backup og meta

Dấu hiệu cho thấy bạn bị rối loạn lo âu

Dấu hiệu cho thấy bạn bị rối loạn lo âu

Hầu như ai cũng có nỗi lo lắng của riêng mình. Lo thiếu thời gian, lo khi nói trước công chúng, hoặc lo lắng khi gặp khó khăn về tài chính… Tuy nhiên, khi sự lo lắng trở nên thường xuyên hoặc quá mạnh mẽ đến nỗi nó bắt đầu xâm chiếm cuộc sống của bạn, chắc hẳn bạn đã bị hội chứng rối loạn lo âu.

Lo lắng xuất hiện dưới nhiều hình thức như hoảng loạn, ám ảnh và trầm cảm. Việc phân biệt giữa lo lắng bình bình thường và rối loạn lo âu là rất khó.

Hello Bacsi sẽ cho bạn biết một số triệu chứng khởi đầu của rối loạn lo âu. Nếu bạn thấy nó xuất hiện quá thường xuyên trong cuộc sống của mình, hãy tìm đến bác sĩ.

Lo lắng quá mức

Đây là dấu hiệu đầu tiên và nổi bật nhất của chứng rối loạn lo âu. Bạn sẽ thường lo lắng quá nhiều thứ bất kể là việc lớn, việc nhỏ. Chúng thường kéo dài dai dẳng mỗi ngày trong sáu tháng.

Sự lo lắng quá mức có thể cản trở cuộc sống hàng ngày và kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi.

Sự khác biệt giữa rối loạn lo âu đối với lo lắng bình thường là cảm xúc của bạn sẽ gây ra nhiều đau khổ và mệt mỏi hơn.

Suy nghĩ quá nhiều

Nếu không thể dừng suy nghĩ về công việc, tài chính và các vấn đề khác trong một khoảng thời gian dài, điều này chứng tỏ bạn đang để cho căng thẳng kiểm soát cuộc sống của mình. Căng thẳng lấn át sẽ khiến bạn mắc phải những vấn đề về tâm lý và gây tổn hại tới cơ thể.

Các vấn đề về giấc ngủ

dấu hiệu rối loạn lo âu

Khó ngủ không liên quan gì đến các tình trạng về sức khỏe, thể chất, tâm lý của một người. Nhưng nếu bạn thường xuyên mất ngủ và cảm thấy lo lắng vào mỗi đêm, đó có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn lo âu. Ngoài ra, khi bị rối loạn lo âu, bạn cũng sẽ cảm thấy hoảng loạn và mất bình tĩnh hơn vào mỗi buổi sáng thức dậy.

Sợ hãi

Ai trong chúng ta cũng sợ một thứ gì đó, chẳng hạn như sợ côn trùng, sợ độ cao, sợ đám đông… Tuy nhiên, nếu nỗi sợ trở nên quá lớn và gây ám ảnh bạn, đó có thể là dấu hiệu của hội chứng ám ảnh sợ hãi hay rối loạn lo âu.

Một khó khăn đối với triệu chứng này là rất khó phát hiện. Thông thường, con người phải đối mặt với nỗi sợ hãi của mình thì mới nhận ra bản thân đang sợ điều gì.

Căng cơ

Căng cơ liên tục trên khắp cơ thể thường đi kèm với rối loạn lo âu. Triệu chứng này rất dai dẳng, đến nỗi những người sống với nó trong một thời gian dài có thể ngừng nhận thấy nó sau một thời gian.

Tập thể dục thường xuyên giúp kiểm soát căng cơ, nhưng cũng có thể làm bùng phát bệnh nếu chấn thương hoặc việc gì đó không lường trước được phá vỡ thói quen tập luyện của người tập. Hậu quả của việc đó không chỉ là căng cơ mà còn bồn chồn, lo lắng và cáu kỉnh.

Bệnh về đường tiêu hóa

Lo lắng có thể bắt đầu trong tâm trí, nhưng triệu chứng của nó lại thường tác động đến hệ tiêu hóa. Hội chứng ruột kích thích (IBS), đau dạ dày, đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy là những vấn đề về đường tiêu hóa có thể do rối loạn lo âu gây ra.

Bệnh về đường tiêu hóa không phải lúc nào cũng liên quan đến sự lo lắng, nhưng cả hai thường xảy ra cùng nhau và làm cho nhau tồi tệ hơn.

Ruột rất nhạy cảm với căng thẳng tâm lý, và ngược lại, sự khó chịu của các vấn đề tiêu hóa có thể khiến một người cảm thấy lo lắng hơn.

Sợ đứng trước đám đông

dấu hiệu rối loạn lo âu

Nhiều người phải đứng trước đám đông khi biểu diễn, thuyết trình hay chủ trì một cuộc họp. Việc lo lắng do nhận được nhiều sự chú ý là rất bình thường. Nhưng nếu nỗi sợ hãi quá lớn đến nỗi không có sự huấn luyện hay luyện tập nào giảm bớt được nó, bạn có thể bị một dạng rối loạn lo âu xã hội (còn gọi là ám ảnh sợ xã hội).

Những người mắc chứng lo âu xã hội có xu hướng lo lắng trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, dẫn đến không thể đứng trước đám đông. Hoặc nếu họ xoay sở để vượt qua được thì sau đó thường có xu hướng khó chịu và tự dằn vặt bản thân trong một thời gian dài mỗi khi suy nghĩ về thời điểm đó.

Ngại giao tiếp

Rối loạn lo âu xã hội không phải lúc nào cũng liên quan đến việc nói chuyện trước đám đông hoặc là trung tâm của sự chú ý. Sự lo lắng thậm chí có thể xuất hiện hàng ngày trong các cuộc nói chuyện bình thường hoặc ăn, uống trước mặt một số ít người.

Trong các tình huống này, những người mắc chứng rối loạn lo âu sẽ có xu hướng cảm thấy như mọi con mắt đang nhìn họ và thường cảm thấy đỏ mặt, run rẩy, buồn nôn, toát mồ hôi hoặc khó nói chuyện. Những triệu chứng này gây khó khăn cho việc gặp gỡ người mới, duy trì mối quan hệ và thăng tiến trong công việc của bạn.

Hoảng loạn

Các cơn hoảng loạn rất đáng sợ. Khi bạn hoảng loạn, cảm giác sợ hãi và bất lực sẽ đột ngột đến và kéo dài trong vài phút, kèm theo là các triệu chứng như khó thở, tim đập mạnh hoặc đau nhói, đổ mồ hôi tay, tê liệt, chóng mặt, đau ngực, đau dạ dày, cảm thấy nóng hoặc lạnh.

Không phải tất cả những người bị cơn hoảng loạn đều mắc chứng rối loạn lo âu, nhưng nếu gặp chúng thường xuyên, có lẽ bạn đã mắc chứng rối loạn hoảng sợ. Những người mắc chứng rối loạn hoảng sợ thường sống trong sợ hãi và lo lắng về cơn hoảng loạn tiếp theo sẽ xảy ra.

Hồi tưởng

Thường xuyên hồi tưởng về những sự kiện đau buồn như bị tai nạn hay người thân đã mất là một dấu hiệu của chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).

Một số người mắc chứng lo âu cũng có những hồi tưởng giống như PTSD. Chẳng hạn như hồi tưởng lại những lần bị chế giễu, châm chọc, bị la mắng, trách móc hay nói xấu.

Cầu toàn

Người bị ám ảnh và có xu hướng tôn thờ “chủ nghĩa hoàn hảo” thường đi đôi với rối loạn lo âu. Bạn sẽ liên tục phán xét bản thân hoặc luôn lo lắng, dự đoán những sai lầm do mình gây ra.

Cầu toàn đặc biệt phổ biến trong rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). OCD cũng được xem là một dạng rối loạn lo âu. Khi bị OCD, người bệnh thường tự ép bản thân đạt đến sự hoàn hảo nhất. Ví dụ, bạn sẽ không ra khỏi nhà nếu gương mặt chưa được trang điểm thật đẹp, hoặc khi gặp phải một lỗi nhỏ, bạn sẽ xóa hết và bắt đầu lại từ đầu.

Nghi ngờ bản thân

Luôn nghi ngờ bản thân là một trong những đặc điểm phổ biến của chứng rối loạn lo âu. Bạn thường xoay quanh một số câu hỏi như: “Tôi có làm được hay không?”, “Nếu tôi là gay thì sao?”, “Tôi có yêu chồng nhiều như anh ấy yêu tôi không?’… Người bệnh không chắc chắn câu trả lời và sẽ biến nó thành nỗi ám ảnh.

Mất kiên nhẫn

Một trong những triệu chứng đầu tiên của rối loạn lo âu là không thể kiên nhẫn hay tha thứ cho người khác. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp sẽ phải gánh chịu cơn thịnh nộ của bạn. Tuy nhiên, sau cùng thì chính bạn mới là người bị cảm xúc của mình giày vò nhiều nhất.

Cân nặng giảm sút

Sự thay đổi trong khẩu vị ăn uống chính là tín hiệu cho thấy con người bạn, cả thể xác, tinh thần và cảm xúc đang thay đổi. Khi rơi vào trạng thái căng thẳng, nó sẽ khiến quá trình trao đổi chất trong cơ thể bị chậm lại và một số người bắt đầu tăng cân rất nhanh. Trong khi đó, nhiều người khác lại giảm cân đáng kể nếu quá lo lắng.

Đứng ngồi không yên

Không thể ngồi yên một chỗ là dấu hiệu rõ ràng của việc bạn đang bị căng thẳng, rối loạn lo âu. Bạn nói nhiều, liên tục vò đầu bứt tai, xoa tay, đi đi lại lại hay đầu óc rối bời bởi rất nhiều suy nghĩ…

Thi thoảng, tâm trí là kẻ thù đáng sợ nhất. Bởi lẽ, khi mang tâm trạng lo lắng và bản thân không thể tự thư giãn bằng việc đọc một cuốn sách, đi dạo hay nghe nhạc thì chứng tỏ rằng, nỗi sợ và lo âu đang bao trùm toàn bộ tâm trí bạn.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

12 Signs You May Have an Anxiety Disorder

https://www.health.com/health/gallery/0,,20646990,00.html

Ngày truy cập: 23/04/2019

Effects of Anxiety on the Body

https://www.healthline.com/health/anxiety/effects-on-body#1

Ngày truy cập: 23/04/2019

Anxiety Disorder

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/anxiety/symptoms-causes/syc-20350961

Ngày truy cập: 23/04/2019

Phiên bản hiện tại

15/11/2019

Tác giả: Cẩm Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Hello Bacsi | 7 cách thú vị giúp bạn giảm căng thẳng

Các phương pháp điều trị rối loạn lo âu không cần dùng thuốc


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 15/11/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo