backup og meta

Hiệu ứng placebo: Bạn có thể bị "đánh lừa" với giả dược

Hiệu ứng placebo: Bạn có thể bị "đánh lừa" với giả dược

Bạn có thể từng được bác sĩ kê toa hoặc dược sĩ bán thuốc giả dược nhưng không hề hay biết. Đây là một giải pháp điều trị theo hiệu ứng placebo dựa vào niềm tin chữa hết bệnh mà bạn có thể cảm thấy như mình đang bị… đánh lừa!

Hiệu ứng placebo hay còn gọi là hiệu ứng giả dược vốn rất phổ biến trong lĩnh vực y tế. Đây là thuật ngữ được biết đến như là “thứ không có tác dụng nhưng có hiệu quả bởi vì bạn nghĩ nó có tác dụng”.

Về lý thuyết, hiệu ứng placebo được áp dụng bằng cách đưa đến cho người bệnh những viên thuốc, dung môi tiêm truyền hay thậm chí ca phẫu thuật… đều là “giả”. Điều này có nghĩa là những phương pháp y tế trên không có hoạt chất sinh hoạt hay tác động gì đến thể chất vật lý của người bệnh.

Nghe có vẻ “vô bổ” thế nhưng hiệu ứng này đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong y tế. Vậy tại sao hiệu ứng placebo lại có thể tác động được như vậy? Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé!

Hiệu ứng placebo là gì?

hiệu ứng placebo

Hiệu ứng placebo là một phương pháp điều trị y tế được thiết kế để “đánh lừa” người tham gia thí nghiệm lâm sàng. Phương pháp này không chứa bất kỳ thành phần hoạt chất nào nhưng thường vẫn tạo ra hiệu ứng vật lý cho từng cá nhân. Hiệu ứng placebo được xem là một hiện tượng đánh vào tâm lý người dùng theo phương châm “sức mạnh của sự vô nghĩa”.

Giả dược đã trở thành một phần thiết yếu của tất cả các thử nghiệm lâm sàng. Thông thường, để thực hiện thử nghiệm lâm sàng cần 2 nhóm người dùng thuốc và không dùng thuốc để so sánh hiệu quả. Tuy nhiên, kể từ khi phát hiện ra rằng chỉ cần hành động đơn giản là uống một viên thuốc rỗng có thể tạo ra hiệu ứng placebo, nên giờ đây cuộc thử nghiệm cần có sự tham gia của nhóm thứ 3. Những người tham gia trong nhóm này dùng một viên thuốc không có hoạt chất, ví dụ thuốc đường chẳng hạn.

Một loại thuốc trong quá trình kiểm định về chất lượng chỉ được chấp thuận khi tạo ra hiệu quả lớn hơn hiệu ứng placebo từ viên thuốc giả dược.

Hiệu ứng placebo đã được chứng minh là tạo ra những thay đổi sinh lý có thể đo lường được, chẳng hạn như tăng nhịp tim hoặc huyết áp. Một số bệnh mãn tính đã cho thấy tác động mạnh mẽ đến từ hiệu ứng placebo như trầm cảm, lo lắng, hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh Parkinson và đau mãn tính.

Hiệu quả của “giả dược” tùy thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như:

– Viên nang hiệu ứng mạnh hơn viên nén

– Hai viên thuốc hoạt động tốt hơn một viên

– Viên thuốc có kích thước lớn tạo ra hiệu ứng lớn hơn

– Thuốc tiêm gây ra hiệu ứng mạnh hơn so với viên nén

– Thuốc thuộc những hãng lớn hay hãng từ nước ngoài sẽ gây hiệu ứng mạnh hơn

– Viên thuốc màu đỏ, màu vàng và màu cam gây hiệu ứng kích thích mạnh hơn, trong khi màu xanh lam và màu xanh lá cây có tác động an thần tốt hơn

Hiệu ứng placebo cũng khác nhau giữa các nền văn hóa, ví dụ như trong điều trị loét dạ dày, hiệu quả này có tác động thấp ở Brazil, cao ở Bắc Âu và đặc biệt cao ở Đức.

Cách thức tác động của hiệu ứng placebo

hiệu ứng placebo

Hiệu ứng placebo có thể tác động đến tâm lý và sinh lý của cơ thể. Nghiên cứu về hiệu ứng placebo tập trung vào mối quan hệ của tâm trí và cơ thể. Một trong những cách thức phổ biến nhất của hiệu ứng placebo là do sự mong đợi của một người. Nếu một người mong đợi một viên thuốc có tác dụng nào đó, thì khả năng hóa học của cơ thể có thể gây ra tác dụng tương tự như những gì một loại thuốc có thể tạo ra.

Trong một nghiên cứu, người tham gia được cho dùng giả dược và nói rằng đó là chất kích thích. Sau khi uống thuốc, kết quả là nhịp tim và huyết áp của họ tăng và tốc độ phản ứng được cải thiện. Tương tự, khi nhóm đối tượng khác được cho uống cùng một viên thuốc và nói rằng đây là loại thuốc giúp ngủ ngon, kết quả là họ dễ dàng ngủ hơn.

Lý giải khoa học về hiệu ứng placebo

Các nghiên cứu đã tìm ra được kết quả vì sao nhiều người chỉ uống viên thuốc giả dược mà lại có tác dụng như vậy. Lý giải một cách khoa học, việc sử dụng giả dược đã kích thích cho sự giải phóng endorphins – chất giảm đau tự nhiên của cơ thể. Endorphins có cấu trúc giống như morphine và những loại thuốc giảm đau dạng thuốc phiện khác.

