Nếu tình trạng buồn bã và suy sụp kéo dài sau khi chia tay, bạn có thể dễ dàng bị trầm cảm. Bạn muốn tiếp tục tiến về phía trước một cách mạnh mẽ để bắt đầu cuộc sống mới? Đừng để trầm cảm tấn công bạn sau khi chia tay nhé!
Nếu biết cách ngăn ngừa trầm cảm sau khi chia tay, bạn có thể đối phó với cảm xúc của bản thân và dễ dàng chấp nhận việc kết thúc một mối quan hệ. Mặt khác, bạn cũng cần có ý thức giúp bản thân vượt qua muộn phiền khi nhận ra mình có những dấu hiệu trầm cảm.
Hãy cùng tìm hiểu những dấu hiệu trầm cảm sau khi chia tay để bạn có thể tìm ra cách vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nếu bạn suy nghĩ một cách tích cực, trầm cảm sẽ không thể tấn công bạn.
Dấu hiệu của trầm cảm sau khi chia tay
Khi chia tay hay đổ vỡ hôn nhân, bạn có thể cho phép bản thân mình trải qua những trạng thái như buồn bã, khóc lóc, tức giận, thất vọng, sợ hãi hay mất ngủ. Nếu là người có suy nghĩ tích cực, tâm trạng của bạn sẽ cải thiện dần theo thời gian.
Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu tiêu cực không cải thiện sau một vài tuần hoặc trở nên tồi tệ hơn thì có thể bạn đã bị trầm cảm nhẹ. Trầm cảm nhẹ nếu không được chữa trị lâu dần sẽ chuyển thành trầm cảm nặng.
Bạn có thể bị trầm cảm khi có ít nhất 5 trong số 9 dấu hiệu dưới đây sau 2 tuần chia tay:
- Buồn
- Vô vọng
- Trống rỗng
- Mất niềm tin
- Cô lập bản thân
- Cảm thấy vô dụng
- Chỉ muốn ở một mình
- Sụt cân hoặc tăng cân
- Giảm khả năng tập trung
- Ngủ quá ít hoặc quá nhiều
- Suy nghĩ về cái chết hoặc có ý định tự tử
- Không có năng lượng và sức sống để làm việc
- Mất hứng thú với các hoạt động bạn từng thích
Trầm cảm sau khi chia tay sẽ càng gia tăng hơn nếu bạn có tiền sử bị trầm cảm hoặc mắc chứng rối loạn tâm lý. Các yếu tố khác cũng có thể làm bạn gia tăng trầm cảm sau khi chia tay là cơ thể thay đổi nội tiết tố, mất việc hoặc mất người thân.
Sau khi xác định được liệu bạn có đang bị trầm cảm hay không, bạn sẽ tìm ra cách ngăn ngừa trầm cảm tấn công sau khi chia tay.
Cách ngăn ngừa trầm cảm sau chia tay
Trầm cảm nếu không được điều trị, bạn có thể tìm đến rượu, bia hoặc ma túy để quên đi cảm xúc hiện tại. Bệnh còn khiến bạn gặp những biến chứng như đau khớp, đau đầu và đau dạ dày. Ngoài ra, tình trạng căng thẳng mãn tính kéo dài cũng làm bạn suy giảm miễn dịch, dễ bị nhiễm trùng và bệnh tật hơn.
Vậy sau khi chia tay thì phải làm gì để bạn vui khỏe hơn? Dưới đây là những cách đừng để trầm cảm tấn công bạn sau khi chia tay.
1. Giải tỏa cảm xúc tự nhiên
Khi chia tay, bạn cứ để bản thân mình khóc và buồn. Lợi ích của việc khóc là có thể giúp bạn giảm đau, cải thiện tâm trạng, vượt qua nỗi buồn và hỗ trợ giấc ngủ.
Đàn ông khóc sau khi chia tay cũng là vấn đề bình thường. Nếu ngại, bạn có thể đến một chỗ vắng người và hét lớn cũng sẽ làm nguôi ngoai cơn giận của bạn.
Với phụ nữ, bạn có thể nghe nhạc hoặc xem những bộ phim có nội dung giống với mình để tìm sự đồng cảm từ nhân vật trong phim ảnh hoặc trong âm nhạc. Nếu bạn vẫn cảm thấy buồn chán thì bạn nên xem những bộ phim hài như Mr.Bean, Minion…
Bạn không nên ép bản thân mình phải cố quên người cũ vì càng cố quên sẽ càng khiến bạn nhớ và đau buồn thêm. Hãy cứ giải tỏa cảm xúc một cách tự nhiên, bạn sẽ thấy lòng nhẹ nhàng hơn.
2. Tâm sự với người thân
Tâm sự với người thân là cách giúp bạn đưa ra được những hướng giải quyết vấn đề của bản thân. Lợi ích của việc tâm sự với người thân là cũng giúp bạn cởi bỏ được những tâm sự trong lòng và giải tỏa được cảm xúc tiêu cực sau khi chia tay.
Bạn nên chọn những người thân mà bạn tin tưởng là đủ hiểu bạn để tâm sự. Bạn không nên tiếp tục chia sẻ cảm xúc của bản thân với những người không đủ thấu hiểu và đồng cảm với bạn khiến bạn bị tổn thương thêm.
3. Tập thể dục thường xuyên
Hoạt động thể chất có thể giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch và năng lượng. Thói quen tập thể dục cũng giúp cơ thể bạn tăng khả năng sản xuất “hormone hạnh phúc” endorphin và giúp bạn cải thiện tâm trạng.
Khi cơ thể mệt mỏi và bạn không muốn vận động nhiều, bạn có thể lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng như yoga, hít thở sâu, thiền, đi dạo hoặc bơi lội.
Bạn hãy dành ra 1 tuần 3 lần để tập thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi lần để ngăn ngừa trầm cảm tấn công.
4. Thử thay đổi ngoại hình
Nếu chỉ giữ những kiểu tóc cũ hay mặc những bộ quần áo quen thuộc hàng ngày sẽ khiến tâm trạng của bạn ngày càng chán nản hơn. Việc làm mới bản thân sẽ giúp tinh thần bạn phấn chấn và lạc quan hơn.
Phụ nữ có thể tạo kiểu tóc mới, trang điểm hoặc mua sắm những bộ quần áo tôn lên vóc dáng của mình. Đàn ông có thể chỉ đơn giản là cắt tóc, cạo râu hoặc dùng nước hoa.
5. Cải thiện chất lượng giấc ngủ
Tầm quan trọng của giấc ngủ là giúp bạn cải thiện sức khỏe tinh thần và đối phó với cảm xúc sau khi chia tay. Vì vậy, bạn nên ngủ đủ giấc và ngủ đúng giờ thậm chí bạn cũng có thể ngủ nhiều hơn để bảo vệ sức khỏe tinh thần.
Theo Webmd, bạn nên tránh thức khuya vì điều này sẽ làm bạn thường xuyên phải đối mặt với những cơn nhức đầu triền miên. Tình trạng thiếu ngủ còn khiến tinh thần sa sút và làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh khác như tiểu đường, béo phì…
6. Giao tiếp với mọi người
Sau khi chia tay, bạn nên giao tiếp với mọi người để hòa nhập lại với cuộc sống, quên đi những chuyện không vui và kiểm soát tâm trạng ổn định hơn.
Bạn có thể rủ người thân đi du lịch đến một vùng quê và học hỏi những văn hóa mới của họ. Bạn cũng có thể tham gia những hoạt động ở chùa, nhà thờ để gặp gỡ nhiều người.
7. Duy trì công việc hiện tại
Bạn hãy tiếp tục học tập và duy trì công việc để không có những thời gian rảnh rỗi khiến bạn suy nghĩ nhiều và dễ dàng rơi vào cảm giác buồn chán hay tuyệt vọng.
8. Dành thời gian thư giãn
Dành thời gian thư giãn cũng là cách giúp bạn cho bản thân nghỉ ngơi. Bạn có thể tắm nước nóng, xông hơi, đi spa massage toàn thân hoặc châm cứu.
9. Tìm đến bác sĩ tâm lý
Nếu các triệu chứng trầm cảm không thuyên giảm khi đã thử nhiều cách điều trị tại nhà, bạn hãy đến gặp bác sĩ tâm lý để điều trị bệnh.
Dựa trên các triệu chứng của bạn, bác sĩ có thể kê cho bạn những toa thuốc chống trầm cảm dưới đây:
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng như imipramine (Tofranil) và nortriptyline (Pam Bachelor)
- Các chất ức chế monoamin oxydase như tranylcypromine (Parnate) và phenelzine (Nardil)
- Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc như fluoxetine (Prozac) và paroxetine (Paxil)
- Các chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine như duloxetine (Cymbalta) và venlafaxine (Effexor XR)
Bạn nên hiểu rõ những tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm trước khi uống thuốc. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn thấy mình có dấu hiệu thèm ăn, mất ngủ, tăng cân và giảm ham muốn tình dục.
Những cách ngăn ngừa trầm cảm sau khi chia tay sẽ giúp bạn chấp nhận dừng lại mối quan hệ của mình nhưng vẫn tránh được những cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, bạn không nên vội vàng yêu người mới chỉ vì quá cô đơn mà làm khổ cả hai. Hãy trân trọng cảm xúc của bản thân và đừng để trầm cảm tấn công bạn sau khi chia tay nhé!
Hoa Vũ HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]