backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Phù hoàng điểm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 13/01/2022

Phù hoàng điểm

Phù hoàng điểm không phải là bệnh, nó là hậu quả của rất nhiều tình trạng khác nhau về mắt. Thông thường rất ít người được chẩn đoán ngay từ đầu vì không có triệu chứng rầm rộ. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan với phù hoàng điểm, mà cần có thông tin cơ bản về tình trạng này để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh những rủi ro không đáng có với thị lực.

Vậy, phù hoàng điểm là gì, dấu hiệu nhận biết ra sao, nguyên nhân xuất phát từ đâu và cách điều trị như thế nào? Cùng tìm hiểu nhé!

Tìm hiểu chung

Phù hoàng điểm là gì?

Hoàng điểm (hay điểm vàng) là một phần của võng mạc, nơi ánh sáng đi vào mắt sẽ tập trung hết tại đây để giúp con người nhìn rõ nét và có thể nhìn thẳng vào đồ vật. Phù hoàng điểm là tình trạng tích tụ dịch trong hoàng điểm. Dịch tích tụ sẽ làm hoàng điểm sưng và dày lên, làm tầm nhìn bị biến dạng.

Triệu chứng

triệu chứng phù hoàng điểm

Những dấu hiệu và triệu chứng phù hoàng điểm là gì?

Phù hoàng điểm ở mắt thường không gây đau và sẽ không có triệu chứng khi bạn mới mắc. Khi xuất hiện dấu hiệu, các mạch máu trong mắt lúc này có thể bị rò rỉ.

Các triệu chứng phù hoàng điểm phổ biến bao gồm:

  • Tầm nhìn trung tâm bị mờ hoặc như gợn sóng
  • Không nhìn thấy màu sắc của mọi vật hoặc màu sắc thay đổi
  • Gặp khó khăn khi đọc.

Nếu gặp bất cứ triệu chứng bất thường nào trên đây, bạn hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.

Nguyên nhân

Những nguyên nhân nào gây ra phù hoàng điểm?

Phù hoàng điểm xảy ra khi có bất cứ tình trạng tích tụ và rò rỉ dịch bất thường nào trong hoàng điểm. Các dịch này là từ những mạch máu ở võng mạc bị tổn thương tiết ra.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây phù hoàng điểm là do bệnh võng mạc tiểu đường – tình trạng mắt thường xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, hoàng điểm bị phù cũng có thể do biến chứng của phẫu thuật mắt, bệnh thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi, hoặc do các bệnh viêm nhiễm ở mắt gây ra. Thực tế, bất kỳ bệnh lý nào gây tổn thương võng mạc cũng có thể khiến hoàng điểm phù.

Phù hoàng điểm do đái tháo đường

Phù hoàng điểm do đái tháo đường là tình trạng do bệnh võng mạc tiểu đường gây ra – một biến chứng của bệnh tiểu đường.

Đây là một tình trạng phổ biến và có thể khiến người bệnh mù lòa. Thông thường, bệnh sẽ ảnh hưởng đến cả hai mắt.

Bệnh võng mạc tiểu đường xảy ra khi các tổn thương mạch máu ở võng mạc xảy ra liên tục. Dịch rò rỉ vào võng mạc có thể làm các mô xung quanh sưng, bao gồm cả hoàng điểm.

Phù hoàng điểm do đái tháo đường là nguyên nhân phổ biến nhất gây mù ở những người bị võng mạc tiểu đường. Việc kiểm soát lượng đường trong máu kém cùng với một số tình trạng sức khỏe, như huyết áp cao, sẽ làm người bệnh tăng nguy cơ bị mù.

Phẫu thuật mắt

Phù hoàng điểm có thể phát triển sau bất kỳ loại phẫu thuật mắt nào, bao gồm phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể, glocom hoặc bệnh võng mạc.

Một số ít người phẫu thuật đục thủy tinh thể (1-3%) có thể bị phù hoàng điểm trong vòng vài tuần sau phẫu thuật. Nếu một mắt bị ảnh hưởng, 50% khả năng mắt kia cũng sẽ bị ảnh hưởng. Phù hoàng điểm sau phẫu thuật mắt thường nhẹ nhưng kéo dài và đáp ứng tốt với thuốc nhỏ mắt điều trị viêm.

Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác

Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD) là một bệnh đặc trưng bởi sự suy giảm của hoàng điểm. Trong thoái hóa điểm vàng do mạch máu, các mạch máu bắt đầu lớn lên từ màng mạch và đi vào võng mạc. Những mạch máu mới và bất thường này rò rỉ dịch vào hoàng điểm và gây phù.

Phù hoàng điểm do tắc nghẽn mạch máu võng mạc

Khi tĩnh mạch võng mạc bị tắc nghẽn, máu không chảy ra ngoài đúng cách và nó rò rỉ vào võng mạc. Nếu nó chảy vào hoàng điểm sẽ gây ra phù. Mức độ rò rỉ dịch sẽ phụ thuộc vào tình trạng nghiêm trọng của tắc nghẽn, có bao nhiêu tĩnh mạch liên quan và áp lực bên trong mắt.

Tắc nghẽn tĩnh mạch võng mạc thường liên quan đến xơ vữa động mạch do tuổi tác, bệnh tiểu đường, huyết áp cao và các bệnh về mắt như tăng nhãn áp hoặc viêm.

Các tình trạng viêm ảnh hưởng đến võng mạc

Viêm màng bồ đào là tình trạng viêm gây sưng và phá hủy các mô mắt. Tuy nhiên, viêm màng bồ đào không chỉ ảnh hưởng đến màng bồ đào mà còn tác động đến giác mạc, mống mắt, thấu kính, thủy tinh thể, võng mạc, thần kinh thị giác và tròng trắng của mắt.

Các bệnh viêm và rối loạn của hệ miễn dịch cũng có thể ảnh hưởng đến mắt, gây sưng và phá vỡ các mô trong hoàng điểm. Những rối loạn này bao gồm nhiễm cytomegalovirus, hoại tử võng mạc, u hạt sarcoidosis, hội chứng Behçet, bệnh toxoplasmosis, bệnh Eales và hội chứng Vogt-Koyanagi-Harada.

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị phù hoàng điểm?

Phù hoàng điểm không phải là bệnh, mà là kết quả của một tình trạng sức khỏe.

Một số yếu tố hoặc tình trạng sức khỏe sẽ khiến bạn có nguy cơ cao bị phù, như:

  • Các tình trạng về trao đổi chất (bệnh tiểu đường)
  • Bệnh mạch máu (tắc tĩnh mạch)
  • Lão hóa (thoái hóa điểm vàng)
  • Bệnh di truyền (viêm võng mạc sắc tố)
  • Co kéo hoàng điểm
  • Các tình trạng viêm (u hạt sarcoidosis, viêm màng bồ đào)
  • Khối u mắt
  • Chấn thương
  • Sau phẫu thuật mắt
  • Nguyên nhân không xác định (vô căn)

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán phù hoàng điểm?

Để chẩn đoán phù hoàng điểm, các bác sĩ sẽ khám mắt kỹ lưỡng và tìm kiếm những bất thường ở võng mạc. Các xét nghiệm sau đây có thể được thực hiện để xác định vị trí và mức độ của bệnh:

  • Kiểm tra thị lực. Xét nghiệm thị lực là giúp bác sĩ xác định bạn có bị mất thị lực không và có thể giúp chẩn đoán mất thị lực do phù hoàng điểm. Bạn sẽ được che một mắt và đọc to dòng chữ nhỏ nhất mà bạn có thể nhìn thấy trên bảng đo thị lực.
  • Kiểm tra mắt khi giãn đồng tử. Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát rõ hơn võng mạc. Nó cũng cung cấp thêm thông tin về tình trạng của hoàng điểm và giúp bác sĩ phát hiện rò rỉ mạch máu hoặc u nang.
  • Chụp mạch huỳnh quang. Nếu các xét nghiệm trước đó cho thấy bạn có thể bị phù hoàng điểm, bác sĩ có thể đề nghị chụp động mạch bằng huỳnh quang. Trong thử nghiệm này, bác sĩ sẽ tiêm một loại thuốc cản quang đặc biệt vào cánh tay của bạn và máy chụp sẽ ghi lại những nơi mà thuốc cản quang đi qua. Nếu có chỗ nào trong mạch máu bị tắc, thuốc cản quan không thể đi qua và sẽ hiện rõ một màu tối tại khu vực đó. Xét nghiệm này giúp bác sĩ nhãn khoa xác định mức độ thiệt hại của hoàng điểm.
  • Chụp cắt lớp quang học OCT. Đây là một thử nghiệm sử dụng ánh sáng đặc biệt và màn hình để xem chi tiết các lớp tế bào bên trong võng mạc. Nó phát hiện độ dày của võng mạc và do đó, rất hữu ích trong việc xác định mức độ sưng ở hoàng điểm. Bác sĩ cũng có thể sử dụng chụp OCT sau khi điều trị để theo dõi mức độ lành bệnh của bạn.
  • Lưới Amsler. Lưới Amsler giúp bác sĩ dễ dàng kiểm tra xem liệu tầm nhìn trung tâm của bạn có thay đổi hay không. Nó có thể nhận ra những thay đổi nhỏ trong tầm nhìn của bạn.

lưới amsler chẩn đoán phù hoàng điểm

Những phương pháp nào giúp điều trị phù hoàng điểm?

Các chiến lược điều trị phù hoàng điểm hiệu quả nhất trước tiên nhắm vào nguyên nhân cơ bản gây phù, như bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao, sau đó trực tiếp điều trị tổn thương ở võng mạc.

Phương pháp điều trị hoàng điểm bị phù do tiểu đường và do các tình trạng khác thường giống nhau. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể cần điều trị bổ sung để giải quyết các tình trạng liên quan.

Trước đây, phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho phù hoàng điểm là quang hóa bằng laser tập trung, sử dụng nhiệt từ laser để bịt kín các mạch máu bị rò rỉ ở võng mạc. Tuy nhiên, trong các thử nghiệm lâm sàng gần đây, các bác sĩ chuyển từ trị liệu bằng laser sang điều trị bằng thuốc tiêm trực tiếp vào mắt.

Tiêm Anti-VEGF

Phương pháp chính điều trị hoàng điểm bị phù là tiêm nội nhãn. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ tiêm thuốc ức chế tăng sinh tân mạch (Anti-VEGF) để ngăn chặn hoạt động của yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF).

VEGF thúc đẩy tăng trưởng mạch máu. Ở người có mắt khỏe mạnh, đây không phải là vấn đề. Nhưng nếu võng mạc bị thiếu máu, VEGF trở nên hoạt động quá mức. Điều này sẽ khiến các mạch máu mỏng manh có thể vỡ, rò rỉ máu vào võng mạc và hoàng điểm, gây phù. Điều trị bằng thuốc Anti-VEGF sẽ ngăn chặn hoạt động của VEGF và làm chậm tiến trình phù hoàng điểm.

Điều trị viêm

Các phương pháp điều trị bằng corticosteroid (steroid) để giảm viêm là phương pháp điều trị chính cho phù hoàng điểm do các bệnh viêm mắt gây ra. Những loại thuốc chống viêm này thường được dùng ở dạng thuốc nhỏ mắt, thuốc uống hoặc thuốc tiêm giải phóng kéo dài. Bác sĩ sẽ tiêm vào hoặc xung quanh mắt bệnh.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), ở dạng thuốc nhỏ mắt, đôi khi được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật đục thủy tinh thể để ngăn ngừa sự phát triển của phù hoàng điểm. Do chúng khác biệt về mặt hóa học với corticosteroid, bác sĩ có thể chỉ định NSAIDs khi mắt không phản ứng với điều trị steroid hoặc để tránh tác dụng phụ của việc sử dụng steroid ở mắt.

Phẫu thuật cắt dịch kích

Một số trường hợp phù hoàng điểm xảy ra khi thủy tinh thể kéo theo điểm vàng hoặc có sự tích tụ máu trong thủy tinh thể. Phẫu thuật để loại bỏ dịch kính sẽ làm giảm tình trạng này.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu phẫu thuật để loại bỏ máu đã tích tụ trong thủy tinh thể hoặc điều chỉnh thị lực khi các phương pháp điều trị khác không thành công. Hầu hết các phẫu thuật cắt dịch kính được thực hiện như phẫu thuật ngoại trú, nghĩa là người bệnh có thể về trong ngày.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 13/01/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo