backup og meta

Viêm xoang

Viêm xoang

Bệnh viêm xoang là một tình trạng phổ biến, khiến cho các xoang và đường mũi bị đỏ, đau (viêm). Tình trạng này có thể khiến người bệnh rất khó chịu, khó có thể sinh hoạt như bình thường. Vậy đâu là nguyên nhân gây bệnh? Nên làm gì để điều trị viêm xoang hiệu quả? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

 

Tìm hiểu chung

Bệnh viêm xoang là gì?

Xoang là các hốc rỗng nằm phía sau trán, mũi, xương gò má và giữa hai mắt. Tình trạng viêm có thể xảy ra tại đây khi chất nhầy tích tụ trong xoang quá nhiều, tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh phát triển.

Hầu hết bệnh viêm xoang ảnh hưởng đến xoang cạnh mũi (xoang sàng) nên tình trạng này còn được gọi là viêm xoang mũi.

Viêm xoang gồm 3 loại:

  • Viêm xoang cấp tính: chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Tùy vào tác nhân gây bệnh mà các thời gian xuất hiện các triệu chứng viêm xoang ở mỗi người có thể khác nhau, chẳng hạn như:
    • Viêm xoang do nhiễm virus gây cảm lạnh: 1 – 2 tuần
    • Viêm xoang do nhiễm khuẩn: 4 tuần
  • Viêm xoang bán cấp: có thể kéo dài đến 3 tháng và thường liên quan đến nhiễm khuẩn hoặc dị ứng theo mùa
  • Viêm xoang mạn tính: xảy ra trên 3 tháng và không quá nghiêm trọng, có thể liên quan đến cấu trúc mũi

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết

triệu chứng bệnh viêm xoang

Triệu chứng viêm xoang là gì?

Người bị bệnh viêm xoang mũi thường có những biểu hiện như:

  • Đau, sưng và đau quanh má, mắt hoặc trán
  • Nghẹt mũi
  • Khó ngửi được mùi
  • Dịch nhầy màu xanh lá cây hoặc màu vàng từ mũi
  • Đau đầu do viêm xoang
  • Nhiệt độ cơ thể cao
  • Đau răng
  • Hôi miệng

Dấu hiệu viêm xoang ở trẻ nhỏ cũng có thể gồm khó chịu trong người, khó ăn và thở bằng miệng.

Nếu các triệu chứng viêm xoang mũi trên kéo dài trên 12 tuần, bạn hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ.

Nguyên nhân gây bệnh

nguyên nhân viêm xoang

Nguyên nhân bị viêm xoang là gì?

Bệnh viêm xoang có thể xảy ra bởi nhiều yếu tố khác nhau, nhưng hầu hết trường hợp đều xuất phát từ việc chất nhầy tích tụ quá nhiều trong xoang, dẫn đến sự phát triển của nhiều vi sinh vật gây bệnh như:

  • Virus: Ở người lớn, 90% trường hợp viêm xoang là do virus
  • Vi khuẩn: Ở người lớn, cứ 10 người sẽ có 1 người bị viêm xoang do vi khuẩn
  • Chất ô nhiễm: Hóa chất hoặc chất kích thích trong không khí có thể kích hoạt sự tích tụ chất nhầy trong mũi
  • Nấm: Các xoang có thể phản ứng với nấm trong không khí, như viêm xoang dị ứng nấm (AFS), hoặc bị nấm xâm nhập vào mũi, như viêm xoang do nấm yên lặng mạn tính (chronic indolent sinusitis).

Ngoài ra, những yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xoang:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp trước đó, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường
  • Polyp mũi hoặc những tăng trưởng nhỏ trong đường mũi có thể dẫn đến viêm
  • Hệ miễn dịch suy yếu, ví dụ do một tình trạng sức khỏe hoặc một số phương pháp điều trị
  • Phản ứng dị ứng với các chất như bụi, phấn hoa và lông động vật
  • Vấn đề cấu trúc trong mũi, ví dụ như lệch vách ngăn.

Chẩn đoán

nội soi mũi

Chẩn đoán bệnh viêm xoang như thế nào?

Thông thường, bác sĩ chỉ cần làm kiểm tra sức khỏe và hỏi về các triệu chứng viêm xoang là đủ để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, đôi khi bạn vẫn cần làm thêm một số thủ thuật xét nghiệm như:

  • Nội soi mũi
  • Chụp CT

Điều trị viêm xoang

rửa mũi bằng nước muối

Các biện pháp giúp chữa nghẹt mũi

Nghẹt mũi là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của viêm xoang. Để giảm cảm giác đau do áp lực xoang, bạn hãy đắp một miếng vải ấm và ẩm lên mặt và trán nhiều lần trong ngày. Nước muối sinh lý có thể giúp làm sạch chất nhầy tắc ở mũi.

Uống nước và nước trái cây sẽ giúp giữ nước và làm loãng chất nhầy. Bạn cũng có thể sử dụng một loại thuốc không kê đơn (OTC), chẳng hạn như guaifenesin, để có thể loại bỏ chất nhầy.

Thuốc trị viêm xoang

Thuốc giảm đau

Nhiễm trùng xoang có thể gây ra đau đầu hoặc áp lực ở trán và má. Nếu bạn cảm thấy đau, các loại thuốc không kê đơn như paracetamol và ibuprofen có thể giúp ích.

Kháng sinh

Nếu các triệu chứng không cải thiện trong vòng một vài tuần, bạn có khả năng bị nhiễm vi khuẩn và nên đến gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể đề nghị chữa viêm xoang bằng kháng sinh nếu các triệu chứng sau không cải thiện trong vòng một vài tuần, bao gồm sổ mũi, nghẹt mũi, ho, đau mặt liên tục hoặc đau đầu, sưng mắt, sốt.

Nếu dùng kháng sinh, bạn phải dùng thuốc trong 3-14 ngày, tùy theo hướng dẫn của bác sĩ. Không ngừng dùng thuốc sớm hơn quy định vì có thể khiến bệnh dễ tái phát.

Bác sĩ sẽ yêu cầu tái khám thường xuyên để theo dõi tình trạng của bạn. Nếu nhiễm trùng xoang không cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn trong lần khám tiếp theo, bác sĩ có thể đề nghị làm phẫu thuật.

Bạn cũng có thể cần làm các xét nghiệm bổ sung để xác định xem liệu dị ứng có gây ra viêm xoang hay không.

Phẫu thuật

Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật làm sạch xoang, sửa chữa vách ngăn bị lệch hoặc loại bỏ polyp nếu viêm xoang mạn tính không cải thiện theo thời gian và dùng thuốc.

Phòng ngừa

sử dụng máy tạo độ ẩm

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm xoang?

Các biện pháp sau có thể giúp ngăn ngừa viêm xoang:

  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ
  • Tránh hút thuốc và hít khói thuốc lá
  • Tránh xa những người bị cảm lạnhcác bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm để làm ẩm không khí ở nhà và giữ nhà cửa sạch sẽ
  • Nếu có thể, tránh các chất gây dị ứng.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Sinusitis.
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/acute-sinusitis/basics/definition/con-20020609?p=1 .
Ngày truy cập 14/06/2019

Sinusitis.
https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000647.htm .
Ngày truy cập 14/06/2019

Sinusitis. https://www.medicalnewstoday.com/articles/149941#home-remedies
Ngày truy cập 14/06/2019

 

Phiên bản hiện tại

10/03/2021

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngà Trương


Bài viết liên quan

Nguyên nhân viêm xoang: Tìm hiểu để điều trị hiệu quả!

7 cách đơn giản làm giảm viêm xoang tại nhà


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 10/03/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo