Khạc đờm có máu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số trường hợp không xác định được nguyên nhân, một số khác có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm. Vì thế, cần phát hiện và tìm ra nguyên nhân để có cách xử lý phù hợp.
Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân tại sao bạn bị khạc đờm ra máu và cách để xử trí nhé!
Khạc đờm có máu là gì?
Khạc đờm là phản xạ của cơ thể nhằm tống xuất các chất nhầy dư thừa trong đường hô hấp ra ngoài. Khạc đờm có máu là khi bạn có thể ho ra:
- Một vệt máu nhỏ.
- Đờm sủi bọt có màu hồng hoặc đỏ hay màu rỉ sét.
Khạc đờm ra máu khác với nôn ra máu. Đờm là chất nhầy có lẫn không khí và máu nên sủi bọt và có màu hồng đỏ, được tống xuất ra từ đường hô hấp. Trong khi đó, nôn ra máu chỉ là tình trạng nôn ra máu từ đường tiêu hóa.
Tại sao khạc đờm có máu?
Khạc đờm ra máu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, có đến ⅕ trường hợp người khạc đờm có máu không xác định rõ nguyên nhân.
Dưới đây là một số bệnh lý thường xuyên có triệu chứng khạc đàm ra máu:
- Viêm phổi
- Viêm phế quản
- Bệnh lao
Một số nguyên nhân khác làm đờm có máu ít phổ biến hơn bao gồm:
- Giãn phế quản
- Thuyên tắc phổi (tắc nghẽn động mạch trong của phổi do cục máu đông)
- Phù phổi (tích trữ chất lỏng trong phổi)
- Ung thư phổi
- Ung thư phế quản
- Hít phải vật thể lạ vào đường thở – thường gặp ở trẻ em
- Dùng thuốc chống đông máu chắng hạn warfarin hay các loại chống đông đường uống khác.
Khi bị ho có đờm kèm theo máu, bạn cần làm gì?
Khi có dấu hiệu xuất hiện máu trong đờm, tốt nhất là bạn nên đi khám bác sĩ ngay. Đặc biệt, khi có các triệu chứng sau:
- Ho ra nhiều máu (nhiều hơn một muỗng cà phê máu)
- Đau ngực, sốt, chóng mặt, choáng váng hoặc khó thở
- Chán ăn hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân
- Có máu trong phân hoặc nước tiểu.
Gọi cấp cứu ngay khi bệnh nhân ho ra một lượng máu lớn hoặc máu không ngừng chảy ra từ đường hô hấp.
Cách chẩn đoán và điều trị tình trạng khạc đờm có máu hiện nay
Trong tình trạng khẩn cấp khi nhập viện, bác sĩ có thể thực hiện ngay các biện pháp cầm máu cho bệnh nhân. Cho đến khi cầm được máu, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và hỏi về tiền sử bệnh của bệnh nhân để tìm ra nguyên nhân khạc đờm ra máu.
Ngoài ra, một số xét nghiệm sau đây cũng được chỉ định để hỗ trợ xác định nguyên nhân ho ra máu ở bệnh nhân, chẳng hạn như:
- Nội soi phế quản để quan sát phổi và đường thở
- Chụp X-quang hoặc chụp CT ngực
- Xét nghiệm công thức máu toàn bộ và CBC (tế bào máu và tiểu cầu)
- Sinh thiết phổi
- Chụp mạch máu (chủ yếu là các mạch máu chảy qua phổi)
- Các xét nghiệm như đông máu theo thời gian prothrombin (PT) hoặc thời gian thromboplastin một phần (PTT)
- Cấy đờm và phết tế bào
Sau khi xác định được nguyên nhân khạc đờm có máu ở bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị thích hợp, như kê đơn kháng sinh nếu nguyên nhân là nhiễm khuẩn hoặc phẫu thuật điều trị thích hợp nếu có khối u và cục máu đông,…
Trên đây là các thông tin về bệnh lý có thể gây ra tình trạng khạc đờm có máu và cách để bạn xử lý nếu gặp phải trường hợp này. Hy vọng chúng là những thông tin bổ ích cho bạn nhé!
[embed-health-tool-bmi]