Bạo lực ngôn từ không chỉ đề cập đến những lời nói ác ý, mỉa mai hay đe dọa mà nó còn là một hành vi gây hấn, gây tổn thương về mặt tinh thần sâu sắc đối với nạn nhân.
Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về khái niệm bạo lực ngôn từ là gì, đồng thời bài viết cũng chỉ ra các nguyên nhân dẫn tới bạo lực ngôn từ và hậu quả mà nó để lại dựa trên các phân tích khoa học.
Bạo lực ngôn từ là gì?
Bạo lực ngôn từ (verbal abuse) là hành vi sử dụng ngôn từ hoặc lời nói quá giới hạn, thể hiện khi nói hoặc viết nhằm đe dọa, xúc phạm, hạ thấp giá trị của người khác. Hành động này vô tình gây tổn hại sâu sắc về mặt tâm lý của người tiếp nhận.
Không chỉ vậy, bạo lực ngôn từ còn gây ra cảm giác thiếu an toàn, mất lòng tin, vùi dập quan điểm và lòng tự trọng của người khác.
Các hình thức của bạo lực ngôn từ
Theo Trang thông tin sức khỏe tinh thần – Psych Central, bạo lực ngôn từ thường được thể hiện qua các hành động cụ thể như sau:
- Đổ lỗi (blaming): Làm cho bạn cảm thấy rằng bạn đã làm điều gì đó không đúng và bạn phải hứng chịu hậu quả.
- Chỉ trích (criticizing): Sử dụng những từ ngữ phán xét, chỉ trích, gay gắt, không mang tính xây dựng và cố ý gây tổn thương.
- Làm nhục (humiliating): Xúc phạm, làm nhục, coi thường và khiến bạn phải xấu hổ ở nơi riêng tư hoặc ở chốn đông người.
- Đe dọa (threatening): Đưa ra những lời nói với mục đích đe dọa, khiến bạn sợ hãi và điều khiển bạn bằng nỗi sợ đó.
- Gaslighting: Làm cho bạn cảm thấy nghi ngờ về nhận thức, khả năng của bản thân; hay còn gọi là thao túng tâm lý.
Nguyên nhân của bạo lực ngôn từ
Nguyên nhân của bạo lực ngôn từ khá phức tạp và khó để xác định ngay tức thời. Tuy nhiên, các chuyên gia đã khoanh vùng một số yếu tố có thể gọi là nguyên nhân tiền đề khiến cho cá nhân sử dụng bạo lực trong các mối quan hệ:
- Các vấn đề tâm lý và cảm xúc: Những người sử dụng bạo lực ngôn từ thường có những vấn đề tâm lý, như cảm giác tự ti, tức giận, lo lắng hoặc căng thẳng không kiểm soát. Họ có thể áp đặt những cảm xúc này lên người khác thông qua lời nói, ngôn từ.
- Môi trường gia đình: Sống trong gia đình thiếu sự yêu thương và hỗ trợ có thể dẫn đến tình trạng cá nhân cảm thấy thiếu hụt, tức giận, thù oán…
- Xã hội và văn hóa: Lớn lên trong một xã hội có văn hóa xem nhẹ các vấn nạn bạo lực, như bạo lực học đường, bạo lực ngôn ngữ
- Khía cạnh cá nhân: Các cá nhân thường xuyên lạm dụng chất như rượu bia, chất kích thích… khả năng cao là dễ bị kích động, có hành vi liều lĩnh và sử dụng bạo lực.
Biểu hiện của bạo lực ngôn từ
Biểu hiện của bạo lực ngôn từ không nhất thiết là phải la hét, quát tháo, tức giận hay hung hăng, mà nó thể ẩn náu bên dưới vỏ bọc của sự quan tâm và chăm sóc hàng ngày. Chưa kể, nó còn có thể được thể hiện qua văn bản, tin nhắn hoặc bất kỳ hình thức trực tuyến nào.
Theo như luận điểm của chuyên gia viết và đăng trên Trang thông tin Sở Y tế và Dịch vụ dân sinh Hoa Kỳ – OASH, một số dấu hiệu có thể cho thấy bạn đang bị bạo lực ngôn từ:
- Buộc tội bạn vô cớ, nhiều lần
- Bác bỏ ý kiến của bạn đến mức bạn tự nghi ngờ bản thân
- Đe dọa sẽ làm hại hoặc sẽ rời bỏ bạn nếu bạn làm họ buồn lòng
- Thốt ra những lời nói làm tổn thương và hạ thấp giá trị của bạn
- Chế nhạo bạn, khiến bạn mất động lực, cho rằng bạn không xứng đáng
- Kiểm soát bạn bằng cách luôn hỏi bạn ở đâu, làm gì, đi với ai. Thậm chí yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân như tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng…
Hậu quả của bạo lực ngôn từ
Hậu quả của bạo lực ngôn từ gây ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống, sức khỏe tinh thần và thể chất của nạn nhân. Giống với các vấn nạn lạm dụng hoặc bắt nạt khác, hậu quả của verbal abuse không chỉ ảnh hưởng đến nạn nhân trong thời gian ngắn mà nó sẽ trượt dài trong một khoảng thời gian rất lâu sau đó.
Những hậu quả do bạo lực lời nói gây ra:
- Trầm cảm
- Căng thẳng mạn tính
- Giảm lòng tự trọng
- Lạm dụng chất kích thích
- Rút lui và trở nên sợ xã hội
- Tăng nguy cơ thúc đẩy muốn tự tử
- Cảm thấy xấu hổ, tội lỗi và tuyệt vọng
- Nguy cơ mắc phải rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).
Cách thoát khỏi bạo lực ngôn từ
Việc nhận diện được các dấu hiệu và chấp nhận rằng bản thân đang mắc kẹt trong hoàn cảnh là bước đầu tiên để bạn thoát khỏi thực trạng. Dưới đây là những điều mà bạn cần làm để có thể thoát khỏi tình huống, theo khuyến nghị của các chuyên gia tâm lý.
Nhận biết các dấu hiệu
Các chuyên gia khuyến khích bạn nên suy nghĩ xem liệu bạn có đang ở trong tình huống của bạo lực hay không.
Bạn có thể đặt ra những câu hỏi và tự cho bản thân câu trả lời:
- Tình hình mối quan hệ hiện tại là như thế nào?
- Tôi có thể ứng phó với tình huống hiện tại như thế nào?
- Những cảm giác và cảm xúc hiện tại của tôi là gì khi ở trong mối quan hệ này?
- Trên thang điểm từ 0 đến 10, tôi đang cảm thấy đau khổ ở mức nào?
- Tôi đang cảm thấy đau ở vị trí nào trên cơ thể?
Sau khi bạn đã có được câu trả lời cho bản thân, dựa vào đó bạn sẽ nắm được tình hình hiện tại đang diễn ra như thế nào. Bên cạnh đó, một trong những kỹ năng cần thiết mà bạn cần có cho bản thân là khả năng hiểu bản thân – Self awareness.
Đặt ra ranh giới
Nếu bạn thật sự nghi ngờ rằng bản thân đang ở cùng một cá nhân bạo hành thì bạn hãy kiên quyết cho họ biết rằng: ‘Anh/Em không được nặng lời, chỉ trích, phán xét hoặc khiến tôi cảm thấy xấu hổ thêm một lần nào nữa, bằng không tôi sẽ…..(việc bạn sẽ làm) nếu Anh/Em tiếp tục đối xử với tôi như vậy’. Bạn có thể sẽ báo với gia đình, người thân hoặc bất kỳ cá nhân nào có thẩm quyền can thiệp.
Hạn chế tiếp xúc
Nếu sự việc vẫn không khá hơn, bạn nên tránh ở gần họ, cả về mặt tiếp xúc gần cũng như các phương cách liên lạc khác. Vì chỉ khi ở xa đối tượng gây hại bạn mới có thời gian suy nghĩ và đánh giá lại mối quan hệ của mình một cách khách quan.
Ngoài ra, bạn cũng nên hỏi xem ý kiến của người thân, bạn bè hoặc những người biết cả hai bạn. Cách này giúp bạn thấy thêm những góc khuất mà bạn không thể nhìn ra.
Kết thúc/ cắt đứt mối quan hệ
Nếu không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tình trạng sẽ được cải thiện thì tốt nhất là bạn nên chấm dứt với người đó. Tuy nhiên, trước khi đi đến quyết định cuối cùng bạn nên tham khảo ý kiến của gia đình, người thân, bạn bè hoặc các chuyên gia tâm lý.
Trong một vài tình huống, cá nhân gây hại sẽ tiếp tục đe dọa bạn nếu bạn cắt đứt liên lạc với họ. Khi đó, bạn nên tìm đến sự hỗ trợ từ gia đình và các cơ quan có thẩm quyền.
Các câu hỏi thường gặp
Nếu bản thân tôi là kẻ bạo lực ngôn từ thì tôi nên làm gì?
Nếu bạn nhận ra ở bản thân có những hành vi, những dấu hiệu của bạo hành bằng lời nói, bằng ngôn từ thì vẫn chưa quá muộn để thay đổi. Việc bạn ý thức về điều đó đã là một bước cần thiết để tình trạng không tiếp tục tiếp diễn.
Nếu bạn có khả năng nhận thức và kiểm soát tốt suy nghĩ và hành động của mình thì bạn hãy lên kế hoạch để thay đổi các thói quen không lành mạnh này. Ngược lại, nếu bạn không đủ sức chống lại các hành vi của bản thân bạn hãy tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.
Tôi nên làm gì ngay khi đang phải đối mặt với bạo lực ngôn từ?
Theo Tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ nạn nhân và chống lại vấn nạn bạo lực lời nói – Domestic Shelters, bạn nên làm những điều sau đây nếu bạn đang phải đối mặt với tình huống verbal abuse:
Những điều bạn nên và không nên làm
- Đừng cố gắng trả đũa hoặc xúc phạm kẻ gây hấn.
- Bản thân bạn có những cảm xúc gì khi đối mặt với tình huống đó, hãy cho họ biết bạn đang cảm thấy như thế nào về mặt cảm xúc.
- Chỉ ra những lời nói, từ ngữ hay thậm chí là các hành động nào của họ khiến bạn bị tổn thương hoặc cảm thấy bị công kích.
- Nếu họ xin lỗi bạn, bạn hãy chấp nhận lời xin lỗi nhưng không phải bằng cách trả lời ‘không sao đâu’, mà là hãy cho họ biết là họ đã làm lỗi với bạn và bạn không muốn điều đó lặp lại.
Kết luận
Tóm lại, bạo lực ngôn từ là hành vi sử dụng ngôn ngữ vượt quá giới hạn, thể hiện khi nói hoặc viết nhằm đe dọa, xúc phạm, hạ thấp giá trị người khác, gây ra những tổn thương tâm lý cho người tiếp nhận.
Hy vọng bài viết đã cung cấp các thông tin cần thiết, đủ để bạn hiểu rõ hơn về vấn nạn này. Nếu bạn nhận thấy đối tác của bạn hoặc bản thân bạn có một vài dấu hiệu tương tự thì bạn hãy dành thời gian để làm rõ các nguyên nhân và điều gì khiến bạn trở nên như vậy; sau đó là tìm cách loại bỏ chúng.
[embed-health-tool-bmi]