Đau xương cụt là bệnh gì? Cách giảm đau xương cụt hiệu quả

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Huệ Trang · Ngày cập nhật: 16/05/2022

    Đau xương cụt là bệnh gì? Cách giảm đau xương cụt hiệu quả
    Quảng cáo

    Hiện nay, không nhiều người chú ý đến chứng đau xương cụt. Tuy nhiên, tình trạng này có thể biến thành mạn tính và cản trở các hoạt động hàng ngày.

    Vậy đau xương cụt là bệnh gì? Bị đau xương cụt ở nam giới và nữ giới có nguyên nhân do đâu? Mời bạn cùng xem tiếp những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi để phần nào có lời giải đáp cho những thắc mắc trên nhé!

    Nguyên nhân đau xương cụt

    Xương cụt là xương rất nhỏ, vị trí xương cụt ở phần cuối của cột sống. Xương cụt đảm nhiệm một nhiệm vụ quan trọng là giúp giữ cân bằng khi ngồi và cố định các nhóm cơ, gân cũng như dây chằng xung quanh.

    Khi bị đau xương cụt, bạn có thể thấy cơn đau thường xuất hiện tập trung ở phần dưới cột sống, ngay sau hông, nơi có nhiều đốt xương. Tình trạng tự nhiên bị đau xương cụt, bị đau xương cụt khi ngồi hoặc ngồi lâu bị đau xương cụt có thể là do chấn thương xương cụt khi té ngã, ngồi quá lâu trên bề mặt cứng, chật hẹp, tình trạng thoái hóa khớp. Bên cạnh đó, chấn thương khớp do các chuyển động lặp lại hoặc khớp hao mòn theo tuổi tác cũng là những nguyên nhân gây ra hiện tượng đau xương cụt.

    Ngoài những nguyên nhân kể trên, tình trạng đau xương cụt ở nam giới cũng có thể là do các bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, khối u vùng chậu ở nam giới hoặc do các bệnh ở cột sống như viêm hoặc thoái hóa đốt sống cùng, thoát vị đĩa đệm thắt lưng, hẹp đốt sống, loãng xương, gai cột sống…

    Ở nữ, tình trạng đau vùng xương cụt có thể xuất hiện trong thai kỳ và sau sinh. Trong suốt ba tháng cuối của thai kỳ, những dây chằng liên kết với xương cụt thay đổi và gây tình trạng đau xương cụt khi mang thai. Vì lý do này, phụ nữ mang thai có nguy cơ bị cao gấp 5 lần so với nam giới. Ngoài ra, bị đau xương cụt ở nữ giới còn có thể đến từ:

    • Các bệnh phụ khoa, viêm cơ quan sinh dục
    • Vị trí tử cung bất thường – quá ngả về trước hoặc ngả về sau do tử cung và các tổ chức xung quanh bị viêm dính vào nhau (thường gặp ở người sinh đẻ nhiều hoặc đã từng làm phẫu thuật tử cung)
    • Có vấn đề về vòng tránh thai như kích cỡ không phù hợp với buồng tử cung, độ đàn hồi quá lớn hoặc vị trí vòng tránh thai bị lệch… gây kích thích tới vách tử cung.

    Bạn cũng có thể bị nếu thừa cân. Mặc dù vậy, nếu giảm cân quá nhanh, xương cụt lại bị mất lớp màng bảo vệ và dễ dàng chịu tổn thương hơn.

    Trong những trường hợp hiếm, nguyên nhân đau xương cụt có thể do viêm nhiễm hay khối u. Cơn đau thường chuyển từ nhẹ sang nặng. Đặc biệt, nó thường trở nên dữ dội khi bạn ngồi vào ghế, đứng lên, hay ngả ra sau khi ngồi. Bạn cũng sẽ cảm thấy sưng đau vùng xương chậu khi quan hệ tình dục.

    Đôi khi cơn đau sẽ di chuyển đến phần chân. Vì vậy, việc đứng lên hay đi bộ sẽ giúp giảm áp lực đến phần xương cụt và khiến bạn thoải mái hơn.

    Làm gì khi bị đau xương cụt?

    Uống thuốc giảm đau xương cụt

    Bị đau xương cụt khi ngồi hoặc đứng thường tự biến mất trong vòng vài tuần hay vài tháng. Tuy nhiên, để hạn chế cơn đau bùng phát trong thời gian đó, bạn có thể thử các cách giảm đau xương cụt sau:

    • Hơi ngả người về trước khi ngồi
    • Ngồi lên gối hay nệm hình chữ V
    • Chườm nóng hay lạnh vào khu vực đau
    • Sử dụng thuốc giảm đau như nhóm thuốc NSAIDs (thuốc kháng viêm không steroid)
    • Thực hiện các bài tập chữa đau xương cụt.

    Nếu cơn đau không cải thiện hoặc tình trạng trở nên nghiêm trọng đến mức đau xương cụt không ngồi được, bạn cần thăm khám bác sĩ ngay để nó không chuyển biến xấu hơn. Họ sẽ tiến hành chụp X-quangchụp cộng hưởng từ để phát hiện dấu hiệu tổn thương như gãy nứt xương hay khối u đè lên xương.

    Phương pháp điều trị chứng đau xương cụt

    Những phương pháp thường được sử dụng để đối phó với đau đốt sống cụt mạn tính bao gồm:

    Vật lý trị liệu

    Chuyên gia trị liệu sẽ hướng dẫn cho bạn những kỹ thuật giảm đau như hít thở sâu và thư giãn hoàn toàn khung xương chậu vì cơn đau thường bộc phát khi bạn đi tiểu hoặc đại tiện.

    Vận động

    Xoa bóp các cơ gắn với xương cụt có thể làm giảm đau. Các thao tác thường được thực hiện thông qua trực tràng.

    Dược phẩm

    Tiêm thuốc gây tê cục bộ vào xương cụt có thể làm giảm đau một vài tuần. Thuốc chống trầm cảm hay trị động kinh cũng có tác dụng giảm đau.

    Phẫu thuật

    Bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật cắt bỏ xương cụt khi tất cả các liệu pháp trên đều không hiệu quả.

    Việc phát hiện và đối phó với tình trạng đau đốt sống cụt hiệu quả trước khi nó tiến triển thành bệnh mạn tính là điều rất quan trọng. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào nhé.

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Huệ Trang · Ngày cập nhật: 16/05/2022

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo