“Bệnh tự miễn có chữa được không?’ là câu hỏi mà nhiều người đặt ra sau khi tìm hiểu thông tin về những tình trạng bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch. Gần đây, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu để đưa ra những hướng đi mới trong việc điều trị bệnh tự miễn.
Có đến hơn 80 bệnh tự miễn khác nhau được ghi nhận hiện nay, trong đó các bệnh tự miễn thường gặp gồm viêm khớp dạng thấp, vẩy nến, đái tháo đường tuýp 1, đa xơ cứng… Những rối loạn trong hệ miễn dịch khiến chúng hoạt động quá mức và tự tấn công vào một số mô (như mạch máu, da, sụn…) hay một cơ quan nào đó trong cơ thể. Những triệu chứng của bệnh thường không quá đặc biệt, bao gồm viêm, đau cơ, mệt mỏi và sốt nhẹ. Trong đó, viêm thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tự miễn.
Nguyên nhân khiến hệ thống miễn dịch bị rối loạn vẫn chưa được biết nên cách điều trị thường chỉ làm giảm bớt triệu chứng, kiểm soát các phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Hãy cùng tìm hiểu về các phương pháp điều trị hiện có và xu hướng trị liệu mới trong tương lai để có thể giải đáp thắc mắc “Bệnh tự miễn có chữa được không?’ qua bài viết sau đây nhé!
Bệnh tự miễn có chữa được không?
Dù không có cách để chữa trị hoàn toàn bệnh tự miễn nhưng bạn có thể kiểm soát các phản ứng miễn dịch quá mức và giảm viêm, giảm đau.
Hiện tại, các phương pháp điều trị cho bệnh tự miễn cơ bản là dựa trên nguyên tắc vô hiệu hóa các tế bào miễn dịch hoạt động bất thường, tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh của chính cơ thể. Các loại thuốc được sử dụng cho người mắc bệnh tự miễn bao gồm:
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) chẳng hạn như ibuprofen, naproxen
- Thuốc ức chế miễn dịch
Phương pháp điều trị hiện nay cũng giúp giảm nhẹ các triệu chứng bệnh như giảm đau, sưng, mệt mỏi và phát ban da.
Tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và thường xuyên luyện tập thể dục cũng giúp bạn khỏe mạnh hơn.
Tuy nhiên, tác dụng phụ lớn nhất của các liệu pháp này là chúng không chỉ tác động đến các tế bào miễn dịch gây ra bệnh mà còn bất hoạt cả những tế bào miễn dịch đang hoạt động bình thường. Điều này khiến cho cơ thể dễ dàng có khả năng bị nhiễm trùng và các bệnh liên quan khác.
Một nghiên cứu mới được công bố
Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Utah, thành phố Salt Lake, đã bắt đầu tìm cách làm sao để chỉ vô hiệu hóa những tế bào miễn dịch nhất định gây ra những rối loạn trong hệ miễn dịch, trong khi vẫn giữ cho tế bào miễn dịch khỏe mạnh nguyên vẹn để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cơ thể của chúng.
Nghiên cứu mới được thực hiện trên các mô hình chuột, tập trung vào những tế bào chết theo lập trình có tên là PD-1. PD-1 là một loại protein ở trên bề mặt của một số tế bào và đóng vai trò chính trong việc điều chỉnh phản ứng miễn dịch.
Những phát hiện mới từ nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Biomedical Engineering đã cho thấy hướng đi mới này có thể là một cách tiếp cận khả thi, có nhiều tiềm năng trong điều trị các tình trạng tự miễn.
Tác giả của nghiên cứu, thạc sĩ Mingan Chen, cho biết: “Chúng tôi thật sự đang điều trị bệnh tự miễn theo một hướng mới. Đây là lần đầu tiên tế bào PD-1 được xem như mục tiêu để phát triển nên phương pháp trị liệu cho căn bệnh này’.
3 thành phần chính mang lại hiệu quả điều trị
Trong một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, hai loại tế bào chuyên biệt là tế bào lympho B và lympho T biểu hiện ra protein PD-1, chúng có cơ chế để kiểm tra hoạt động của những tế bào miễn dịch để ngăn việc tấn công vào các tế bào khỏe mạnh xảy ra.
Ở những người có gặp vấn đề với hệ miễn dịch, cơ chế này không còn hiệu quả và khiến các tế bào miễn dịch bị nhầm lẫn, tự tấn công vào tế bào bình thường của cơ thể.
Việc nhắm vào các tế bào biểu hiện PD-1 có mục đích là để tránh gây nên suy giảm miễn dịch lâu dài như các phương pháp điều trị phổ biến với bệnh tự miễn. Do đó, các nhà nghiên cứu đã thiết kế một phân tử protein có tác dụng làm giảm lượng dự trữ các tế bào biểu hiện PD-1 của hệ miễn dịch.
Phân tử mới này gồm có 3 thành phần chính: một mảnh kháng thể kháng PD-1, ngoại độc tố Pseudomonas và một protein có khả năng gắn kết với albumin. Mỗi thành phần đều đảm nhiệm từng vai trò cụ thể: mảnh kháng thể sẽ gắn vào các tế bào biểu hiện PD-1, sau đó độc tố sẽ tiêu diệt những tế bào này và cuối cùng, phần gắn kết với albumin cho phép phân tử này tiếp tục lưu thông trong hệ tuần đi khắp cơ thể.
Cách tiếp cận mới có thể gây ra tác động lớn
Khi đã tạo ra phân tử này, các nhà khoa học kiểm tra hiệu quả của nó qua hai mô hình chuột khác nhau: một mô hình mô phỏng bệnh đái tháo đường tuýp 1 và một mô hình của bệnh đa xơ cứng.
Ở nhóm chuột mô phỏng bệnh đái tháo đường tuýp 1, liệu pháp mới đã giúp trì hoãn sự khởi phát của tình trạng bệnh. Thông thường, các triệu chứng giống đái tháo đường sẽ xuất hiện ở tuần 19 ở chuột nhưng nhóm được sử dụng phương pháp điều trị mới chỉ bắt đầu phát triển các triệu chứng như vậy ở tuần thứ 29.
Khi các nhà nghiên cứu thử nghiệm phân tử mới cho mô hình chuột mắc bệnh đa xơ cứng, kết quả thu được rất khả quan: phương pháp điều trị này đã ngăn chăn chặn quá trình gây tê liệt ở 6 con chuột. Hơn nữa, chúng thậm chí còn lấy lại được khả năng đi lại.
Tiếp tục theo dõi những con chuột được điều trị trong 25 ngày sau khi điều trị cho thấy liệu pháp này giúp giữ cho quá trình tê liệt không diễn ra.
Mặc dù các nhà khoa học rất hy vọng về cách điều trị mới đầy hứa hẹn này, các phân tử mới này chỉ mới được áp dụng và cho thấy hiệu quả trên chuột. Để phát triển phương pháp trị liệu tương tự cho người, cần phải tìm ra được kháng thể PD-1 ở người như ở chuột. Đây là mục tiêu cần đạt được trong tương lai để cải thiện sức khỏe cho những người phải sống chung với tình trạng tự miễn.
Nếu các nhà nghiên cứu thành công trong việc tạo ra phiên bản trị liệu này dành cho con người thì có thể tác động lớn đến quá trình điều trị bệnh tự miễn.
[embed-health-tool-bmi]