backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Các loại thuốc trị bệnh lupus ban đỏ bạn cần biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 23/12/2019

    Các loại thuốc trị bệnh lupus ban đỏ bạn cần biết

    Lupus ban đỏ là bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao. Tuy nhiên, do sự phát triển của nền y học hiện đại, thuốc trị lupus ban đỏ sẽ giúp giảm rủi ro lâu dài và kiểm soát các triệu chứng của bệnh, ngăn cho cái chết tìm đến với bệnh nhân.

    Lupus ban đỏ là bệnh do hệ miễn dịch gây ra, không có cách điều trị dứt điểm. Việc điều trị chủ yếu chỉ làm giảm hoặc khắc phục các triệu chứng để ngăn ngừa biến chứng cũng như các đợt bùng phát xuất hiện.

    Thuốc trị lupus ban đỏ

    Bệnh lupus ban đỏ chủ yếu được điều trị bằng thuốc. Các loại thuốc được sử dụng bao gồm NSAIDs, corticosteroid, thuốc ức chế hệ miễn dịch, thuốc chống sốt rét và thuốc chống đông máu.

    Thuốc trị lupus hoạt động theo những cách khác nhau nhưng điểm chung của chúng là đều làm giảm sưng, viêm trong cơ thể. Các thuốc này có thể sử dụng độc lập hoặc dùng chung với nhau để phối hợp điều trị cho bệnh nhân.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: Lupus ban đỏ là gì, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

    NSAIDs

    NSAIDs, hay còn gọi là thuốc chống viêm không steroid, là loại thuốc phổ biến nhất để điều trị bệnh lupus ban đỏ, đặc biệt là đối với các triệu chứng sốt, viêm khớp, viêm màng phổi do bệnh gây ra. Đối với người bị lupus rất nhẹ, chỉ cần dùng NSAIDs là đủ để kiểm soát các triệu chứng bệnh.

    Tác dụng phụ của NSAIDs đôi khi bị nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh lupus. Các tác dụng phụ này sẽ hết khi ngừng thuốc.

    Tuy nhiên, bạn phải luôn thận trọng khi uống NSAIDs, vì liều lượng quá nhiều sẽ làm giảm lưu lượng máu đến thận và gây cản trở khả năng loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể.

    Những loại thuốc phổ biến trong nhóm này bao gồm aspirin, ibuprofen, naproxen hoặc indomethacin.

    Thuốc chống sốt rét

    Ngoài tác dụng điều trị sốt rét, một số thuốc chống sốt rét cũng có tác dụng tốt trong các trường hợp lupus nhẹ đến trung bình. Chúng giúp giảm bớt các triệu chứng như sưng khớp và phát ban da.

    Chúng cải thiện bệnh lupus bằng cách giảm sản xuất các kháng thể tự miễn, chống lại tác hại của tia cực tím từ mặt trời.

    Tác dụng phụ của thuốc chống sốt rét rất hiếm và nhẹ, bao gồm khó chịu dạ dày và thay đổi sắc tố da. Những tác dụng không mong muốn này thường biến mất sau khi cơ thể đã thích nghi hơn với thuốc.

    Ở liều cao và kéo dài, thuốc chống sốt rét sẽ làm hỏng võng mạc (nhiễm độc võng mạc) gây ra các vấn đề về thị lực. Để phòng ngừa, những người được điều trị lupus bằng thuốc chống sốt rét nên kiểm tra mắt trước hoặc ngay khi bắt đầu sử dụng thuốc.

    Hai loại thuốc chống sốt rét thường được kê đơn cho bệnh lupus ban đỏ là hydroxychloroquine và chloroquine.

    thuốc trị lupus ban đỏ

    Benlysta

    Benlysta đã được FDA phê duyệt và đưa vào sử dụng điều trị lupus ban đỏ vào năm 2011. Điều trị bằng benlysta cần phối hợp với các thuốc điều trị lupus khác chứ không dùng một mình. Benlysta, hay còn gọi với tên khác là belimumab, là một kháng thể đơn dòng có khả năng nhận biết và ngăn chặn một số loại protein trong hệ thống miễn dịch. Các protein này góp phần vào sự tấn công các tế bào của chính cơ thể. Tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc này là buồn nôn, tiêu chảy và sốt.

    Corticosteroid

    Corticosteroid là thuốc được thiết kế để hoạt động giống như một hormone, cụ thể là hormone cortisol – loại hormone chống viêm mạnh nhất trong cơ thể. Nó giúp điều hòa huyết áp và hệ thống miễn dịch.

    Thuốc corticosteroid có nhiều dạng như dạng thuốc viên dùng đường uống, dạng kem hoặc gel bôi trực tiếp lên vùng da phát ban. Corticosteroid đôi khi cũng được sử dụng ở dạng lỏng để tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm trực tiếp vào khớp và các vùng da bị tổn thương do bệnh.

    Do thuốc corticosteroid có tác dụng giữ nước và natri trong cơ thể nên sẽ gây ra các tác dụng phụ như phù, rối loạn chuyển hóa lipid, làm đọng mỡ lại ở trên mặt, cổ và lưng. Người dùng thuốc lâu ngày sẽ béo phì, mặt tròn, nhưng thật ra cơ thể lại bị teo cơ (hội chứng Cushing).

    Corticosteroid còn có các tác dụng phụ nguy hiểm khác như: loãng xương, tăng huyết áp, gây huyết khối làm nghẽn mạch, loét dạ dày, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến nhiễm trùng.

    Vì vậy, bác sĩ điều trị thường kê corticosteroid ở liều thấp nhất mà vẫn mang lại hiệu quả cho người bệnh. Một khi các triệu chứng của bệnh lupus đã đáp ứng với điều trị, liều corticosteroid sẽ giảm dần từ từ.

    Thuốc ức chế miễn dịch

    Thuốc ức chế miễn dịch dùng để kiểm soát tình trạng viêm và sự hoạt động quá mức của hệ miễn dịch. Chúng được dùng khi các thuốc corticosteroid không có tác dụng hoặc người bệnh không thể dung nạp corticosteroid liều cao.

    Nếu bạn đang được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi tình trạng sức khỏe cẩn thận, vì thuốc có thể làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng và tăng khả năng bị nhiễm virus. Những loại thuốc này cũng góp phần tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư.

    Thuốc chống đông máu

    Khi bị lupus ban đỏ, người bệnh có nhiều khả năng bị huyết khối dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Các thuốc chống đông máu có tác dụng ngăn chặn quá trình đông máu, giảm tỷ lệ hình thành huyết khối cho người bệnh.

    Điều trị chống đông máu có khi phải thực hiện trong suốt cuộc đời người bệnh. Bác sĩ cần phải theo dõi liên tục để đảm bảo máu của bệnh nhân không quá loãng.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bệnh lupus có thể gây đột quỵ không?

    Đối phó với các tác dụng phụ thuốc trị lupus ban đỏ

    Danh sách các tác dụng phụ của thuốc gây ra cho người bệnh lupus rất nhiều và đáng báo động. Để giảm tải các tác dụng phụ này, bạn nên nói chuyện với bác sĩ về các triệu chứng trong quá trình sử dụng thuốc để được hướng dẫn cắt giảm liều hoặc thay đổi loại thuốc khác phù hợp hơn. Thông thường, bác sĩ sẽ ưu tiên sử dụng các loại thuốc lành tính và ít tác dụng phụ.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bệnh tự miễn lupus ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?

    Phương pháp điều trị bệnh lupus ban đỏ khác

    phẫu thuật trong trường hợp nghiêm trọng

    Ngoài sử dụng thuốc, có các phương điều trị bổ sung không dùng thuốc cho bệnh nhân như:

    • Phẫu thuật và cấy ghép: Trong trường hợp bệnh lupus ban đỏ nghiêm trọng gây tổn thương cho các cơ quan, đặc biệt là thận.
    • Sử dụng tế bào gốc: Các nhà khoa học đang nghiên cứu cách để điều trị bệnh lupus bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, chúng chỉ được sử dụng trong trường hợp bệnh lupus nặng và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: 7 nhóm thực phẩm cho người bệnh lupus ban đỏ

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 23/12/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo