backup og meta

Phân biệt thoái hóa khớp và thoát vị đĩa đệm

Phân biệt thoái hóa khớp và thoát vị đĩa đệm

Thoái hóa khớp và thoát vị đĩa đệm đều là những bệnh lý liên quan đến xương khớp có thể gây ra những cơn đau khiến bạn cảm thấy khó khăn khi vận động. Đặc biệt, cả hai chứng bệnh này đều khá phổ biến ở những người lớn tuổi.

Thoái hóa khớp và thoát vị đĩa đệm là gì?

Thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp (osteoarthritis) hay viêm khớp xương là tình trạng viêm khớp mạn tính thường gặp nhất.

Khớp là nơi kết nối giữa hai xương với nhau. Các đầu của những xương này được bao phủ bằng mô bảo vệ được gọi là sụn. Với thoái hóa khớp, sụn này bị phá vỡ, làm cho xương trong khớp dính vào nhau. Tình trạng này có thể gây đau, cứng khớp và các triệu chứng khác.

Thoái hóa khớp xảy ra thường xuyên nhất ở người lớn tuổi, mặc dù tình trạng này có thể xảy ra với người trưởng thành ở mọi lứa tuổi. Thoái hóa khớp còn được gọi là bệnh viêm khớp.

Thoát vị đĩa đệm là gì?

Các đĩa đệm giữa các đốt sống bảo vệ xương bằng cách tiếp nhận lực từ các hoạt động hàng ngày như đi bộ, nâng vác vật nặng.

Mỗi đĩa đệm gồm hai phần: phần bên trong mềm và vòng ngoài cứng. Tổn thương hoặc suy yếu có thể làm cho phần bên trong của đĩa đệm nhô ra qua vòng ngoài. Tình trạng này được gọi là thoát vị đĩa đệm (herniated disk) gây đau và khó chịu.

Nếu đĩa đệm bị trượt sẽ đè nén các dây thần kinh cột sống, khiến bạn bị tê và đau dọc theo dây thần kinh bị ảnh hưởng. Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể sẽ cần phải phẫu thuật để loại bỏ hoặc sửa chữa đĩa đệm.

Triệu chứng thoái hóa khớp và thoát vị đĩa đệm

thoái hóa khớp và thoát vị đĩa đệm

Triệu chứng thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào. Tuy nhiên, các khu vực bị ảnh hưởng phổ biến nhất của cơ thể là:

  • Tay
  • Đầu gối
  • Hông
  • Cột sống, thường ở cổ hoặc lưng dưới

Các triệu chứng phổ biến nhất của viêm xương khớp bao gồm:

  • Đau (khó chịu khi ấn vào vùng bị tổn thương bằng ngón tay của bạn)
  • Cứng khớp
  • Tình trạng viêm

Khi viêm khớp trở nên trầm trọng hơn, cơn đau sẽ trở nên dữ dội hơn. Theo thời gian, tình trạng sưng ở khớp và vùng xung quanh cũng có thể xảy ra. Nhận biết các triệu chứng của viêm khớp sớm có thể giúp bạn quản lý tốt hơn tình trạng này.

Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm

Bạn có thể bị thoát vị đĩa đệm ở bất kỳ phần nào của cột sống, từ cổ đến lưng dưới. Sau đây là các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm:

  • Đau và tê, phổ biến nhất ở một bên của cơ thể
  • Đau kéo dài đến cánh tay hoặc chân
  • Cơn đau ngày càng trầm trọng hơn hoặc với những cử động nhất định
  • Cơn đau càng trầm trọng hơn sau khi đứng hoặc ngồi
  • Đau khi đi bộ khoảng cách ngắn
  • Yếu cơ không rõ nguyên nhân
  • Cảm giác ngứa ran, đau hoặc rát ở vùng bị ảnh hưởng

Các loại đau có thể khác nhau từ người này sang người khác. Bạn nên đi khám bác sĩ nếu cơn đau dẫn đến tê hoặc ngứa ran ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát cơ bắp.

Nguyên nhân thoái hóa khớp và thoát vị đĩa đệm

thoái hóa khớp và thoát vị đĩa đệm

Nguyên nhân thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp do tổn thương khớp. Nguyên nhân này có thể tích lũy theo thời gian, đó là lý do tại sao tuổi tác là một trong những nguyên nhân chính gây tổn thương khớp dẫn đến thoái hóa khớp. Càng lớn tuổi, bạn càng có nhiều hao mòn trên khớp.

Các nguyên nhân gây tổn thương khớp khác bao gồm chấn thương trong quá khứ, chẳng hạn như:

  • Sụn rách
  • Khớp bị trật
  • Chấn thương dây chằng

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp cũng có thể là dị dạng, béo phì và sai tư thế. Một số yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như tiền sử gia đình và giới tính, làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.

Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm

Một đĩa đệm bị thoát vị xảy ra khi vòng ngoài trở nên yếu hoặc bị rách và cho phép phần bên trong trượt ra ngoài. Tình trạng này có thể xảy ra khi:

  • Thực hiện một số hoạt động như vặn mình hoặc xoay để nâng một vật thể nặng
  • Những người thừa cân cũng có nguy cơ gia tăng bị thoát vị đĩa đệm vì tăng áp lực lên cột sống.
  • Cơ yếu và lối sống ít vận động cũng có thể góp phần vào sự tiến triển của thoát vị đĩa đệm
  • Khi bạn trở nên lớn tuổi, bạn có nhiều khả năng bị thoát vị đĩa đệm.
  • Thoát vị đĩa đệm phổ biến ở nam giới hơn nữ giới.

Điều trị thoái hóa khớp và thoát vị đĩa đệm

Điều trị thoái hóa khớp

Điều trị thoái hóa khớp chủ yếu là điều trị triệu chứng. Các phương pháp chữa thoái hóa khớp thường được chỉ định dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và vị trí. Thông thường, thay đổi lối sống, sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau (NSAIDs) như thuốc có hoạt chất diclofenac… và biện pháp khắc phục tại nhà sẽ đủ để giúp bạn giảm đau, cứng khớp và sưng.

Phương pháp điều trị tại nhà và thay đổi lối sống cho thoái hóa khớp bao gồm:

  • Tập thể dục: Hoạt động thể chất tăng cường các cơ xung quanh khớp và có thể giúp giảm độ cứng của khớp. Vận động ít nhất 20 đến 30 phút mỗi ngày. Chọn các hoạt động nhẹ nhàng, có khả năng tác động thấp đến khớp, chẳng hạn như đi bộ hoặc bơi lội. Yoga cũng có thể cải thiện tính linh hoạt của khớp và giúp giảm đau.
  • Giảm cân: Thừa cân có thể làm căng khớp và gây đau. Giảm cân giúp giảm áp lực này và giảm đau. Cân nặng khỏe mạnh cũng có thể làm giảm nguy cơ các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đườngbệnh tim mạch.
  • Ngủ đầy đủ: Nghỉ ngơi có thể làm giảm sưng và viêm. Hãy tử tế với bản thân và đừng lạm dụng sức khỏe quá nhiều. Ngủ đủ giấc vào ban đêm cũng có thể giúp bạn kiểm soát cơn đau hiệu quả hơn.
  • Liệu pháp nhiệt và lạnh: Bạn có thể áp dụng với liệu pháp nhiệt hoặc lạnh để giảm đau cơ và cứng khớp. Chườm lạnh hoặc nóng khi đau khớp trong 15 đến 20 phút nhiều lần trong ngày.

Những phương pháp này có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn.

ĐIều trị thoát vị đĩa đệm

Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ khó chịu mà bạn đang trải qua và mức độ tổn thương của đĩa đệm.

  • Tập thể dục: Hầu hết mọi người có thể giảm đau do thoát vị đĩa đệm bằng cách sử dụng một chương trình tập thể dục kéo dài và tăng cường cơ lưng và các cơ xung quanh. Bác sĩ vật lý trị liệu có thể hướng dẫn các bài tập giúp tăng cường sức khỏe của bạn trong khi giảm đau.
  • Dùng thuốc: Dùng các thuốc kháng viêm giảm đau (NSAIDs) và tránh các cử động nặng gây đau đớn cũng có thể có tác dụng.

Nếu không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường, bác sĩ có thể kê toa những loại thuốc mạnh hơn.

  • Vận động: Hãy cố gắng duy trì hoạt động thông qua các hoạt động kéo dài hoặc tác động thấp như đi bộ.
  • Phẫu thuật: Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu các triệu chứng của bạn không giảm trong 6 tuần hoặc nếu đĩa đệm bị trượt ảnh hưởng đến chức năng cơ của bạn.

Bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ phần đĩa đệm bị hỏng hoặc nhô ra khỏi cột sống mà không cần tháo toàn bộ đĩa đệm. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể thay thế đĩa đệm bị tổn thương bằng đĩa đệm nhân tạo hoặc tháo đĩa đệm và kết hợp các đốt sống với nhau. Phương pháp này làm tăng sự ổn định cho cột sống của bạn.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Osteoarthritis https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/osteoarthritis/symptoms-causes/syc-20351925# Ngày truy cập: 18.09.2018

Herniated disk https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/herniated-disk/symptoms-causes/syc-20354095 Ngày truy cập: 18.09.2018

Herniated Disk (Slipped, Ruptured or Bulging Disk) https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/12768-herniated-disk Ngày truy cập: 18.09.2018

Herniated Disc https://www.aans.org/en/Patients/Neurosurgical-Conditions-and-Treatments/Herniated-Disc Ngày truy cập: 18.09.2018

Everything You Need to Know About Osteoarthritis https://www.healthline.com/health/osteoarthritis
Ngày truy cập: 18.09.2018

Slipped (Herniated) Disk https://www.healthline.com/health/herniated-disk Ngày truy cập: 18.09.2018

Phiên bản hiện tại

24/05/2022

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Những lưu ý dành cho người bị cao huyết áp và thoái hóa khớp

Điều trị thoái hóa khớp gối: Ăn gì và kiêng gì?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 24/05/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo