Những năm gần đây, tỷ lệ mắc ung thư trực tràng có xu hướng giảm đi nhưng đây vẫn là nỗi lo lớn của nhiều người, đặc biệt là người trên 50 tuổi. Khi nắm rõ về triệu chứng, nguyên nhân, tiên lượng, cách chẩn đoán và điều trị bệnh này, bạn sẽ chủ động hơn trong việc phát hiện sớm và kiểm soát nó.
Tìm hiểu chung
Ung thư trực tràng là gì?
Trực tràng là đoạn cuối cùng của ruột già, là một khoang nằm giữa đại tràng và hậu môn. Nó bắt đầu ở đoạn cuối của đại tràng và kết thúc khi đi đến đoạn ngắn, hẹp dẫn đến hậu môn.
Ung thư trực tràng là tình trạng các tế bào ác tính hình thành trong trực tràng.
Các giai đoạn bệnh
Ung thư trực tràng được phân thành các giai đoạn khác nhau dựa trên kích thước của khối u và mức độ lan rộng của nó. Cụ thể như sau:
- Giai đoạn 0: Tế bào ung thư được tìm thấy trên bề mặt niêm mạc (lớp lót) thành trực tràng.
- Giai đoạn I: Khối u đã phát triển bên dưới lớp niêm mạc hoặc tới lớp cơ và chưa có di căn hạch vùng.
- Giai đoạn II: Khối u đã phát triển vào lớp dưới thanh mạc hoặc đến vùng mô quanh trực tràng hoặc u xâm lấn qua lớp thanh mạc và thủng vào phúc mạc.
- Giai đoạn III: Khối u đã xâm lấn đến bất kỳ lớp nào của thành trực tràng và lan sang các hạch bạch huyết lân cận.
- Giai đoạn IV: Khối u đã lan sang bất kỳ lớp nào của thành trực tràng và các hạch bạch huyết lân cận, di căn đến các cơ quan ở xa hơn trên cơ thể, chẳng hạn như gan, phổi, não, xương hoặc hạch bạch huyết ở xa không phải hạch vùng.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng ung thư trực tràng
Trong nhiều trường hợp, bệnh không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, một số người có thể nhận thấy một số dấu hiệu ung thư trực tràng điển hình. Các triệu chứng ung thư trực tràng có thể bao gồm:
- Thay đổi đột ngột thói quen đại tiện, chẳng hạn như tiêu chảy, táo bón hoặc xen kẽ giữa táo bón và tiêu chảy, cảm giác mót rặn thường xuyên
- Chảy máu trực tràng
- Có máu trong phân
- Khuôn phân dẹt
- Cảm giác ruột không thể làm rỗng hoàn toàn
- Đau bụng
- Mệt mỏi
- Yếu đuối
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Nguyên nhân
Nguyên nhân ung thư trực tràng là gì?
Nguyên nhân ung thư trực tràng vẫn chưa được xác định rõ ràng. Ung thư bắt đầu khi các tế bào khỏe mạnh trong trực tràng phát triển những thay đổi (đột biến) trong ADN.
Những thay đổi này khiến cho chúng nhân lên không ngừng và tích lũy tạo thành một khối u ác tính. Theo thời gian, các tế bào ung thư có thể phát triển, xâm lấn và phá hủy các mô khỏe mạnh gần đó. Đồng thời, chúng còn tách ra và di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.
Các yếu tố nguy cơ
Chưa rõ vì sao những đột biến trong tế bào lại hình thành. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh bao gồm:
- Tuổi tác: Giống như hầu hết các bệnh ung thư khác, nguy cơ ung thư trực tràng tăng theo tuổi. Độ tuổi được chẩn đoán trung bình là 63 đối với cả nam và nữ. Trong hầu hết các trường hợp, những người được chẩn đoán mắc bệnh đều trên 50 tuổi. Tuy nhiên, thanh thiếu niên cũng có thể mắc bệnh, chiếm 11% các trường hợp.
- Giới tính: Ung thư trực tràng ảnh hưởng đến cả nam và nữ, mặc dù nam giới có khả năng mắc bệnh cao hơn một chút so với nữ giới.
- Di truyền: Nếu có một thành viên trong gia đình được chẩn đoán bị ung thư ở trực tràng, khả năng bạn mắc bệnh sẽ gần như tăng gấp đôi. Các hội chứng di truyền làm tăng nguy cơ bao gồm hội chứng đa polyp tuyến gia đình (FAP) và hội chứng Lynch.
- Các bệnh lý khác: Có một số tình trạng sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư trực tràng, bao gồm các bệnh viêm ruột mãn tính như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng xuất huyết. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh cũng sẽ cao hơn nếu bạn đã bị ung thư đại trực tràng hoặc polyp tuyến.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Nghiên cứu gần đây cho thấy những người hút thuốc có nhiều khả năng tử vong vì ung thư cao hơn.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Những người ăn nhiều thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, cũng như ăn quá ít rau xanh có nguy cơ mắc ung thư trực tràng cao hơn.
- Béo phì: Những người mắc bệnh béo phì có nhiều khả năng bị bệnh hơn so với những người có cân nặng khỏe mạnh.
- Ít vận động: Nếu ít hoạt động, bạn có nhiều khả năng phát triển ung thư trực tràng.
- Bệnh tiểu đường: Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 kiểm soát kém có thể tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
- Uống nhiều rượu: Thường xuyên uống đồ uống có cồn mỗi tuần có tỷ lệ mắc ung thư trực tràng cao hơn.
- Từng điều trị bằng xạ trị: Xạ trị hướng vào bụng để điều trị ung thư trước đó có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán ung thư trực tràng?
Hầu hết các trường hợp bệnh được chẩn đoán trong quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ. Những xét nghiệm chẩn đoán ung thư trực tràng có thể bao gồm:
- Nội soi đại tràng: Xét nghiệm này sử dụng một ống dài có camera nhỏ để quan sát bên trong đại tràng và trực tràng.
- Sinh thiết: Bác sĩ sẽ lấy một mẫu nhỏ mô đáng ngờ từ trực tràng và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.
- Xét nghiệm máu tìm kháng nguyên carcinoembryonic (CEA): Ung thư đôi khi tạo ra các chất gọi là chất chỉ điểm khối u vào trong máu. Mức độ kháng nguyên carcinoembryonic (CEA) có thể cao hơn bình thường ở những người bị ung thư trực tràng.
- Chụp CT ngực: Xét nghiệm hình ảnh này giúp xác định xem ung thư trực tràng đã lan sang các cơ quan khác, chẳng hạn như phổi hay chưa.
- Chụp CT bụng: Xét nghiệm hình ảnh này giúp xác định xem ung thư trực tràng đã lan sang các cơ quan khác, chẳng hạn như gan hay chưa.
- Chụp MRI vùng chậu: Chụp MRI cung cấp hình ảnh chi tiết về các cơ quan và các mô khác xung quanh khối u trong trực tràng cũng như mức độ xâm lấn của khối u. Chụp MRI cũng cho thấy các hạch bạch huyết gần trực tràng và các lớp mô khác nhau trong thành trực tràng.
Những phương pháp điều trị ung thư trực tràng
Ung thư trực tràng có chữa được không thì bệnh có thể chữa được, đặc biệt là khi phát hiện bệnh sớm thông qua các phương pháp sàng lọc như nội soi.
Ung thư trực tràng có nên mổ không hay điều trị bằng phương pháp nào là tùy thuộc vào các yếu tố như vị trí, kích thước và giai đoạn của khối u, cũng như tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Các phương pháp điều trị bao gồm:
Phẫu thuật
Một trong những phương pháp điều trị ung thư trực tràng phổ biến nhất là phẫu thuật loại bỏ các tế bào ung thư. Các loại phẫu thuật bao gồm:
- Phẫu thuật nội soi qua ngả hậu môn: Trong quy trình này, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ các khối ung thư nhỏ khỏi trực tràng bằng cách sử dụng một ống soi đặc biệt được luồn qua hậu môn. Phương pháp điều trị này chỉ phù hợp nếu khối u nhỏ, nằm trong một khu vực và không có khả năng lan rộng.
- Cắt bỏ đoạn trực tràng chứa khối u: Ung thư trực tràng lớn hơn có thể cần phải điều trị bằng việc cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần trực tràng. Hậu môn sẽ được bảo tồn để quá trình tiêu hóa và bài tiết của cơ thể được diễn ra bình thường. Đôi khi phải mở hậu môn nhân tạo tạm thời hoặc vĩnh viễn tùy từng tình huống.
- Phẫu thuật cắt bỏ đoạn trực tràng chứa khối u kèm với các cơ quan bị xâm lấn: Phương pháp này được chỉ định trong trường hợp ung thư xâm lấn rộng sang một số cơ quan lân cận như bàng quang hay tử cung. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ hậu môn, trực tràng và một phần hay toàn bộ cơ quan bị khối u xâm lấn. Sau đó, phẫu thuật mở hậu môn nhân tạo để đưa phân ra khỏi cơ thể thay cho hậu môn thật đã bị đóng lại.
Hóa xạ trị
Hóa trị có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u hoặc sau khi phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại.
Giống như hóa trị, xạ trị có thể được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật. Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm tia bức xạ có năng lượng mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn không cho chúng phát triển và phân chia. Nó có thể được sử dụng kết hợp với hóa trị liệu.
Kết hợp hóa trị và xạ trị (hóa xạ trị đồng thời) làm cho các tế bào ung thư dễ bị tiêu diệt hơn. Sự kết hợp này thường được sử dụng cho các bệnh ung thư trực tràng tiến triển và có nguy cơ tái phát cao sau phẫu thuật hoặc trong trường hợp không thể phẫu thuật ngay từ đầu.
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch sử dụng thuốc để tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp nó có thể nhận ra và tiêu diệt tế bào ung thư.
Thuốc nhắm mục tiêu
Nếu ung thư trực tràng giai đoạn muộn, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu kết hợp với hóa trị. Những phương pháp điều trị này nhắm vào những bất thường cụ thể trong tế bào ung thư để tiêu diệt chúng.
Mệt mỏi, thay đổi cân nặng, buồn nôn/nôn mửa và tiêu chảy là những tác dụng phụ phổ biến nhất trong hầu hết các phương pháp điều trị ung thư.
Tiên lượng
Ung thư trực tràng sống được bao lâu?
Ung thư trực tràng sống được bao lâu tùy thuộc vào giai đoạn bệnh được chẩn đoán, loại và mức độ biệt hóa của tế bào ung thư, khả năng đáp ứng với điều trị và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Trung bình, khoảng 63% trường hợp ung thư trực tràng có khả năng sống sót sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán mắc bệnh. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với khối u chỉ nằm trong trực tràng và chưa lan sang các vùng khác của cơ thể là 91%. Nếu khối u đã di căn thì tỷ lệ sống sót sẽ kém đi.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa ung thư trực tràng?
Các chuyên gia khuyến cáo rằng tất cả mọi người nên khám sàng lọc đại trực tràng định kỳ bắt đầu từ năm 45 tuổi. Những người có nguy cơ mắc ung thư trực tràng cao hơn nên được khám sàng lọc thường xuyên hơn.
Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn, nhưng bạn có thể thực hiện các mẹo sau đây để làm giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng ăn uống và tập luyện
- Luyện tập thể dục đều đặn, mỗi ngày ít nhất 30 phút
- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng với nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt
- Tránh hoặc hạn chế uống rượu
- Đừng hút thuốc và tránh xa khói thuốc.
[embed-health-tool-bmi]