backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Phục hồi đau khớp cổ chân do chấn thương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 22/02/2022

    Phục hồi đau khớp cổ chân do chấn thương

    Anh D là một người đam mê bóng đá. Sau giờ làm, anh hay cùng bạn bè đi đá bóng. Hôm qua, như thường lệ, anh cùng bạn bè thi đấu nhưng không may bị ngã và cảm thấy đau ở cổ chân. Anh nghĩ rằng mình không sao và đã bôi dầu khi về nhà. Tuy nhiên, sáng nay ngủ dậy, anh D cảm thấy khớp cổ chân sưng, nóng và đau dữ dội, đặc biệt là khi di chuyển chân.

    Anh D lo lắng về tình trạng của mình và không biết liệu đây có phải là dấu hiệu trật khớp cổ chân hoặc gãy xương hay không. Vì vậy, anh đã thử lên mạng tra cứu. Hãy cùng anh D tìm hiểu về những chấn thương có thể gây nên tình trạng đau nhức cổ chân này nhé.

    Đau khớp cổ chân có thể xảy ra do những chấn thương nào?

    Cổ chân hay mắt cá chân được tạo thành từ ba xương, bao gồm xương chày, xương mác của cẳng chân và xương sên của bàn chân. Các xương được gắn kết với nhau tại khớp cổ chân bằng các dây chằng. Trên xương có các điểm bám gân giúp cơ bám vào xương để hỗ trợ cử động của cổ chân và bàn chân, đồng thời giúp giữ sự ổn định của các khớp. Khi các mô ở xương, dây chằng hoặc gân bị tổn thương, chúng có thể gây sưng đau khớp cổ chân [1]. Dưới đây là một số chấn thương có thể khiến bạn bị đau cổ chân.

    Bong gân khớp cổ chân

    Bong gân khớp cổ chân hay “lật sơ mi” là thuật ngữ dùng mô tả những tổn thương ở dây chằng quanh khớp cổ chân trong trường hợp chúng bị kéo căng quá mức so với phạm vi chuyển động bình thường [1]. Tình trạng này có thể xảy ra khi bàn chân đột ngột bị lật vào trong hoặc ra ngoài, từ đó khiến khớp cổ chân phải di chuyển khỏi vị trí vốn có của nó [2]. Bong gân khớp cổ chân gặp phải ở khoảng 1/10.000 người mỗi ngày, chiếm 1/4 tổng số các chấn thương thể thao. Bạn có thể cảm thấy [3]:

    • Đau khu trú ở một bên mắt cá chân
    • Mất ổn định khớp, cứng khớp, sưng khớp. Các tình trạng này có khả năng xảy ra cao hơn sau khi sụn bị tổn thương.

    Bong gân tái phát có thể gây thêm các tổn thương mới và làm tăng nguy cơ dẫn đến thoái hóa khớp lâu dài [3].

    Căng cơ

    Hầu hết các trường hợp căng cơ xảy ra do một trong hai lý do: Cơ bị kéo căng hoặc bị buộc phải co lại quá mức. Trong trường hợp nhẹ, chỉ một vài sợi cơ bị kéo căng hoặc bị rách, vì vậy, cơ vẫn còn nguyên vẹn và khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, cơ có thể bị căng và rách toàn bộ, từ đó khiến chúng không thể hoạt động bình thường. Căng cơ sẽ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, bao gồm [4]:

    • Bầm tím
    • Chuột rút, co thắt cơ bắp
    • Yếu cơ
    • Đau, thường nặng hơn khi cử động
    • Sưng tấy
    Đau khớp cổ chân do bị căng cơ
    Ảnh: Shutterstock.com – 1479290015

    Viêm gân

    Các chấn thương ở gân có thể gây nên tình trạng viêm gân cấp (tự khỏi trong 2-4 tuần) và mạn tính (kéo dài hơn 6 tuần) [5]. Tình trạng đau do viêm gân có thể trở nên trầm trọng hơn nếu bạn tiếp tục chuyển động các khớp cổ chân [5]. Viêm gân sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các chuyển động của gân (khó di chuyển khớp), khiến nó bị sưng, đôi khi có kèm nóng và đỏ, đồng thời gây cứng và đau khớp cổ chân [6].

