tin này để bảo vệ sức khỏe.
- Hội chứng suy giảm trí nhớ: Nghiên cứu tại California (Hoa Kỳ) thống kê người ở độ tuổi 40 bị mỡ nội tạng có nguy cơ suy giảm trí nhớ cao gấp 3 lần so với người bình thường ở cùng lứa tuổi.
Ngoài các chứng bệnh vừa nêu, tạng người skinny fat cũng dễ phát triển các bệnh liên quan đến chuyển hóa bao gồm: Cao huyết áp, đường huyết tăng, đột quỵ…
Đọc thêm: Mỡ nội tạng gây bệnh gì? Những giải pháp giảm mỡ nội tạng
Dấu hiệu nhận biết tạng người skinny fat
Bên cạnh thắc mắc skinny fat là gì? Nó gây ảnh hưởng gì cho sức khỏe? Nhiều độc giả cũng quan tâm về dấu hiệu skinny fat để nhận biết xem mình có đang gặp tình trạng này hay không. Dưới đây là một số dấu hiệu skinny fat có thể quan sát bằng mắt thường:
- Cơ thể kém săn chắc, nhất là vùng bụng, đùi, ngực. Khung vai ở người có tạng skinny fat sẽ nhỏ hơn so với người bình thường có ngoại hình cân đối. Những điều này là do cơ thể thừa mỡ nhưng thiếu cơ bắp.
- Thường xuyên gặp phải tình trạng hạ đường huyết hoặc sương mù não (biểu hiện qua các triệu chứng như mệt mỏi, thiếu năng lượng hoặc khó tập trung, trí nhớ kém).
- Choáng váng nhẹ sau khi thực hiện một số bài tập thể dục cường độ vừa phải.
Cách khắc phục skinny fat là gì?
Người gầy nhưng bụng béo thường do bắt nguồn từ chế độ dinh dưỡng và luyện tập không hợp lý nên hướng giải quyết sẽ tập trung cải thiện hai vấn đề này.
1. Thiết lập một chế độ dinh dưỡng khoa học
Chế độ ăn không lành mạnh không những khiến vóc dáng kém hấp dẫn mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Để khắc phục, bạn cần điều chỉnh chế độ ăn theo hướng bổ sung, cân đối các thành phần dinh dưỡng cần thiết nhằm duy trì các hoạt động bình thường của cơ thể.
Theo đó, bạn nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm nhiều đường, bột thay vào đó hãy bổ sung lượng carbohydrate lành mạnh từ hoa quả, rau củ và các loại ngũ cốc nguyên hạt.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần bổ sung nhiều đạm từ thịt nạc vào thực đơn mỗi bữa ăn để giữ cơ và nuôi dưỡng các nhóm cơ phát triển. Đạm nạc (Lean protein) có nhiều trong các loại thịt động vật như ức gà, thăn bò, thăn heo cùng nhóm hải sản như tôm, cá ngừ, hàu…
Để hạn chế mỡ nội tạng, bạn cũng nên hạn chế tiêu thụ thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp.
Đọc thêm: 20 thực phẩm giàu đạm ít calo cải thiện sức khỏe
2. Có kế hoạch luyện tập đúng đắn
Để giảm mỡ tăng cơ, bạn cần luyện tập với cường độ hợp lý. Chế độ luyện tập phù hợp phụ thuộc vào thể trạng của mỗi người. Bạn có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia hoặc huấn luận viên cá nhân để có phương pháp, lịch trình tập luyện tốt nhất, đảm bảo sức khỏe và vóc dáng cân đối.
Lưu ý, người có tạng người skinny fat nên hạn chế tập cardio. Thay vào đó, bạn có thể theo đuổi các bài tập tạ ở mức nặng phù hợp để xây dựng các nhóm cơ.
Người có lối sống ít vận động hoặc người làm việc ở văn phòng nên vận động sau mỗi 45 – 1 giờ bằng các hình thức như: Vươn vai, đi lại, dùng thang bộ thay vì thang máy…
Bên cạnh chế độ luyện tập phù hợp, bạn cũng chú trọng đến việc nghỉ ngơi, thư giãn để cơ thể được tái tạo, phục hồi.
Như vậy bạn đã hiểu skinny fat là gì, dấu hiệu nhận biết cũng như cách khắc phục skinny fat. Hy vọng những kiến thức trên sẽ hữu ích với bạn trên hành trình sống vui, sống khỏe mỗi ngày. Đừng ngần ngại gửi đến HelloBacsi những băn khoăn về sức khỏe để được giải đáp tường tận nhé!
[embed-health-tool-heart-rate]