Khớp xương là một cấu tạo phức tạp, đa dạng có nhiệm vụ nâng đỡ và hỗ trợ chuyển động linh hoạt của con người. Vai trò của từng loại khớp đều nhằm hỗ trợ các chuyển động khác nhau của cơ thể. Nếu không có bộ phận quan trọng này, bạn sẽ không thể thực hiện các hoạt động như đứng, đi, chạy hoặc thậm chí cử động.
Vậy khớp quan trọng như thế nào đối với cơ thể và vai trò của từng loại khớp là gì? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu lời giải trong bài viết dưới đây để có cách chăm sóc và bảo vệ khớp xương tốt nhất nhé.
Khớp là gì?
Khớp là những cấu trúc giúp kết nối các xương riêng lẻ và hỗ trợ các xương ma sát với nhau, từ đó hình thành chuyển động. Các loại khớp lớn trong cơ thể, chẳng hạn như khớp đầu gối, khuỷu tay hoặc khớp vai có thể tự bôi trơn và chịu tải trọng lớn mà vẫn hoạt động một cách linh hoạt.
Số lượng xương, khớp phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển của mỗi người. Trẻ sơ sinh có khoảng 270 chiếc xương. Một số xương này sau đó hợp nhất với nhau trong quá trình phát triển. Người trưởng thành có khoảng 206 xương được đặt tên, trong đó có 80 chiếc ở bộ xương trục và 126 chiếc khác ở bộ xương chi.
Ngoài ra, số lượng xương ở mỗi người thường có sự chênh lệch nhẹ nên không thể biết chính xác số lượng khớp xương trong cơ thể một người. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 250 đến 350 khớp ở một người bình thường. Vai trò của từng loại khớp là giúp hỗ trợ các chuyển động khác nhau của cơ thể.
Phân loại dựa trên cấu tạo và vai trò của từng loại khớp
Khớp được phân loại chủ yếu dựa theo cấu trúc và vai trò của từng loại khớp. Phân loại cấu trúc được xác định dựa trên cách các xương kết nối với nhau, trong khi phân loại chức năng được xác định bởi phạm vi chuyển động giữa các khớp xương.
Phân loại theo cấu trúc
Phân loại theo cấu trúc là cách phân chia khớp dựa trên loại mô liên kết giữa các xương với nhau, bao gồm:
- Khớp sợi kết nối các xương bằng mô liên kết dạng sợi. Các loại khớp này thường rất dày và giàu sợi collagen.
- Khớp sụn kết nối các xương bằng sụn. Có hai loại khớp sụn phổ biến là khớp sụn bất động và khớp sụn bán chuyển động.
- Khớp hoạt dịch là khớp không nối trực tiếp các xương lại với nhau mà kết hợp với mô liên kết và dây chằng. Các loại khớp hoạt dịch cho phép mở rộng tính linh hoạt trong chuyển động giữa hai hay nhiều đầu khớp. Có 6 loại khớp hoạt dịch bao gồm: khớp chỏm (ball-and-socket joints), khớp lồi cầu (condyloid joints), khớp bản lề (hinge joints), khớp trượt (planar joints), khớp trục (pivot joints), khớp hình yên ngựa (saddle joints).
Phân loại khớp theo vai trò của từng loại khớp
Các khớp cũng được phân loại theo vai trò và nguyên lý hoạt động cụ thể như sau:
- Khớp bất động: Đây là các khớp cố định và không thể chuyển động trong suốt thời gian tồn tại và phát triển. Khớp bất động điển hình là các khớp giữa xương sọ.
- Khớp bán chuyển động: Các loại khớp này có nhiệm vụ giữ chặt hai đoạn xương lại với nhau đến mức chỉ thực hiện được các chuyển động hạn chế. Các đốt sống là khớp bán chuyển động phổ biến.
- Khớp chuyển động: Đây là khớp chứa các chất lỏng hoạt dịch để hỗ trợ việc di chuyển khớp mà không gây ra ma sát và tổn thương. Khớp chuyển động phổ biến nhất trong cơ thể là khớp vai và khớp gối.
Vai trò của từng loại khớp
Phần lớn các loại khớp trong cơ thể người có thể di chuyển để hỗ trợ các hoạt động hàng ngày (khớp hoạt dịch và khớp sụn bán chuyển động). Tuy nhiên, một số khớp chỉ có chức năng kết nối và ổn định như khớp ở hộp sọ (khớp sợi) và khớp ở xương ức (khớp sụn bất động). Chức năng cụ thể của khớp sụn bán chuyển động và các loại khớp hoạt dịch như sau:
- Khớp sụn bán chuyển động có nhiệm vụ nối hai đầu xương lại với nhau và có tính di động nhẹ như khớp ở đốt sống.
- Khớp trục giúp thực hiện các chuyển động quanh xoay tròn quanh trục. Ví dụ về khớp trụ là khớp của đốt sống cổ thứ nhất và thứ hai, khớp cổ tay.
- Khớp chỏm hỗ trợ chuyển động xoay và các chuyển động linh hoạt của xương. Khớp ở vai và hông là hai khớp hình cầu phổ biến.
- Khớp lồi cầu không thể xoay tròn nhưng rất linh hoạt cho các chuyển động trục. Khớp thái dương – hàm và khớp ngón tay là hai khớp cầu lồi phổ biến.
- Khớp trượt cho phép xương di chuyển qua lại. Khớp mắt cá chân và khớp cổ tay là hai khớp trượt phổ biến.
- Khớp bản lề hoạt động như một chiếc bản lề cho phép bạn thực hiện các chuyển động gấp và duỗi.
- Khớp hình yên ngựa cho phép chuyển động theo góc tương tự như khớp trục nhưng với phạm vi chuyển động lớn hơn. Một ví dụ về khớp yên ngựa là khớp ngón tay cái.
Một số vấn đề ảnh hưởng đến vai trò của từng loại khớp
Khớp là bộ phận rất dễ bị tổn thương. Một số vấn đề và bệnh lý có thể ảnh hưởng đến các loại khớp, bao gồm:
- Thoái hóa khớp
- Bệnh gout
- Viêm khớp
- Viêm khớp vẩy nến
- Trật khớp
- Hội chứng khớp thái dương hàm
Phương pháp chăm sóc sức khỏe khớp
Cách tốt nhất để tăng cường sức khỏe khớp và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh xương khớp là:
- Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh
- Tập luyện thể dục thể thao một cách hợp lý
- Bổ sung đủ lượng nước và chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là vitamin D, canxi
- Duy trì tư thế đúng khi ngồi và vận động
- Sử dụng các thiết bị bảo hộ khi đi lại, lao động, tránh để chấn thương xảy ra. Đối với phụ nữ, hãy hạn chế mang giày cao gót.
Khớp xương đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của con người. Trong đó, vai trò của từng loại khớp đều nhằm hỗ trợ vận động và nâng đỡ trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, chức năng khớp giảm theo thời gian và tuổi tác. Khi cơ thể lão hóa, khớp dễ bị chấn thương cũng như gặp phải nhiều bệnh lý nguy hiểm. Cách tốt nhất để tăng cường sức khỏe khớp là chăm sóc xương khớp đúng cách và tăng cường sức khỏe tổng thể.
[embed-health-tool-bmi]