    Gãy xương ở khớp cổ chân

    Như đã đề cập ở trên, trật cổ chân khiến các cơ và mô mềm quanh khớp bị tổn thương, từ đó dẫn đến bong gân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp chấn thương nghiêm trọng, một hoặc nhiều xương ở cổ chân có thể bị gãy. Nếu gãy xương cổ chân, dây chằng thường bị rách và sụn cũng bị tổn thương [7]. Mức độ nghiêm trọng của chỗ gãy xương có thể khác nhau, từ những vết nứt nhỏ trên xương đến tình trạng xương gãy hở đâm xuyên qua da [8]. Nếu bị gãy xương cổ chân, bạn có thể gặp một số triệu chứng sau [8, 9]:

    • Đau nhói ngay lập tức, sưng tấy, bầm tím và cứng khớp cổ chân
    • Khó di chuyển cổ chân ngay cả trong phạm vi chuyển động bình thường của chúng
    • Không có khả năng đứng trụ trên cổ chân bị thương. Tuy nhiên, nếu bạn có thể đứng trụ, tức chịu trọng lực trên cổ chân, điều này cũng không có nghĩa là bạn không bị gãy xương.
    • Nếu bị gãy xương hở, vùng cổ chân có thể biến dạng nghiêm trọng, một phần xương gãy sẽ được nhìn thấy xuyên qua da.

    Anh D tìm hiểu và cảm thấy lo lắng vì không thể xác định rõ được tình trạng của mình. Bên cạnh đó, vùng bị thương ngày càng đau và gây nhiều khó khăn cho anh. Vì vậy, anh quyết định đi đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám. Qua kiểm tra, bác sĩ cho rằng tình trạng này không quá nghiêm trọng và có thể khỏi sau vài tuần điều trị theo hướng dẫn. Theo đó, có nhiều cách khác nhau có thể được sử dụng để kiểm soát và điều trị tình trạng đau khớp cổ chân do chấn thương.

    Những cách chữa đau khớp cổ chân do chấn thương

    Sử dụng thuốc

    Sử dụng thuốc để giảm đau khớp cổ chân
    Ảnh: Shutterstock.com – 228917461

    Tùy vào nguyên nhân gây đau khớp cổ chân mà bạn có thể được chỉ định sử dụng thuốc phù hợp. Dưới đây là một số nhóm thuốc có thể được dùng để chữa đau khớp cổ chân do chấn thương:

  • Paracetamol: Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, paracetamol có thể làm dịu cơn đau do nhiều chấn thương khớp cổ chân gây ra như bong gân, căng cơ và gãy xương [10, 11, 12]. Tuy nhiên, dù được xem là thuốc giảm đau đầu tay, paracetamol không có khả năng kháng viêm, vì vậy chúng không mang lại nhiều hiệu quả trong việc giảm viêm trong viêm gân [13].
  • Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs): Tương tự như paracetamol, nhóm NSAIDs được sử dụng trong điều trị tình trạng đau khớp cổ chân do các chấn thương khác nhau như bong gân, căng cơ, viêm gân và gãy xương [6, 10, 14, 15, 16]. NSAIDs có thể được dùng dưới dạng đường uống hoặc bôi tại chỗ để giảm đau và giảm sưng [17].
  • Corticosteroid: Với sự phát triển của các loại thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, việc sử dụng corticosteroid trong điều trị bong gân và căng cơ đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, loại thuốc này đôi khi được dùng trong điều trị viêm gân ở các vùng khác nhau trên cơ thể, nhưng những loại thuốc này không được sử dụng trong các trường hợp bong gân và căng cơ [18].
  • Thuốc giảm đau gây nghiện: Một số thuốc giảm đau gây nghiện opioid yếu được sử dụng để điều trị các cơn đau khớp cổ chân do bong gân [19]. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định opioid để giảm đau sau khi phẫu thuật gãy xương cổ chân [20].
  • Sau khi thăm khám, bác sĩ đã chỉ định cho anh D sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm không steroid. Tuy nhiên, anh D cho biết khớp cổ chân của mình rất đau và đề nghị liệu bác sĩ có thể kê đơn cho anh sử dụng nhiều loại thuốc kết hợp để giúp giảm đau nhanh và hiệu quả hơn không. Bác sĩ cho anh biết rằng, mỗi loại thuốc đều có những tác dụng phụ riêng [21]. Việc kết hợp các loại thuốc khác nhau đôi khi không mang lại lợi ích so với sử dụng một thuốc đơn lẻ mà còn khiến các tác dụng phụ xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt khi sử dụng NSAIDs cùng các thuốc khác cho những bệnh nhân có tiền sử gặp các vấn đề tiêu hóa như anh D [22, 23].

    Các thuốc nhóm NSAIDs, cũng như bất kỳ nhóm thuốc nào, đều có khả năng gây tác dụng phụ. Trong đó, tác dụng phụ thường gặp nhất của NSAIDs là các vấn đề trên đường tiêu hóa, có thể kể đến như đau dạ dày, ợ nóng, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn. Đôi khi, sử dụng NSAIDs còn gây loét và chảy máu đường tiêu hóa [24]. Những tác dụng phụ này có thể xuất hiện rất sớm, ngay từ ngày đầu tiên sử dụng thuốc [25]. Vì vậy, việc sử dụng NSAIDs trên nhóm đối tượng gặp các vấn đề về tiêu hóa nên đặc biệt thận trọng, cả dùng đơn lẻ hay dùng kết hợp các thuốc khác [26]. Trong trường hợp cần sử dụng NSAIDs cho những đối tượng này, bác sĩ thường chỉ định các NSAIDs chọn lọc COX-2 như nhóm coxib, vì chúng có tác dụng tương đương với các NSAIDs không chọn lọc, nhưng ít gây tổn thương đường tiêu hóa và rối loạn chức năng tiểu cầu hơn [26].

    Phương pháp RICE

    Ngoài kê đơn thuốc cho anh D, bác sĩ còn hướng dẫn anh áp dụng phương pháp RICE để giúp giảm đau khớp cổ chân do chấn thương.

    Phương pháp RICE được xem là một cách trị đau cổ chân tại nhà khá hiệu quả. Phương pháp này gồm 4 bước [27, 28]:

    • Nghỉ ngơi (Rest): Bạn nên tránh đặt trọng lượng lên cổ chân càng nhiều càng tốt bằng cách tạm dừng các hoạt động hằng ngày có thể gây đau.
    • Chườm đá (Ice): Chườm một túi đá trên mắt cá chân khoảng 15-20 phút/ lần và 3 lần mỗi ngày. Sau 48-72 giờ, nếu hết sưng, có thể chườm nóng. Chú ý không áp đá lạnh hoặc vật nóng trực tiếp lên da mà cần bọc lại bằng một cái khăn lông, hoặc dùng túi chườm lạnh hoặc túi chườm nóng.
    • Băng ép (Compression): Việc băng bó chỗ bị thương có thể giúp giảm sưng đau khớp cổ chân.
    • Nâng vết thương lên cao (Elevation): Gác cổ chân lên một cái gối khi nằm hoặc ngồi. Việc nâng chân lên cao hơn tim có thể giúp giảm sưng hiệu quả.
    Phương pháp RICE giảm đau khớp cổ chân
    Ảnh: Shutterstock.com – 1700575519

    Phẫu thuật

    Sau khi kê đơn thuốc và hướng dẫn cho anh D cách trị đau cổ chân tại nhà, bác sĩ cũng đề nghị anh theo dõi tình trạng của mình thường xuyên. Bởi vì trong một số trường hợp, khi tình trạng đau khớp cổ chân do chấn thương không được cải thiện dù đã điều trị bằng các phương pháp khác, bác sĩ có thể phải tiến hành phẫu thuật.

    Phẫu thuật không phải là biện pháp điều trị thường được sử dụng trừ trường hợp tình trạng đau khớp cổ chân không được cải thiện hoặc lan rộng dù đã áp dụng các phương pháp khác [1].

    May mắn thay, nhờ sử dụng thuốc theo đúng chỉ định và áp dụng phương pháp RICE tại nhà mà anh D đã cảm thấy đỡ đau cổ chân hơn. Trong lần tái khám sau đó, anh D đã khỏi hoàn toàn.

    Có thể thấy, nhiều chấn thương khác nhau có thể khiến bạn bị đau khớp cổ chân [1]. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn nên áp dụng một số phương pháp giảm đau ban đầu và đến gặp bác sĩ để được thăm khám nếu cơn đau vẫn kéo dài.

    PP-CEL-VNM-0478

    VIATRIS đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.

    HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. VIATRIS không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 22/02/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo