backup og meta

Các cách phòng tránh tác dụng phụ của thuốc trị viêm khớp

Các cách phòng tránh tác dụng phụ của thuốc trị viêm khớp

Các thuốc trị viêm khớp, đặc biệt là NSAIDs, có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn, thậm chí rất nghiêm trọng. Tuy vậy, các tác dụng phụ này vẫn có thể phòng tránh được nếu bạn dùng thuốc đúng cách.

NSAIDs (các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid) là một loại thuốc trị viêm khớp phổ biến, giúp giảm đau ở các bệnh cơ xương khớp (1). Tuy nhiên, nhóm thuốc này cũng có nhiều tác dụng không mong muốn cho sức khỏe, phổ biến nhất là biến chứng trên đường tiêu hóa. Ngoài ra, chúng còn ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp và thận (2). Vậy có cách nào để phòng tránh hoặc hạn chế các tác dụng phụ của thuốc hay không? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

Ảnh hưởng của thuốc trị viêm khớp đối với cơ thể

Khi bị viêm khớp, bác sĩ có thể chỉ định rất nhiều loại thuốc khác nhau tùy vào tình trạng sức khỏe người bệnh, trong đó phổ biến nhất là các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs). Tuy nhiên, các thuốc trị viêm khớp này cũng gây ra nhiều tác dụng phụ đối với cơ thể, nổi bật nhất chính là biến chứng đường tiêu hóa (2). Sau đây là một số ảnh hưởng của thuốc NSAIDs đối với sức khỏe:

Đường tiêu hóa

Tình trạng viêm trong cơ thể do men cyclooxygenase (COX) – một tác nhân gây viêm trong cơ thể gây ra. Men COX gồm có hai loại là COX-1 và COX-2. Men COX-1 có sẵn trong đường tiêu hóa, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày – tá tràng. Ngược lại, men COX-2 chỉ xuất hiện khi có viêm trong cơ thể. Do đó, ức chế men COX-2 sẽ giúp giảm đau và kháng viêm (3) (4). Tuy nhiên, các thuốc NSAIDs trước đây (NSAIDs cổ điển) đều đánh vào men COX-1 và COX-2 (3) (4). Điều này vừa giúp kháng viêm vừa gây ra các biến chứng không mong muốn trên đường tiêu hóa, chẳng hạn như (4):

  • Đau hoặc rát dạ dày
  • Ợ nóng
  • Đầy bụng
  • Tiêu chảy hoặc táo bón
  • Xuất huyết hoặc loét dạ dày
  • Buồn nôn và nôn

Trong những trường hợp nghiêm trọng, thuốc NSAIDs có thể gây thủng dạ dày – ruột (3). Do các tác dụng không mong muốn của NSAIDs đời trước trên đường tiêu hóa quá nhiều, các nhà nghiên cứu đã cho ra đời thuốc kháng viêm không steroid chỉ đánh vào men COX-2, mà không ảnh hưởng đến men COX-1. Loại thuốc này được gọi là thuốc ức chế chọn lọc trên men COX-2 (4). Sau khi ra đời, loại thuốc này đã được nhiều nghiên cứu khẳng định ít gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa so với nhóm NSAIDs không chọn lọc, nhờ đó giúp phòng tránh các biến chứng nghiêm trọng (2) (3).

Tim mạch

Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), tất cả các thuốc NSAIDs, trừ aspirin, đều làm tăng nguy cơ tim mạch ở người dùng, cho dù bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay không (5). Khi dùng các thuốc NSAIDs liều cao, đặc biệt là trong thời gian dài, sẽ khiến người bệnh dễ bị suy tim, đột quỵ, nhồi máu cơ tim và có thể dẫn đến tử vong (6). Do đó, các bác sĩ thường không chỉ định thuốc NSAIDs cho người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, đối với người bị viêm khớp và có khả năng mắc bệnh tim mạch cao, họ cần phải dùng NSAIDs để đỡ đau, giảm sưng viêm khớp, vận động dễ dàng hơn và tận hưởng cuộc sống tốt hơn. Do vậy, các nhà nghiên cứu đã tiến hành nhiều nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của các NSAIDs khác nhau trên tim mạch. Kết quả cho thấy tính an toàn trên tim mạch của các NSAIDs này không giống nhau.(7)

Huyết áp

Theo thống kê, khoảng 60% người cao tuổi được chỉ định thuốc trị viêm khớp (NSAIDs) cùng với các thuốc trị tăng huyết áp và/hoặc suy tim sung huyết (2). Song các thuốc NSAIDs thế hệ cũ có thể gây nhiều ảnh hưởng không mong muốn đến huyết áp, chẳng hạn như làm giảm tác dụng hạ áp của một số thuốc (như thuốc ức chế men chuyển) (2) và tăng huyết áp trung bình thêm 5mmHg (8). Tuy nhiên không quan sát thấy những ảnh hưởng này khi dùng các thuốc ức chế chọn lọc lên COX-2 (2). Do đó, bác sĩ sẽ cân nhắc để lựa chọn thuốc có lợi cho người bệnh nhất, tránh các tác dụng không mong muốn.

Thận

Các biến chứng phổ biến nhất của NSAIDs trên thận là giữ nước, như sưng phù mắt cá chân và bàn chân. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể mắc một số vấn đề khác ở thận (4).

Theo Hội Thận Quốc gia Hoa Kỳ, các thuốc NSAIDs có thể làm tăng nguy cơ mắc suy thận hoặc tổn thương thận đột ngột (4) (9). Do đó, bác sĩ sẽ thận trọng và xem xét tình hình để quyết định có kê thuốc NSAIDs cho người bệnh không. Nếu phải bắt buộc, họ có thể lựa chọn các thuốc NSAIDs ít ảnh hưởng lên thận cho người bệnh.

Làm sao để phòng tránh các tác dụng phụ của thuốc trị viêm khớp?

client_thuốc trị viêm khớp
Ảnh – Shutterstock: 1296162802

Mặc dù NSAIDs gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe, nhưng đây là thuốc điều trị viêm khớp hiệu quả. Do đó, bác sĩ bắt buộc phải chỉ định thuốc để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Tuy nhiên, để hạn chế hoặc phòng tránh các tác dụng không mong muốn, bác sĩ sẽ đưa ra một số biện pháp sau:

  • Để giảm các biến chứng trên đường tiêu hóa, cụ thể là dạ dày, bạn có thể dùng thuốc NSAIDs cùng với thức ăn, sữa hoặc thuốc ức chế sản xuất acid dạ dày (4) như thuốc ức chế bơm proton (PPI). Tuy nhiên, các thuốc PPI chỉ bảo vệ dạ dày – tá tràng, không thể bảo vệ ruột non, ruột già và trực tràng. Bạn có thể bị rối loạn hệ vi khuẩn ruột nếu sử dụng thuốc kéo dài (10). Vì lý do này, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định các thuốc NSAIDs ức chế chọn lọc trên COX-2 để bảo vệ niêm mạc dạ dày – tá tràng và phòng tránh các biến chứng đường tiêu hóa.
  • Không uống rượu, bia hoặc đồ uống có cồn vì có thể gây xuất huyết tiêu hóa khi sử dụng NSAIDs (4).
  • Đối với người có nguy cơ bị tim mạch, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn các thuốc NSAIDs có bằng chứng an toàn trên tim mạch, kết hợp với aspirin liều thấp hoặc thuốc kháng đông để phòng ngừa nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ (11)
  • Tương tự với người bị huyết áp cao hoặc có nguy cơ, bác sĩ cũng sẽ lựa chọn các thuốc NSAIDs ít ảnh hưởng lên huyết áp (12), đồng thời kiểm soát quá trình dùng thuốc của người bệnh chặt chẽ để nhanh chóng phát hiện các bất thường kịp thời.
  • Nếu bạn bị bệnh thận, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc giảm đau, không được tự ý dùng thuốc cho dù là các thuốc NSAIDs không kê đơn (9).
  • Điều cuối cùng nhưng quan trọng không kém là phải tuân theo chỉ định dùng thuốc từ bác sĩ. Bạn không nên tự ý ngưng thuốc, tăng liều hoặc giảm liều mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ vì có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị và mắc các tác dụng phụ không mong muốn. Ngoài ra, bạn không nên tự ý mua thuốc mà phải đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

NSAIDs là loại thuốc khá quen thuộc trong điều trị viêm khớp. Tuy vậy, thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn mà nổi bật nhất là biến chứng trên đường tiêu hóa. Do đó, để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất, người bệnh cần chủ động thông báo cho bác sĩ về các tình trạng sức khỏe đang có, chẳng hạn như viêm dạ dày và các thuốc đang sử dụng. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ có thể đưa ra các cách phòng tránh phù hợp. Nếu bạn có nguy cơ cao mắc các vấn đề về dạ dày, tim mạch hoặc huyết áp, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định thuốc NSAIDs phù hợp, được chứng minh gây ít tác dụng phụ lên các cơ quan này hơn (11).

Viatris đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.

HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. Viatris không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.

PP-CEL-VNM-0472

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

  1. What Are NSAIDs for Rheumatoid Arthritis?. https://www.webmd.com/rheumatoid-arthritis/nsaids-rheumatoid-arthritis#1. Ngày truy cập 4/1/2021
  2. A Comprehensive Review of Non-Steroidal Anti-Inflammatory Drug Use in The Elderly. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5772852/. Ngày truy cập 4/1/2021
  3. Non-steroidal anti-inflammatory drugs and gastrointestinal damage—problems and solutions. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1741894/pdf/v077p00082.pdf. Ngày truy cập 4/1/2021
  4. Side Effects from NSAIDs. https://www.healthline.com/health/side-effects-from-nsaids. Ngày truy cập 4/1/2021
  5. FDA Drug Safety Communication: FDA strengthens warning that non-aspirin nonsteroidal anti-inflammatory drugs (NSAIDs) can cause heart attacks or strokes. https://www.fda.gov/drugs/drug-safety-and-availability/fda-drug-safety-communication-fda-strengthens-warning-non-aspirin-nonsteroidal-anti-inflammatory. Ngày truy cập 4/1/2021
  6. NSAIDs and the Risk of Heart Problems and Stroke. https://www.arthritis.org/health-wellness/treatment/treatment-plan/disease-management/nsaids-risk-of-heart-problems-and-stroke. Ngày truy cập 4/1/2021
  7. Cardiovascular Risk with Non-Steroidal Anti-Inflammatory Drugs: Systematic Review of Population-Based Controlled Observational Studies. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3181230/. Ngày truy cập 4/1/2021
  8. NSAIDs and increased blood pressure. What is the clinical significance?. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/9391772. Ngày truy cập 4/1/2021
  9. Pain Medicines (Analgesics). https://www.kidney.org/atoz/content/painmeds_analgesics. Ngày truy cập 4/1/2021
  10.  Protons pump inhibitor treatment and lower gastrointestinal bleeding: Balancing risks and benefits. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5192259/. Ngày truy cập 4/1/2021
  11. Safe prescribing of non-steroidal anti-inflammatory drugs in patients with osteoarthritis–an expert consensus addressing benefits as well as gastrointestinal and cardiovascular risks. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/25857826. Ngày truy cập 4/1/2021
  12. Do Selective COX-2 Inhibitors Increase Blood Pressure More or Less Than Nonselective NSAIDs?. https://www.medscape.org/viewarticle/496852. Ngày truy cập 4/1/2021

Phiên bản hiện tại

28/01/2022

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Tổng quan về thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch | Hello Bacsi x SANOFI

Những lưu ý khi dùng thuốc giảm đau trị thoái hoá khớp cho người bệnh huyết áp


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 28/01/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo