backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Nhiễm Toxoplasma (nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma)

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 11/05/2020

Nhiễm Toxoplasma (nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma)

Định nghĩa

Nhiễm Toxoplasma (nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma) là bệnh gì?

Nhiễm Toxoplasma, hay nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma, là tình trạng nhiễm trùng gây ra do một loại vi sinh vật sống trên các loài chim, động vật và con người. Nó ảnh hưởng đường tiêu hóa (bao gồm miệng, thực quản, dạ dày, ruột và hậu môn), tim, dây thần kinh và da. Nhiễm Toxoplasma nguy hiểm nhất đối với phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu như đang hóa trị, mắc bệnh AIDS và ghép tạng.

Trẻ em dưới 5 tuổi cần điều trị để ngăn ngừa các biến chứng về mắt. Các biến chứng khác bao gồm viêm (phù) não, tim và tổn thương phổi. Nếu phụ nữ mang thai bị nhiễm trùng trong giai đoạn sớm của thai kì, họ có thể bị sẩy thai, thai lưu hoặc có thể trẻ sinh ra với những dị tật bẩm sinh.

Những ai thường mắc phải nhiễm Toxoplasma (nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma)?

Toxoplasma gondii là một trong những loại ký sinh trùng phổ biến nhất trên thế giới. Nhiễm trùng do Toxoplasma có thể mắc phải hoặc đã có từ ngay khi sinh (bẩm sinh). Hàng triệu người bị nhiễm Toxoplasma nhưng chỉ số ít biểu hiện triệu chứng bởi vì người khỏe thường có hệ miễn dịch đủ để khống chế không cho ký sinh trùng gây bệnh.

Triệu chứng và dấu hiệu

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm Toxoplasma (nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma) là gì?

Hầu hết những người khỏe mạnh không biểu hiện các triệu chứng. Số còn lại có thể có triệu chứng giống cúm, bao gồm sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, và nổi hạch.

Nếu bạn bị HIV/AIDS, đang hóa trị hoặc mới được ghép tạng gần đây thì toxoplasma bị nhiễm từ trước có thể tái hoạt động. Trong trường hợp này, có nhiều khả năng xuất hiện các triệu chứng và dấu hiệu của nhiễm trùng nặng, bao gồm:

  • Đau đầu;
  • Lú lẫn;
  • Kém phối hợp vận động;
  • Co giật;
  • Vấn đề về phổi tương tự như lao hoặc viêm phổi do Pneumocystis jiroveci, một loại nhiễm trùng cơ hội thường gặp ở bệnh nhân AIDS;
  • Nhìn mờ do nhiễm trùng võng mạc nặng.

Nhiều nhiễm trùng sớm trong thai kỳ sẽ gây sẩy thai hoặc thai lưu. Những trẻ còn sống sót thường sẽ sinh ra với các vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Co giật;
  • Gan lách to;
  • Vàng da vàng mắt;
  • Nhiễm trùng mắt nặng;
  • Giảm thính lực;
  • Rối loạn tâm thần.

Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bệnh có triệu chứng như bệnh cúm nhưng có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt nếu bệnh là bẩm sinh. Nên gọi bác sĩ nếu bạn:

  • Thấy các triệu chứng của bạn không cải thiện trong quá trình điều trị;
  • Bị chảy máu;
  • Bầm tím;
  • Lú lẫn;
  • Mất phối hợp vận động;
  • Thị lực thay đổi hoặc yếu hơn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra nhiễm Toxoplasma (nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma) là gì?

  • Nguyên nhân gây bệnh là một kí sinh trùng cực nhỏ tên là Toxoplasma gondii;
  • Bệnh có thể lây qua bằng việc ăn thịt của các động vật bị nhiễm bệnh chưa được nấu chín (đặc biệt là thịt cừu và thịt heo) hoặc bằng việc tiếp xúc với cát vệ sinh cho mèo hoặc phân mèo nếu mèo bị nhiễm bệnh;
  • Bệnh nhân ăn trái cây hoặc rau củ nhiễm bẩn, từng tiếp xúc mầm bệnh nhưng chưa được nấu chín hoặc rửa sạch cũng có thể mắc bệnh;
  • Phụ nữ mang thai có thể truyền kí sinh trùng qua trẻ sơ sinh theo đường máu.

Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc nhiễm Toxoplasma (nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma)?

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm Toxoplasma, bao gồm:

  • Bị HIV/AIDS;
  • Đang hóa trị: hóa trị làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến bạn dễ bị nhiễm trùng;
  • Dùng steroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch: các thuốc điều trị ung thư có thể làm hệ miễn dịch yếu đi;
  • Mang thai.

Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị nhiễm Toxoplasma (nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma)?

Hầu hết bệnh nhân không cần điều trị. Số còn lại có thể cần các loại thuốc kê toa như kháng sinh sulfadiazine hoặc thuốc kháng kí sinh trùng pyrimethamine từ 4 đến 6 tuần hoặc lâu hơn. Các loại thuốc này có thể gây cồn cào trong bụng, nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, chảy máu hoặc bầm tím. Bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm máu để theo dõi thêm các tác dụng phụ.

Để làm giảm sốt, bạn có thể dùng acetaminophen hoặc ngâm người trong bồn nước mát. Không cần một chế độ ăn đặc biệt nào nhưng bệnh nhân cần uống nhiều nước.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán nhiễm Toxoplasma (nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma)?

Bác sĩ chẩn đoán dựa vào bệnh sử, khám thực thể và các xét nghiệm máu. Nếu không có các xét nghiệm tầm soát đặc hiệu thì nhiễm Toxoplasma thường khó để chẩn đoán bởi vì khi xảy ra thì các dấu hiệu và triệu chứng cũng tương tự với các bệnh thường gặp, chẳng hạn như cúm và tăng bạch cầu đơn nhân.

Xét nghiệm trong thai kỳ:

Nếu bác sĩ của bạn nghi ngờ bạn bị nhiễm trùng, bạn có thể được xét nghiệm máu để kiểm tra kháng thể với ký sinh trùng. Kháng thể là những protein được sản xuất bởi hệ miễn dịch, đáp ứng lại với sự hiện diện của vật lạ, chẳng hạn như ký sinh trùng. Bởi vì những xét nghiệm kháng thể này khó diễn giải nên tất cả những xét nghiệm dương tính đều nên được xác định lại bằng một phòng xét nghiệm chuyên về chẩn đoán nhiễm Toxoplasma.

Xét nghiệm cho em bé:

Nếu bạn mang thai và đang nhiễm Toxoplasma (nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma), bước tiếp theo cần làm là xác định xem em bé có bị nhiễm hay không. Bác sĩ có thể khuyến cáo làm các xét nghiệm:

  • Chọc ối. Thủ thuật này thường được thực hiện an toàn sau tuần 15 thai kỳ. Trong đó, bác sĩ sử dụng một cây kim nhỏ để rút một ít dịch từ túi ối bao quanh thai nhi. Sau đó sẽ thực hiện xét nghiệm dịch để tìm bằng chứng nhiễm Toxoplasma. Chọc ối có nguy cơ gây sảy thai và các biến chứng nhẹ khác tương đối thấp, chẳng hạn như đau bụng, rỉ ối hay bị kích ứng nơi chọc kim;
  • Siêu âm. Xét nghiệm này sử dụng sóng âm để tạo nên hình ảnh em bé trong buồng tử cung. Siêu âm chi tiết không thể chẩn đoán nhiễm Toxoplasma, nhưng nó có thể cho thấy một số dấu hiệu của em bé, chẳng hạn như tụ dịch trong não (não úng thủy). Tuy nhiên, siêu âm cho kết quả âm tính cũng không loại trừ được khả năng nhiễm bệnh. Vì lý do đó, em bé sơ sinh cần sẽ phải được thăm khám và làm xác xét nghiệm máu theo dõi trong suốt mười hai tháng đầu.

Xét nghiệm trong những trường hợp nặng:

Nếu bạn bị đang mắc phải một loại bệnh đe dọa đến tính mạng như viêm não, bạn có thể cần một hoặc nhiều phương tiện chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra thương tổn hoặc các nang trong não. Chúng bao gồm:

  • Cộng hưởng từ (MRI). Xét nghiệm này sử dụng từ trường và sóng điện để tạo nên các lát cắt ngang đầu và não. Trong khi làm thủ thuật, bạn sẽ nằm trong một cái máy lớn, hình vành khuyên có chứa lõi nam châm, bao quanh bởi các cuộn dây. MRI là một thủ thuật không xâm lấn và không gây hại cho sức khỏe của bạn;
  • Sinh thiết não: trong những trường hợp hiếm, đặc biệt nếu bạn không đáp ứng với điều trị, bác sĩ ngoại thần kinh có thể lấy một mẫu mô não nhỏ. Mẫu này sau đó sẽ được phân tích trong phòng xét nghiệm để tìm ra nang Toxoplasma.
  • Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

    Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm Toxoplasma (nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma)?

    Một phần của việc chữa trị cũng là ngăn chặn bệnh tiến triển xấu đi. Nhiễm Toxoplasma (nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma)có thể được hạn chế nếu bạn:

    • Sử dụng acetaminophen để giảm đau và sốt;
    • Ngâm người trong bồn nước mát để làm giảm sốt;
    • Nghỉ ngơi cho đến khi các triệu chứng biến mất. Dần dần tăng các hoạt động của bạn trở lại;
    • Đi khám bác sĩ thường xuyên để làm các xét nghiệm máu định kỳ;
    • Sử dụng kem chống nắng khi ra bên ngoài vì thuốc điều trị có thể làm bạn nhạy cảm với ánh nắng mặt trời nhiều hơn;
    • Rửa tay sạch thường xuyên với xà bông và nước, đặc biệt khi cầm thịt, rau củ và trái cây;
    • Nấu kĩ thịt. Rửa rau củ và trái cây trước khi ăn.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa .

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 11/05/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo