backup og meta

4 triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau tại khớp nói lên điều gì?

4 triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau tại khớp nói lên điều gì?

Sau khi chấn thương do té ngã, va đập hoặc khớp xương bị thoái hóa do tuổi tác hay nhiều nguyên nhân khác mà đôi khi bạn cảm thấy sưng, nóng, đỏ, đau tại các khớp. Đó chính là những triệu chứng cơ bản do viêm khớp gây ra.

Sưng, nóng, đỏ, đau tại các khớp xương là những triệu chứng đầu tiên của tình trạng viêm khớp mà hầu như bất kỳ ai mắc phải tình trạng này đều trải qua. Đôi khi, triệu chứng viêm khớp bùng phát khi có những tác nhân kích thích, nhất là khi bạn phải tập trung dọn dẹp nhà cửa trong dịp Tết.

Vậy tại sao bạn lại gặp phải những dấu hiệu trên khi bị viêm khớp và đâu là cách điều trị hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Điều gì xảy ra tại các khớp bị viêm?

Phản ứng viêm xảy ra như là một cơ chế bảo vệ cơ thể ở những động vật bậc cao để chống lại nhiễm trùng hay chấn thương. Mục đích là khu trú và loại bỏ các tác nhân tổn hại đến tế bào, cũng như đào thải các phần mô đã tổn thương để cơ thể tự chữa lành (4)

Khi tác nhân gây viêm tấn công đến các khớp xương, cơ thể sẽ kích hoạt phản ứng viêm để đáp ứng lại. Các chất trung gian hóa học được phóng thích vào máu và đi đến các mô bị tổn thương.

Những thay đổi xảy ra trong quá trình viêm bao gồm: thay đổi lưu lượng máu, tăng tính thấm thành mạch và huy động protein, bạch cầu đến mô bị ảnh hưởng dẫn đến nóng và đỏ tại chỗ viêm (4). Một số chất còn làm cho dịch đi vào trong các mô khiến chúng sưng lên (3). Tất cả quá trình này sẽ kích thích dây thần kinh và gây đau (5)

Do đó, các triệu chứng chính của viêm khớp bao gồm (5)

  • Sưng, nóng, đỏ, đau
  • Mất chức năng vận động (cứng khớp)

Đôi lúc bạn sẽ chỉ gặp một vài trong số những triệu chứng trên. Ngoài ra, tình trạng viêm cũng có thể khiến bạn biểu hiện những dấu hiệu giống cúm như (5)

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Mệt mỏi, mất năng lượng
  • Đau đầu
  • Mất vị giác
  • Cứng cơ

Những loại viêm khớp phổ biến

Có đến hơn 100 loại viêm khớp khác nhau và những tình trạng liên quan khác. Trong đó, hai loại phổ biến nhất là thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp (8).

Thoái hóa khớp

Đây là dạng viêm khớp chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Thoái hóa khớp thường phát triển theo tuổi tác và hay ảnh hưởng đến các khớp ngón tay, đầu gối và hông (9)

Đôi lúc, tình trạng này xuất hiện sau khi bạn gặp phải chấn thương ở khớp. Ví dụ, những người trẻ tuổi bị tổn thương đầu gối nặng khi chơi đá bóng, bị ngã hay chấn thương do tai nạn giao thông. Mặc dù đã được chữa lành nhưng nhiều năm sau, đầu gối vẫn có khả năng bị thoái hóa khớp và dẫn đến tình trạng đầu gối sưng nóng.

viêm xương khớp
Ảnh- Shutterstock: 1444117922

Viêm khớp dạng thấp

Đây là một bệnh lý tự miễn điển hình, xảy ra khi hệ thống miễn dịch hoạt động không đúng cách, gây ảnh hưởng đến các khớp và xương. Thậm chí, những cơ quan nội tạng khác hay toàn cơ thể cũng có thể bị tác động (6).

Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp cổ tay, khớp ngón tay, khớp khuỷu, khớp gối, khớp cổ chân, khớp ngón chân. Tình trạng viêm khớp thường có tính đối xứng.

Ngoài những triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau, cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 1 giờ đồng hồ, người bệnh còn có thể cảm thấy sốt, mệt mỏi hay ốm yếu (1).

viêm khớp dạng thấp
Ảnh – Shuttertock.com: 480131776

Những vấn đề liên quan đến viêm khớp khác

Một loại viêm khớp thường thấy khác chính là bệnh gout, do các tinh thể tích tụ ở khớp gây ra. Khớp bị ảnh hưởng nhiều nhất là ngón chân cái nhưng nhiều khớp khác cũng chịu thương tổn (6).

Ngoài ra, viêm khớp có thể xuất hiện cùng với những tình trạng khác, bao gồm (6):

  • Bệnh Lupus: bệnh tự miễn này có thể khiến hệ thống miễn dịch gây ảnh hưởng đến các khớp, tim, da, thận và các cơ quan khác.
  • Nhiễm trùng xâm nhập vào khớp và phá hủy các lớp đệm của xương.

Điều trị các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau tại khớp

Để giảm đau, kháng viêm trong các bệnh lý khớp, thuốc được sử dụng nhiều nhất là thuốc giảm đau kháng viêm (NSAID). Đối với trường hợp viêm trầm trọng hơn thì bạn sẽ được chỉ định thêm corticosteroid (3).

Thuốc kháng viêm không steroid – NSAID

Nhóm thuốc giảm đau kháng viêm này gồm nhiều dẫn chất có thành cấu trúc hóa học khác nhau, không có nhân steroid và có chung cơ chế là ức chế các chất trung gian hóa học gây viêm, quan trọng nhất là prostaglandin. Đó chính là điều giúp mang lại tác dụng của NSAID đồng thời giải thích tác dụng phụ của nhóm thuốc này (1).

NSAID được phân loại thành 2 nhóm là:

  • Ức chế COX không chọn lọc, bao gồm các thuốc NSAID “cổ điển” như aspirin, ibuprofen, naproxen, diclofenac… Nhóm này ức chế cả men COX-1 và COX-2, trong đó chức năng chính của COX-1 là tổng hợp prostaglandin bảo vệ niêm mạc dạ dày và kết tập tiểu cầu. Do đó, NSAID ức chế COX không chọn lọc thường gây ra nhiều tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như viêm, loét, thủng dạ dày, tá tràng, ruột non… nên hay được sử dụng phối hợp với PPI (thuốc bảo vệ dạ dày bằng cách ức chế bơm proton) (1), (2).
  • Ức chế chọn lọc COX-2, nhóm thuốc này ra đời nhằm khắc phục tác dụng phụ trên đường tiêu hóa của nhóm trên và được xem là lựa chọn an toàn trên đường tiêu hóa (1), (2).

Khả năng gặp phải các tác dụng phụ khi dùng NSAID có thể khác nhau tùy vào hoạt chất, liều lượng cũng như thời gian sử dụng. Do đó, để hạn chế tác dụng không mong muốn, bạn nên tuân thủ theo đúng chỉ định điều trị từ bác sĩ.

Tuy nhiên, nếu bạn đã hoặc đang mắc bệnh đường tiêu hóa hay tim mạch, bệnh thận… hãy thông báo cho bác sĩ. Họ sẽ giúp bạn lựa chọn nhóm thuốc NSAIDs phù hợp.

Corticosteroid

Corticosteroid cũng được kê đơn cho nhiều tình trạng viêm nhiễm, kể cả viêm khớp, bệnh viêm ruột, hen suyễn, dị ứng. Tuy nhiên, nhóm thuốc này gây ra rất nhiều tác dụng phụ khi dùng đường uống, chẳng hạn như tăng cân, thay đổi tâm trạng, bầm tím, nhìn mờ, kích thích dạ dày… (3)

Sử dụng kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như loãng xương, hội chứng Cushing, loét và chảy máu đường tiêu hóa, bệnh tim (3).

Thay đổi lối sống (7)

Ngoài việc sử dụng thuốc để điều trị các triệu chứng, ngăn ngừa những biến chứng của bệnh thì bạn cũng cần thay đổi lối sống, tăng cường sức mạnh cho hệ cơ xương khớp.

Những cách bạn có thể tham khảo thực hiện gồm:

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau tại khớp và đến gặp bác sĩ hoặc nhân viên y tế để được tư vấn, điều trị bằng các phương pháp phù hợp với tình trạng của mình.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp. https://kcb.vn/wp-content/uploads/2016/06/HD%C4%90T-C%C6%A1-X%C6%B0%C6%A1ng-Kh%E1%BB%9Bp.pdf.

2. Nonsteroidal Anti-inflammatory Drugs (NSAIDs). https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK547742/.

3. 5 Cardinal Signs of Inflammation. https://www.verywellhealth.com/signs-of-inflammation-4580526.

4. Inflammation. https://www.britannica.com/science/inflammation.

5. Inflammation of Joints and Bone With Arthritis. https://www.webmd.com/arthritis/arthritis-inflammation#1.

6. Arthritis. https://www.niams.nih.gov/health-topics/arthritis#tab-overview.

7. The best home remedies for arthritis. https://www.medicalnewstoday.com/articles/324446.php#weight-loss.

8. Sources of Arthritis Pain. https://www.arthritis.org/living-with-arthritis/pain-management/understanding/types-of-pain.php.

9. Osteoarthritis (OA). https://www.cdc.gov/arthritis/basics/osteoarthritis.htm.

Phiên bản hiện tại

03/06/2022

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

[Trắc nghiệm] Bạn có bị thoái hóa khớp không?

[Infographic] Thuốc trị đau khớp nào có thể dùng cho người bị tăng huyết áp?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 03/06/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo