Phương pháp gây mê nội khí quản được sử dụng phổ biến trong các ca phẫu thuật kéo dài nhờ các ưu điểm như kiểm soát đường hô hấp, tuần hoàn, giãn cơ và tiến hành nhanh. Khi gây mê nội khí quản, bệnh nhân sẽ ngủ xuyên suốt trong quá trình phẫu thuật.
Phương pháp gây mê nội khí quản có nhiều lợi thế hỗ trợ cho bệnh nhân và bác sĩ, nhưng đồng thời cũng mang theo nhiều rủi ro nguy hiểm tác động đến người bệnh. Vì thế, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về phương pháp gây mê nội khí quản nhé!
Đặt nội khí quản là gì?
Phương pháp đặt ống nội khí quản thường là thủ thuật được thực hiện trên những người đã mất đi ý thức hoặc không thể tự thở. Đặt ống nội khí quản giúp duy trì mở đường thở và giúp ngăn ngừa tình trạng nghẹt thở.
Mục đích đặt nội khí quản
Phương pháp đặt nội khí quản được thực hiện với mục đích:
• Cần máy hô hấp để giúp bạn thở
• Không thể tự thở do bạn bị chấn thương đầu
• Hỗ trợ hô hấp khi bạn ngừng thở hoặc khó thở
• Bảo vệ phổi của bạn, loại bỏ tắc nghẽn từ đường thở
• Mở đường thở của bạn để đưa oxy, thuốc hoặc gây mê
• Hỗ trợ thở trong một số bệnh như viêm phổi, khí phế thũng, suy tim, xẹp phổi hoặc chấn thương nặng
• Cần được gây mê trong một khoảng thời gian để hồi phục sau chấn thương nghiêm trọng hoặc bệnh tật
Phương pháp đặt nội khí quản giúp hỗ trợ bạn trong quá trình phẫu thuật hoặc gặp khó khăn về đường thở. Thủ thuật này cần được thực hiện bởi bác sĩ hoặc nhân viên y tế có chuyên môn cao.
Lưu ý khi đặt nội khí quản
Đặt nội khí quản là một thủ tục xâm lấn và có thể gây khó chịu đáng kể cho bạn. Tuy nhiên, bạn thường được gây mê toàn thân và dùng thuốc thư giãn cơ bắp để bạn không cảm thấy đau khi thực hiện.
Trong một số trường hợp, thủ thuật có thể cần được thực hiện trong khi người bệnh vẫn còn thức. Thuốc gây tê cục bộ được sử dụng làm tê liệt đường thở để giảm bớt sự khó chịu. Nếu bạn được áp dụng cách này, bác sĩ gây mê sẽ cho bạn biết trước khi đặt nội khí quản.
Phương pháp gây mê nội khí quản
Phương pháp gây mê nội khí quản là một kỹ thuật gây mê toàn thân có đặt ống nội khí quản để duy trì thông thoáng đường hô hấp, hút khí quản dễ dàng và kiểm soát hô hấp trong suốt quá trình phẫu thuật. Trong quá trình thực hiện thủ thuật, bệnh nhân sẽ mất cảm giác, ý thức tạm thời do thuốc gây mê, nhưng vẫn có thể tự thở hoặc thở máy qua nội khí quản.
Chỉ định khi gây mê nội khí quản
Phương pháp gây mê nội khí quản được sử dụng trong các trường hợp chỉ định như:
- Phẫu thuật sinh mổ
- Phẫu thuật vùng tai mũi họng
- Phẫu thuật vùng đầu, sọ não
- Phẫu thuật vùng bụng trên, dạ dày, tắc ruột
- Phẫu thuật lớn, kéo dài, cần hồi sức tích cực
- Phẫu thuật vùng hậu môn, tử cung, bàng quang
- Phẫu thuật cần kiểm soát đường thở như khoang lồng ngực, máy thở, dùng thuốc giãn cơ
Phương pháp gây mê nội khí quản là thủ thuật cần được sử dụng đúng cách và đúng mục đích. Bạn cần biết các trường hợp chống chỉ định nhằm tránh hậu quả nghiêm trọng khi sử dụng thủ thuật này.
Chống chỉ định khi gây mê nội khí quản
Phương pháp gây mê nội khí quản không được sử dụng trong một số trường hợp như:
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên và tiêu hóa
- Viêm thanh quản cấp tính, ung thư thanh quản
- Không đủ dụng cụ và người thực hiện thủ thuật thiếu kinh nghiệm
Ngoài việc tránh các trường hợp chống chỉ định, bạn cần cân nhắc các nguy cơ xảy ra khi thực hiện các phương pháp để lựa chọn thủ thuật hợp lý.
Biến chứng có thể xảy ra khi gây mê nội khí quản
Trước khi thực hiện gây mê nội khí quản, bạn cần biết các biến chứng có thể xảy ra như:
– Suy hô hấp sau mổ do lượng thuốc giãn cơ còn trong cơ thể.
– Thuốc gây mê có thể làm co thắt khí, phế quản dẫn đến suy hô hấp hoặc thiếu oxy.
– Dịch dạ dày tràn vào phổi. Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi gây mê, dễ dẫn đến ngạt thở, viêm phổi, sốc phổi.
– Trong quá trình đặt nội khí quản có thể làm tổn thương răng, miệng, họng như gãy răng, chảy máu môi, hầu họng.
– Do tác dụng của các thuốc gây mê có thể ức chế trực tiếp cơ tim, làm giảm sự co bóp của cơ tim gây tụt huyết áp, loạn nhịp tim.
Những biến chứng khi gây mê nội khí quản có thể gây những ảnh hưởng nghiêm trọng trên tim, phổi, thậm chí có thể tử vong. Bạn cần cân nhắc các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng biến chứng gây mê nội khí quản.
Yếu tố nguy cơ khi gây mê nội khí quản
Những người khỏe mạnh thường ít gặp vấn đề với gây mê nội khí quản, nhưng trong một số trường hợp, bất cứ ai cũng đều có rủi ro về các biến chứng lâu dài.
Những rủi ro này phần lớn phụ thuộc vào sức khỏe chung của bạn và loại thủ thuật bạn được thực hiện. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ biến chứng khi gây mê nội khí quản bao gồm:
- Béo phì
- Tuổi tác
- Hút thuốc
- Sử dụng rượu
- Bệnh tiểu đường
- Tiền sử động kinh
- Chứng ngưng thở lúc ngủ
- Dị ứng với thực phẩm hoặc thuốc
- Vấn đề mãn tính với phổi, thận hoặc tim của bạn
- Tiền sử gia đình hoặc có phản ứng bất lợi với gây mê
Những yếu tố nguy cơ trên có thể làm tăng khả năng gây biến chứng nghiêm trọng trên cơ thể khi sử dụng phương pháp gây mê nội khí quản. Bạn cần chú ý các yếu tố này và cùng thảo luận với bác sĩ để có cách giải quyết đúng hướng.
Điều kiện rút ống nội khí quản
Trước khi rút ống khi gây mê nội khí quản, bệnh nhân và bác sĩ cần phải đảm bảo những điều kiện sau:
- Bệnh nhân phải hoàn toàn có thể tự thở, thở sâu đều. Da và niêm mạc hồng hào, mạch, huyết áp và tuần hoàn ổn định.
- Bác sĩ phải đánh giá tình trạng người bệnh nhân đã hết bị tác dụng của thuốc mê, thuốc giãn cơ.
Phương pháp gây mê nội khí quản có nhiều ưu điểm giúp hỗ trợ rất tốt trong quá trình phẫu thuật cho cả bệnh nhân và bác sĩ thực hiện. Tuy nhiên, bạn hãy thảo luận cùng bác sĩ về các nguy cơ và biến chứng có thể xảy ra để lựa chọn thủ thuật hợp lý và ca phẫu thuật diễn ra thành công nhé.
Hoàng Trí HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]