backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Khối bìu

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 11/05/2020

Khối bìu

Tìm hiểu chung

Khối bìu là gì?

Khối bìu là các bất thường trong túi da treo phía sau dương vật (bìu dái). Bìu chứa tinh hoàn và các cấu trúc liên quan đến sản xuất, lưu trữ, vận chuyển tinh trùng và các kích thích tố sinh dục nam.

Khối bìu có thể do tích tụ chất lỏng, tăng trưởng không bình thường của tổ chức mô. Tình trạng này cũng có thể do các thành phần bình thường của bìu bị sưng, viêm hoặc cứng.

Khối bìu cần được bác sĩ kiểm tra, dù bạn không thấy đau đớn hoặc có các triệu chứng khác. Khối bìu có thể là ung thư hoặc gây ra do một tình trạng ảnh hưởng đến chức năng của tinh hoàn và sức khỏe.

Tự kiểm tra bìu và đi khám bác sĩ thường xuyên là các yếu tố quan trọng để phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm các khối bìu.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của khối bìu là gì?

Các triệu chứng phổ biến của khối bìu là:

  • Một khối u bất thường
  • Đau đột ngột
  • Đau âm ỉ hoặc cảm giác nặng trong bìu
  • Đau lan khắp vùng háng, bụng hoặc lưng dưới
  • Tinh hoàn đau, sưng hoặc cứng
  • Mào tinh hoàn đau, sưng hoặc cứng, đây là ống hình dấu phẩy, mềm nằm phía trên và sau tinh hoàn có nhiệm vụ lưu trữ và vận chuyển tinh trùng
  • Bìu sưng
  • Da bìu đỏ
  • Buồn nôn hoặc nôn

Nếu nguyên nhân của khối bìu là do nhiễm trùng, dấu hiệu và triệu chứng cũng có thể bao gồm:

  • Sốt
  • Số lần đi tiểu tăng lên
  • Có mủ hoặc máu trong nước tiểu
  • Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

    Đi cấp cứu ngay nếu bạn phát triển đau đột ngột trong bìu. Một số tình trạng cần điều trị kịp thời để tránh tổn thương vĩnh viễn cho tinh hoàn.

    Đi khám bác sĩ nếu bạn phát hiện một khối u trong bìu, ngay cả khi nó không đau hoặc nhạy cảm hoặc nếu bạn có các triệu chứng khác của khối bìu.

    Một số khối bìu phổ biến hơn ở trẻ em. Đi khám bác sĩ nếu con bạn có triệu chứng của khối bìu, nếu bạn có bất kỳ lo ngại về sự phát triển của bộ phận sinh dục hoặc nếu trẻ không có một tinh hoàn, tinh hoàn lạc chỗ hoặc co rút có thể làm tăng nguy cơ mắc khối bìu sau này trong cuộc đời.

    Nguyên nhân

    Nguyên nhân nào gây ra khối bìu?

    Nhiều tình trạng có thể gây ra khối bìu. Viêm mào tinh hoàn là tình trạng mào tinh hoàn bị viêm, có thể dẫn đến khối bìu. Viêm mào tinh hoàn thường gây ra bởi nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) như chlamydia.

    Tràn dịch màng tinh cũng có thể phát triển khối bìu. Tràn dịch màng tinh xảy ra khi một trong những túi tự nhiên bao quanh mỗi tinh hoàn chứa đầy chất lỏng. Những túi này thường chứa một ít chất lỏng. Nếu chất lỏng tích tụ, tình trạng sưng có thể xảy ra.

    Ung thư tinh hoàn bắt đầu từ các tế bào bất thường ở tinh hoàn và có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra khối bìu.

    Các nguyên nhân tiềm ẩn khác của khối bìu bao gồm:

    • Xoắn các dây thần kinh kết nối dương vật với tinh hoàn
    • Thoát vị
    • Giãn tĩnh mạch trong bìu
    • Viêm một tinh hoàn gây ra do một loại virus như virus quai bị

    Nguy cơ mắc phải

    Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc khối bìu?

    Có rất nhiều các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc khối bìu vì những nguyên nhân gây ra bất thường ở bìu khác nhau. Các yếu tố nguy cơ chính bao gồm:

    Tinh hoàn ẩn hoặc co rút

    Một tinh hoàn không rời khỏi bụng và nhập vào bìu trong quá trình phát triển của thai nhi hoặc đầu giai đoạn phôi thai. Một tinh hoàn co rút đi xuống bìu, nhưng quay trở lại bụng. Cả hai tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ:

    • Thoát vị bẹn
    • Tinh hoàn xoắn
    • Ung thư tinh hoàn

    Các dị tật bẩm sinh

    Các bất thường khi mới sinh ra ở tinh hoàn, dương vật hoặc thận (bẩm sinh) có thể làm tăng nguy cơ mắc một khối bìu và ung thư tinh hoàn sau này trong cuộc đời.

    Bệnh sử ung thư tinh hoàn

    Nếu đã bị ung thư ở một tinh hoàn, bạn có nguy cơ cao bị ung thư đến tinh hoàn khác. Có bố hay anh em trai đã bị ung thư tinh hoàn cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn.

    Chẩn đoán & điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán khối bìu?

    Bác sĩ dựa vào một số yếu tố sau để chẩn đoán khối bìu:

    • Khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ cảm nhận vùng bìu, các thứ bên trong bìu và các khu vực lân cận vùng bẹn ở tư thế đứng và nằm.
    • Soi đèn. Chiếu ánh sáng rất mạnh qua bìu có thể cung cấp thông tin về kích thước, vị trí và thành phần bên trong khối bìu.
    • Siêu âm. Sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của các cơ quan nội tạng, xét nghiệm này có thể cung cấp thông tin chi tiết về kích thước, vị trí và thành phần bên trong khối bìu, cũng như tình trạng của tinh hoàn. Siêu âm thường là cần thiết để chẩn đoán một khối bìu.
    • Xét nghiệm nước tiểu. Xét nghiệm một mẫu nước tiểu có thể phát hiện nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus hay sự hiện diện của máu hoặc mủ trong nước tiểu.
    • Xét nghiệm máu. Xét nghiệm một mẫu máu có thể phát hiện nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus hoặc nồng độ cao của một số protein nhất định có liên quan đến ung thư tinh hoàn.
    • Cắt lớp vi tính (chụp CT). Nếu các xét nghiệm khác cho thấy dấu hiệu của ung thư tinh hoàn, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang chuyên biệt (chụp CT) ngực, bụng và háng để xem ung thư có lan đến các mô hoặc các cơ quan khác.

    Những phương pháp nào dùng để điều trị khối bìu?

    Nếu khối lượng bìu là kết quả của nhiễm trùng do vi khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh. Nếu nhiễm trùng là do một loại virus, kháng sinh không có tác dụng và điều trị tốt nhất là nghỉ ngơi và uống thuốc giảm đau.

    Tùy thuộc vào kích thước, bác sĩ có thể đơn giản không cần điều trị gì. Nếu khối u không phải ung thư và không gây đau dữ dội hoặc làm bạn khó chịu, điều trị có thể không cần thiết. Nếu khối bìu gây khó chịu, nó có thể được xử lý. Điều này có thể được thực hiện bằng phẫu thuật hoặc dẫn lưu chất lỏng như tràn dịch màng tinh hoàn.

    Nếu khối bìu là do ung thư, một chuyên gia về điều trị ung thư sẽ đánh giá để xác định bạn có đáp ứng tốt với điều trị không. Những yếu tố quan trọng trong việc xác định nếu ung thư đã lan tràn ra ngoài tinh hoàn là tuổi tác và sức khỏe tổng thể. Các yếu tố này cùng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định điều trị ung thư có phải là lựa chọn phù hợp.

    Phương pháp điều trị ung thư bao gồm:

    • Cắt bỏ tinh hoàn triệt để: là điều trị bằng phẫu thuật có liên quan đến việc cắt bỏ các tinh hoàn bị ảnh hưởng và ống nối liền với cơ thể.
    • Xạ trị liên quan đến việc sử dụng chùm tia X cường độ cao để tiêu diệt tế bào ung thư có thể còn sót lại sau khi phẫu thuật.
    • Hóa trị liên quan đến việc sử dụng các loại thuốc mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư.

    Chế độ sinh hoạt phù hợp

    Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý khối bìu?

    Tự kiểm tra tinh hoàn có thể giúp bạn phát hiện sớm khối bìu, từ đó có thể điều trị bệnh kịp thời. Nếu tự kiểm tra thường xuyên, bạn sẽ cảm nhận được vùng bìu “bình thường’ là thế nào và chuẩn bị tốt hơn để phát hiện những bất thường. Để tự kiểm tra tinh hoàn, hãy làm theo các bước sau:

    • Kiểm tra tinh hoàn của bạn mỗi tháng 1 lần, đặc biệt là nếu bạn đã bị ung thư tinh hoàn hoặc bạn có lịch sử gia đình mắc bệnh ung thư tinh hoàn.
    • Thực hiện kiểm tra sau khi tắm nước ấm hoặc vòi hoa sen. Nhiệt từ nước giúp bìu thư giãn, do đó việc kiểm tra sẽ dễ dàng hơn.
    • Đứng trước gương. Kiểm tra da bìu có bị sưng lên không.
    • Nắm nhẹ bìu trong lòng bàn tay để xem có cảm thấy khác biệt so với bình thường.
    • Kiểm tra từng tinh hoàn một bằng cả hai tay. Đặt ngón trỏ và ngón giữa dưới tinh hoàn; đặt hai ngón tay cái phần đỉnh.
    • Nhẹ nhàng trượt tinh hoàn giữa các ngón tay để cảm nhận u cục nếu có. Các tinh hoàn thường mịn, hình ô-van và có phần chắc. Bình thường một tinh hoàn hơi to hơn so với cái kia.
    • Cảm nhận một cấu trúc mềm, hình dấu phẩy dọc chạy dọc lên trên và phía sau tinh hoàn (mào tinh hoàn) để kiểm tra sưng.
    • Nếu bạn tìm thấy một khối u hoặc những bất thường khác, hãy gọi bác sĩ càng sớm càng tốt.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

    Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


    Ngày cập nhật: 11/05/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo