backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu

Cách chữa bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế nào hiệu quả?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Đào Uyên Trang · Tâm thần - Y học gia đình · Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 15/09/2023

    Cách chữa bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế nào hiệu quả?

    Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) không những trực tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống, sức khỏe tinh thần của người bệnh mà còn khiến người thân và bạn bè lo lắng. Vậy cách chữa bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế nào hiệu quả? 

    OCD đôi khi rất khó chẩn đoán vì các triệu chứng có thể giống, hoặc bạn sẽ mắc kèm rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Để biết bản thân mình có thực sự bị OCD hay không, bạn nên đi khám bởi bác sĩ chuyên khoa nhé! Việc chẩn đoán chính xác sẽ giúp bác sĩ có phương án điều trị tốt nhất cho bạn. Vậy bệnh OCD có chữa được không?

    Cách chữa bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế

    Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể không chữa khỏi hoàn toàn nhưng vẫn có cách để kiểm soát triệu chứng, tránh chúng ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của bạn. 

    Thông thường có 2 cách trị bệnh OCD chính là:

    Tâm lý trị liệu với liệu pháp hành vi nhận thức

    Cách chữa bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế bằng liệu pháp hành vi nhận thức được tiến hành như sau:

    • Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về những điều khiến bạn bị ám ảnh hoặc sợ hãi. Sau đó, họ sẽ sắp xếp chúng theo mức độ từ những thứ ít khiến bạn bận tâm nhất cho đến những thứ đáng sợ nhất.
    • Bác sĩ khuyến khích bạn đối mặt với nỗi sợ hãi và những suy nghĩ ám ảnh mà không vô hiệu hóa chúng bằng hành vi cưỡng chế. Chẳng hạn như bạn sợ vi khuẩn trên tay nắm cửa, bạn sẽ được cầm tay nắm cửa và khống chế mình không đi rửa tay. Quy trình sẽ bắt đầu với những tình huống ít gây lo lắng nhất trước, sau đó chuyển sang những vấn đề khó khăn hơn.

    Đối với những người mắc chứng OCD nhẹ thường được điều trị tại nhà, mỗi lần khoảng 10 giờ. Còn nếu tình trạng OCD nặng hơn, bạn có thể cần một đợt điều trị dài hơn.

    Cách chữa bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế bằng tâm lý trị liệu

    Thuốc điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế

    Trường hợp cách chữa bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế bằng liệu pháp tâm lý không hiệu quả hoặc nếu tình trạng khá nghiêm trọng, thuốc sẽ được áp dụng. Cụ thể:

    Loại thuốc chính được kê đơn là loại thuốc chống trầm cảm loại ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI). Thuốc cải thiện các triệu chứng OCD bằng cách tăng nồng độ serotonin trong não. SSRI thường yêu cầu liều hàng ngày cao hơn trong điều trị OCD so với bệnh trầm cảm và có thể mất từ ​​8 đến 12 tuần để thuốc bắt đầu có tác dụng, tuy vậy vẫn có một số bệnh nhân có cải thiện nhanh hơn.

    Hầu hết mọi người cần điều trị trong ít nhất một năm, sau đó có thể dừng thuốc nếu còn ít hoặc không còn triệu chứng. Cũng có một số người phải dùng thuốc trong nhiều năm.

    Việc ngừng thuốc phải tiến hành từ từ dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ, việc ngừng thuốc đột ngột sẽ khiến bạn gặp phải tác dụng phụ. Còn nếu các triệu chứng của bạn quay trở lại, bạn có thể cần tăng lại liều dùng.

    Các tác dụng phụ khi sử dụng cách trị OCD bằng thuốc SSRI có thể bao gồm:

    • Kích động, run rẩy hoặc lo lắng
    • Cảm giác mệt như bị ốm
    • Tiêu chảy hoặc táo bón
    • Chóng mặt
    • Gặp vấn đề về giấc ngủ (mất ngủ)
    • Nhức đầu
    • Giảm ham muốn tình dục 

    Hầu hết các tác dụng phụ sẽ cải thiện sau vài tuần khi cơ thể bạn đã quen với thuốc. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sử dụng SSRI có rủi ro rất nhỏ là khiến bạn có ý định tự tử hoặc muốn làm hại bản thân. Nếu điều này xảy ra, hãy liên hệ với bác sĩ ngay để được hỗ trợ.

    Đối với phụ nữ mang thai

    Cách chữa bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế bằng thuốc SSRIs thường không được khuyên dùng cho phụ nữ trong thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Bởi vì thuốc có thể có rủi ro cho em bé.

    Tuy nhiên, đối với các trường hợp ngoại lệ, bác sĩ vẫn có thể cân nhắc sử dụng nếu rủi ro do bệnh lớn hơn rủi ro tiềm ẩn của thuốc.

    Với OCD tương đối nhẹ thường được khuyến nghị điều trị với một đợt điều trị tâm lý ngắn. Nếu bạn mắc chứng OCD nghiêm trọng hơn, bạn có thể cần điều trị tâm lý và/hoặc kết hợp dùng thuốc trong thời gian lâu hơn. Những phương pháp điều trị này thường rất hiệu quả, tuy nhiên bạn cần kiên nhẫn bởi có thể mất vài tháng để thấy kết quả rõ rệt.

    Cách chữa bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế sao cho hiệu quả

    Các cách chữa bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế khác

    Nếu hai phương pháp kể trên không giúp bạn kiểm soát bệnh thì cần điều trị bằng các phương pháp khác.

    • Điều trị toàn diện tại bệnh viện hoặc tại nhà một cách chuyên sâu hơn. Sẽ có một nhóm chuyên gia giúp bạn làm điều này. Mỗi chương trình thường kéo dài vài tuần.
    • Kích thích não sâu ở người lớn từ 18 tuổi trở lên. Phương pháp này cấy các điện cực vào một số vùng nhất định trong não. Điện cực sẽ tạo ra xung điện để điều chỉnh các đợt phóng điện bất thường của não.
    • Kích thích từ xuyên sọ dành cho người từ 22 đến 68 tuổi. Phương pháp này sử dụng từ trường để kích thích các tế bào thần kinh trong não nhằm cải thiện triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

    Nên làm gì để giúp các cách chữa bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế hiệu quả hơn?

    Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể là một phần trong cuộc sống của bạn, vì chưa chắc đã chữa khỏi hoàn toàn. Khi điều trị, bạn nên:

    • Liên tục thực hành các kỹ thuật mà bạn học được 
    • Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe. Nếu bạn dừng uống thuốc lại mà không có chỉ định của bác sĩ, các triệu chứng OCD có khả năng tái phát
    • Chú ý đến các dấu hiệu bất thường và thông báo ngay với bác sĩ
    • Nếu muốn dùng thêm thuốc không kê đơn, vitamin, thuốc thảo dược hoặc các chất bổ sung khác, nên hỏi bác sĩ điều trị.

    Hy bạn đọc đã có thêm thông tin về cách chữa bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Hãy chia sẻ thêm với gia đình và bạn bè để nhận được sự hỗ trợ mọi lúc, giúp quá trình kiểm soát bệnh được hiệu quả hơn, bạn nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Đào Uyên Trang

    Tâm thần - Y học gia đình · Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh


    Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 15/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo