Xỏ khuyên là hình thức làm đẹp giúp bạn thể hiện cá tính riêng và định hình phong cách. Tuy nhiên, cách làm đẹp này cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm nếu bạn không cẩn thận trong quá trình thực hiện và chăm sóc vết thương.
Đi kèm với thời trang và cá tính, quyết định xỏ khuyên cũng kéo theo nhiều rủi ro như nhiễm trùng, dị ứng, mắc các bệnh lây qua đường máu… Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về cách làm đẹp này để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe nhé.
1. Xỏ khuyên là gì?
Xỏ khuyên là hình thức sử dụng một dụng cụ sắc nhọn để tạo lỗ trên một bộ phận nào đó của cơ thể và đeo đồ trang sức vào lỗ này. Giống như xăm hình, việc đeo khuyên cũng là một cách thể hiện cá tính của bản thân hay lý do tôn giáo và tình dục.
Thống kê cho thấy ngày càng có nhiều người tìm kiếm những ý tưởng xỏ khuyên mới và lứa tuổi thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những người này. Có rất nhiều loại hình xỏ khuyên bạn có thể chọn, chẳng hạn như:
- Xỏ khuyên tai: Đây là loại hình phổ biến nhất. Bạn có thể đã rất quen thuộc với việc xỏ lỗ dái tai để đeo bông. Tuy nhiên, xỏ khuyên vành tai cũng rất được các bạn trẻ ưa chuộng.
- Khuyên trên mặt và miệng: Đây là loại tập trung vào các khu vực trên mặt và lưỡi như lông mày, má, lưỡi, lỗ mũi, mí mắt và môi.
- Xỏ khuyên môi: Có nhiều kiểu xỏ khuyên quanh môi và miệng như angle bites, snake bites, cyber bites…
- Gắn khuyên ở phần trên của cơ thể: Hình thức này thường tập trung ở vùng ngực nhưng cũng có thể xuất hiện ở cổ. Ngoài ra, hình thức đeo khuyên núm vú hiện nay cũng khá phổ biến.
- Khuyên rốn: Khuyên sẽ đeo ở vùng da quanh rốn hoặc ở trong rốn.
- Khuyên vùng kín: Nhiều người tiến hành xỏ khuyên vào bộ phận sinh dục như dương vật, âm vật, môi âm đạo…
2. Độ an toàn của việc xỏ khuyên
Tính an toàn của việc xỏ khuyên tùy thuộc vào độ sạch sẽ và uy tín của địa điểm thực hiện. Thường thì cách làm đẹp này khá an toàn nếu bạn tiến hành trong một môi trường sạch sẽ và chuyên nghiệp. Tuy nhiên nếu dụng cụ không sạch sẽ, bạn sẽ có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường máu như:
Ngay cả trong môi trường vô trùng, có một số tác hại của xỏ khuyên vẫn tiềm ẩn như:
- Chảy máu liên tục
- Nhiễm trùng mạn tính
- Viêm hoặc tổn thương thần kinh
- Dị ứng da khiến lỗ xỏ khuyên bị ngứa
- Áp xe (tình trạng da có nhiều vết mủ và bị đau)
- Bị rách hoặc chấn thương mỗi khi va chạm, tai nạn xe, chơi thể thao hay thậm chí cọ xát khi ngủ và mặc đồ…
- Hình thành sẹo lồi gây mất thẩm mỹ
- Đeo khuyên vùng sinh dục có thể gây chấn thương hay làm rách bao cao su, tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Để xỏ khuyên an toàn, bạn hãy chọn địa chỉ uy tín, sạch sẽ, thợ có đeo bao tay y tế khi thực hiện quy trình và thay mới dụng cụ chuyên dụng cho mỗi khách. Bạn lưu ý không nên tự thực hành tại nhà cách làm đẹp này để tránh rủi ro nhé.
Bên cạnh việc chọn địa chỉ uy tín, bạn cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiến hành nếu đang thuộc một trong các trường hợp sau:
- Bị bệnh tim
- Bị tiểu đường
- Đang mang thai
- Có hệ miễn dịch yếu
- Đang dùng thực phẩm bổ sung từ thảo dược.
3. Xỏ khuyên bao lâu thì lành?
Thời gian làm lành vết thương rất khác nhau tùy theo vị trí đeo khuyên. Bạn có thể tham khảo thời gian lành trung bình ở các vị trí khuyên thông thường như sau:
- Lưỡi: 4 tuần
- Xỏ khuyên môi: 2 – 3 tháng
- Dái tai: 6 – 8 tuần;
- Vành tai: 4 tháng đến 1 năm. Xỏ khuyên tai bao lâu thì lành được rất nhiều người quan tâm vì nó được thực hiện phổ biến cho cả trẻ em.
- Lỗ mũi: 2 – 4 tháng
- Lông mày: 6 – 8 tuần
- Rốn: 4 tháng đến 1 năm
- Vách ngăn mũi: 6 – 8 tháng
Bạn cần lưu ý rằng việc đeo khuyên ở lưỡi hoặc môi có thể gây tổn thương răng hoặc nướu. Hơn nữa, những lỗ khuyên này cũng dễ bị nhiễm trùng hơn.
4. Cách chăm sóc lỗ xỏ khuyên
Thợ xỏ khuyên sẽ hướng dẫn cụ thể cách làm sạch vết thương cho bạn. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tham khảo thêm những cách chăm sóc lỗ đeo khuyên sau:
- Sử dụng kháng sinh dạng bôi
- Rửa tay trước khi bắt đầu vệ sinh lỗ đeo khuyên
- Làm sạch vùng xỏ khuyên bằng xà phòng kháng khuẩn hoặc axit hypochlorous
- Ngâm khuyên trong nước muối. Việc này sẽ giúp bạn làm sạch những mảng gỉ sét trên khuyên
- Rửa sạch khuyên bằng axit hypochlorous hoặc nước súc miệng không chứa cồn có chức năng kháng khuẩn nếu bạn xỏ trên lưỡi và môi.
Bạn cũng cần lưu ý tránh những điều sau đây khi xỏ khuyên:
- Mặc quần áo bó sát khi đeo khuyên trên cơ thể
- Trang điểm khi vết thương ở tai hoặc mặt chưa lành
- Bơi ở bể bơi công cộng hoặc ngâm bồn nước nóng khi vết thương chưa lành
- Chạm vào lỗ đeo khuyên. Việc thường xuyên đụng vào vết thương có thể gây kích ứng và dẫn đến nhiễm trùng.
- Sử dụng cồn hoặc hydrogen peroxide để làm sạch lỗ đeo khuyên. Việc này có thể làm khô da và phá vỡ các mô mới.
5. Cách xử lý nhiễm trùng khi đeo khuyên
Xỏ khuyên có đau không? Tình trạng bị đau hoặc sưng trong một thời gian ngắn sau khi mới xỏ khuyên là bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn tiếp tục bị đau trong thời gian dài thì có thể vết thương bị nhiễm trùng. Khi bị viêm vết thương, bạn có thể gặp những dấu hiệu sau:
- Chảy máu liên tục
- Vết thương đỏ quá mức
- Đau hoặc sưng bất thường
- Vết thương có dịch màu vàng và có mùi
- Bạn không hết đau sau một hoặc hai ngày.
Trong trường hợp vết thương bị nhiễm trùng, bạn nên đến gặp bác sĩ để được điều trị ngay.
Bạn nên cẩn thận hơn nếu xỏ khuyên môi vì đây là một trong những vị trí dễ bị nhiễm trùng của cơ thể. Khuyên khi tiếp xúc với răng cũng có thể khiến men răng bị mòn, thậm chí là mẻ răng.
Ngoài nhiễm trùng, bạn cũng có thể bị kích ứng khi đeo khuyên nếu bị dị ứng với kim loại. Các dấu hiệu dị ứng với khuyên bao gồm:
- Da bị đỏ
- Phát ban quanh nơi đeo khuyên
- Ngứa hoặc rát khi vệ sinh lỗ đeo khuyên.
Để tránh phản ứng dị ứng khi đeo khuyên, bạn có thể sử dụng khuyên làm từ các kim loại không độc hại như:
- Titan
- Niobi
- Bạch kim
- Thép không rỉ
- Vàng 14 hoặc 18 karat
Quyết định đeo khuyên có thể giúp bạn nổi bật hơn nhưng cũng có thể gây nhiễm trùng, dị ứng hay lây nhiễm bệnh nguy hiểm. Bạn nên chọn nơi làm đẹp uy tín và chăm sóc vết thương kỹ càng để đảm bảo an toàn nhé.
[embed-health-tool-bmi]