Tìm hiểu chung
Mất ngủ là bệnh gì?
Mất ngủ là tình trạng khiến bạn khó đi vào giấc ngủ, không thể ngủ sâu giấc hoặc làm bạn tỉnh dậy quá sớm và không thể ngủ lại được. Bệnh nhân bị mắc chứng mất ngủ thường cảm thấy rất mệt mỏi mỗi khi thức dậy vào buổi sáng, ảnh hưởng đến năng suất hoạt động trong cả ngày hôm sau.
Mất ngủ có 2 dạng là cấp tính và mãn tính. Mất ngủ cấp tính kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần, thường xuất phát từ căng thẳng hoặc một sự kiện đau buồn nào đó mà người bệnh mới trải qua. Mất ngủ mãn tính là khi tình trạng mất ngủ kéo dài đến 1 tháng hoặc lâu hơn.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh mất ngủ là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh mất ngủ bao gồm:
- Khó ngủ vào ban đêm
- Thức dậy vào ban đêm hoặc thức dậy quá sớm
- Không có cảm giác đã được nghỉ ngơi sau khi ngủ
- Mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày
- Khó chịu, trầm cảm hoặc lo âu
- Gặp khó khăn khi phải tập trung chú ý hoặc ghi nhớ một điều gì đó
- Nhức đầu hay căng thẳng
- Khó chịu dạ dày và ruột.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?
Nếu bạn không thể thực hiện các hoạt động thường ngày vì chứng mất ngủ, bạn cần phải gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân và điều trị đúng cách.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ là gì?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất ngủ. Một số bệnh về tinh thần như lo âu, trầm cảm… có thể gây mất ngủ. Ngay cả khi bạn là người khỏe mạnh, những thói quen hàng ngày của bạn cũng có thể dẫn đến mất ngủ.
Một số nguyên nhân phổ biến của chứng mất ngủ mãn tính bao gồm:
- Stress: Những vấn đề đáng quan tâm trong cuộc sống của bạn như học hành, công việc, sức khỏe hoặc chuyện gia đình có thể làm cho tâm trí bạn luôn hoạt động, dẫn đến việc mất ngủ.
- Lo lắng: Lo lắng góp phần vào tình trạng mất ngủ vì nó có thể phá vỡ giấc ngủ của bạn.
- Thói quen ngủ không tốt: Thói quen ngủ không tốt có nghĩa là bạn đi ngủ thất thường, chơi game hay làm một số hoạt động thể chất kích thích ngay trước khi đi ngủ, môi trường ngủ không thoải mái, sử dụng giường của bạn cho các hoạt động khác như làm việc, ăn uống hoặc xem TV…
- Caffeine, nicotine và rượu: Dùng những đồ uống như vậy lúc chiều tối có thể làm cho bạn không thể ngủ vào ban đêm vì nicotine ảnh hưởng đến não bộ của bạn. Rượu ngăn bạn đi sâu vào giấc ngủ và thường làm cho bạn thức dậy vào giữa đêm.
- Ăn quá nhiều vào buổi tối: Nguyên nhân này làm cho bạn cảm thấy khó chịu trong người khi nằm xuống, gây khó khăn để ngủ. Bạn cũng có thể bị ợ chua, trào ngược axit và thức ăn từ dạ dày vào thực quản. Những điều này có thể làm cho bạn không ngủ được.
- Bệnh lý: Các bệnh mà bạn đang mắc phải cũng có thể là yếu tố gây ra chứng mất ngủ, chẳng hạn như đau mãn tính (đau cơ xơ hóa và viêm khớp), khó thở (GERD và ợ nóng), tiểu đường, tiểu đêm, hen suyễn, bệnh tim, ngưng thở khi ngủ…
- Thuốc: Một số loại thuốc có thể gây mất ngủ, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị bệnh hen suyễn hoặc huyết áp. Nhiều loại thuốc không kê đơn (một số loại thuốc giảm đau, thuốc trị dị ứng, cảm lạnh và các sản phẩm giảm cân) có chứa caffeine và các chất kích thích khác có thể làm gián đoạn giấc ngủ.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh mất ngủ?
Mất ngủ là bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên, bệnh ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới vì phụ nữ nhạy cảm hơn với những thay đổi và dễ bị lo âu, trầm cảm. Bên cạnh đó, người già cũng dễ gặp phải chứng mất ngủ hơn người trẻ.
Bệnh mất ngủ có thể được kiểm soát bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ gây nên. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh mất ngủ là gì?
Nguy cơ mắc chứng mất ngủ của bạn sẽ cao hơn nếu:
- Là phụ nữ: Phụ nữ dễ bị mất ngủ hơn đàn ông. Thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt và mãn kinh có thể đóng một vai trò nhất định trong vấn đề này. Trong thời kỳ mãn kinh, đổ mồ hôi ban đêm và bốc hỏa thường làm gián đoạn giấc ngủ. Mất ngủ cũng phổ biến khi mang thai.
- Lớn tuổi: Những thay đổi trong cách ngủ và sức khỏe sẽ khiến nguy cơ mắc bệnh mất ngủ của bạn tăng lên, đặc biệt là khi bạn trên 60 tuổi.
- Gặp các vấn đề tâm lý: Nếu bạn có một rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn lưỡng cực và rối loạn stress sau chấn thương, bạn có nguy cơ mắc bệnh mất ngủ cao hơn.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế dùng để chẩn đoán bệnh mất ngủ là gì?
Bác sĩ có thể hỏi một số câu để chẩn đoán tình trạng của bạn. Họ có thể yêu cầu bạn phải hoàn thành một bảng câu hỏi để xác định mô hình ngủ -thức của bạn và mức độ buồn ngủ của bạn vào ban ngày. Bác sĩ có thể cung cấp cho bạn một cuốn nhật ký giấc ngủ để kiểm tra mô hình giấc ngủ của bạn.
Nếu bác sĩ nghi ngờ có nguyên nhân khác gây mất ngủ, họ sẽ đề nghị một vài xét nghiệm để xác định điều đó. Trong một số trường hợp và dựa trên các thiết bị, họ có thể yêu cầu theo dõi và ghi lại hoạt động cơ thể bạn trong khi ngủ, bao gồm sóng não, hơi thở, nhịp tim, cử động mắt và chuyển động cơ thể.
Những phương pháp nào dùng trong điều trị bệnh mất ngủ?
Bạn có thể cần phải điều chỉnh thói quen ngủ của mình và thay đổi một số thuốc đang dùng để khôi phục lại giấc ngủ. Bác sĩ có thể giới thiệu cho bạn các phương pháp điều trị hành vi để bạn có thể học về “kỹ thuật ngủ” và cách để cải thiện môi trường ngủ của bạn.
Nếu những cách này không hiệu quả, bác sĩ có thể khuyên nên dùng thuốc để giúp thư giãn và ngủ dễ hơn. Bạn có thể được kê các loại thuốc ngủ như zolpidem (Ambien), eszopiclone (Lunesta), zaleplon (Sonata) hoặc ramelteon (Rozerem). Tuy nhiên, các loại thuốc ngủ được xem như là sự lựa chọn cuối cùng, do đó bạn cần phải biết rằng loại thuốc nào chỉ nên sử dụng ngắn hạn, loại nào có thể sử dụng lâu dài.
Bác sĩ có thể cho bạn thuốc ngủ không kê đơn. Những loại thuốc này có chứa chất kháng histamin có thể làm cho bạn buồn ngủ nhưng nó cũng có thể gây ra tác dụng phụ.
Bạn có thể quan tâm: Thuốc ngủ: Công dụng, tác dụng phụ và cách sử dụng A-Z
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh mất ngủ?
Bạn nên áp dụng các biện pháp dưới đây để ngăn ngừa và đối phó với bệnh mất ngủ:
- Tuân theo một lịch trình ngủ: Thiết lập giờ đi ngủ và giờ thức giấc cố định, kể cả vào cuối tuần
- Tạo môi trường ngủ thoải mái: Giữ nhiệt độ phòng ở mức phù hợp, không gian tối và yên tĩnh
- Tập thể dục: Hoạt động thường xuyên giúp bạn có một giấc ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, bạn không nên luyện tập quá gần giờ đi ngủ buổi tối để tránh tinh thần quá hưng phấn và khó đi vào giấc ngủ.
- Kiểm tra lại thuốc của bạn: Nếu bạn dùng thuốc thường xuyên, hãy để bác sĩ kiểm tra xem có loại nào góp phần gây ra chứng mất ngủ của bạn hay không.
- Tránh hoặc hạn chế những giấc ngủ trưa: Không ngủ trưa quá 30 phút và đừng ngủ trưa sau 3 giờ chiều
- Tránh hoặc hạn chế caffeine, cồn và không sử dụng nicotine
- Tránh ăn uống quá nhiều trước khi đi ngủ.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
[embed-health-tool-bmi]