Điều này đã được chứng minh bằng cách, các nhà khoa học đã thử cho naloxone vào bên trong viên giả dược. Naloxone là một chất đối vận làm khóa tác động của endorphins và các chất dạng thuốc phiện. Kết quả là những hiệu quả tác động của hiệu ứng placebo trong viên thuốc giả dược kia đã gần như mất đi.

hiệu ứng placebo

Hiệu ứng placebo sẽ có tác động mạnh hơn đối với người bệnh có động lực và niềm tin vào phác đồ điều trị hoặc người bệnh đã từng được điều trị có hiệu quả trước đây.

Như vậy có thể thấy, hiệu ứng placebo có tác dụng khi ở người bệnh có 2 yếu tố là tính kỳ vọng và tính điều kiện:

• Tính kỳ vọng: Đây là sự mong đợi, hy vọng rằng thuốc thật sự có tác dụng tốt đối với sức khỏe và bệnh tình của họ, kết quả là cơ thể tự đáp ứng điều đó và cho thấy được hiệu quả tích cực từ viên thuốc giả dược.

Tuy nhiên, có một tình trạng có thể xảy ra ngược lại, đó là khi người bệnh không mong đợi thuốc có tác dụng hay lo sợ một tác dụng phụ nào đó, điều này có thể làm phản tác dụng và dẫn đến các triệu chứng không mong muốn khác. Đây được gọi là hiệu ứng nocebo. Nếu như hiệu ứng placebo gia tăng hoạt động của thụ thể dopamineopioid có tác động tích cực đến bệnh lý và sức khỏe, thì hiệu ứng nocebo làm giảm hoạt động của các thụ thể này và gây phản tác dụng.

• Tính điều kiện: Đây là yếu tố giống như là “phản xạ có điều kiện”. Nếu lần trước người bệnh được điều trị trong môi trường y khoa tốt bao gồm bác sĩ, thuốc điều trị tốt giúp khỏi bệnh, thì lần sau người bệnh sẽ có hiệu ứng tác động điều trị nơi đây giúp đỡ bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh nghĩ rằng đang được cho sử dụng “thuốc thật’, thần kinh não bộ sẽ hoạt động bằng cách tạo ra endorphin nội sinh làm giảm các triệu chứng đau và cải thiện bệnh.

Hiệu ứng placebo không có tác dụng điều trị dứt điểm bệnh, mà chỉ có thể cải thiện các triệu chứng hoặc tình trạng sức khỏe ở mức độ cụ thể.

Hiệu ứng placebo có vi phạm tính đạo đức không?

hiệu ứng placebo

Khi áp dụng phương pháp này, có nghĩa là bác sĩ đang “đánh lừa” bệnh nhân, dù cho thuốc có tác dụng tích cực đi chăng nữa. Bên cạnh đó, việc kê đơn thuốc giả dược để xoa dịu triệu chứng bệnh nhân có thể khiến việc chẩn đoán chính xác về một căn bệnh nghiêm trọng có thể bị trì hoãn, làm cho bệnh có thời gian tiến triển nặng hơn. Bác sĩ và dược sĩ cũng có khả năng gian lận trong chi phí thuốc điều trị.

Hiệu ứng placebo nếu được áp dụng đúng tình huống, đúng cách và có tác dụng như mong muốn vẫn được coi là phương pháp điều trị có hiệu quả.

Hiện nay vẫn còn nhiều tranh luận về tính ứng dụng của hiệu ứng này, dù kết quả thực tế mà nó đã mang lại như thế nào chăng nữa. Ví dụ, trong việc điều trị một số bệnh nhân bị bỏng nhẹ, thuốc giảm đau opioid không phải lúc nào cũng có thể được sử dụng vì có thể gây suy hô hấp. Trong trường hợp này, một mũi tiêm nước muối được đưa ra dưới vỏ bọc thuốc giảm đau mạnh là đã có thể làm cải thiện triệu chứng đau của bệnh nhân.

Robert Buckman (Anh), bác sĩ ung thư lâm sàng và Giáo sư y khoa, đã kết luận rằng: “Hiệu ứng placebo là những phương thức điều trị đặc biệt dường như có tác dụng đối với hầu hết mọi triệu chứng mà con người biết đến và hoạt động ở ít nhất 30% số bệnh nhân và đôi khi lên đến 60%. Thuốc giả dược không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng cũng như quá liều. Đây được coi là loại thuốc hiệu quả, an toàn và rẻ tiền nhất trong dược điển của thế giới“.

Hiệu ứng placebo đã được chứng minh qua nhiều thử nghiệm lâm sàng thực tế, đây là coi là phương thức điều trị tích cực về tâm lý thay thế phần nào cho cách điều trị chính thống. Tuy nhiên, bạn cũng cần tỉnh táo khi tự ý mua thuốc vì có thể trì hoãn thời gian chữa trị bệnh mà không hề biết do dùng phải giả dược đấy!

Hoàng Trí HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Placebos: The power of the placebo effect
https://www.medicalnewstoday.com/articles/306437.php
Ngày truy cập 10.05.2019

What Is the Placebo Effect?
https://www.webmd.com/pain-management/what-is-the-placebo-effect#2
Ngày truy cập 10.05.2019

What Is the Nocebo Effect?
https://www.healthline.com/health/nocebo-effect
Ngày truy cập 10.05.2019

Phiên bản hiện tại

22/01/2020

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Hello Bacsi | 7 cách thú vị giúp bạn giảm căng thẳng

Thói quen nói dối cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 22/01/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo