Tìm hiểu chung
Bệnh thần kinh là gì?
Bệnh thần kinh, hay thường gọi là đau thần kinh hoặc tổn thương thần kinh, là tình trạng hệ thống dây thần kinh bị tổn thương. Bệnh có thể ảnh hưởng đến các bộ phận của cơ thể (bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh thần kinh hướng tâm, dây thần kinh trụ) hoặc toàn thân.
Bệnh này có thể do bệnh khác (như tiểu đường) gây ra hoặc do dây thần kinh đang bị chèn ép (hội chứng chèn ép khoang), dẫn đến đau cấp tính hoặc đau mạn tính.
Hiện có hơn 100 loại tổn thương thần kinh khác nhau với các triệu chứng khác nhau và đòi hỏi những phương pháp điều trị chuyên biệt khác nhau.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thần kinh là gì?
Các dấu hiệu bệnh thần kinh rất đa dạng. Tùy thuộc vào dây thần kinh bị hư hỏng, các triệu chứng có thể khác nhau.
Nếu dây thần kinh tự chủ có vấn đề, gây mất khả năng kiểm soát các hoạt động tự chủ hoặc một phần các hoạt động tự ý của cơ thể, bạn sẽ có các triệu chứng bệnh thần kinh sau đây:
- Không cảm thấy đau ngực, chẳng hạn như đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim
- Tiết quá nhiều hoặc quá ít mồ hôi
- Cảm giác lâng lâng
- Khô mắt và miệng
- Táo bón
- Rối loạn chức năng bàng quang
- Rối loạn chức năng tình dục.
Nếu dây thần kinh vận động có vấn đề, gây mất khả năng kiểm soát cử động, bạn có thể gặp các triệu chứng bị thần kinh bao gồm yếu cơ, teo cơ, co giật và tê liệt.
Nếu dây thần kinh cảm giác có vấn đề, gây mất khả năng cảm thấy đau đớn và các cảm giác khác, bạn sẽ có các dấu hiệu của bệnh thần kinh sau:
- Đau đớn
- Tăng nhạy cảm
- Tê
- Ngứa ran hoặc cảm giác châm chích
- Nóng rát
- Không xác định được vị trí đồ vật.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân
Ngyên nhân nào gây ra bệnh thần kinh?
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh thần kinh. Một số tổn thương thần kinh là hậu quả của lão hóa (đau thần kinh ngoại biên). Tổn thương dây thần kinh có thể là kết quả của một chấn thương như chấn thương đầu dẫn đến kéo căng, đứt hoặc kẹt dây thần kinh.
Nhiều bệnh khác có thể gây ra bệnh thần kinh, bao gồm:
- Bệnh tự miễn: như đa xơ cứng, hội chứng Guillain-Barré (một tình trạng hiếm gặp trong đó hệ thống miễn dịch tấn công các dây thần kinh ngoại biên), nhược cơ, lupus và bệnh viêm ruột.
- Ung thư: ung thư cũng như điều trị bệnh ung thư, chẳng hạn như hóa trị và xạ trị, có thể gây đau dây thần kinh.
- Bệnh tiểu đường: khoảng 50% những người bệnh tiểu đường bị tổn thương thần kinh.
- Tác dụng phụ thuốc và các chất độc hại: thuốc, chẳng hạn như thuốc hóa trị ung thư và một số loại thuốc dùng để điều trị HIV. Các chất độc hại do bạn hấp thụ một cách vô ý, trong đó có chì, thạch tín và thủy ngân, cũng có thể gây tổn thương thần kinh.
- Bệnh tế bào thần kinh cơ: bệnh có ảnh hưởng đến các dây thần kinh, bao gồm cả xơ cứng cột bên teo cơ hoặc bệnh Lou Gehrig, có thể từ từ gây tổn thương thần kinh.
- Thiếu hụt dinh dưỡng: sự thiếu hụt một vài chất dinh dưỡng nhất định, bao gồm vitamin B6 và vitamin B12, có thể gây ra các triệu chứng đau thần kinh và tổn thương thần kinh.
- Bệnh truyền nhiễm: những bệnh này bao gồm bệnh Lyme, virus herpes, HIV và viêm gan C.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh?
Mặc dù bệnh thần kinh rất phổ biến và có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng phụ nữ thường dễ mắc bệnh này hơn nam giới. Ngoài ra, có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh thần kinh, chẳng hạn như:
- Tuổi già
- Một số bệnh nhất định
- Thành viên trong gia đình mắc bệnh thần kinh liên quan
- Tổn thương thần kinh từ trước
- Chơi những môn thể thao va chạm mạnh
- Công việc lao động nặng.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh thần kinh?
Bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng và tiến hành khám để xem phản ứng của bạn với các tác nhân kích thích. Bạn có thể cần một số xét nghiệm hình ảnh (CT scan, MRI, MRI thần kinh) để xem các tổn thương thần kinh hoặc liệu có xương hay cơ nào gây chèn ép các dây thần kinh hay không.
Bác sĩ có thể sử dụng thang điểm để mô tả các triệu chứng của bạn:
- Chấn thương độ I: Đây là chấn thương nhỏ và có thể tự khỏi trong một vài tuần.
- Chấn thương độ II: Đây là chấn thương nghiêm trọng hơn, nhưng bạn cũng không cần phải can thiệp phẫu thuật để điều trị nó.
- Chấn thương độ III: Đối với loại chấn thương này, bạn cần ghép mô để sửa chữa các dây thần kinh. Việc phục hồi từ các loại tổn thương này có thể ở nhiều mức độ khác nhau.
- Chấn thương độ IV: Mức độ chấn thương này gây tổn hại các dây thần kinh và các mô xung quanh, do đó làm ngăn quá trình lành. Bạn cần phẫu thuật ghép dây thần kinh để sửa chữa tổn thương.
- Chấn thương độ V: Dây thần kinh bị tách làm hai và cần tiến hành phẫu thuật để sửa chữa.
Những phương pháp nào dùng để chẩn đoán bệnh thần kinh?
Việc điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Trong trường hợp nhẹ, bác sĩ sẽ khuyên bạn nghỉ ngơi và dùng thuốc (thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm ba vòng, một số thuốc chống động kinh) để giúp các dây thần kinh tự lành và làm giảm các triệu chứng.
Bạn có thể tìm cách điều trị khác để làm giảm sự khó chịu như châm cứu hoặc massage. Nếu tổn thương thần kinh là do một bệnh nào khác, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn để kiểm soát bệnh đó trước tiên. Ví dụ, nếu tổn thương thần kinh của bạn là do béo phì, bạn sẽ cần phải kiểm soát cân nặng của mình để làm giảm các triệu chứng. Bạn cần phải:
- Điều chỉnh mức độ đường trong máu đối người bị tiểu đường
- Khắc phục tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng
- Thay đổi thuốc khi thuốc gây tổn thương thần kinh
- Vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật để giải áp hoặc tổn thương dây thần kinh
- Thuốc điều trị bệnh tự miễn.
Tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của chấn thương, bác sĩ sẽ thảo luận về các phương pháp sửa chữa thần kinh khác nhau và tạo ra một kế hoạch điều trị thích hợp cho bạn.
Phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn phòng ngừa bệnh thần kinh?
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Tập thể dục nhẹ nhàng và thường xuyên để thúc đẩy quá trình chữa bệnh và tránh teo cơ. Điều này sẽ giúp việc phục hồi dễ dàng hơn.
- Thực hiện phương pháp kiểm soát cơn đau dây thần kinh, chẳng hạn như sử dụng dụng cụ chỉnh hình.
- Hạn chế caffeine và rượu để giấc ngủ được ngon hơn do những người bị bệnh thần kinh thường không ngủ đủ giấc do đau.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
[embed-health-tool-bmi]