Nam tính độc hại là gì? Thuật ngữ này có nguồn gốc từ đâu? Tại sao nam tính nghĩa là không được khóc mà phải trở nên hung hăng, cạnh tranh?
Nếu bạn cũng đang tò mò không biết tại sao bản thân thường cảm thấy có áp lực phải tỏ ra mạnh mẽ, phấn đấu trở thành trụ cột gia đình, là phải độc lập…thì đó chính là một trong những dấu hiệu điển hình của nam tính độc hại (toxic masculinity). Mời bạn tìm hiểu nội dung bài viết để hiểu rõ hơn về cụm từ này.
Nam tính độc hại là gì?
Nam tính độc hại hay tính nam độc hại (toxic masculinity) là những tiêu chuẩn, mong đợi và niềm tin lạc hậu từ và có phần không còn phù hợp mà xã hội đặt lên một người đàn ông ở mức độ cực đoan. Điển hình là những tiêu chuẩn như đàn ông là phải thống trị, đàn ông là phải cạnh tranh, độc lập, che giấu cảm xúc, hung hăng, có khuynh hướng kỳ thị người đồng tính và cộng đồng LGBT…
Một nghiên cứu về nam tính độc hại trên Tạp chí Journal of School Psychology đã sử dụng định nghĩa cho thuật ngữ “nam tính độc hại” như sau: “Nam tính độc hại là tập hợp những đặc điểm lạc hậu của xã hội lên một người đàn ông nhằm đề cao sự thống trị của nam giới, hạ thấp giá trị của phụ nữ, ủng hộ kỳ thị đồng tính và sử dụng bạo lực”.
Kết quả cho thấy, nam giới Việt chịu áp lực khủng khiếp về trách nhiệm “làm trụ cột gia đình”. Họ định nghĩa hình ảnh “người đàn ông đích thực” là phải kiếm thật nhiều tiền, trở thành lãnh đạo, có khả năng tình dục cao và nuôi được vợ con.
Những áp lực ấy là một trong các nguyên nhân khiến đàn ông gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần, gián tiếp góp phần vào tỷ lệ tự sát ở nam giới cao gấp 3 lần tỷ lệ ở phụ nữ tại Việt Nam.
[embed-health-tool-bmi]
Nguồn gốc của khái niệm “nam tính độc hại”
Cụm từ “toxic masculinity” xuất hiện lần đầu tiên trong một phong trào dành cho nam giới vào những năm 1980 với tên gọi là “The mythopoetic men’s movement“. Phong trào này được khởi xướng nhằm xác định sự thay đổi trong vai trò của nam giới trong xã hội hiện đại, trước làn sóng nữ quyền mạnh mẽ lúc bấy giờ.
Phong trào này không nhằm giành lại quyền lợi cho đàn ông. Thay vào đó, họ giúp nam giới hiểu về vai trò mới của mình trong xã hội và thoát khỏi những quan niệm độc hại về nam tính.
Dấu hiệu
Mặc dù nam tính độc hại có nhiều biểu hiện và nhiều sắc thái khác nhau, tuy nhiên cũng có một số hành vi chung để nhận diện tính nam độc hại ở một người đàn ông.
Dấu hiệu của nam tính độc hại thường bao gồm:
- Bạo lực (violence): Đàn ông tin rằng, để được tôn trọng thì họ cần phải hung hăng, cạnh tranh và dám sử dụng bạo lực để khẳng định vị thế.
- Cần cảm thấy được kiểm soát: Khuyến khích đàn ông khẳng định vị thế bản thân bằng cách xây dựng khả năng kiểm soát và chứng tỏ khả năng thống trị.
- Chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism): Đàn ông theo chủ nghĩa khắc kỷ sẽ cho rằng việc thể hiện cảm xúc là yếu đuối và nữ tính. Vì đàn ông là phải mạnh mẽ, giỏi chịu đựng và kiên cường.
- Xu hướng lăng nhăng và xâm phạm tình dục phụ nữ: Đây là một trong những dấu hiệu điển hình của nam tính độc hại là, đàn ông được quyền quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, vì như vậy là “ngầu”, là “nam tính”, trong khi đó, cũng chính những người đàn ông này sẽ xem thường và bình phẩm tiêu cực về những người phụ nữ làm điều tương tự. Chưa kể, họ còn cho phép bản thân quấy rối tình dục và xem nhẹ cơ thể phụ nữ.
- Liều lĩnh và chấp nhận rủi ro: Nam giới thường chấp nhận rủi ro sử dụng chất kích thích để lái xe mạo hiểm, cờ bạc hoặc tham gia vào các băng nhóm bạo lực.
- Từ chối giúp đỡ công việc gia đình: Người đàn ông từ chối làm việc nhà vì đối với họ rằng đây là “phần việc của phụ nữ”, còn đàn ông sẽ là người đi kiếm tiền và làm trụ cột gia đình.
- Ghê sợ đồng tính luyến ái (homophobia): Nam tính độc hại cho rằng đồng tính luyến ái (cộng đồng LGBT) là một sự sai lệch nghiêm trọng về giới tính truyền thống, nơi chỉ nên được tồn tại hai giới tính là nam và nữ.

Từ đâu mà nam tính độc hại hình thành?
Một người đàn ông dần trở nên cực đoan, độc hại được tạo nên bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau, từ nhân cách của một người đến trải nghiệm thơ ấu cũng như văn hóa, xã hội và cả nơi họ sinh sống.
Trong một bài báo được đăng tải trên Tạp chí Khoa học – Intech Open, năm 2023. các chuyên gia cho rằng, một người con trai thường thể hiện sự nam tính của họ một cách cực đoan khi:
- Họ không được công nhận là “một người đàn ông chuẩn mực” khi họ không thực hiện theo đúng những gì mà họ được xã hội mong đợi.
- Họ thể hiện sự nam tính của bản thân với nhóm đàn ông khác với nhằm mục đích cạnh tranh.
Bên cạnh đó, một số yếu tố rủi ro khác có thể góp phần vào việc hình thành nên tính nam độc hại của một người đàn ông bao gồm:
- Gia đình xung đột và xảy ra nhiều vấn đề.
- Sống trong một gia đình xung đột và nhiều vấn đề.
- Liên tục bị xã hội từ chối và đánh giá thấp là không đủ nam tính.
- Chứng kiến hành vi bạo lực trong gia đình, trường học và ngoài xã hội.
- Tiếp xúc với môi trường sống khuyến khích sử dụng bạo lực để thống trị và tỏ ra uy quyền.

Nam tính độc hại và ảnh hưởng trên sức khỏe
Với những áp lực được tạo nên từ các tiêu chuẩn sai lệch và lạc hậu từ xã hội đè lên bản thân người đàn ông, nó thật sự ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần, thậm chí là gây ra các rối loạn về mặt tâm lý của người đàn ông.
Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ – APA nhấn mạnh rằng, tác động của những người đàn ông hoặc bé trai bị buộc phải gồng mình để thể hiện bản thân là đàn ông, là nam tính có thể sẽ gặp phải gánh chịu những tác động tiêu cực về mặt sức khỏe tinh thần như: trầm cảm, lo âu, tự tị, hung hăng, liều lĩnh, tăng tỷ lệ sử dụng chất và cảm thấy cô đơn nhiều hơn…
Chưa hết, nam tính độc hại còn ảnh hưởng đến hành vi bộc lộ cảm xúc của nam giới, bởi họ bị áp lực phải luôn tỏ ra nam tính trong mắt mọi người, nên việc đồng ý chia sẻ khó khăn và/hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ là ít hơn hẳn so với phụ nữ.
Nam tính độc hại và tác động đối với xã hội
Khi một người đàn ông đang cố gắng theo đuổi các giá trị lệch chuẩn để trông “nam tính” hơn, khi đó bản thân họ sẽ bắt đầu có thể làm ảnh hưởng những người xung quanh, một số vấn đề nổi trội có thể kể đến như:
- Tấn công tình dục, quấy rối tình dục.
- Tăng tỷ lệ bạo lực học đường, bạo lực gia đình.
- Tăng khả năng chấp nhận rủi ro, tăng các hành vi như lát xe nguy hiểm, cờ bạc,…
Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân của người đàn ông độc hại, lúc này những người ở gần hoặc bên cạnh họ sẽ dễ bị ảnh hưởng tiêu cực, làm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống sức khỏe tinh thần.
Cách phòng tránh trở thành nam tính độc hại
Nam tính độc hại là một vấn đề lớn, vấn đề mà tầm ảnh hưởng của nó không phải của riêng bất kỳ cá nhân nào, mà là ở tầm ảnh hưởng của văn hóa và xã hội.
Do đó, để phòng tránh bản thân trở thành nam tính độc hại là cả một quá trình dài và liên tục duy trì các hành vi lành mạnh, như là tăng khả năng lắng nghe và thấu hiểu bản thân (self-awareness), dành thời gian tự vấn và suy xét bản thân (self-reflection) cũng như xây dựng thói quen nhận sự giúp đỡ từ người khác khi cần.
Dưới đây là những thói quen lành mạnh giúp một người đàn ông giảm khả năng trở thành nam tính độc hại:
- Chấp nhận rằng việc thể hiện và bộc lộ cảm xúc là bình thường.
- Học cách đối phó với những cảm xúc có phần hung hăng như giận dữ, cáu gắt.
- Đối với cha mẹ có con trai, cần giáo dục con về tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ lành mạnh tích cực, không thúc ép con phải trở thành “đàn ông là phải thế này thế kia”.
Bên cạnh đó, các môi trường xã hội như trường học, cơ quan làm việc,…cũng cần có các chiến dịch hoặc dự án phổ cập kiến thức nâng cao nhận thức về vai trò giới, hay cụ thể là về nam tính độc hại.
Kết luận
Nam tính trở nên độc hại là hậu quả của bối cảnh văn hóa và xã hội trong thời kỳ lịch sử ở chế độ phụ hệ, thời điểm mà nam giới liên tục bị gây áp lực bởi những đặc tính như mạnh mẽ, cạnh tranh, độc lập, kìm nén cảm xúc, thống trị…vô tình khiến cho những người đàn ông ngày càng gánh chịu nhiều áp lực, không chỉ với bản thân mà còn với xã hội.
Hy vọng, nội dung bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nam tính độc hại (toxic masculitnity) là gì, cũng như góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vai trò giới, cụ thể là nam giới. Qua đó, bạn đọc cũng sẽ có nhiều thông tin hơn để thảo luận và đánh giá về các tiêu chuẩn mà xã hội đã và đang đặt ra cho nam giới.