backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu

Điều trị viêm khớp: 5 lý do tại sao bạn cần giảm cân

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 25/08/2021

    Điều trị viêm khớp: 5 lý do tại sao bạn cần giảm cân

    Duy trì cân nặng hợp lý góp phần bảo vệ sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và ung thư. Tuy nhiên, bạn có biết thừa cân, béo phì cũng cản trở quá trình điều trị viêm khớp, làm trầm trọng hơn các triệu chứng bệnh không? 

    Giảm cân khi bị viêm khớp có thể giúp bạn cải thiện những triệu chứng khó chịu do bệnh xương khớp gây ra. Đặc biệt là trường hợp đau khớp gối ở người trẻ tuổi. Dưới đây là 5 lý do vì sao giảm cân một cách lành mạnh lại tốt cho xương khớp của bạn.

    Vì sao bạn nên giảm cân trong quá trình điều trị viêm khớp?

    vì sao nên giảm cân

    Dư cân, béo phì có thể ảnh hưởng đến bệnh viêm khớp vì:

    • Trọng lượng cơ thể trực tiếp tác động lên sức tải của khớp, đặc biệt là khớp gối. Nếu quá cân, các khớp và thành phần trong khớp có thể bị tăng áp lực gây đau và căng giãn, khó chịu, đặc biệt là khớp đầu gối, hông và bàn chân.
    • Chất béo dư thừa tạo ra một số chất trung gian gây viêm, ảnh hưởng đến các mô khớp và làm tình trạng đau nhức xương khớp trầm trọng hơn.
    • Hạn chế khả năng vận động của bạn.
    • Dễ bị chấn thương liên quan đến khớp nếu có.

    Vì vậy, giảm cân khi cần điều trị viêm khớp sẽ đem lại những lợi ích như sau.

    Giảm đau

    Nhiều nghiên cứu cho thấy giảm cân giúp giảm đau xương khớp. Theo nghiên cứu trên người lớn tuổi thừa cân và béo phì kèm theo đau do viêm khớp gối, nếu bạn giảm cân nhiều (10-20% trọng lượng cơ thể so với ban đầu) sẽ cải thiện tình trạng khớp tốt hơn so với cân nặng giảm ít (5%). Cụ thể, giảm cân thành công sẽ giúp người bệnh đỡ đau khớp, phục hồi chức năng khớp, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

    Giảm áp lực lên khớp

    Đối với những người thừa cân, với mỗi 1kg cân nặng giảm được sẽ giảm tải cho khớp gối 4kg. Nghĩa là nếu bạn giảm 4,5kg, đầu gối sẽ bớt được 18kg trọng lượng cần hỗ trợ trong mỗi bước đi.

    Áp lực lên khớp ít hơn giúp tránh hao mòn các thành phần trong đầu gối như cơ xương, sụn, khớp, từ đó cũng giảm được nguy cơ mắc viêm xương khớp (OA). Ở người đã có bệnh, giảm 5% trọng lượng cơ thể trở lên sẽ có tác động tích cực đến chức năng khớp gối cũng như kết quả điều trị.

    Giảm viêm từ đó giảm đau khớp gối

    Bản thân chất béo là một mô có vai trò tạo ra và giải phóng các hóa chất gây viêm. Khi giảm lượng mỡ dự trữ trong cơ thể, tình trạng viêm toàn thân cũng sẽ giảm. Bệnh béo phì có thể kích hoạt và duy trì tình trạng viêm cấp thấp trong cơ thể. Từ đó, làm nặng thêm các chứng rối loạn tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, lupus và các bệnh lý phát sinh kèm theo (như bệnh tim).

    Nhiều nghiên cứu mới cho rằng viêm không phải là hậu quả của viêm khớp mà là một yếu tố nguy cơ. Dư cân làm tăng mức độ viêm trong cơ thể nên có thể dẫn đến đau khớp trầm trọng hơn. Do đó, giảm cân khi bị viêm khớp có thể cải thiện phản ứng viêm này, hỗ trợ quá trình điều trị.

    Theo một dữ liệu khảo sát ở người giảm thành công gần 1 kg mỗi tháng (từ 3 tháng đến 2 năm), các dấu hiệu viêm trong cơ thể của họ cũng giảm đáng kể. Dĩ nhiên, những cơn đau nhức xương khớp do viêm cũng không phải ngoại lệ.

    Giảm nguy cơ mắc các bệnh lý khác

    giảm cân hỗ trợ điều trị viêm khớp

    Người có cân nặng hợp lý sẽ ít gặp phải các vấn đề tim mạch, tiểu đường hay ung thư hơn người thừa cân béo phì. Vậy điều này có mối liên hệ gì với việc giảm cân khi điều trị viêm khớp?

    Béo phì, tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch và các vấn đề sức khỏe khác đều thuộc hội chứng chuyển hóa. Những bệnh này đều có điểm chung về mức độ viêm cao và có thể ảnh hưởng lẫn nhau. Nhiều bằng chứng cho rằng viêm xương khớp cũng là một phần của hội chứng chuyển hóa.

    Một số thuốc giảm đau khớp có thể không phù hợp với người mắc các bệnh tim mạch hay tiểu đường. Người thừa cân cũng gặp khó khăn trong vận động, khiến khớp kém linh hoạt, dễ bị cứng khớp. Do đó, người bệnh nên thực hiện những chế độ ăn giúp làm chậm sự tiến triển của hội chứng chuyển hóa cũng như hỗ trợ điều trị viêm khớp. 

    Hãy ăn thực phẩm tươi có nhiều chất dinh dưỡng như:

    • Trái cây và rau quả tươi: Cung cấp chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng khác. Bạn cũng có thể uống nước ép giảm cân nếu không thích ăn trái cây, rau củ.
    • Dầu ăn có nguồn gốc thực vật lành mạnh, chẳng hạn như dầu ô liu.

    Bên cạnh đó, hãy tránh tiêu thụ những loại thực phẩm sau:

    • Thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo và muối
    • Thực phẩm đã qua quá trình xử lý, chế biến sẵn như thức ăn đóng hộp
    • Thực phẩm chứa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (có thể làm tăng mức cholesterol trong máu, dễ gây tăng huyết áp, xơ vữa động mạch)

    Quản lý tốt cân nặng không chỉ để kiểm soát viêm khớp mà còn giúp bạn duy trì sức khỏe tim mạch và hạn chế các bệnh lý nguy hiểm, cũng như nhiều biến chứng khác.

    Giúp ngủ ngon nhờ giảm đau khớp gối

    Đau cơ xương khớp như đau khớp gối là nguyên nhân phổ biến cản trở giấc ngủ, khiến nhiều người mắc chứng mất ngủ kinh niên. Nếu thành công trong kế hoạch giảm cân khi bị viêm khớp, thực hiện thường xuyên các bài tập thể dục tốt cho xương khớp, chất lượng giấc ngủ cũng sẽ được cải thiện.

    Điều trị viêm khớp ngoài giảm cân còn có cách nào khác?

    Bên cạnh giảm cân, bạn cũng có thể thực hiện một số biện pháp khác để giảm đau nhức xương khớp do viêm khớp gây ra.

    Đau khớp gối ở người trẻ tuổi? Hãy luôn vận động

    tập thể dục để hỗ trợ điều trị viêm khớp

    Hoạt động thể chất là cách đơn giản và hiệu quả, không dùng thuốc để giảm đau, điều trị viêm khớp. Người hoạt động thể chất thường xuyên cũng giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác, chẳng hạn như bệnh tim và tiểu đường. Hãy duy trì các hoạt động phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn và thay đổi mức độ thực hiện tùy thuộc vào triệu chứng viêm khớp.  

    Nếu có thể, bạn nên tạo thói quen tập thể dục. Rèn luyện thể thao hợp lý không chỉ giúp giảm cân khi bị viêm khớp mà còn giảm nguy cơ mắc bệnh. Tập luyện thể thao còn giúp tăng cường cơ bắp để hỗ trợ khớp tốt hơn, giúp khớp ổn định và xương chịu ít tác động hơn. Từ đó, cơn đau do viêm khớp cũng thuyên giảm.

    Bạn có thể thực hiện những loại hình hoạt động thể chất nhẹ nhàng hoặc nâng cao như:

    • Đi bộ
    • Đi xe đạp
    • Các bài tập tăng cường sức bền
    • Các môn thể thao dưới nước
    • Yoga
    • Tập dưỡng sinh như thái cực quyền, thiền

    Đây là những bộ môn thể thao có thể cải thiện sức mạnh và tăng tính linh hoạt cơ xương khớp. Dành thời gian vận động cũng giúp bạn giảm căng thẳng (stress) vì căng thẳng có khả năng kích hoạt các dấu hiệu viêm, trong đó có viêm khớp.

    Bảo vệ khớp để tránh đau khớp gối

    ăn uống giúp giảm cân khi bị viêm khớp

    Nếu không mắc các bệnh xương khớp, bạn cũng đừng chủ quan vì khớp là bộ phận chịu nhiều ảnh hưởng từ cơ thể và có thể thoái hóa theo thời gian. 

    Ngoài giảm cân khi bị viêm khớp, một số cách bảo vệ sức khỏe cho khớp mà bạn có thể thực hiện nhằm bảo vệ khớp là: 

    • Sử dụng các dụng cụ, thiết bị hỗ trợ khớp trong quá trình tập luyện, chơi thể thao. Cho dù bạn là vận động viên chuyên nghiệp cũng không thể tránh hoàn toàn việc bị chấn thương. Nếu xuất hiện bất kỳ cơn đau khớp trong quá trình thi đấu hay tập luyện, bạn nên ngừng lại ngay để kiểm tra và nghỉ ngơi.
    • Bổ sung thuốc bổ bảo vệ khớp, giảm các triệu chứng đau khớp, hỗ trợ điều trị viêm khớp như glucosamine sulfate tinh thể. Theo nghiên cứu, người bị đau khớp nhẹ và vừa có thể sử dụng glucosamine trước khi dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) để giảm đau và phục hồi chức năng ở giai đoạn sớm của thoái hóa khớp (như người trẻ bị đau khớp gối).
    • Ăn các thực phẩm tốt cho xương khớp. Cân bằng bữa ăn với những thực phẩm tăng chất nhờn cho khớp, duy trì mật độ xương (omega-3, vitamin D, K, canxi), xây dựng nhóm cơ (protein) và có tác dụng kháng viêm mạnh mẽ (như vitamin A, B, E).

    Chườm nóng và lạnh điều trị viêm khớp

    chườm nóng chườm lạnh hỗ trợ điều trị viêm khớp

    Tuy khác nhau nhưng cả hai phương pháp chườm nóng và chườm lạnh đều có hiệu quả trong việc giảm đau do viêm khớp. Cần lưu ý cẩn thận các trường hợp tổn thương nhiệt ở da khi sử dụng 2 phương pháp này.

    Khi vừa gặp chấn thương gây sưng khớp, bạn có thể chườm lạnh. Nhiệt độ lạnh giúp làm chậm quá trình lưu thông máu để giảm sưng và dịu cơn đau. Sau khi đã bớt hoặc không còn sưng, bạn hãy chuyển qua chườm nóng để tăng cường lưu thông máu trở lại, thư giãn các khớp cứng và làm dịu cơ bị đau.

    Để chườm lạnh, bạn có thể dùng túi chườm chuyên dụng hoặc bọc vài viên nước đá vào một lớp khăn sạch, áp lên vùng bị sưng đau. Không nên thực hiện quá 20 phút/lần. Chườm nóng có nhiều cách hơn, chẳng hạn như tắm nước ấm (bồn tắm hoặc vòi sen) để giảm cứng khớp, dùng sáp nóng, đá nóng, chai nước ấm hoặc túi chườm.

    Châm cứu điều trị viêm khớp

    Châm cứu là một phương pháp điều trị y học cổ truyền xuất phát từ Trung Quốc. Tuy nhiên, phương pháp châm cứu có thể không phù hợp với mọi đối tượng mắc viêm khớp. Do đó, bạn cần tham vấn ý kiến chuyên gia, bác sĩ trước khi thực hiện.

    Dùng thuốc điều trị viêm khớp, giảm đau OTC

    Có gần 100 dạng bệnh viêm khớp khác nhau. Nếu đã được chẩn đoán, ngoài các loại thuốc được bác sĩ chỉ định, người bị viêm khớp thường có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) như sau:

    • Thuốc chứa acetaminophen (paracetamol)
    • Thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs), chẳng hạn như aspirin và ibuprofen

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 25/08/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo