Những tác nhân gây lo âu đôi khi không quá lớn lao mà chỉ là những yếu tố rất nhỏ như thời tiết quá nóng, môi trường xung quanh bừa bộn, chế độ ăn uống không phù hợp…
Tâm trạng lo lắng đôi khi không đến từ áp lực thi cử hay các biến cố cuộc sống mà là từ những yếu tố nho nhỏ xung quanh bạn. Nếu thay đổi được những tác nhân gây lo âu này, bạn sẽ có thể cải thiện tâm trạng một cách tự nhiên mà hiệu quả. Vậy những yếu tố ảnh hưởng tới tâm trạng này là gì?
1. Bạn uống quá nhiều cà phê
Cà phê tuy giúp bạn tỉnh táo nhưng lượng caffeine có thể gây ra một số tác động tiêu cực lên tâm lý như lo lắng, bồn chồn cũng như dẫn đến phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” (fight or flight). Theo một nghiên cứu từ Tạp chí Tâm thần học Anh, thói quen uống quá nhiều cà phê latte và espresso có thể gây ra các triệu chứng rất giống với chứng rối loạn lo âu.
2. Bạn cập nhập tin tức quá nhiều
Những tin tức hằng ngày trên tivi hay báo đài thường về những chuyện tiêu cực nên có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng. Thế nhưng, bạn không cần ngừng cập nhập tin tức hoàn toàn mà chỉ cần hạn chế đọc tin chỉ một lần mỗi ngày.
Bênh cạnh đó, mạng xã hội cũng là yếu tố gây căng thẳng bạn cần hạn chế. Facebook và Instagram có thể rất thú vị nhưng việc dành quá nhiều thời gian trên những mạng xã hội này có thể khiến bạn bị lo âu. Một nghiên cứu cho thấy phần lớn người dùng các phương tiện truyền thông thường so sánh bản thân với người khác, bị căng thẳng khi không thể kết nối với mạng xã hội và cảm thấy khó ngủ sau khi lướt mạng xã hội.
3. Bạn uống nhiều rượu bia
Đồ uống có cồn không chỉ khiến bạn bị đau đầu và buồn nôn mà cũng ảnh hưởng tới tâm trạng. Theo nghiên cứu của Trường Y của Đại học Bắc Carolina, việc dùng quá nhiều loại đồ uống này có thể là một trong những tác nhân gây lo âu chính. Rượu bia cũng có thể làm ảnh hưởng tới giấc ngủ và điều này có thể khiến mức độ căng thẳng tăng cao.
4. Bạn đang dùng thuốc
Đôi khi tình trạng lo âu có thể do những loại thuốc không kê toa bạn đang dùng để cải thiện một bệnh lý nào đó. Những thuốc có thể gây ra tình trạng lo âu là acetaminophen, doxylamine succinate và dextromethorphan. Nếu đang dùng thuốc và thường xuyên bị căng thẳng, bạn hãy kiểm tra lại loại thuốc mình đang dùng.
5. Bạn không uống đủ nước
Việc không uống đủ nước không những khiến miệng khô mà cũng ảnh hưởng tới tâm trạng. Tình trạng thiếu nước cũng có thể khiến bệnh trầm cảm và các vấn đề về sức khỏe tâm lý khác nặng thêm. Vậy nên, bạn cẩn bổ sung nước trong bữa ăn và cả ngày dài nếu muốn tránh các cảm xúc tiêu cực.
6. Bạn ăn uống không điều độ
Khi đang bị căng thẳng và lo lắng, bạn thường không muốn ăn. Tuy nhiên, việc bỏ bữa lại khiến đường huyết giảm và khiến cảm giác lo lắng kéo dài không dứt. Để cải thiện được tình hình này, bạn cần chú ý ăn đủ bữa và dành thời gian thưởng thức bữa ăn chậm rãi. Khi bạn ăn mà không nhai kỹ và thư giãn đúng cách, hệ tiêu hóa khó hoạt động bình thường. Cảm giác khó tiêu có thể khiến bạn lo lắng.
Ngoài việc ăn đủ bữa, bạn cũng cần bổ sung đủ chất dinh dưỡng. Việc không bổ sung đủ tất cả các chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin B, có thể ảnh hưởng tới tâm trạng và khiến bạn lo lắng mà không có lý do rõ ràng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn thiếu thịt bò, thịt lợn, thịt gà, rau xanh, trái cây, các loại hạt và trứng có thể dẫn đến trầm cảm. Những ai đột ngột loại bỏ những thực phẩm kể trên ra khỏi chế độ ăn uống cũng có thể cảm thấy lo lắng và khó chịu.
7. Môi trường xung quanh quá nóng
Nhiệt độ môi trường quá cao có thể khiến bạn khó chịu, khát nước, mất năng lượng và mất khả năng tập trung. Không những vậy, không khí quá ngột ngạt cũng có thể làm tăng nhịp thở và nhịp tim tương tự như khi bạn gặp một cơn hoảng loạn. Cơ thể khi cảm nhận được những triệu chứng sinh lý này có thể bắt đầu cảm thấy lo lắng và trải qua sự hoảng loạn thực sự.
8. Bạn không tập thể dục
Việc thỉnh thoảng bỏ một vài buổi tập không nghiêm trọng nhưng nếu bạn thường xuyên không tập đúng lịch, tâm trạng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Hoạt động thể chất giúp bạn tránh các triệu chứng trầm cảm và lo lắng. Hơn nữa, endorphin não bạn giải phóng khi bạn tập thể dục sẽ giúp loại bỏ các dấu hiệu rối loạn lo âu. Vậy nên, bạn hãy cố gắng duy trì thói quen tập luyện đều đặn.
9. Bạn ôm đồm quá nhiều việc
Lịch trình quá bận rộn có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng quá mức và khiến bạn dễ bị lo âu hơn. Để tâm trạng được thoải mái, bạn cần sắp xếp lịch trình một ngày hợp lý hơn. Khi gặp áp lực công việc, bạn không nên quá ráng sức mà hãy tìm sự trợ giúp của mọi người xung quanh để không rơi vào trạng thái lo âu.
10. Bạn ở một mình quá nhiều
Việc dành thời gian cho riêng mình là cần thiết nhưng bạn cũng cần ở bên bạn bè và người thân. Cảm giác lo âu sẽ tăng dần khi bạn ở một mình. Vậy nên, bạn hãy lên kế hoạch vui chơi cùng bạn bè để giải tỏa tâm trạng.
Bên cạnh việc đi chơi với bạn bè ở thành phố mình sống, bạn cũng có thể cùng mọi người thăm thú thiên nhiên. Một loạt các thí nghiệm từ Đại học Rochester cho thấy việc dành thời gian tiếp xúc với tự nhiên có thể tăng năng lượng thể chất và tinh thần lên gần 40%. Khi ra ngoài trời, ánh sáng tự nhiên cũng cung cấp cho bạn vitamin D có thể giúp chống trầm cảm. Nếu không có điều kiện đi xa, bạn có thể trang trí thêm cây xanh hoặc treo tranh ảnh thiên nhiên trong nhà.
11. Bạn không ngủ đủ giấc
Tâm trạng căng thẳng và lo lắng có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ. Thế nhưng, tình trạng thiếu ngủ cũng có thể gây lo lắng. Ngoài ra, chứng mất ngủ mãn tính còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Đây là vòng tuần hoàn bạn cần thoát ra nếu muốn cải thiện tâm trạng cũng như chất lượng cuộc sống. Để ngủ ngon và bớt cảm giác lo âu, bạn có thể áp dụng một số cách giúp làm dịu não bộ như đọc sách, thiền hoặc sắp xếp công việc cho ngày mai.
12. Bạn sống ở thành phố
Thành phố lớn đầy tiếng ồn và đám đông có thể khiến bạn căng thẳng. Ngay cả khi bạn không bận tâm tới những tác nhân trên, chất lượng không khí ở thành phố cũng góp phần làm tăng cảm giác khó chịu. Trong một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y học Anh, các nhà nghiên cứu đã xem xét hơn 71.000 phụ nữ và thấy rằng những người sống cách đường chính 50 – 200m dễ bị lo âu hơn so với những người sống xa đường hơn 200m.
Nếu đang sống làm làm việc tại các thành phố lớn, bạn có thể cải thiện chất lượng không khí phần nào bằng cách trang bị máy lọc không khí ở nhà và đeo khẩu trang phòng độc khi ra đường.
13. Không gian sống lộn xộn
Ngôi nhà bừa bộn có thể là tác nhân gây lo âu bạn không ngờ tới. Tình trạng lộn xộn có thể khiến bạn kiệt sức, khó tập trung và không thể thư giãn. Những điều này khiến cảm giác lo âu tăng lên. Vậy nên, bạn có thể dành thời gian dọn dẹp nhà cửa để tránh cảm giác căng thẳng không cần thiết.
Các tác nhân gây lo âu đôi khi không to lớn mà chỉ là những yếu tố nho nhỏ xung quanh như thời tiết quá nóng, môi trường sống không gọn gàng hay giấc ngủ không ngon. Bạn chỉ cần cải thiện những yếu tố này là đã có thể cải thiện tâm trạng hằng ngày của mình rất nhiều rồi đấy.
Như Vũ HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]